Ông Lương Thanh Quảng, Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao. |
Ông có thể cho biết tình hình chung về hoạt động di cư của lao động Việt Nam ở nước ngoài hiện nay?
Di cư lao động là loại hình di cư chủ yếu của Việt Nam hiện nay. Lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc dưới nhiều hình thức khác nhau như theo hợp đồng, được doanh nghiệp trong nước đưa đi thông qua hợp tác trực tiếp với các đối tác nước ngoài và ngược lại hoặc tự liên hệ tìm việc làm ở nước ngoài.
Sau hai năm giảm mạnh do tác động của đại dịch Covid-19, số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tăng mạnh trở lại trong năm 2022 với hơn 142.000 người (bằng 316,87% so với số lao động xuất cảnh của năm 2021).
Tin liên quan |
Cập nhật thông tin về vụ tai nạn giao thông có nạn nhân người Việt tại tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc |
Trong ba tháng đầu năm 2023, ta đã đưa được hơn 37.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (gấp hơn 15 lần so với cùng kỳ năm ngoái), tập trung chủ yếu tại các địa bàn như Trung Quốc (Đài Loan), Nhật Bản, Hàn Quốc. Người lao động phần lớn làm việc trong các lĩnh vực xây dựng, sản xuất chế tạo (cơ khí, may mặc, giày da, lắp ráp điện tử…), giúp việc gia đình, chăm sóc người già, người bệnh, nông nghiệp, thủy sản...
Bên cạnh đó, thời gian qua cũng nổi lên tình trạng công dân Việt Nam bị đưa đi di cư trái phép, bị lừa đảo, trở thành lao động cưỡng bức tại một số nước Đông Nam Á.
Có thể thấy thủ đoạn phổ biến của các đường dây đưa người bao gồm đăng tải thông tin kết bạn trên mạng xã hội, ứng dụng điện thoại (Facebook, Wechat, Viber, Messenger...), sử dụng chiêu bài quảng cáo “việc nhẹ lương cao” để lôi kéo, tuyển dụng lao động, đưa sang Campuchia, Myanmar, Philippines để làm việc trái phép trong các công ty cờ bạc trực tuyến, game online, kinh doanh tiền kỹ thuật số...
Trong quá trình làm việc, công dân bị ngược đãi, cưỡng bức lao động; một số trường hợp đã tìm cách bỏ trốn, có trường hợp tử vong.
Các hình thức lừa đảo và môi giới ra nước ngoài bất hợp pháp ngày càng tinh vi, khiến nhiều người dân sập bẫy. Tại sao hiện tượng này vẫn xảy ra, diễn biến ngày càng phức tạp dù đã được cảnh báo liên tục trên các phương tiện thông tin đại chúng?
Kể từ khi dịch bệnh Covid-19 được cơ bản kiểm soát và việc đi lại qua biên giới giữa Việt Nam và các nước trong khu vực thuận lợi hơn, đã xuất hiện nhiều cá nhân, tổ chức thông qua mạng xã hội thường xuyên đăng tin, quảng cáo, dụ dỗ tuyển lao động làm việc tại Campuchia, Philippines… với mức lương cao (800-2.000 USD/tháng), chế độ đãi ngộ tốt mà không đòi hỏi trình độ chuyên môn, bằng cấp, thậm chí sẵn sàng hỗ trợ chi phí, thủ tục nhập cảnh.
Riêng trong năm 2022, đã xảy ra các vụ việc lớn như hàng trăm người (từ nhiều quốc gia) phải bỏ trốn khỏi một sòng bài ở Shihanoukville, Campuchia (tháng 4), hàng chục công dân Việt Nam chạy khỏi khu làm việc, vượt sông ở An Giang về nước (tháng 8)… Các cơ quan từ Trung ương đến địa phương đã tăng cường tuyên truyền, cảnh báo người dân trước những lời mời chào, dụ dỗ. Một số đường dây, tội phạm lừa đảo đưa người ra nước ngoài đã bị phát hiện, truy tố, xét xử.
Tuy nhiên, do nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, thủ đoạn mời chào của các tổ chức tội phạm rất tinh vi, tiếp cận trực tiếp qua các ứng dụng mạng xã hội nên cho đến nay, công dân từ nhiều tỉnh, thành trên cả nước, đa phần là các thanh niên, có cả trẻ vị thành niên, người dân tộc thiểu số... vẫn tiếp tục tin và đi theo những lời hứa hẹn, dụ dỗ “việc nhẹ lương cao” ở nước ngoài.
Rạng sáng ngày 30/5, 60 công dân Việt Nam được lực lượng chức năng Philippines giải cứu đã về nước. (Nguồn: TTXVN) |
Bộ Ngoại giao đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương như thế nào để hạn chế vấn nạn này?
Thời gian vừa qua, Bộ Ngoại giao đã thường xuyên đề nghị các địa phương, bộ, ngành liên quan phối hợp tuyên truyền, cảnh báo công dân về tình trạng mồi chài, lừa đảo đi làm việc bất hợp pháp ở nước ngoài, đặc biệt là trong các cơ sở đánh bạc/trò chơi trực tuyến và trở thành nạn nhân của cưỡng bức lao động, thậm chí là mua bán người. Bộ Công an, Bộ Quốc phòng đã đẩy mạnh điều tra, khởi tố, chuyển cơ quan tư pháp xét xử các tội phạm về lừa đảo, đưa người đi làm việc bất hợp pháp ở nước ngoài.
Tôi cho rằng vấn đề lao động bất hợp pháp, bị cưỡng bức tại các cơ sở đánh bạc, trò chơi trực tuyến tại một số nước trong khu vực rất phức tạp, cần có sự phối hợp của các nước liên quan vì nạn nhân có thể là công dân của bất kỳ nước, vùng lãnh thổ nào. Ngoài việc tuyên truyền, cảnh báo sớm để ngăn chặn công dân ta không ra nước ngoài làm việc bất hợp pháp, chúng ta cần thúc đẩy các nước triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác như phòng chống tội phạm lừa đảo qua mạng, phòng chống mua bán người, phòng chống di cư bất hợp pháp...
Từ góc độ quản lý Nhà nước, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo các Cơ quan đại diện Việt Nam tại các nước trong khu vực theo sát diễn biến, phối hợp với các cơ quan sở tại thống kê số lượng công dân Việt Nam nhập cảnh, làm việc, đặc biệt là tại các cơ sở đánh bạc/trò chơi trực tuyến, tăng cường nắm tình hình thông qua các hội/đoàn người Việt Nam tại sở tại; tăng cường trao đổi với các nước về tình hình; đề xuất các biện pháp xử lý tình trạng này qua các kênh song phương, đa phương và chủ động các phương án bảo hộ công dân.
Từ các báo cáo của Bộ Ngoại giao về tình hình lao động bất hợp pháp tại Campuchia, Lãnh đạo Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt để giảm thiểu, tiến tới chấm dứt tình trạng này, yêu cầu các bộ, ban, ngành và địa phương quyết liệt triển khai các nhiệm vụ được giao liên quan đến tình trạng di cư trái phép và lao động bất hợp pháp của công dân Việt Nam tại Campuchia, Philippines, Myanmar…
Ngoài ra, với vai trò là cơ quan chủ trì việc triển khai thực hiện Kế hoạch triển khai Thỏa thuận toàn cầu về Di cư hợp pháp, an toàn và trật tự của Liên hợp quốc (Thỏa thuận GCM) ban hành kèm theo Quyết định số 402/QĐ-TTg ngày 20/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Ngoại giao đã xây dựng Biểu mẫu thống kê số liệu di cư quốc tế, bao gồm số lượng người lao động đi làm việc theo hợp đồng, lao động tự do và lao động trái phép, đề nghị các bộ, cơ quan và địa phương rà soát, thống kê để phối hợp theo dõi, quản lý công dân Việt Nam di cư ra nước ngoài, bao gồm người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Theo ông, những người có ý định đi xuất khẩu lao động ở các nước cần lưu ý điều gì để tránh nguy cơ bị lừa đi lao động trái phép?
Thứ nhất, người dân cần nâng cao cảnh giác trước các lời mời chào, dụ dỗ “việc nhẹ, lương cao”, không mất chi phí đi lại, không đòi hỏi về bằng cấp, ngoại ngữ... của các đối tượng trên mạng xã hội; tìm hiểu thật kỹ về địa điểm nơi mình định đến làm việc, nội dung công việc cũng như các thông tin liên quan khác; nên tham khảo ý kiến của người thân, các tổ chức xã hội nghề nghiệp và cung cấp thông tin cho gia đình, người thân về địa điểm nơi dự kiến làm việc và công việc của mình, thông tin về người cùng đi trước khi quyết định xuất cảnh.
Thứ hai, khi có thắc mắc, băn khoăn, người dân cần liên hệ ngay đường dây nóng bảo hộ công dân của Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước mà mình định đến làm việc hay số điện thoại của Tổng đài Bảo hộ công dân.
Thứ ba, khi phát hiện thông tin về các đối tượng, đường dây tổ chức đưa người đi nước ngoài làm việc có dấu hiệu lừa đảo, buôn bán người, cần thông báo ngay cho cơ quan chức năng để kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn, điều tra, xử lý.
| Bộ Ngoại giao thông tin về việc Philippines giải cứu hơn 1.000 người, trong đó có công dân Việt Nam Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines hiện đang phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng sở tại để lên phương án hỗ ... |
| Bộ Ngoại giao thông tin về vụ tai nạn giao thông khiến 11 người thiệt mạng, nghi có công dân Việt Nam Theo thông tin từ Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Nam Ninh (Trung Quốc), vào lúc 6h30 ngày 19/5 tại thành phố Tịnh Tây, ... |
| 60 công dân Việt Nam được lực lượng chức năng Philippines giải cứu đã về nước Theo thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines, có 437 công dân Việt Nam được đưa ra khỏi cơ sở đánh bạc. |
| Bộ đội Biên phòng Quảng Trị triệt phá 2 đường dây đưa người xuất, nhập cảnh trái phép Ngày 1/3, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Quảng Trị cho biết, đơn vị này vừa triệt phá 2 đường dây đưa người xuất, nhập cảnh ... |
| Việt Nam - Campuchia tích cực phối hợp hỗ trợ người Việt bị lừa đảo Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục phối hợp với phía Campuchia để bảo hộ công dân, đưa về nước những công dân Việt Nam bị ... |