📞

Căng thẳng Pháp-Australia hậu AUKUS: Nga nhắc nhẹ vụ Moscow từng bị Paris 'bùng' hợp đồng

Việt Hà 10:31 | 17/09/2021
Ngày 16/9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tỏ ra ngạc nhiên trước phản ứng của Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian về quyết định của Australia hủy bỏ thỏa thuận đóng tàu ngầm với Paris.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng, việc phá vỡ hợp đồng với Pháp là chuyện thường tình. (Nguồn: Sputnik)

Trước đó trên đài phát thanh France Info, Ngoại trưởng Le Drian tuyên bố, Paris coi việc Australia phá vỡ hợp đồng đóng tàu ngầm làm suy giảm lòng tin và đặt câu hỏi về cách hành xử của Mỹ.

Ngoại trưởng Pháp cũng nói ông "tức giận và cay đắng" trước tình hình hiện tại, lưu ý rằng "các đồng minh không hành xử như vậy" và đó "thực chất là một nhát dao đâm sau lưng".

Bà Zakharova viết trên kênh Telegram cá nhân: "Sự tức giận và cay đắng đến từ đâu? Việc phá vỡ hợp đồng đối với Pháp dường như là chuyện thường tình. Năm 2015, Paris đã hủy bỏ thỏa thuận với Nga về hai tàu Mistral. Hay đó chỉ là những nhát dao mà các ngài cảm thấy ở lưng mình?”.

Nga và Pháp ký hợp đồng đóng hai tàu đổ bộ lớp Mistral vào tháng 6/2011. Pháp được cho là sẽ chuyển giao con tàu đầu tiên vào tháng 11/2014, nhưng do các sự kiện ở Ukraine và việc áp đặt các lệnh trừng phạt đối với LB Nga, Tổng thống François Hollande đã quyết định đình chỉ hợp đồng.

Mùa Hè năm 2015, hợp đồng bị chấm dứt. Kết quả là Paris đã trả lại cho Moscow 949,7 triệu Euro và các con tàu sau đó được bán cho Ai Cập.

Có vẻ như giờ đây, Paris đang phải hứng chịu cảm giác tương tự Moscow năm 2015, khi ngày 15/9, Anh, Mỹ và Australia đã thông báo về việc thành lập Đối tác An ninh ba bên Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AUKUS).

Là một phần của sáng kiến này, Australia sẽ nhận được công nghệ tàu ngầm hạt nhân của Mỹ trong vòng 18 tháng tới. Tàu ngầm sẽ được đóng tại Adelaide. Điều này dẫn tới việc Thủ tướng Australia Scott Morrison tuyên bố nước này hủy thỏa thuận với Pháp về việc đóng tàu ngầm ký năm 2016.

Khi đó, tập đoàn đóng tàu Pháp DCNS đã trúng thầu đóng hạm đội tàu ngầm mới cho Australia gồm 12 tàu ngầm mới. Đức và Nhật Bản cũng tham gia đấu thầu. Đây là đơn hàng quốc phòng lớn nhất trong lịch sử Australia, trị giá khoảng 36,5 tỷ USD.

(theo Tellerreport)