Hình ảnh AI về các em bé trong khung cảnh tan hoang bị kẻ gian lợi dụng, đánh vào lòng trắc ẩn của con người. |
Gần đây, tần suất xuất hiện của hiện tượng này đang có xu hướng lan rộng.
Chỉ một ngày sau khi cơn bão Yagi trút "cơn thịnh nộ" ở các tỉnh phía Bắc, rất nhiều bạn bè đã gửi cho tôi qua Facebook những bức ảnh kêu gọi sự tương thân, tương ái. Đó là ảnh về các em bé đang ngồi kế bên đôi dép, trong sình đất, giữa những hoang tàn, đổ nát và ra sức kêu gọi cộng đồng chung sức chia sẻ, giúp đỡ các em.
Khi bão Yagi có phần “nguôi giận”, người dân Việt Nam trong và ngoài nước vẫn đang tìm cách giúp đỡ những nạn nhân bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, sạt lở nghiêm trọng. Vậy mà, những kẻ lừa đảo lại lợi dụng thiện chí này bằng cách sử dụng AI để tạo ra các hình ảnh giả đưa lên mạng xã hội nhằm bịa đặt những câu chuyện về nạn nhân.
Hình ảnh con phố ngập trong nước lũ ngang thắt lưng, các em bé bơ vơ giữa đống đổ nát vừa quen thuộc, vừa đau lòng. Các bài đăng kèm được thiết kế nhằm mục đích lừa mọi người quyên góp tiền vào các tài khoản giả mạo. Đáng nói hơn, những hình ảnh và thông tin như vậy được lan truyền chóng mặt và người ta vẫn tiếp tục chia sẻ.
Công tác hỗ trợ kịp thời những nạn nhân, giúp đỡ đúng người đúng nơi, đúng chỗ rất quan trọng. Trên mặt báo, qua các phương tiện truyền thông đại chúng, người ta thấy các lực lượng cứu hộ, các cơ quan có thẩm quyền ở địa phương, các tổ chức, nhóm cộng đồng vẫn làm việc không mệt mỏi để đưa người dân đến nơi an toàn và hỗ trợ họ trong công tác khắc phục hậu quả của cơn bão số 3 (Yagi).
Tuy nhiên, khi tần suất và mức độ nghiêm trọng của việc sử dụng các hình ảnh do AI tạo ra mà ai nhìn vào cũng rưng rưng xúc động và mức độ nghiêm trọng của sự việc vẫn tiếp tục, thì rõ ràng các biện pháp để cung cấp cảnh báo kịp thời, thường xuyên là điều cần được lưu tâm.
Trước hết, đối với cá nhân, bên cạnh việc rèn khả năng tự nhận thức, cần những lời nhắc nhở, cảnh báo, đặc biệt với nhóm người cao tuổi, những người dễ bị cảm xúc dẫn dắt.
Thứ hai, trước khi chuyển tiền quyên góp, nên xác minh tính xác thực của bất kỳ tổ chức từ thiện hoặc cá nhân nào yêu cầu quyên góp.
Thứ ba, chỉ quyên góp thông qua các kênh đáng tin cậy và đã được xác minh từ chính phủ, hoặc đã biết rõ về uy tín của tổ chức mà bạn muốn đóng góp.
Ngoài ra, hãy tin tưởng vào trực giác và sự hoài nghi của bạn trước những hình ảnh thương tâm đau lòng, nhất là hình ảnh các em bé. Cần tự nhắc nhở mình và người thân rằng nếu có điều gì đó có vẻ không ổn thì phải xác thực lại hình ảnh và thông tin cho chính xác.
Thêm vào đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường cảnh báo về các vụ lừa đảo do AI tạo ra, đặc biệt là trong thời điểm hậu khủng hoảng như bão Yagi và những cơn bão mạnh khác đang có xu hướng xuất hiện nhiều hơn.
Việc sử dụng AI một cách có đạo đức là điều cần được ghi nhớ và tôn trọng. Quan trọng hơn cả là phải xác minh thông tin chi tiết và chỉ tin tưởng các kênh chính thức và đã được xác thực, bảo đảm rằng những ý định tốt của con người không bị kẻ gian lợi dụng, lừa đảo.
Các hình ảnh được vẽ ra bởi AI nên được sử dụng để giải quyết các vấn đề và giúp đỡ nhân loại, chứ không phải tạo ra thêm tác hại, lừa dối hay lợi dụng lòng trắc ẩn của con người. Chúng ta cần cảnh giác hơn khi tiếp nhận thông tin, đặc biệt là từ các nguồn không quen thuộc, thậm chí khi hình ảnh có vẻ dễ khiến bạn xúc động và mủi lòng.