Trong kế hoạch tái cấu trúc nền kinh tế Mỹ của Tổng thống Biden có mục tiêu cổ vũ "người lao động cổ xanh". (Nguồn: Ricardo Rey/The Economist) |
Trong hai năm qua, Quốc hội Mỹ đã thông qua ba dự luật về cơ sở hạ tầng, chip bán dẫn và xanh hóa, giảm lạm phát. Chúng bị giới quan sát đánh giá là phức tạp và dễ nhầm lẫn ngay từ tên gọi. Những cái tên rất dễ gây nhầm lẫn như “Đạo luật giảm lạm phát mà không thực sự liên quan đến lạm phát và chắc chắn sẽ không làm giảm lạm phát”, tờ The Economist bình luận.
Tuy nhiên, điều quan trọng là những dự luật này sẽ cùng nhau dẫn đến việc chi 2.000 tỷ USD với mục đích tái thiết nền kinh tế Mỹ.
Từ ý tưởng đến hành động mạnh tay
Ý tưởng là, với hành động của chính phủ, nước Mỹ có thể tự tái công nghiệp hóa, củng cố an ninh quốc gia, vực dậy những nơi bị bỏ lại phía sau, cổ vũ những “người lao động cổ xanh” và đồng thời giảm đáng kể lượng khí thải carbon.
Đây là chính sách công nghiệp có định hướng và tham vọng nhất của nước Mỹ trong nhiều thập niên.
Vậy "khoản đặt cược khổng lồ" của Tổng thống Mỹ Biden vào việc chuyển đổi nước Mỹ đang như thế nào?
Giới phân tích nhận định, Tổng thống Mỹ Joe Biden đang tham gia một “canh bạc chính trị” mang tính thời đại bằng cách hành động trên rất nhiều mặt trận.
Ngồi sau tay lái của một chiếc xe điện sản xuất tại Detroit và lái xe về phía Nam nước Mỹ, những đường nét của một thành phố từng là điển hình cho sự suy thoái công nghiệp mờ dần trong gương chiếu hậu.
Đến Ohio - nơi đang dần phát triển thành “thủ phủ” xe điện. Trong một nhà máy mới rộng lớn - nơi coi Lầu Năm Góc cũng chính là một trong những khách hàng lớn nhất của mình, pin, chất bán dẫn, cũng như các linh kiện cho dòng xe của tương lai này đang được phát triển sản xuất.
Nạp điện bằng truyền tải điện từ một trong những nhà máy hạt nhân mới của vùng Tây Virginia, chúng ta bắt đầu hành trình tiếp theo vào vùng trung tâm.
Sau những trang trại gió vô tận của Kansas, bạn lái xe qua những cánh đồng năng lượng mặt trời rộng lớn của Oklahoma, sau đó quay trở lại bờ biển vùng vịnh. Chuyến đi kết thúc bên dòng nước với ánh mặt trời rực rỡ, lấp lánh bên một nhà máy hydro xanh tươi.
Đó là nước Mỹ vào năm 2033, nếu chính quyền Tổng thống Biden thực hiện đúng theo mục tiêu đã đặt ra. Trong hai năm qua, Quốc hội đã thông qua ba dự luật, về cơ sở hạ tầng, chip bán dẫn và cây xanh, sẽ cung cấp 2.000 tỷ USD để định hình lại nền kinh tế.
Theo giới phân tích, ông Biden không có lựa chọn nào khác.
Cách duy nhất để chiếm đa số ủng hộ trong Quốc hội Mỹ là thúc đẩy mong muốn của đảng Dân chủ hành động vì mục tiêu chống biến đổi khí hậu, trước những lo lắng của phe Cộng hòa về mối đe dọa từ Trung Quốc và nhu cầu giải quyết những nơi “bị bỏ lại phía sau” ở chính trung tâm nước Mỹ.
Mục tiêu tham vọng?
Theo những cách riêng, mỗi mối quan tâm này đều đúng. Mục tiêu chính trị thường ràng buộc với các mục tiêu khác của quốc gia, chính là những yếu tố đưa nước Mỹ phát triển vượt bậc. Nhưng các mục tiêu đôi khi lại bị xung đột, chủ nghĩa bảo hộ sẽ khiến các đồng minh tức giận, còn các khoản trợ cấp quá mức có thể lại kém hiệu quả.
Để xem điều gì đang diễn ra, hãy dõi theo "dòng tiền khủng" mà Tổng thống Biden đã quyết tâm đem ra “đánh cược”.
Đạo luật Cơ sở hạ tầng cung cấp 1.200 tỷ USD trong vòng 10 năm, đầu tư cho mạng lưới đường, cầu và hệ thống dây cáp xanh mới.
Đạo luật chip và khoa học, thúc đẩy sản xuất chất bán dẫn ở Mỹ, sẽ chi ra 280 tỷ USD.
Đạo luật Giảm lạm phát sẽ bao gồm 400 tỷ USD trợ cấp cho công nghệ xanh trong 10 năm. Một số nhà phân tích cho rằng, con số thực sẽ là 800 tỷ USD.
Tiền chỉ là một phần của “bức tranh”. Cùng với đó là rất nhiều quy tắc, từ yêu cầu pin phải được sản xuất ở Bắc Mỹ, đến các hạn chế đối với xuất nhập khẩu công nghệ vì lý do an ninh quốc gia.
Một kế hoạch khổng lồ có quá nhiều mục tiêu khác nhau không chỉ đơn giản là thành công hay thất bại. Hậu quả đầy đủ của nó có thể không thể thấy được trong nhiều năm.
Tuy nhiên, các chuyên gia của The Economist cho rằng, những tháng tới, các gói cải cách của Tổng thống Biden chắc chắn sẽ thay đổi nước Mỹ một cách sâu sắc, theo cách này hoặc cách khác.
Tuy nhiên, bạn không cần phải là Ayn Rand (Triết gia hàng đầu nước Mỹ) để đặt câu hỏi, liệu chính phủ có quản lý được một loạt dự án đầy tham vọng như vậy hay không.
Ví dụ, hững người theo chủ nghĩa môi trường Mỹ - đặt việc bảo tồn lên hàng đầu, đã phải mất hơn một thập niên để có được các giấy phép cần thiết nhằm kết nối một dự án tái tạo ở Wyoming với lưới điện của California. Nếu tương tự vậy, các ngành sẽ đều phải tập trung vào mục tiêu vận động hành lang hơn là đổi mới và cạnh tranh, thì chi phí sẽ đội lên rất lớn.
Ngoài ra, có một số mục tiêu sẽ trái ngược với nhau. Không còn nghi ngờ, việc gia tăng số lượng công việc và tiền lương ở Mỹ sẽ tốt cho tầng lớp người lao động. Nhưng nếu các ngành sản phẩm xanh như tua-bin gió trở nên đắt đỏ hơn, thì quá trình chuyển đổi xanh chắc chắn sẽ đội vốn đầu cư lên cao hơn.
Và nếu các quốc gia phương Tây khác đánh mất các ngành công nghiệp quan trọng vào tay Mỹ khi Washington thực hiện trợ cấp hoặc hạn chế nhập khẩu theo Đạo luật, thì các liên minh làm nền tảng cho an ninh của Mỹ sẽ bị ảnh hưởng.
Thật vậy, toàn bộ doanh nghiệp có thể khó thành công vì thiếu nhân công giá cả phải chăng. Kế hoạch cũng sẽ không bao giờ tạo ra nhiều việc làm ổn định cho tầng lớp lao động, bởi robot điều khiển dây chuyền lắp ráp đang trở thành nhân tố chủ đạo trong sản xuất.
Nước Mỹ cũng có thể gặp khó khăn trong việc tìm đủ lực lượng công nhân xây dựng ngắn hạn cần thiết để xây dựng cơ sở hạ tầng xanh, khi tỷ lệ thất nghiệp ở mức 3,5% - mức thấp nhất trong 50 năm. Nhập cư nhiều hơn có thể giúp lấp đầy chỗ trống đó, nhưng nó bị hạn chế. Các chính sách nhằm giúp phụ nữ tham gia lại thị trường lao động, chẳng hạn như giáo dục sớm, đã bị loại bỏ khỏi kế hoạch của ông Biden.
Do đó, trợ cấp xanh có nguy cơ bị chuyển sang chi phí tiền lương cao hơn.
Phúc đáp các câu hỏi liên quan đến các gói cải cách kinh tế, chính quyền của Tổng thống Biden tin tưởng rằng, nếu Mỹ có thể phát triển các công nghệ mới, xây dựng chuỗi cung ứng ít phụ thuộc vào Trung Quốc hơn và giảm chi phí cho các nguồn năng lượng sạch, thì mọi người sẽ đều tốt hơn.
Mỹ có những lợi thế đáng kể, với thị trường nội địa phong phú, đất nước rộng lớn để xây dựng các trang trại năng lượng mặt trời và gió, đường ống vận chuyển hydro và hồ chứa để lưu trữ carbon. Các trường đại học và vốn đầu tư mạo hiểm đều sẵn sàng để nước Mỹ trở thành một trung tâm đổi mới xanh.
Đất nước này cũng là trung tâm có thể thu hút nhiều khoản đầu tư nước ngoài song song, cùng phát triển với các khoản trợ cấp.
Và cuối cùng, các gói chính sách trên đã nhận được một mức độ đồng thuận chính trị tại lưỡng viện. Mặc dù các đảng viên Cộng hòa ít quan tâm hơn đến “màu xanh lá cây”, nhưng họ thậm chí còn có quan điểm cứng rắn hơn đối với Trung Quốc và theo chủ nghĩa bảo hộ nhiều hơn.
Tuy nhiên, theo giới phân tích, để đạt được những mục đích tốt đẹp, có ba yêu cầu nền kinh tế Mỹ cần phải đạt được.
Đầu tiên, nỗ lực thúc đẩy ngành công nghiệp trong nước cần phải được kết hợp với một chương trình ngoại giao thương mại bền vững. Một cách để xây dựng một khối ủng hộ quá trình chuyển đổi xanh rẻ hơn là cho phép hàng hóa sản xuất ở nước ngoài tiếp cận với các khoản trợ cấp của Mỹ (miễn là chúng không phải của Trung Quốc, Iran hoặc Nga).
Thứ hai, các khoản trợ cấp nên nghiêng về các công nghệ chưa khả thi về mặt thương mại, chẳng hạn như các loại lò phản ứng hạt nhân mới, thu hồi và lưu trữ carbon.
Chi phí nhân công cao đã chi trả cho việc sản xuất các tấm pin mặt trời có thể nên được chuyển tới nơi sản xuất với giá rẻ hơn để tránh lãng phí.
Thứ ba, để xây dựng cơ sở hạ tầng mới được trợ cấp, Mỹ cũng cần cải cách luật cấp phép của mình, thay thế bằng luật liên bang hiện nay để cải tổ những điểm nghẽn ở tiểu bang và địa phương.
Dù tốt hay xấu, sắp tới, kế hoạch tái thiết nền kinh tế của ông Biden sẽ thay đổi nước Mỹ một cách sâu sắc. Nó có thể thành công trong việc giúp đối phó với một Trung Quốc ngày càng cứng rắn, ngăn cử tri ở nhà ủng hộ một nền chính trị cấp tiến, đồng thời thách thức những dự đoán u ám hơn về tác động của biến đổi khí hậu.
Nhưng đừng ảo tưởng khi tin rằng, cách đối phó với ba vấn đề quá khó một cách riêng rẽ, là giải quyết tất cả chúng cùng một lúc.