📞

Căng thẳng Nga-Moldova: NATO 'nhảy' vào cuộc 'đấu khẩu', Moscow nói về sự vô trách nhiệm

Thế Việt 07:21 | 02/12/2020
TGVN. Ngày 1/12, trong cuộc họp báo sau hội nghị trực tuyến ngoại trưởng các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho rằng, Nga vi phạm toàn vẹn lãnh thổ của Moldova khi triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình ở Transnistria.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho rằng, Nga vi phạm toàn vẹn lãnh thổ của Moldova khi triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình ở Transnistria. (Nguồn: TASS)

Ông Stoltenberg nói: “Chúng ta đã thấy Nga vi phạm mong muốn của các chính phủ khác nhau trong vùng lân cận của liên minh bằng cách triển khai quân đội, kể cả ở Moldova, ở Transnistria, như thế nào. Đây là hành vi xâm phạm toàn vẹn lãnh thổ của đất nước này”.

Bên cạnh đó, ông Stoltenberg cho hay, Moldova là một đối tác của NATO và "rất mong cơ hội gặp gỡ Tổng thống mới của họ.

Bà Maia Sandu, cựu Thủ tướng 48 tuổi của Moldova vốn có tư tưởng thân châu Âu, đã đánh bại đương kim Tổng thống Igor Dodon được Moscow hậu thuẫn trong cuộc đua tranh chức Tổng thống hồi tháng 11 và dự kiến nhậm chức vào cuối tháng 12. Bà Saudu đã cam kết sẽ cân bằng quan hệ với cả Nga và phương Tây.

Hôm 30/11, trong cuộc họp báo đầu tiên kể từ khi đắc cử, bà Sandu đã kêu gọi quân đội Nga rút quân khỏi vùng Transnistria vì cho rằng, "chưa bao giờ có một thỏa thuận về sự hiện diện của Nga ở khu vực này từ phía Moldova".

Bên cạnh đó, Tổng thống đắc cử Sandu cũng khẳng định, Moldova từ lâu đã cho rằng, lực lượng giám sát dân sự thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác ở châu Âu (OSCE) cần thay thế lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga.

Nga đã triển khai lực lượng tới Transnistria - dải đất hẹp nằm giáp biên giới với Ukraine - kể từ khi khu vực thân Nga này tuyên bố độc lập tách khỏi Moldova trong một cuộc nội chiến ngắn sau khi Liên Xô sụp đổ.

Tuy nhiên, cũng trong ngày 1/12, đáp trả đề xuất này, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng, đề xuất của bà Sandu "không giúp giải quyết dàn xếp" và Moscow "sẽ khó có thể chấp nhận những yêu cầu khá vô trách nhiệm như vậy".

"Mối quan hệ tốt đẹp đòi hỏi phải xem xét các lợi ích chung và những thỏa thuận đã đạt được trước đó", ông Lavrov nói thêm.

(theo TASS)