Tổ chức Save the Children đưa ra cảnh báo trên sau khi các số liệu mới nhất cho thấy dịch tả bùng phát từ tháng 4 năm ngoái tại Yemen đã khiến hơn 425.000 người nhiễm bệnh và cướp đi sinh mạng của hơn 1.900 người.
Theo tổ chức này, trẻ em dưới 15 tuổi hiện chiếm khoảng 44% trường hợp nhiễm bệnh mới và chiếm 32% số ca tử vong ở Yemen, nơi cuộc nội chiến tàn phá và suy sụp kinh tế đã khiến hàng triệu người có nguy cơ bị đói.
Một trẻ em Yemen suy dinh dưỡng nằm chờ được điều trị tại bệnh viện. |
Liên hợp quốc cũng dự báo sẽ có hơn 20,7 triệu người Yemen cần được trợ giúp, so với con số trước đó là 18,8 triệu người trong khi dân số nước này là khoảng 28 triệu người.
Giám đốc Save the Children tại Yemen, ông Tamer Kirolos, cho biết suy dinh dưỡng và bệnh dịch tả đều có thể dễ dàng giải quyết nếu người dân Yemen được hưởng các điều kiện chăm sóc sức khỏe cơ bản.
Tuy nhiên, đa phần các cơ sở y tế của nước này đều đã bị phá hủy, các nhân viên y tế không được trả lương gần một năm nay trong khi các hoạt động viện trợ nhân đạo bị cản trở do xung đột vũ trang.
Tổ chức Save the Children đang điều hành 14 trung tâm điều trị bệnh tả và hơn 90 đơn vị bù nước trên khắp cả Yemen. Tổ chức vẫn đang tăng cường thêm các chuyên gia y tế đến các khu vực bị dịch bệnh hoành hành nghiêm trọng nhất.
Tổ chức phi chính phủ Oxfam cũng cảnh báo số lượng người nhiễm tả ở Yemen có thể tăng lên tới con số 600.000, khiến đợt bùng phát dịch tả này ở quốc gia Trung Đông này trở thành dịch bệnh lớn nhất từng được ghi nhận tại bất cứ nước nào nào trong vòng 1 năm, vượt qua dịch tả tại Haiti hồi năm 2011.
Trước đó ngày 1/8, một quan chức Liên hợp quốc cho biết, liên minh do Saudi Arabia đứng đầu tại Yemen đã cản trở việc vận chuyển nhiên liệu cho các máy bay chở hàng cứu trợ nhân đạo của Liên hợp quốc tới thủ đô Sanaa đang bị phiến quân chiếm đóng.
Yemen đã rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ khi phiến quân Houthi và các lực lượng trung thành với cựu Tổng thống Ali Abdullah Saleh chiếm giữ nhiều vùng lãnh thổ của nước này, trong đó có thủ đô Sanaa.
Tháng 3/2015, liên quân các nước Arab do Saudi Arabia đứng đầu tiến hành can thiệp quân sự nhằm hỗ trợ chính phủ được quốc tế công nhận của Tổng thống Mansur Hadi.
Kể từ đó tới nay, xung đột tại Yemen đã khiến 8.000 người thiệt mạng, hơn 40.000 người bị thương và hơn 2 triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn. Hàng triệu người bị đẩy đến bờ vực đói nghèo, trong khi nhiều cơ sở hạ tầng của Yemen bị tàn phá.