📞

Cặp đôi không ăn ý

10:06 | 05/12/2008
Sự phối hợp hiệu quả của trục Pháp - Đức đóng vai trò quan trọng cho lợi ích chung của Liên minh châu Âu, đặc biệt trong cuộc khủng hoảng toàn cầu hiện nay. Song, do hai bên đều cùng có mục tiêu vươn thành đầu tàu của khối nên sự tranh giành ảnh hưởng là điều khó tránh.
Có sự khác biệt giữa một Sarkozy không chịu ngồi yên và một Merkel luôn cẩn trọng.
 

Trong các phát ngôn chính thức, dù hai bên vẫn khẳng định rằng tất cả mọi việc đều tốt đẹp, có nhiều điểm tương đồng hơn bất đồng, song trên thực tế, hai bên chưa thể tìm được tiếng nói chung, ngay khi mối đe dọa lún thêm vào suy thoái đối với các nền kinh tế thành viên của khối này đang lớn hơn bao giờ hết.

 

Ở mọi cuộc tiếp xúc, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy luôn luôn muốn thuyết phục Thủ tướng Đức Angela Merkel ủng hộ kế hoạch phục hồi kinh tế đầy tham vọng dựa vào sự phối hợp của toàn bộ các nước thành viên EU. Bà Merkel cuối cùng cũng đồng ý với hành động phối hợp, nhưng lại cảnh báo chớ nên quá “hấp tấp”, “vội vàng”. Berlin không muốn “bỏ thêm một xu nào” cho kế hoạch trị giá 130 tỷ Euro trên theo đề xuất của Paris, vì cho rằng mình đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ khi bơm 32 tỷ Euro để kích thích kinh tế trong nước. Một trong số ít điểm “gặp nhau” giữa hai bên là không cắt giảm thuế giá trị gia tăng, giống như tấm gương của Anh.

 

Có sự khác biệt rõ nét về phong cách lãnh đạo giữa một Nicolas Sarkozy không bao giờ chịu ngồi yên và một Angela Merkel luôn cẩn trọng. Tuy nhiên, cũng cần phải nhìn nhận thực tế rằng khả năng hành động của bà Merkel bị giới hạn rất nhiều do cơ cấu liên bang của Đức trong việc đưa ra các quyết định liên quan đến ngân sách, cũng như những căng thẳng tiền bầu cử đang xuất hiện trong liên minh cầm quyền.

 

Trước đó, sự căng thẳng trong quan hệ Pháp - Đức còn do một nhân tố quan trọng khác, đó là tham vọng của Paris trong kế hoạch về Liên minh Địa Trung Hải. Nội dung then chốt trong kế hoạch được đưa ra theo sáng kiến của Tổng thống Pháp là việc mở rộng các cuộc tiếp xúc kinh tế với các nước Bắc Phi và Cận Đông và đa dạng hóa nguồn năng lượng cho khối. Nếu được thành lập, liên minh này sẽ gồm 39 nước, trong đó có 27 nước của EU và 12 quốc gia Địa Trung Hải gồm cả Israel và Thổ Nhĩ Kỳ.

 

Ban đầu, Berlin không tán thành vì cho rằng trong đó chứa đựng nguy cơ phân rã EU theo dấu hiệu địa lý. Thậm chí, bà Merkel còn cho rằng việc tôn trọng sự tham gia của Đức trong kế hoạch này cần thiết như một “sự nhân nhượng rất tốt đẹp” và là ví dụ của hợp tác Pháp - Đức. Song, Paris không dừng lại ở đó. Sự hăng hái và vận động tiếp theo cho kế hoạch này càng khiến Đức phật ý dù vẫn phải nhượng bộ trước những mục tiêu chung có lợi cho EU mà ông Sarkozy gắng sức khuyếch trương. Hai nhà lãnh đạo thậm chí đã có lúc “đối đầu” gay gắt khi bàn về Liên minh Địa Trung Hải. Lý do mà Đức phản đối vì cho rằng cơ cấu này tồn tại song song và cạnh tranh với EU. Chưa kể đến việc trong “phiên bản 1” của dự án này, Pháp đã bỏ qua việc tham vấn đồng minh Đức.

 

Không chỉ có vậy, Pháp - nước sẽ kết thúc nhiệm kỳ 6 tháng làm Chủ tịch luân phiên EU vào cuối năm nay, đã nhiều lần đã bị một số quốc gia thành viên,  trong đó có Đức “phàn nàn” rằng Paris đã lợi dụng vai trò để thúc đẩy chương trình nghị sự của riêng mình. Pháp cũng bị chỉ trích đã vi phạm các quy tắc ứng xử chung của khối khi đưa ra các sáng kiến và hành động mà không có sự thống nhất trước cũng như không đếm xỉa đến quan điểm và thái độ của các nước còn lại.

Bản thân cá nhân ông Sarkozy còn bị cho là đã “hớ hênh” trong việc giải quyết cuộc xung đột Nga - Gruzia hồi tháng 8. Trong việc này, thái độ không đồng thuận với Pháp đã được Đức thể hiện rõ khi bà Merkel thực hiện một chính sách ngoại giao song song với chuyến thăm Nga và Gruzia.

 

Tuy nhiên, theo nhận xét của giới quan sát, khi những mối đe dọa suy thoái kinh tế từ cuộc khủng hoảng tài chính tăng lên, mâu thuẫn trong liên minh uy quyền nhất trong EU là Pháp – Đức, ngược lại, sẽ có cơ hội bị xếp lại, để tập trung bảo vệ lợi ích chung của khối. Chưa kể đến việc, liên minh Pháp – Đức sẽ vẫn không thể thiếu trên con đường nhất thể hoá châu Âu.

 

Hữu Chiến