📞

Cảnh ngộ của các đảng Xã hội châu Âu

14:33 | 17/06/2017
Thất bại thảm hại của đảng Xã hội Pháp (PS) trong cuộc bầu cử Tổng thống và Hạ viện vừa qua nằm trong xu hướng đi xuống nói chung của các đảng Xã hội châu Âu.

Thất bại liên tiếp

Chỉ giành được tỷ lệ 9,5% số phiếu bầu trong cuộc bầu cử Hạ viện vòng 1, sau khi ứng cử viên của đảng này là ông Benoit Hamon đã bị loại ngay từ vòng đầu cuộc bầu cử tổng thống (với 6,3% số phiếu), đảng PS đang rơi vào một cuộc khủng hoảng trầm trọng chưa từng có trong lịch sử.

Ứng viên Tổng thống Pháp Benoit Hamon của đảng Xã hội Pháp (PS). (Nguồn: Europe1.fr)

Điều đó làm cho người ta nhớ lại thất bại cũng cay đắng không kém trong cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng 4/2012, khi ứng cử viên của PS là Thủ tướng Lionel Jospin bị Thủ lĩnh đảng cực hữu Jean-Marie Le Pen đánh bại ngay từ vòng đầu.

Tỷ lệ phiếu bầu giành được trong vòng 1 vào ngày 11/6 vừa qua là mức thấp kỷ lục kể từ khi PS chính thức thành lập năm 1969. Từ đó đến nay, PS đã vài lần rơi vào khó khăn, chẳng hạn như năm 1993 với tỷ lệ phiếu bầu chỉ đạt 17,4%, nhưng họ lại gắng gượng và vực dậy được.

Tại Tây Ban Nha, đảng Xã hội (PSOE) đã bắt đầu xuống dốc từ năm 2010, mất tới 59 ghế trong Quốc hội và mất luôn quyền lãnh đạo đất nước từ năm 2008-2011. Sau đó, PSOE bị đảng thiên tả Podemos - thế lực chính trị mới nổi lớn thứ ba trong nước - cạnh tranh quyết liệt, khiến họ không thể trỗi dậy được và hiện chỉ còn nắm 82 ghế nghị sỹ so với 169 ghế cách đây 9 năm.

Đảng Xã hội Hy Lạp (Pasok) cũng chịu thất bại tương tự. Tháng 1/2015, Pasok chỉ nhận được 4,7% số phiếu toàn quốc, một kết quả tồi tệ nhất trong lịch sử. Vài tháng sau, tháng 9/2015, họ gượng dậy được một chút, vươn lên chiếm 6,3%. Các nhà lãnh đạo của đảng thời kỳ trước khó có thể hình dung một chính đảng lớn lại nhanh chóng sụp đổ như vậy. Năm 2009, họ còn chiếm tới 43,92% số phiếu toàn quốc.

Nguyên nhân chính là do sự cạnh tranh của liên minh thiên tả Syriza do Thủ tướng Alexis Tsipras đứng đầu, đưa ra lời hứa hẹn sẽ giải phóng cử tri Hy Lạp khỏi các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" mà Liên minh châu Âu (EU) áp đặt. Các cử tri đã trừng phạt Pasok vì những biện pháp khắc khổ mà họ đã đưa ra.

Còn ở Đức, đảng Dân chủ Xã hội (SPD) không còn giữ thế thượng phong và không thoát khỏi xu hướng đi xuống của cánh tả ôn hòa châu Âu.

Sau khi thống trị hoàn toàn các cuộc bầu cử trong giai đoạn cuối thế kỷ 20, SPD đã phải nhường chỗ cho đảng Liên minh Dân củ Cơ đốc giáo (CDU) theo khuynh hướng bảo thủ của Thủ tướng Angela Merkel. Bà Merkel đã lãnh đạo Đức suốt từ năm 2005 và đang chuẩn bị cho nhiệm kỳ thứ 4 vào cuối năm nay. Cuộc tổng tuyển cử diễn ra vào tháng 9 tới không thuận lợi cho cánh tả Đức.

Trong các cuộc bầu cử cấp vùng gần đây nhất, được coi là hàn thử biểu cho cuộc bầu cử liên bang, CDU đã buộc SPD - dưới sự lãnh đạo của Martin Schultz - phải hứng chịu nhiều thất bại.

Công đảng Anh cũng đã trải qua một giai đoạn lao đao khá dài. Những năm tháng dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Tony Blair và Thủ tướng Gordon Brown chỉ còn là quá khứ, đảng Bảo thủ đã giữ vững quyền lãnh đạo đất nước từ năm 2010. Một điềm lành là cuộc bầu cử Hạ viện vừa qua đã chứng kiến Công đảng - dưới sự lãnh đạo của Jeremy Corbyn - bật dậy, vươn lên chiếm 261 ghế nghị sỹ, tăng 29 ghế so với năm 2015.

Đổi mới là chìa khóa thành công

Ông Beppe Grillo, lãnh đạo của Phong trào 5 Sao tại Italy. (Nguồn: Getty Images)

Chỉ có đảng Dân chủ trung tả ở Italy vẫn giữ được sức mạnh. Sau sự nổi lên của Phong trào 5 Sao do danh hài Beppe Grillo lãnh đạo, người ta đã tiên đoán đảng Dân chủ Italy sớm rơi vào "thế hạ phong". Tuy nhiên cho tới nay, sau vài cuộc bầu cử, đảng này đã chứng tỏ suy đoán đó hoàn toàn không có cơ sở. Trong cuộc tổng tuyển cử năm 2013, họ đã vươn lên chiếm 292 ghế trong tổng số 630 ghế trong Hạ viện nhờ liên minh với đảng cánh tả Môi trường và Tự do.

Trái với các nước láng giềng châu Âu, cánh tả ôn hòa Italy không bị thất bại nặng lần nào suốt 20 năm trở lại đây. Nguyên nhân chính có thể là vì họ liên tục đổi mới. Sau mỗi lần thất bại hay thành công, họ lại thay đổi chiến lược, liên kết hoặc tách khỏi các đảng khác có hệ tư tưởng gần gũi. Đảng Dân chủ Italy hiện nay là kết quả của sự sáp nhập giữa những người theo đường lối dân chủ cánh tả với một phong trào trung dung năm 2007.

(theo TTXVN)