Bất kỳ loại vaccine cũng như phương pháp điều trị bệnh Covid-19 an toàn đều cần phải được cung cấp miễn phí cho tất cả người dân trên thế giới. (Nguồn: Aa) |
Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa và Thủ tướng Pakistan Imran Khan, Tổng thống Senegal Macky Sall, Tổng thống Ghana Nana Akufo-Addo và nhiều cựu tổng thống, cũng như thủ tướng các nước trên thế giới nằm trong danh sách hơn 140 người ký bức thư có nội dung nhấn mạnh rằng, bất kỳ vaccine nào cũng không thể trở thành độc quyền và chúng phải được chia sẻ cho các quốc gia.
Đại hội đồng Y tế Thế giới (WHA), cơ quan hoạch định chính sách của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sẽ triệu tập phiên họp toàn thể thường niên vào tuần tới. Các bên ký kết vào bức thư trên đã kêu gọi WHA triệu tập họp vì lý do trên.
Theo nội dung bức thư, các chính phủ và đối tác quốc tế phải thống nhất, khi một loại vaccine an toàn và hiệu quả được phát triển, nó sẽ nhanh chóng được sản xuất quy mô lớn và có sẵn cho tất cả mọi người, ở tất cả các quốc gia và miễn phí. Điều này cũng được áp dụng đối với toàn bộ phương pháp điều trị, chẩn đoán cũng như các công nghệ khác liên quan tới Covid-19.
Động thái trên diễn ra sau khi Thứ trưởng Tài chính Pháp Agnes Pannier-Runacher cùng ngày cho biết "không thể chấp nhận được" Tập đoàn dược phẩm khổng lồ của Pháp Sanofi ưu tiên cung cấp vaccine phòng Covid-19 cho thị trường Mỹ trước tiên nếu hãng này tìm ra loại vaccine đó. Trước đó, Giám đốc điều hành Sanofi Paul Hudson cho biết, Mỹ sẽ được tiếp cận với vaccine phòng Covid-19 đầu tiên vì nước này đã hỗ trợ kinh phí nghiên cứu vaccine.
Trong diễn biến liên quan, tại Ấn Độ, hai nhóm hoạt động về y tế đã gửi thư lên Chính phủ Ấn Độ kiến nghị hủy bỏ giấy phép độc quyền bào chế thuốc kháng virus Remdesivir đã trao cho công ty Gilead Sciences (Mỹ) để loại thuốc này được phân bổ công bằng hơn cho các bệnh nhân Covid-19 trên khắp thế giới, đặc biệt là ở các nước nghèo. Gilead Sciences được cấp 3 giấy phép độc quyền bào chế Remdesivir từ năm 2009 khi loại thuốc này đang được phát triển để điều trị cho bệnh nhân Ebola. Giấy phép này có hiệu lực đến năm 2035.
* Cùng ngày, trong một thông tin liên quan tới vấn đề y tế cộng đồng, Lãnh đạo Đài Loan (Trung Quốc) Trần Kiến Nhân lên tiếng nói, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã "bỏ quên" tính chuyên nghiệp và trung lập khi loại hòn đảo này ra khỏi tổ chức vì lý do chính trị.
Đài Loan cáo buộc Bắc Kinh và WHO đã hiệp lực vì mục đích chính trị mà ngăn cản Đài Bắc tham gia các cuộc họp chủ chốt, cũng như WHO không đáp lại yêu cầu cung cấp thông tin về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 và báo cáo sai số ca mắc bệnh. WHO và Trung Quốc mạnh mẽ phản đối cáo buộc này, cho rằng Đài Loan đã nhận được mọi sự trợ giúp cần thiết và chỉ có Trung Quốc - quốc gia khẳng định Đài Loan là một trong các tỉnh của mình - có quyền đại diện đầy đủ tại WHO.
Theo thông tin từ Reuters, ông Trần Kiến Nhân - một nhà nghiên cứu dịch bệnh được đào tạo tại Mỹ, cho rằng, WHO đã đặt chính trị lên trước vấn đề sức khỏe. Phát biểu với giới truyền thông, ông Trần Kiến Nhân nêu rõ: "Thật đáng tiếc, vì mục đích chính trị, 23 triệu người Đài Loan đã trở thành những đứa trẻ mồ côi trong hệ thống y tế toàn cầu. WHO đã tập trung quá nhiều vào chính trị mà bỏ quên tính chuyên nghiệp và trung lập. Điều này khá đáng tiếc".
Ông Trần Kiến Nhân cũng cho hay, mặc dù WHO đã làm tốt và góp phần cho y tế thế giới trong quá khứ, nhưng số liệu liên quan tới Covid19 của tổ chức này chưa tốt. Ông còn nói rằng, thế giới cần thận trọng với số ca mắc bệnh tại Trung Quốc, đồng thời kêu gọi Bắc Kinh minh bạch hơn.
* Cũng trong ngày 14/5, Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) cho biết, vaccine chống virus SARS-CoV-2 có thể sẽ được công nhận trong vòng khoảng một năm, trong viễn cảnh "lạc quan".
Người đứng đầu bộ phận phụ trách vaccine của EMA, ông Marco Cavaleri cho hay, ông hoài nghi về những tuyên bố rằng vaccine có thể sẵn sàng trước tháng 9. Phát biểu với phóng viên, ông nêu rõ: "Đối với vaccine, do việc phát triển phải bắt đầu từ con số không... chúng ta có thể có một cái nhìn lạc quan, trong vòng một năm tính từ thời điểm này, tức là đầu năm 2021".
* Ngày 13/5, Oliver Vugrek, người đứng đầu Phòng thí nghiệm về gen tại Học viện Rudjer Boskovic, cho biết bằng chứng khoa học cho thấy virus SARS-CoV-2 có nguồn gốc tự nhiên và không được tạo ra trong một phòng thí nghiệm.
Trả lời phỏng vấn hãng tin qua điện thoại, ông Oliver Vugrek nói rằng, những phân tích của chúng tôi cho thấy các ca nhiễm SARS-CoV-2 ở Croatia đều nhập cảnh từ các quốc gia láng giềng. Ông bác bỏ giả thiết virus này được tạo ra theo phương thức di truyền học trong phòng thí nghiệm, đồng thời nhấn mạnh rằng, các loại virus như vậy có thể được tìm thấy trong tự nhiên.
Theo nhà khoa học Vugrek, sự biến đổi và khả năng truyền nhiễm cao của virus có thể giải thích rằng virus này là kết quả của quá trình sàng lọc tự nhiên hơn là từ công nghệ gen. Ông nói: "Rất có thể virus này được truyền từ động vật sang con người, tuy nhiên chúng tôi chưa xác định được trung gian truyền bệnh".
* Ngày 14/5, Trung Quốc tuyên bố sẽ tăng cường xét nghiệm virus SARS-CoV-2 và kiểm tra nhằm ngăn dịch bệnh bùng phát trở lại. Nữ phát ngôn viên Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc Tống Thụ Lập đã đưa ra phát biểu trên tại cuộc họp báo thường kỳ.
Số ca mắc Covid-19 tại Trung Quốc đại lục trong ngày đã giảm mạnh so với đỉnh dịch hồi tháng 2, song việc một số tỉnh Đông Bắc Trung Quốc như Cát Lâm và Liêu Ninh có số ca nhiễm mới gia tăng đã làm dấy lên mối quan ngại mới cho Bắc Kinh.
* Hôm nay, Malaysia ghi nhận thêm 40 ca nhiễm Covid-19 và một ca tử vong, qua đó nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên thành 6.819 người, trong đó tổng số ca tử vong là 112.
* Cùng ngày, quan chức Bộ Y tế Indonesia Achmad Yurianto cho biết, nước này ghi nhận thêm 568 ca nhiễm mới trong ngày 14/5, nâng tổng số ca mắc bệnh lên thành 16.006 người. Ngoài ra, Indonesia cũng ghi nhận thêm 15 ca tử vong liên quan tới Covid-19, nâng tổng số ca tử vong lên thành 1.043 người. Trong khi đó, 3.518 trường hợp đã hồi phục và hơn 127.800 người đã được xét nghiệm.
* Bộ Y tế Lào chiều 14/5 cho biết, nước này đã có 32 ngày không phát hiện thêm bệnh nhân mắc Covid-19 mới, đồng thời tiếp tục kêu gọi người dân chấp hành nghiêm các quy định phòng chống dịch cho đến khi dịch bệnh được kiểm soát. Tính tới chiều 13/5, Lào vẫn chỉ có 19 bệnh nhân mắc Covid-19, trong đó có 14 người đã bình phục.
Theo Bộ Y tế Lào, ngày 13/5 nước này đã cho phép 16 lao động Việt Nam nhập cảnh qua cửa khẩu quốc tế Nam Soy, Thanh Hóa, để tiếp tục thi công dự án bệnh viện tỉnh Hua Phanh. Đây là công trình viện trợ không hoàn lại của Nhà nước Việt Nam cho Lào. Sau khi nhập cảnh, toàn bộ 16 lao động trên đã được kiểm tra y tế, lấy mẫu xét nghiệm và được đưa đi cách ly.
Trong những ngày gần đây, Lào cũng đã cho phép nhiều lao động Trung Quốc, Thái Lan làm việc tại các dự án trọng điểm, nhập cảnh để làm việc.
| Ai chịu trách nhiệm bồi thường hậu quả do Covid-19 gây ra? TGVN. Thượng viện Mỹ hôm 12/5 đề xuất một đạo luật cho phép Tổng thống Trump trừng phạt Trung Quốc nếu nước này 'không chịu ... |
| Dịch Covid-19: Vaccine chống SARS-CoV-2 liệu còn hiệu quả khi virus biến đổi? TGVN. Trong bối cảnh ở một số khu vực, virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 đang biến đổi, ... |
| WHO: Việc phát triển vaccine Covid-19 sẽ cần ít nhất 12 tháng TGVN. Ngày 27/3, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, việc phát triển một loại vaccine đặc trị dành ... |