📞

Căng thẳng Nga-Ukraine: Ai đang cung cấp vũ khí cho Kiev?

Thủy Tiên 16:22 | 20/02/2022
Trong bối cảnh căng thẳng Nga-Ukraine không ngừng leo thang, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã chuyển hàng nghìn tấn vũ khí và đạn dược cho Kiev.
Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksiy Reznikov đăng tải bức ảnh về việc Mỹ cung cấp vũ khí trên tài khoản Twitter của mình. (Nguồn: Twitter)

Gần như mỗi ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksiy Reznikov đều đăng tải những bức ảnh mới trên tài khoản Twitter của mình cho thấy những chiếc máy bay vận tải cỡ lớn chở đầy các thùng chứa vũ khí và đạn dược mà NATO chuyển giao cho Ukraine.

Mục tiêu của hành động này là nâng cao sức mạnh của Ukraine trong bối cảnh Nga đang tăng cường lực lượng quân sự đáng kể ở khu vực biên giới.

Theo chính phủ Ukraine, các đối tác phương Tây đã cung cấp cho Kiev khoản viện trợ quân sự trị giá 1,5 tỷ USD. Cho đến nay, chỉ có Đức từ chối cung cấp vũ khí trang bị cho Ukraine.

Tên lửa chống tăng Javelin và NLAW từ Mỹ và Anh

Trên trang Twitter của mình, Bộ trưởng Reznikov đã đăng tải hình ảnh về những chiếc máy bay đang vận chuyển tên lửa Javelin và NLAW tới Kiev. Nhiều binh sĩ Ukraine rất có thể sẽ lần đầu tiên được trang bị những những loại vũ khí chống tăng mới này trong khuôn khổ cuộc diễn tập quân sự Blizzard 2022 vừa mới diễn ra.

Tên lửa Javelin không yêu cầu bất kỳ hướng dẫn bổ sung nào sau khi được phóng từ vai. Kích thước nhỏ gọn và trọng lượng nhẹ cho phép các vũ khí này có tính cơ động cao.

Kể từ năm 2019, Mỹ đã cung cấp cho Ukraine hệ thống tên lửa và bệ phóng Javelin. Thông tin về số lượng rất khác nhau, nhưng hàng trăm tên lửa chắc chắn đã được cung cấp cho Ukraine kể từ mùa thu năm ngoái. Đồng thời, Mỹ cũng thông qua các nước Baltic vận chuyển tên lửa Javelin từ kho dự trữ của họ tới Ukraine.

Javelin được xem là vũ khí chống tăng tiên tiến nhất thế giới, có khả năng tấn công các mục tiêu như xe bọc thép hay boongke từ cự ly hơn 2.000 mét. Javelin cũng có thể phá hủy xe tăng hạng nặng bằng đòn "tấn công đột nóc", nơi có lớp giáp yếu nhất.

Điểm này cũng tương tự các tên lửa NLAW trong kho vũ khí của Anh, nhưng NLAW có tầm bắn thấp hơn. Giần đây, London cũng cung cấp cho Ukraine khoảng 2.000 tên lửa NLAW.

Chuyên gia Mykola Bielieskov thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc gia của Kiev, cơ quan tư vấn cho Tổng thống Ukraine về những lo ngại an ninh cho biết: "Những hệ thống này chính xác là những gì chúng tôi cần. Chúng khá dễ dàng để tích hợp vào kho vũ khí của quân đội chúng tôi và binh lính có thể nhanh chóng học cách sử dụng. Trong trường hợp bị Nga tấn công, việc triển khai số lượng lớn những hệ thống này sẽ khá hiệu quả. Đó là lý do tại sao chúng tôi yêu cầu số lượng lớn hơn".

Tên lửa phòng không Stinger và GROM từ Mỹ và Ba Lan

Về nhân lực và vũ khí, lực lượng không quân Nga vượt trội hơn nhiều so với Ukraine. Chuyên gia chính sách an ninh Gustav Gressel tại Hội đồng Đối ngoại châu Âu ở Berlin nhận định: "Trong trường hợp bị tấn công, người Nga có thể thiết lập ưu thế trên không trong vòng 2-3 ngày bằng cách tiêu diệt hoàn toàn lực lượng không quân Ukraine và đánh sập hệ thống phòng không".

Nga không chỉ có nhiều máy bay chiến đấu hơn so với Ukraine, mà quân đội nước này còn có khả năng giám sát máy bay, đài phát thanh và radar phòng không của Ukraine, vì công nghệ này do Liên Xô sản xuất. Hơn nữa, theo ông Gressel, các phi công Ukraine có ít giờ bay hơn các phi công Nga vì nhiều máy bay của Kiev đang sửa chữa do thiếu phụ tùng thay thế.

Chính vì vậy, chuyên gia Gressel đánh giá rằng việc nâng cấp hệ thống phòng không có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với Ukraine, nhưng điều này khó có thể thực hiện trong tương lai gần.

"Việc đặt các tên lửa phòng không phức tạp hơn ở Ukraine, chẳng hạn như hệ thống Patriot hoặc IRIS-T SL của Đức, sẽ tạo ra một sức mạnh đáng kể. Tuy nhiên, sẽ mất vài tháng để họ có thể vận hành hiệu quả những hệ thống này. Và chúng ta không có vài tháng để thực hiện", ông Gressel nói.

Vì vậy, trọng tâm vũ khí Ukraine cần bổ sung hiện nay chuyển sang các tên lửa một người vận hành được gọi là Hệ thống phòng không di động có người lái (MANPADS).

Thủ tướng Lithuania Ingrida Simonyte tiết lộ rằng tên lửa Stinger do Mỹ sản xuất sẽ được chuyển giao cho Ukraine trong những ngày tới.

Ngoài ra, Ba Lan cũng đang cung cấp cho Kiev GROM, một loại vũ khí dẫn đường nhiệt tương tự có khả năng tấn công máy bay từ xa tới 3 km. Vì quân đội Ukraine đã có vũ khí tương tự, nên việc huấn luyện cho GROM và Stinger sẽ đơn giản hơn nhiều.

Nhà phân tích Bielieskov cho biết: "Những MANPADS này rất hữu ích vì chúng làm giảm ảnh hưởng các cuộc không kích của Nga. Việc sử dụng một số lượng lớn MANPADS không thể bắn hạ mọi máy bay và trực thăng của Nga. Tuy nhiên, Nga sẽ phải trả giá rất đắt nếu tiến hành một cuộc tấn công".

Máy bay không người lái Bayraktar từ Thổ Nhĩ Kỳ

Trong những năm gần đây, Ukraine đã mua ít nhất 20 máy bay không người lái Bayraktar TB2 từ Thổ Nhĩ Kỳ (một thành viên NATO).

Các máy bay không người lái này có thể được trang bị động cơ sản xuất tại Ukraine. Ukraine cũng đã có được giấy phép sản xuất máy bay không người lái Bayraktar. Tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov đã công bố việc xây dựng một nhà máy phục vụ cho mục đích này.

Máy bay Bayraktar của Thổ Nhĩ Kỳ có khả năng do thám, được trang bị tên lửa và bom dẫn đường bằng laser. Vào cuối tháng 10, máy bay Bayraktar của quân đội Ukraine đã phá hủy một tổ hợp pháo của phe thân Nga tại miền Đông nước này.

Các máy bay không người lái như Bayraktar cho phép các đội quân kém hơn về mặt quân sự gây tổn thất cho đối thủ mạnh hơn. Trong cuộc xung đột giữa Azerbaijan và Armenia năm 2020, các hệ thống phòng không từ thời Liên Xô được tiết lộ hầu như không hiệu quả so với các máy bay không người lái đương đại như Bayraktar. Tuy nhiên, liệu điều này có đúng với các hệ thống phòng không đất đối không do Nga sản xuất sau này như Pantsir S1 hay không vẫn còn là một vấn đề gây tranh cãi.

Theo Bộ Quốc phòng Ukraine, máy bay không người lái Bayraktar cũng được sử dụng trong cuộc tập trận quân sự Blizzard 2022.

Mỹ, Anh và các nước thành viên NATO khác đã gửi nhiều vũ khí và khí tài quân sự tới Kiev trong những ngày căng thẳng Nga-Ukraine gần đây. (Nguồn: Getty)

Đạn dược từ Ba Lan, Czech và các quốc gia khác

Ngoài tên lửa một người vận hành và các thiết bị bảo vệ như mũ bảo hiểm và áo khoác, các thùng hàng hiện đang hạ cánh trên máy bay vận tải tại sân bay Kiev phần lớn chứa đầy đạn dược. Số đạn dược tới Ukraine đến từ nhiều quốc gia khác nhau, bao gồm Czech hay Ba Lan...

Theo Viện hòa bình SIPRI có trụ sở tại Stockholm, ngoài các quốc gia đã được đề cập từ trước, các thành viên NATO là Canada và Pháp đã cung cấp vũ khí cho Ukraine kể từ năm 2014. Các chuyến hàng từ Anh và đặc biệt là Mỹ đã tăng đáng kể trong những tuần gần đây. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Reznikov, Mỹ đã cung cấp 1.300 tấn vũ khí cho Ukraine.

Mới đây nhất, ngày 19/2, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine cho biết nước này đã đón chiếc máy bay chở đầy súng máy, thiết bị giám sát và súng trường như một phần của gói hỗ trợ quân sự của Canada.

Đức từ chối cung cấp vũ khí

Bình luận về việc Đức từ chối cung cấp vũ khí cho Ukraine, chuyên gia Gressel cho biết: "Điều này sẽ không ảnh hưởng nhiều đến các tính toán quân sự của Tổng thống Nga. Tuy nhiên, nó có thể gây ra một số ảnh hưởng về mặt chính trị. Xét tới cùng, trong trường hợp bị tấn công, Nga sẽ phải đối mặt với các hình phạt. Việc chuyển giao vũ khí này cũng làm tăng thêm tính hợp pháp của các mối đe dọa trừng phạt".

Những quốc hội thông qua quyết định cung cấp vũ khí cho Kiev sẽ không ngại áp dụng các biện pháp trừng phạt Moscow trong trường hợp khẩn cấp.

"Về vấn đề này, việc ngày càng có nhiều quốc gia châu Âu cung cấp vũ khí cho Ukraine, ngay cả khi đó chỉ đơn giản là đạn pháo lỗi thời, là một tín hiệu chính trị cho Moscow", ông Gressel nhấn mạnh.

(theo DW)