Từ đầu năm 2008 đến nay, các ngân hàng ANZ, Standard Chartered Bank đều thực hiện cho vay tiêu dùng. Còn các công ty tài chính nước ngoài lại nhắm đến đối tượng khách hàng trẻ tuổi. Hiện các công ty này vẫn tiếp tục mạnh tay cho vay tín chấp thông qua hợp tác với các siêu thị, cửa hàng bán lẻ. Cụ thể là Công ty Tài chính Việt Pháp (SGVF) tài trợ vốn cho chuỗi cửa hàng bán lẻ Thế giới di động, Viễn Thông A bán máy tính xách tay trả góp.
Công ty Tài chính Prudential tài trợ vốn cho các hệ thống chuyên kinh doanh mặt hàng công nghệ thông tin... bán máy tính trả góp. Để giành lại thị phần trong thời gian qua, nhiều ngân hàng đã cho vay tín chấp trở lại nhưng một số khác vẫn còn dè chừng.
Ông Đàm Thế Thái, Giám đốc khối khách hàng cá nhân Ngân hàng An Bình (ABBANK), cho biết chương trình cho vay tiêu dùng tín chấp đã được ngân hàng triển khai trở lại nhưng chỉ tập trung vào nhóm đối tượng trung, cao cấp. Ngân hàng ACB cũng cho vay tín chấp nhưng lại nâng cao tiêu chuẩn cho vay như khách hàng phải có mức lương tối thiểu năm triệu đồng/tháng.
Ông Đàm Thế Thái bình luận, hiện nay các ngân hàng đang bị hai công ty tài chính nước ngoài cạnh tranh quyết liệt ở một số phân khúc thị trường. Tuy nhiên, lợi thế có thị trường truyền thống, huy động vốn dễ dàng, các ngân hàng sẽ nhanh chóng lấy lại thế mạnh của mình. Hơn nữa, hiện nay, thời điểm cuối năm nên nhu cầu vay tiêu dùng đang tăng nhiệt theo các chương trình khuyến mãi, giảm giá... Ngoài ra, Chính phủ đang có kế hoạch kích cầu một tỷ USD nên nhu cầu cho vay tiêu dùng thời gian tới sẽ được cải thiện. Nhiều ngân hàng đang bắt đầu khởi động các chương trình cho vay tiêu dùng kèm theo khuyến mãi lớn.
Theo Pháp Luật TPHCM