Mỹ là quốc gia chịu tác động nghiêm trọng nhất với hơn 7,4 triệu ca mắc Covid-19 và 210.785 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, Mỹ ghi nhận thêm 44.227 người mắc bệnh, tăng so với 2 ngày trước đó (33.839 ca ngày 27/9 và 37.420 ca ngày 28/9).
Ngày 28/9, đảng Dân chủ Mỹ đã công bố đề xuất gói cứu trợ mới có mức 2,2 nghìn tỷ USD để hỗ trợ những người Mỹ bị thiệt hại nặng nề do tác động của đại dịch Covid-19, giảm hơn 1.000 tỷ USD so với đề xuất trước đó và hy vọng sẽ đạt được thỏa thuận với đảng Cộng hòa sau nhiều tháng trì hoãn.
Ấn Độ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng thứ hai thế giới với hơn 6,22 triệu ca mắc và 97.529 ca tử vong. Tuy nhiên, số ca nhiễm mới mỗi ngày ở quốc gia Nam Á đang cao nhất thế giới, dao động quanh mốc 80.000 ca/ngày. Brazil đứng thứ 3 với hơn 4,78 triệu ca mắc, trong đó có 143.010 ca tử vong.
Tại châu Âu, Thủ tướng Đức Angela Merkel và các nhà lãnh đạo 16 bang ở Đức đã họp trực tuyến để thảo luận và xem xét đưa ra các biện pháp cứng rắn hơn nhằm hạn chế sự lây nhiễm dịch bệnh vốn đang gia tăng đáng lo ngại trong thời gian gần đây tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
Để tránh việc phải đưa ra quyết định "phong tỏa" toàn bộ về kinh tế và đời sống xã hội như ở thời điểm đợt dịch bệnh bùng phát hồi tháng 3, bà Merkel và các thủ hiến bang đã cùng nhất trí thắt chặt hơn một số biện pháp về giãn cách xã hội.
Bất cứ người nào cung cấp sai thông tin cá nhân khi đến nhà hàng hoặc lưu trú tại khách sạn sẽ phải chịu mức phạt tiền ít nhất là 50 Euro, trong đó riêng tại bang Schleswig-Holstein, quy định cho mức phạt này là 1.000 Euro.
Trong khi đó, Nga, quốc gia có số ca nhiễm cao thứ 4 thế giới với 1.167.805 trường hợp, trong đó có 20.545 ca tử vong, đang ghi nhận số ca nhiễm tăng trở lại từ ngày 1/9. Trong 2 ngày qua, Nga ghi nhận hơn 8.000 ca mỗi ngày.
Tại Đông Nam Á, giới chức thể thao Indonesia đã quyết định hoãn các trận đấu thuộc Giải Bóng đá hạng nhất và hạng nhì quốc gia (Liga 1 và Liga 2) đến tháng 11 trong bối cảnh dịch bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm tại quốc gia đông dân thứ tư thế giới này.
Ngày 30/9, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã chủ trì một cuộc họp mới đây của đảng Lao động cầm quyền vào ngày 29/9, thảo luận về các nỗ lực ngăn ngừa bùng phát Covid-19.
Khu vực Trung Đông, Israel tuyên bố kéo dài lệnh phong tỏa toàn quốc do đại dịch Covid-19 ít nhất một tháng và nhiều khả năng thời gian phong tỏa sẽ còn lâu hơn.
Chính phủ Israel cho biết, việc phong tỏa sẽ dựa trên số ca mắc mới trong ngày hiện đang gia tăng nhanh chóng. Đã có hơn 800 người trong tình trạng nghiêm trọng trên tổng số 236.926 bệnh nhân nhiễm bệnh. Số ca tử vong do Covid-19 ở Israel hiện là 1.528 trường hợp.
* Ngày 29/9, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres, Thủ tướng Jamaica Andrew Holness và Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã đồng chủ trì một hội nghị trực tuyến của LHQ bàn về "tài trợ cho phát triển trong và sau đại dịch Covid-19".
Tại hội nghị, Thủ tướng Trudeau cho biết, Canada cam kết tăng 400 triệu CAD (khoảng 299 triệu USD) cho hoạt động viện trợ phát triển và nhân đạo để ứng phó đại dịch.
Ông Trudeau khẳng định, Canada sẽ tăng cường đầu tư trong những năm tới và tiếp tục vận động giảm nợ cho những nước đang phát triển phải đối mặt với tình trạng kinh tế khó khăn do đại dịch.
Kể từ đầu năm đến nay, đây là lần thứ hai "bộ ba" nhà lãnh đạo chủ trì tổ chức một hội nghị của LHQ về tài trợ phát triển sau đại dịch. Tổng Thư ký LHQ Guterres cũng đã chia sẻ quan điểm của Thủ tướng Canada và cho biết sẽ vận động giảm nợ cho các nước đang phát triển tại diễn đàn của G20.
* Liên quan đến vaccine ngừa Covid-19, ngày 29/9, Ngân hàng Thế giới (WB) thông báo đã đề xuất ban giám đốc chấp thuận cấp 12 tỷ USD để giúp đỡ những nước nghèo mua sắm và phân phối vaccine.
Được biết, WB đã triển khai các chương trình ứng phó khẩn cấp ở 111 quốc gia và số tiền bổ sung này, nếu được chấp thuận, sẽ hướng đến các nước có thu nhập trung bình và thấp. Số tiền này sẽ được giải ngân trong khoảng từ 12-18 tháng.