📞

Cảnh tượng ngoạn mục, hiếm gặp của 'siêu trăng máu' trên khắp thế giới

Kha Ninh 16:57 | 27/05/2021
Tối 26/5, người dân khắp thế giới đã được chiêm ngưỡng hình ảnh 'siêu trăng máu', hiện tượng thiên văn xuất hiện 10 năm một lần.
"Siêu trăng máu" là do hiện tượng siêu trăng và hiện tượng nguyệt thực toàn phần xảy ra cùng lúc. Giới khoa học gọi hiện tượng kép này là "buổi trình diễn 10 năm có một". Trong ảnh: Đền Poseidon ở Cape Sounion, gần Athens, Hy Lạp. (Nguồn: Reuters)
Theo các nhà khoa học, ngày có thể xuất hiện nguyệt thực toàn phần là một ngày trăng tròn trong tháng. Nếu nguyệt thực toàn phần xảy ra khi vị trí của Mặt Trăng trùng hoặc gần như trùng với cận điểm (vị trí Mặt Trăng gần Trái Đất nhất) thì nó sẽ được gọi là "siêu trăng máu". Trong ảnh: "Siêu trăng máu" xuất hiện gần Nhà thờ Hồi giáo Camlica ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. (Nguồn: Reuters)
"Siêu trăng máu" trên bầu trời khu Lăng mộ Anitkabir, nơi yên nghỉ cuối cùng của Mustafa Kemal Ataturk, vị lãnh tụ vĩ đại, Tổng thống đầu tiên của đất nước Thổ Nhĩ Kỳ, tại Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ. (Nguồn: Reuters)
Một người đàn ông sử dụng kính thiên văn để quan sát "siêu trăng máu" khi nó xuất hiện trên bầu trời Arguineguin, ở phía Nam Gran Canaria, Tây Ban Nha. (Nguồn: Reuters)
Theo Reuters, trăng tròn tối 26/5 là "siêu trăng" lớn nhất trong năm 2021. Đây cũng là lần đầu tiên thế giới được chứng kiến hiện tượng nguyệt thực toàn phần sau 2 năm vắng bóng. Trong ảnh: Khu vực đặt tuabin gió ở Lilbourne, Anh. (Nguồn: Reuters)
Trong thời gian nguyệt thực, trăng tròn sẽ đi qua bóng của Trái đất và do có màu đỏ nên được gọi là "trăng máu". Hiện tượng này xảy ra khi ánh sáng bị tán xạ qua bầu khí quyển của Trái đất khiến Mặt trăng trông như Mặt trời lúc hoàng hôn. Trong ảnh: Vòng tròn đá Stonehenge gần Amesbury, Anh. (Nguồn: Reuters)
Thời điểm trăng tròn cũng là lúc quỹ đạo Mặt trăng gần Trái đất nhất nên khiến nó có vẻ lớn hơn bình thường khoảng 7% và sáng hơn 15%, theo các nhà thiên văn học. Trong ảnh: Hình ảnh siêu trăng được chụp ở Amesbury, Anh. (Nguồn: Reuters)
Trăng tròn của tháng 5 còn được gọi là "Trăng hoa" vì nó xảy ra khi những bông hoa mùa xuân chớm nở. Trong ảnh: "Siêu trăng máu" trên bầu trời Thủ đô Brasilia, Brazil. (Nguồn: Reuters)
Trong tổng số 87 lần nguyệt thực sẽ xảy ra trong thế kỷ 21, có 28 lần trùng với siêu trăng. Trong ảnh: bức tượng Chúa Cứu thế ở Rio de Janeiro, Brazil toả ra ánh hào quang nhờ "siêu trăng máu". (Nguồn: Reuters)
Các nhóm thiên văn và những người yêu thích các hiện tượng kỳ thú của tự nhiên đã không bỏ lỡ cơ hội chiêm ngưỡng "siêu trăng máu". Trong ảnh: Hiện tượng nguyệt thực xuất hiện dần ở bầu trời phía trên ngôi đền Plaosan ở tỉnh Trung Java, Indonesia. (Nguồn: Reuters)
Ngôi đền Plaosan ở tỉnh Trung Java, Indonesia., trở nên thần bí hơn nhờ "siêu trăng máu". (Nguồn: Reuters)
Mọi người thường thắc mắc rằng, khi Mặt trăng gần với Trái đất nhất, lực hút của Mặt trăng sẽ là cao nhất. Vậy sự biến thiên này có gây ra điều gì đặc biệt với Trái đất hay không? Trong ảnh: Bóng trăng mờ trên bầu trời quận Đông, Hong Kong, Trung Quốc. (Nguồn: Reuters)
Thực chất, tuy siêu trăng làm tăng lực hút của Mặt trăng lên Trái đất, khiến thủy triều dâng cao hơn bình thường, nhưng sự thay đổi là không đáng kể đối với cơ thể con người. Trong ảnh: Hiện tượng nguyệt thực toàn phần được chụp ở Bangkok, Thái Lan. (Nguồn: Reuters)
Theo tính toán sơ bộ của các nhà khoa học thì lực hút vào ngày siêu trăng tăng 23% so với ngày Mặt trăng xa Trái đất nhất. Tuy nhiên so với tổng khối lượng Mặt trăng thì sự thay đổi này ít hơn 2/10.000, do đó là không đáng kể. Trong ảnh: Nhà hát Opera Sydney vào đêm nguyệt thực, ở Sydney, Australia. (Nguồn: Reuters)
Nếu tính trên 1 cơ thể 80 kg của con người thì nó giống như tăng hoặc giảm thêm 73 miligram trọng lượng vậy. Nói cách khác, ảnh hưởng đối với con người của sự thay đổi khoảng cách từ Mặt trăng đến Trái đất trong ngày siêu trăng là rất nhỏ. Trong ảnh: Hiện tượng "siêu trăng máu" ở Sydney, Australia. (Nguồn: Reuters)
"Siêu trăng máu" quan sát từ công viên Titi Banda tại Bali, Indonesia. Màu sắc của mặt trăng và bức tượng khiến bầu không khí nhuốm màu thần bí. (Nguồn: Reuters)
Siêu trăng toả sáng trên nóc một toà nhà ở Tokyo, Nhật Bản. (Nguồn: Reuters)
Bầu trời Honolulu, Hawaii như trở thành một hành tinh khác khi nguyệt thực toàn phần diễn ra. (Nguồn: Reuters)
Mặt trăng trở nên rõ nét hơn trên bầu trời Honolulu, Hawaii. (Nguồn: Reuters)
Siêu trăng xuất hiện giữa các đám mây trông giống như "mắt thần" ở phía trên bầu trời thành phố San Diego, California, Mỹ. (Nguồn: Reuters)
Tại Việt Nam, hiện tượng "siêu trăng máu" cũng xuất hiện vào tối ngày 26/5. Trong ảnh: Hiện tượng nguyệt thực toàn phần được chụp tại biển Tam Thanh, TP. Tam Kỳ, Quảng Nam. (Nguồn: Vietnamnet)
Người dân ở nhiều địa phương đã đổ ra đường săn hình ảnh "siêu trăng" hiếm gặp. Trong ảnh: "Siêu trăng máu" được chụp ở Cần Thơ. (Ảnh: Hứa Chấn Hưng)
(theo Reuters)