35.800 trường hợp cấp cứu do tai nạn
Mỗi dịp Tết đến, Xuân về những nỗi lo tai nạn giao thông trên các cung đường luôn là nỗi ám ảnh, kinh hoàng của nhiều người bởi số ca tai nạn giao thông xảy ra nhiều khiến nhiều người không khỏi bàng hoàng. Và, tại các cơ sở y tế, dù ngày Tết thì các bác sỹ vẫn phải căng mình làm việc để cứu sống nhiều bệnh nhân tai nạn giao thông.
Thống kê của Bộ Y tế, báo cáo từ các cơ sở y tế trên cả nước từ 26/1 đến ngày 1/2 (từ 29 đến mùng 5 Tết Nguyên đán) cho thấy, tổng số khám, cấp cứu do tai nạn giao thông là gần 35.800 trường hợp ghi nhận tại khoa khám bệnh các bệnh viện và theo lời khai của người bệnh, người nhà người bệnh.
Trong đó có hơn 19.500 trường hợp va chạm nhẹ được xử lý và cho về trong ngày, có 11.454 trường hợp phải nhập viện điều trị nội trú và gần 2.300 trường hợp phải chuyển tuyến điều trị.
Tổng số trường hợp tử vong do tai nạn giao thông (bao gồm cả tử vong trước khi đến bệnh viện) là 160 trường hợp giảm 64 trường hợp so với năm 2016.
Đáng lưu ý, tại Quảng Ninh xảy ra vụ tai nạn ôtô nghiêm trọng với với 23 bệnh nhân do vụ tai nạn lật xe ô tô gần chùa Ba vàng ngày mùng 3 Tết.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, hiện toàn bộ nạn nhân trong vụ tai nạn trên vẫn đang được điều trị ổn định tại Bệnh viện Việt Nam-Thuỵ Điển Uông Bí, chưa có thêm bệnh nhân xuất viện.
Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán Đinh Dậu từ ngày 26-31/1, các đơn vị y tế trong ngành đã tiếp nhận khám cấp cứu và điều trị cho 6720 bệnh nhân, trong đó có 1334 trường hợp tai nạn giao thông.
Bác sỹ cấp cứu cho bệnh nhân bị tai nạn giao thông tại Bệnh viện Việt Đức. (Nguồn: TTXVN) |
Phớt lờ đội mũ bảo hiểm
Nơi tập trung nhiều nhất các ca tai nạn giao thông nặng đổ về là tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức. Những ngày nghỉ tết cũng là thời điểm các bác sỹ trực ở đây bơ phờ vì phải cấp cứu cho nhiều bệnh nhân, trong đó chủ yếu là các ca bị tai nạn giao thông.
Bác sỹ Phạm Hải Bằng - Phó trưởng khoa Phẫu thuật Nhiễm khuẩn cho biết, trong 6 ngày Tết bệnh viện tiếp nhận cấp cứu 714 trường hợp, trong đó tai nạn giao thông chiếm tỷ lệ khá cao với 504 ca (148 ca không đội mũ bảo hiểm), 272 ca chấn thương sọ não do nhiều nguyên nhân khác nhau, 179 tai nạn sinh hoạt.
Điều đáng lưu ý là tỷ lệ người dân tuân thủ việc đội mũ bảo hiểm trong những ngày Tết rất thấp. Chẳng hạn như, ngày 30 Tết trong số những ca nhập viện tại Bệnh viện Việt Đức do tai nạn giao thông thì chỉ có 4 người đội mũ bảo hiểm, ngày 1 Tết chỉ có 12 ca đội mũ bảo hiểm, ngày mùng 2 là 15 ca.
Theo bác sỹ Bằng, số người chấp hành đội mũ bảo hiểm giảm đi, tỷ lệ bị tai nạn giao thông tăng. Trong khi trước Tết số người bị tai nạn không đội mũ bảo hiểm rất ít.
Ghi nhận tại nhiều địa phương và Hà Nội cho thấy, nhiều người dân trong những ngày Tết khi du Xuân đã coi thường việc đội mũ bảo hiểm. Họ ra đường với chiếc đầu trần, thậm chí có nhiều thanh niên còn phóng nhanh vượt ẩu.
Theo một nghiên cứu gần đây, việc đội mũ bảo hiểm đã được chứng minh giúp giảm khả năng chấn thương nặng do tai nạn giao thông tới 69% và giảm khả năng tử vong tới 42%.
So với những người đi xe máy có đội mũ bảo hiểm, những người không đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn có nguy cơ chấn thương sọ não cao gấp 4 lần và nguy cơ này tăng lên hơn 10 lần trong trường hợp xảy ra tai nạn.
Bác sỹ Bằng khuyến cáo, việc đội mũ bảo hiểm sẽ giảm đi đáng kể nguy cơ chấn thương sọ não khi nạn nhân bị ngã xe, đập đầu xuống đường cứng. Vì vậy, dẫu có du Xuân và vui chơi, mỗi người tham gia giao thông hãy bảo vệ bản thân trước những nguy cơ có thể xảy đến bất cứ khi nào.