📞

Cảnh báo khí hậu Trái đất đang ở mức xấu kỷ lục

Trung Hiếu 13:50 | 02/11/2022
Báo cáo mới của Liên minh Các nhà khoa học quốc tế cho thấy, tình hình khủng hoảng khí hậu nghiêm trọng trên Trái đất đang ở mức xấu kỷ lục, với 16 trong số 35 dấu hiệu khí hậu quan trọng bị đánh mã đỏ (code red).
Biến đổi khí hậu làm tăng nguy cơ cháy rừng. (Nguồn: AFP)

Những dấu hiệu trên đang thiết lập một kỷ lục mới về độ cực đoan của cuộc khủng hoảng khí hậu.

Theo báo cáo vừa được công bố trên tạp chí BioScience, dự đoán mức độ nóng lên toàn cầu sẽ tăng thêm 3 độ C vào năm 2100. Mức tăng nhiệt độ này chưa từng xảy ra trên Trái đất ​​trong khoảng 3 triệu năm qua.

Ngoài ra, số lượng các thảm họa liên quan đến khí hậu cũng đang leo thang.

Với việc thiên tai xảy ra thường xuyên hơn và thời tiết trở nên rất thất thường, Liên minh Các nhà khoa học quốc tế đang kêu gọi các chính phủ và người dân trên thế giới quan tâm đến biến đổi khí hậu một cách nghiêm túc hơn - ngụ ý rằng những tác động của biến đổi khí hậu trong tương lai gần sẽ càng trở nên rõ rệt.

Nhà sinh thái học Christopher Wolf của Đại học bang Oregon (Mỹ) nói: “Như chúng ta có thể thấy qua những đợt thiên tai khí hậu đang tăng lên hằng năm, chúng ta đang ở giữa một cuộc khủng hoảng khí hậu lớn, và điều tồi tệ hơn sẽ xảy ra nếu chúng ta tiếp tục làm mọi thứ theo cách mình đã làm”.

Một số vấn đề mà nhóm nghiên cứu chỉ ra gồm tần suất ngày càng tăng của các hiện tượng nắng nóng khắc nghiệt; tỷ lệ cây cối bị mất đi trên toàn cầu ngày càng tăng (cháy rừng là nguyên nhân chính) và nhiều trường hợp nhiễm virus sốt xuất huyết hơn do muỗi truyền.

Bên cạnh đó, còn có vấn đề mức độ carbon dioxide (CO2) trong khí quyển hiện đang ở mức cao nhất: 418 phần triệu.

Các dấu hiệu quan trọng khác được các nhà khoa học theo dõi bao gồm sự bất thường về nhiệt độ bề mặt Trái đất, sự sụt giảm khối lượng băng ở Nam Cực, sự tăng độ axit của đại dương và những trận lũ lụt lớn ở Mỹ.

Báo cáo cũng đề cập nhiều sự kiện liên quan đến biến đổi khí hậu vừa xảy ra trong năm 2022, như đợt hạn hán kỷ lục ở châu Âu trong 500 năm qua; lượng mưa kỷ lục ở vùng ven biển phía Đông Australia; đợt nắng nóng chết người ở Ấn Độ và Pakistan…

Báo cáo dẫn lời nhà khoa học về phát triển bền vững Saleemul Huq thuộc Đại học Independent (Bangladesh) cho biết: "Để tránh có thêm những thảm họa cho con người, chúng ta cần bảo vệ thiên nhiên, loại bỏ hầu hết khí thải từ nhiên liệu hóa thạch, hỗ trợ người dân thích nghi với khí hậu, tập trung vào các nhóm người có thu nhập thấp dễ bị tổn thương nhất”.

Nhóm nghiên cứu cũng thực hiện một bộ phim tài liệu dài 35 phút có tiêu đề “Lời cảnh báo của nhà khoa học” nhằm nâng cao nhận thức của xã hội về biến đổi khí hậu.

(theo BioScience)