Trong bài viết trên trang news.com.au ngày 9/6, nhà báo Ben Graham nhận định, mặc dù có những căng thẳng nhưng quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và Australia trong thời gian qua dường như trở nên bền chặt hơn, được minh chứng bởi kim ngạch thương mại hai chiều vẫn tăng ở mức đáng kinh ngạc.
Số liệu thống kê mới cho thấy, mối quan hệ thương mại Trung Quốc-Australia đơn giản là không thể thiếu nhau. (Nguồn: Getty) |
Thương mại bùng nổ
Dữ liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho thấy, 5 tháng đầu năm 2021, tổng giá trị thương mại giữa Australia và Trung Quốc đã tăng đến 32,6% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 62,4 tỷ USD (80,7 AUD), nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đã nhập khẩu từ Australia tăng với tốc độ nhanh nhất trong một thập niên qua.
Điều thú vị này xảy ra bất chấp mối quan hệ "trệch đường ray" giữa hai quốc gia dẫn đến bế tắc thương mại mà nhiều nhà kinh tế từng dự đoán rằng sẽ gây tổn hại nghiêm trọng cho Australia.
Mới nhất, Trung Quốc đã tìm cách đánh vào mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Australia là quặng sắt bằng cách mở rộng nguồn cung từ các quốc gia khác.
Mục tiêu của Bắc Kinh là giảm giá quặng sắt (khi mặt hàng này đạt mức kỷ lục hơn 230 USD/tấn vào tháng trước) để tiết kiệm chi phí đầu vào cho ngành sản xuất công nghiệp. Tuy nhiên, trong tháng qua, kế hoạch này đã không đạt kết quả như mong muốn.
Tuần trước, giá quặng sắt tăng chuỗi 6 ngày tăng liên tiếp, trong đó có mức tăng 10,3% vào ngày 2/6.
Đầu tuần này, giá giảm nhẹ xuống còn 202,85 USD/tấn, nhưng đây vẫn là mức cao so với mục tiêu hạ giá của Trung Quốc.
Hiện tại, với kế hoạch phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, Bắc Kinh đang cần mua số lượng lớn quặng sắt phục vụ cho ngành sản xuất thép nhằm kiến thiết các công trình cơ sở hạ tầng đầy tham vọng. Và, các số liệu thống kê mới nhất dưới đây cho thấy quốc gia châu Á đang mua nhiều quặng sắt đến nhường nào!
5 tháng đầu năm 2021, tổng sản lượng quặng sắt nhập khẩu của Trung Quốc tăng 6% lên 444,89 triệu tấn, còn tính theo giá trị cũng đã tăng vọt 85,7% lên 40,4 tỷ USD (52 tỷ AUD).
Bất chấp kế hoạch mở rộng nguồn cung, Trung Quốc vẫn đang phụ thuộc lớn vào Australia và Brazil về quặng sắt. Trong khi đó, các mỏ quặng ở quốc gia Mỹ Latinh không thể hoạt động do đại dịch Covid-19.
Xu hướng giảm?
Những con số thống kê cho thấy tín hiệu tốt đối với nền kinh tế Australia, mở ra cơ hội cho các công ty khai thác tăng xuất khẩu. Tuy nhiên, theo tác giả bài báo, có những dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang giảm dần nhập khẩu quặng sắt từ xứ sở kangaroo.
Tính riêng trong tháng 5, Bắc Kinh nhập khẩu 89,8 triệu tấn quặng sắt, thấp hơn đáng kể so với 98,6 triệu tấn vào tháng 4 và 102,1 triệu tấn trong tháng 3.
Tổng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc từ Australia trong tháng 5 đạt 13,6 tỷ USD, thấp hơn so với 14,9 tỷ USD vào tháng 4.
Dựa trên những dấu hiệu của thị trường, công ty tư vấn Capital Economics dự đoán, Bắc Kinh sẽ giảm dần lượng quặng sắt mua từ Canberra trong những tháng tới.
Trao đổi với Australian Financial Review, các chuyên gia kinh tế cho rằng, mức sụt giảm nhập khẩu quặng sắt của Trung Quốc trong tháng 5 có thể là do tác động của các yếu tố khách quan, chẳng hạn như sự gián đoạn chuỗi cung ứng bởi thời tiết khắc nghiệt.
Theo các nhà kinh tế, sự gián đoạn chuỗi cung ứng đã ảnh hưởng tới kim ngạch xuất nhập khẩu, ngay cả khi thị trường tiêu dùng đang dần trở lại bình thường sau đại dịch Covid-19 và việc tiêm vaccine phòng bệnh đang được triển khai tích cực ở châu Âu và Bắc Mỹ.
Ông Julian Evans Pritchard, nhà kinh tế cấp cao của Capital Economics nói: “Chúng tôi cho rằng kim ngạch thương mại giữa hai nước sẽ giảm trong những quý tới”.
Dựa trên những dấu hiệu của thị trường, công ty tư vấn Capital Economics dự đoán, Bắc Kinh sẽ giảm dần lượng quặng sắt mua từ Canberra trong những tháng tới. (Nguồn: Global Times) |
Nhu cầu phục hồi toàn cầu
Thống kê chính thức cho thấy xuất khẩu của Trung Quốc tăng 27,9% trong tháng 5, còn nhập khẩu tăng với tốc độ nhanh nhất trong hơn một thập niên qua khi kinh tế toàn cầu đang dần phục hồi sau cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, các con số thống kê tích cực của năm nay dựa trên cơ sở so sánh với mức tăng trưởng tương đối thấp của năm 2020 khi Covid-19 đang hoành hành ở quốc gia châu Á.
Tuy lượng xuất khẩu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng trưởng mạnh (hơn 27%) nhưng vẫn thấp hơn mức kỳ vọng là 32%.
“Thành thật mà nói, đó là một thành tích xuất sắc và nó cho thấy rằng nhu cầu tiêu dùng của thế giới vẫn còn rất mạnh mẽ”, CEO của tập đoàn OANDA Jeffrey Halley cho biết.
Cũng trong tháng 5, tăng trưởng nhập khẩu của Bắc Kinh đạt mức cao nhất kể từ tháng 1/2011, ở mức 51,1% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng cũng thấp hơn một chút so với kỳ vọng được thể hiện trong cuộc thăm dò ý kiến của các nhà phân tích Bloomberg.
Theo cơ quan hải quan Trung Quốc, xuất nhập khẩu của nước này với các đối tác thương mại lớn, bao gồm ASEAN, Liên minh châu Âu và Mỹ, đã tăng trong 5 tháng đầu năm nay.
Ông Jonathan Cavenagh, chiến lược gia thị trường cấp cao tại Informa Global Markets, nói với Bloomberg TV: “Đó vẫn là một bộ số khá tích cực. Chúng tôi biết rằng nhu cầu toàn cầu vẫn đang phục hồi và xu hướng đó có thể sẽ tiếp tục vào cuối quý II và sang quý III khi các nền kinh tế phát triển mở cửa trở lại”.
Con số xuất khẩu thấp hơn dự kiến có thể là do sự gián đoạn tại các cảng biển bởi các biện pháp kiểm soát Covid-19 chặt chẽ hơn vào cuối tháng 5 sau khi phát hiện nhân viên tại đây mắc Covid-19.
“Tôi nghĩ rằng đã có một số gián đoạn trong tháng 5 ở các cảng”, nhà kinh tế trưởng của ING Greater China Iris Pang cho biết khi đề cập tình trạng tắc nghẽn gần đây tại cảng Yantian, miền Nam Trung Quốc.
Bà Pang nói thêm rằng sự cố tắc nghẽn kênh đào Suez hồi tháng 3 cũng đã ảnh hưởng đến kim ngạch xuất nhập khẩu của Bắc Kinh.
Còn nhà kinh tế trưởng Lu Ting của Nomura Trung Quốc lưu ý rằng, có các yếu tố đằng sau việc tăng trưởng nhập khẩu, đó là giá hàng hóa tăng và đồng Nhân dân tệ tăng giá mạnh.
Ngày 7/6, các nhà chức trách Trung Quốc cho biết, khối lượng và giá nhập khẩu quặng sắt, dầu thô và đậu nành đã tăng.
Thặng dư thương mại tổng thể của Trung Quốc đạt 45,53 tỷ USD vào tháng 5, giảm 26,5% so với cùng kỳ năm ngoái.