📞

Căng thẳng ngoại giao thành căng thẳng quân sự

10:24 | 26/02/2016
Nhận định của phóng viên Frédéric Lelièvre, thường trú tại Hongkong đăng trên Báo Le Temps, Thụy Sỹ ngày 25/2 trong bài viết "Quân sự hóa tại Biển Đông".
S

Hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông hôm 3/2 (trái), và hôm 21/2 (phải). Nguồn: Sat International

Xin giới thiệu bài viết này.

Việc Trung Quốc đưa tên lửa và radar đến những hòn đảo đang tranh chấp chủ quyền đánh dấu một bước leo thang căng thẳng trong khu vực.

Tên lửa, radar và các máy bay chiến đấu được đưa đến một nhóm các hòn đảo nhỏ chiến lược. Chỉ trong vòng vài ngày, Trung Quốc đã cho thấy các căng thẳng ngoại giao tại Biển Đông đã trở thành các căng thẳng quân sự. Căng thẳng liên quan những lãnh thổ mà chủ quyền đang tranh chấp nằm ngoài khơi Việt Nam, Philippines, và Malaysia. Theo một số tính toán, Trung Quốc đòi đến 90% trong tổng số 3,5 triệu km2 tại vùng biển này.

Ngày 24/2, Mỹ cho biết các máy bay chiến đấu của quân đội Trung Quốc đã được đưa đến đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa. Cũng trên hòn đảo này, tuần vừa qua Trung Quốc đã triển khai một dàn tên lửa đất đối không. Đô đốc phụ trách Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ đã nhận xét Trung Quốc "rõ ràng đang quân sự hóa" các hòn đảo nhân tạo trong những năm vừa qua.

Theo Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, việc quân sự hóa này là "đáng tiếc" và là nguồn gốc "mối lo ngại lớn của những nhà hàng hải" đi qua vùng biển nơi một phần ba lượng hàng hóa của thế giới phải quá cảnh. Trong cuộc gặp với ông Kerry, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã đáp lại rằng các công trình này "nhất quán với quyền bảo vệ của Trung Quốc".

Bước ngoặt

"Việc Trung Quốc xây dựng các công trình này cho thấy cuối cùng chúng sẽ được sử dụng vào mục đích quân sự, nhưng chúng ta đang chứng kiến một bước ngoặt vì việc quân sự hóa đang bước vào một giai đoạn cụ thể", Sébastien Collin, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu của Pháp về Trung Quốc đương đại nhận định. Ông S. Collin hiện đang phối hợp với Đại học Baptiste Hongkong tổ chức một loạt các hội thảo về chủ đề này. Nhà nghiên cứu này đặc biệt quan tâm đến vấn đề làm chủ các vùng biển mà Mỹ có lợi ích kể từ khi kết thúc chiến tranh thế giới thứ hai.

"Việc quân sự hóa là không thể tránh khỏi", Li Mingjiang, giáo sư Đại học Nanyang Singapore, khẳng định. "Trung Quốc đang đẩy nhanh tiến độ tại những khu vực mà nước này coi là thuộc chủ quyền của họ. Hơn nữa, Trung Quốc đã đầu tư hàng tỷ để phát triển các hòn đảo nhỏ này".

Tháng 9/2015, trong chuyến thăm Mỹ, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố sẽ không quân sự hóa các đảo này. "Có một khoảng cách giữa lời nói và hành động. Điều đó gây mất trật tự", S. Collin nói thêm.

Trong tương lai, Li Mingjiang lo ngại khả năng va chạm giữa hai siêu cường Trung - Mỹ. Ông cho rằng, các tàu cá của Trung Quốc sẽ được đưa ra để ngăn tàu tuần tiễu của Mỹ trong khu vực.

Sự cố đáng lo ngại

Ông Trần Trường Thủy, đến từ Học viện Ngoại giao Việt Nam, cũng bày tỏ lo ngại về "những sự cố mới" giữa Trung Quốc và Mỹ. Hà Nội cho rằng việc đưa những tên lửa lên đảo Phú Lâm là "vi phạm nghiêm trọng" chủ quyền của mình. Ông Thủy nhận định: "Các nước lớn trong khu vực không muốn đứng về bên nào giữa Trung Quốc và Mỹ", bởi vì quan hệ kinh tế với người hàng xóm khổng lồ quá quan trọng. Ngay cả khi đang giảm tốc, kinh tế Trung Quốc vẫn giữ vai trò rất lớn. Nhất là khi Trung Quốc đang lôi kéo các nước này bằng hàng tỷ đầu tư vào hạ tầng cơ sở qua việc xây dựng "con đường tơ lụa mới".

Điều đó giải thích tại sao nhiều chuyên gia khu vực cố giảm thiểu tầm quan trọng của việc quân sự hóa này. Chin Yoon Chin, Đô đốc đã nghỉ hưu và là giám đốc Viện hải dương học Malaysia nói: "Đừng thổi phồng. Cho đến nay, chưa một con tàu nào bị cản trở việc đi lại. Tóm lại là không có xung đột. Hơn nữa, cần phải có thêm ít nhất 5 năm nữa, những cơ sở quân sự của Trung Quốc mới có thể đi vào hoạt động thực sự. Các phương tiện truyền thông, đặc biệt là ở Mỹ, cho rằng vẫn còn những khó khăn kỹ thuật để đưa các cơ sở này vào hoạt động", ông nhận định.  

Tuy nhiên, Li Mingjiang cho rằng, một quyết định pháp lý có thể sẽ "thay đổi cục diện". Đó là quyết định trọng tài của Tòa thường trực tại La Haye giữa Philippines và Trung Quốc về nhiều khu vực lãnh thổ. Quyết định pháp lý này đang được dư luận mong đợi từ nay cho đến mùa hè.

(Tin do ĐSQ Việt Nam tại Thụy Sĩ cung cấp)