Đã có vô số công ty nhỏ đã âm thầm biến mất và nhiều công ty lớn đã tuyên bố phá sản do ảnh hưởng của dịch Covid-19 tại Đức. (Nguồn: dw.com) |
Ngày 2/9, Tổng giám đốc điều hành của ngân hàng Deutsche Bank của Đức, ông Christian Sewing cảnh báo rằng viện trợ của Chính phủ Đức giúp các công ty yếu kém ứng phó với đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 có thể dẫn tới sự ra đời của "các công ty xác sống", theo đó sẽ tạo gánh nặng cho nền kinh tế Đức.
Phát biểu tại Frankfurt, ông Sewing nhấn mạnh một số lượng lớn "công ty xác sống" tại Đức sẽ tác động nghiêm trọng đến năng suất của nền kinh tế.
Các "công ty xác sống" chỉ những doanh nghiệp sống sót nhờ các khoản trợ cấp và cứu trợ của chính phủ để tránh vỡ nợ. Những doanh nghiệp này bị xem là tác nhân gây ra sự yếu kém của nền kinh tế. Chính phủ của Thủ tướng Angela Merkel đã cam kết cấp hơn 1.000 tỷ euro hỗ trợ các công ty và người dân Đức giảm thiểu các tác động của dịch bệnh, thông qua các khoản vay, hỗ trợ và các chương trình trợ cấp.
Ông Sewing dẫn một nghiên cứu của cơ quan tín dụng Creditreform cho biết số công ty "xác sống" tại Đức có thể tăng gấp đôi, theo đó cứ 6 công ty có 1 công ty loại này, do các khoản trợ cấp liên quan đến đại dịch. Ông nhấn mạnh tình trạng này sẽ rất có hại, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang dẫn tới nhiều thay đổi cấu trúc - từ số hóa đến sức ép vận hành bền vững hơn - đòi hỏi nền kinh tế phải thích nghi đặc biệt nhanh chóng".
Cảnh báo của ông Sewing được đưa ra sau khi cựu Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi ngày 1/9 cho rằng các chính phủ nên sử dụng các ngân quỹ kích thích kinh tế để tạo việc làm cho giới trẻ hơn là hỗ trợ việc làm cho những người đang có việc. Ông khẳng định: "Sẽ rất tốt nếu các chính phủ tạo được viêc làm và xóa bỏ trợ cấp, và điều này đặc biệt tốt đối với giới trẻ".