📞

Cập nhật 19h 21/5: Nga tiếp tục là tâm dịch Covid-19 với gần 9.000 người nhiễm mới, Mỹ đặt 300 triệu liều vaccine

19:02 | 21/05/2020
TGVN. Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 19h00 ngày 21/5 (giờ Việt Nam), trên thế giới vượt ngưỡng 5,1 triệu người mắc mắc Covid-19 (5.110.969), trong đó có 330.250 ca tử vong, 2.038.559 bệnh nhân đã được chữa khỏi.

Nga tiếp tục trở thành tâm dịch với 8.849 ca nhiễm trong ngày hôm nay, tiếp theo là Iran với 2.392 ca nhiễm mới, Mexico với 2.248 ca mới và Pakistan là 2.193 ca. Hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ khác đã và đang kiểm soát dịch tốt với số ca nhiễm mới từ 500 người trở xuống.

Mỹ vẫn là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch Covid-19 với 1.593.297 ca nhiễm và 94.948 ca tử vong. Nga xếp thứ hai sau Mỹ về số ca nhiễm với 317.554 người nhưng số ca tử vong của nước này vẫn thấp hơn so với nhiều nước. Tây Ban Nha đứng thứ ba về số ca nhiễm với 294.152 người.

Có tổng cộng 12 nước có trên 100.000 bệnh nhân Covid-19 với lần lượt: Mỹ, Nga, Brazil, Tây Ban Nha, Anh, Italy, Pháp, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Ấn Độ và Peru.

* Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ ngày 21/5 thông báo Chính phủ Mỹ đã đặt hàng 300 triệu liều vaccine có khả năng phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 được công ty AstraZeneca và Đại học Oxford của Anh sản xuất với hy vọng những liều vaccine đầu tiên sẽ được sử dụng trước tháng 10.

Theo hợp đồng với Chính phủ Mỹ, Cơ quan nghiên cứu và phát triển y sinh tiên tiến (BARDA) sẽ chi 1,2 tỉ USD hỗ trợ các nghiên cứu lâm sàng tiên tiến và các hoạt động phát triển khác gồm sản xuất quy mô lớn để đẩy nhanh việc cho ra đời loại vaccine tiềm năng.

Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ Alex Azar nêu rõ: "Hợp đồng này với công ty AstraZeneca là cột mốc quan trọng trong chương trình 'Operation Warp Speed' (chương trình đẩy nhanh tiến độ sản xuất vaccine phòng Covid-19) nhằm có được một loại vaccine an toàn, hiệu quả, được phổ biến rộng rãi trước năm 2021".

Ông Alex Azar hy vọng những liều vaccine đầu tiên đang được phát triển cùng với Đại học Oxford tại Anh có thể được sử dụng vào tháng 10 với toàn bộ số vaccine đặt hàng được chuyển giao vào đầu năm 2021.

Tuy nhiên, AstraZeneca nhấn mạnh rằng vaccine có thể không có hiệu quả và rằng công ty vẫn đang chờ kết quả thử nghiệm giai đoạn đầu tại miền Nam nước Anh, trước khi tiến tới giai đoạn thử nghiệm tiếp theo. AstraZeneca cho biết vaccine phòng Covid-19 công ty đang thử nghiệm sẽ gồm kế hoạch thử nghiệm giai đoạn cuối với 30.000 người tham gia và thử nghiệm trên trẻ em.

Trước đó, AstraZeneca đã ký hợp đồng cung cấp 100 triệu liều vaccine cho Chính phủ Anh và hy vọng bắt đầu chuyển giao trong tháng 9. Công ty dược phẩm của Anh quốc này cho biết đến nay đã ký những hợp đồng đầu tiên cung cấp ít nhất 400 triệu liều vaccine mà công ty đang phát triển cùng với Đại học Oxford.

AstraZeneca cũng cho biết đang hợp tác cùng với các tổ chức quốc tế, trong đó có Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để phân phối công bằng vaccine tiềm năng chống Covid-19 ra toàn thế giới. AstraZeneca hy vọng có thể chuyển giao 1 tỷ liều vaccine trong năm 2020 và 2021 nếu thử nghiệm thành công.

* Ngày hôm nay, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp vì dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 ở 3 tỉnh thuộc khu vực Kansai gồm Osaka, Kyoto và Hyogo.

Phát biểu với báo giới, Thủ tướng Abe cho biết tình trạng khẩn cấp tại khu vực thủ đô Tokyo và tỉnh Hokkaido ở cực Bắc có thể dỡ bỏ sớm nhất vào ngày 25/5 tới. Lệnh tình trạng khẩn cấp hiện nay có hiệu lực tới ngày 31/5.

Hiện số ca mắc Covid-19 mới ở Tokyo và các tỉnh lân cận đang có xu hướng giảm. Riêng tại thủ đô Tokyo ngày 20/5 chỉ ghi nhận thêm 5 ca mới. Đây là ngày thứ 11 liên tiếp, số ca nhiễm mới ở thành phố này nằm dưới ngưỡng 30. Tuy nhiên, Tokyo hiện là địa phương có số người mắc Covid-19 nhiều nhất ở Nhật Bản với 5.075 ca, không kể các công dân Nhật Bản hồi hương từ thành phố Vũ Hán Trung Quốc, cũng như các du khách nhiễm bệnh trên du thuyền Diamond Princess.

Tính đến nay, Nhật Bản đã ghi nhận hơn 16.300 ca nhiễm, trong đó có hơn 770 người tử vong.

* Cùng ngày, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản cho biết do tác động của dịch Covid-19, từ tháng 2 tới ngày 20/5, đã có 9.569 người nước này đã bị mất việc làm.

Làn sóng sa thải nhân công và chấm dứt các hợp đồng lao động, đặc biệt là tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Nhật Bản, đã tăng từ tháng 4 vừa qua khi Thủ tướng Abe ban bố tình trạng khẩn cấp. Những người làm trong lĩnh vực du lịch, các doanh nghiệp vận tải bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Theo dự báo của Viện Nghiên cứu kinh tế và xã hội vùng Chubu, có trụ sở tại Nagoya, miền Trung Nhật Bản, dịch Covid-19 có thể khiến 3,01 triệu người tại nước này bị mất việc làm trong tài khóa 2020 (đến hết tháng 3/2021). Giới chuyên gia cho rằng tác động của dịch Covid-19 đối với nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới này còn nghiêm trọng hơn cả cuộc khủng hoảng tài chính hồi năm 2008-2009, khi chỉ có khoảng 950.000 người bị mất việc làm.

* Công ty Genesprint thuộc Đặc khu Hành chính Hong Kong (Trung Quốc) đã phát triển thành công bộ kit xét nghiệm nhanh Covid-19 và trở thành công ty nước ngoài đầu tiên đạt được chứng nhận FDA của Mỹ. Bộ kit xét nghiệm nhanh này có thể giúp người được xét nghiệm trong vòng 10 đến 15 phút phát hiện sơ bộ trong cơ thể có sản sinh kháng thể SARS-CoV-2 hay không, với tỷ lệ chẩn đoán chính xác trên 99%.

Bác sĩ cố vấn Hoàng Chí Thông cho biết, bộ kit xét nghiệm nhanh này chủ yếu là thông qua xét nghiệm kháng thể IgG/IgM trong cơ thể người để xác nhận xem có bị nhiễm hay không. Bề ngoài của thẻ xét nghiệm cũng giống như que thử thai. Chỉ cần nhỏ giọt máu vào thẻ xét nghiệm và thêm chất pha loãng, đợi khoảng 10 đến 15 phút thì sẽ có kết quả xét nghiệm sơ bộ với tỷ lệ chẩn đoán chính xác trên 99%.

* Trong buổi họp báo chiều 21/5, Phó Chủ tịch Ủy ban đối sách phòng dịch trung ương thuộc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) Kwon Jun-wook cho biết, Hàn Quốc đang nghiên cứu phát triển vaccine kháng nguyên tổng hợp và vaccine tái tổ hợp để phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19, mỗi loại một sản phẩm, với mục tiêu đưa vào sản xuất trong nửa đầu năm 2021.

Thuốc điều trị Covid-19, gồm thuốc điều trị bằng huyết tương và bằng kháng thể, cũng đang được nghiên cứu phát triển hướng đến ứng dụng lâm sàng trong năm nay.

Phó Chủ tịch Kwon Jun-wook cho hay cơ quan phòng dịch nắm rất rõ thông tin về tiến trình phát triển vaccine phòng Covid-19 trên thế giới thông qua báo chí nước ngoài, qua đó khẳng định sẽ nỗ lực đạt thành quả nhất định trong nghiên cứu, phát triển vaccine và thuốc điều trị Covid-19.

* Cơ quan An toàn Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc (MFDS) ngày 21/5 cho biết tính đến nay, đã có 72 sản phẩm bộ xét nghiệm Covid-19 của 46 doanh nghiệp trong nước được cấp phép xuất khẩu. Bộ xét nghiệm Covid-19 của Hàn Quốc đang được xuất khẩu ra toàn cầu, không chỉ riêng châu Á mà cả khu vực Bắc Mỹ, Nam Mỹ, khu vực Trung Đông và châu Phi.

Cơ quan Hải quan Hàn Quốc ước tính kim ngạch xuất khẩu bộ xét nghiệm Covid-19 đã tăng vọt từ 34 triệu USD trong tháng 1 lên 212,3 triệu USD trong tháng 4 năm nay. Đối tác xuất khẩu cũng tăng từ 1 lên 103 nước trên thế giới.

* Viện nghiên cứu Brookings có trụ sở tại Washington (Mỹ) ngày 20/5 có bài phân tích cho rằng chính những nỗ lực cải thiện quản trị và điều phối chính sách đã giúp Việt Nam ngăn chặn hiệu quả đại dịch viêm đường hô hấp Covid-19 và là một trong những quốc gia đầu tiên nới lỏng cách ly xã hội cũng như tái khởi động nền kinh tế.

Theo bài viết, năng lực tổ chức-quản lý của Việt Nam không phải là thành quả sau một đêm mà là kết quả của những nỗ lực kéo dài hàng thập niên để cải thiện mô hình quản trị và phối hợp ngay từ cấp địa phương. Việc Việt Nam tăng cường năng lực quản lý nhà nước trong những tháng vừa qua là đỉnh điểm của nỗ lực bền vững này. Việt Nam đã có bước tiến trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng, sự minh bạch và quản trị nói chung cho thấy sự phối hợp hiệu quả giữa địa phương và trung ương đóng vai trò quan trọng trong thực thi chính sách quốc gia.

Dữ liệu về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) cho thấy các tỉnh của Việt Nam đã có những cải tiến đều đặn về hệ thống chăm sóc sức khỏe, tiếp cận thông tin và kiểm soát tham nhũng. Bảo hiểm y tế tăng nhanh, với 90% người dân có bảo hiểm, chất lượng bệnh viện liên tục được cải thiện, cùng với chính sách kiểm dịch miễn phí trên diện rộng, khiến người dân Việt Nam hiện không phải lo lắng về chi phí xét nghiệm, nhập viện và cách ly tập trung do Covid-19. Chính điều này khiến người dân yên tâm tuân thủ các quy định kiểm dịch nghiêm ngặt của Chính phủ.

Các nhà nghiên cứu cũng đánh giá tích cực về chiến dịch chống tham nhũng của Chính phủ Việt Nam. Chiến dịch chống tham nhũng thực hiện đan xen với các biện pháp chống dịch. Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội đã bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về những sai phạm xung quanh quá trình mua sắm máy xét nghiệm Covid-19.

Viện Brookings nhấn mạnh những nỗ lực minh bạch càng củng cố thêm niềm tin đối với các báo cáo của Đảng và Nhà nước về tình hình dịch Covid-19. Bộ Y tế liên tục cập nhật các ca nhiễm bệnh, tạo cơ sở để các nhà khoa học có những phân tích sâu hơn về tình hình dịch bệnh.

Nhận định về triển vọng phục hồi kinh tế của Việt Nam sau đại dịch, bài viết cho rằng chiến lược hiện tại tập trung vào thúc đẩy thị trường trong nước và tái định vị Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo bài viết, để thúc đẩy thị trường nội địa theo hướng bền vững, các nhà lãnh đạo Việt Nam ban hành một loạt biện pháp cứu trợ, bao gồm tạm ngưng nghĩa vụ kinh doanh để trả các chi phí như quỹ hưu trí và bảo hiểm nhân thọ, cung cấp các khoản vay truy cập nhanh để trả lương và tăng phúc lợi xã hội cho lao động mất việc. Các nhà lãnh đạo Việt Nam cũng đưa ra kế hoạch phối hợp giữa các tỉnh thành để thúc đẩy liên kết tại thị trường nội địa, bao gồm cả du lịch, nông nghiệp và ngư nghiệp. Điều này đòi hỏi phải tái định hướng các doanh nghiệp đối với khu vực có nhu cầu cao.

Bài viết cũng lưu ý mặc dù mong muốn khởi động lại nền kinh tế, song các nhà lãnh đạo Việt Nam cũng tuyên bố rõ rằng việc phục hồi kinh tế phải cân bằng với các mục tiêu y tế công cộng bằng cách áp dụng số giờ hoạt động giới hạn đối với doanh nghiệp, kiểm soát đám đông và tiếp tục thực thi các quy định giãn cách xã hội. Tuân thủ các biện pháp này là “bản lề” duy trì niềm tin trong nhân dân.

Viện Brookings kết luận việc nâng cao các biện pháp tổ chức-quản lý và điều phối chính sách giữa trung ương và địa phương đã giúp Việt Nam vượt qua đại dịch Covid-19, tạo điều kiện để Việt Nam mở cửa trở lại nền kinh tế trước hầu hết các nước khác.

Theo Viện Brookings, bất chấp những thách thức mà Việt Nam đang phải đối mặt, quỹ đạo tăng trưởng mạnh mẽ và phản ứng nhanh nhạy đối với Covid-19 đã biến Việt Nam trở thành điểm sáng kinh tế của thế giới. Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo Việt Nam sẽ là một trong số ít các quốc gia có mức tăng trưởng kinh tế tích cực trong năm 2020 và đã thu hút được 8,6 tỷ USD đầu tư nước ngoài trong quý I/2020. Tuy nhiên, thành công này phụ thuộc vào việc tiếp tục cải thiện các biện pháp quản trị kinh tế.

* Bộ Thương mại và công nghiệp Malaysia ngày 21/5 thông báo nước này sẽ chủ trì một hội nghị trực tuyến các quan chức cấp cao của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC).

Hội nghị sẽ diễn ra ngày 27/5 tới, tập trung vào việc thực hiện tuyên bố của Các Bộ trưởng thương mại APEC về đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19, thảo luận các vấn đề liên quan đến phục hồi kinh tế, trong khi đảm bảo rằng các nỗ lực hiện nay nhằm giảm thiểu các tác động y tế của dịch tiếp tục đem lại kết quả tích cực.

Đầu tháng trước, các bộ trưởng thương mại APEC đã ra tuyên bố kêu gọi tăng cường hợp tác giữa các nền kinh tế thành viên nhằm tạo điều kiện cho thương mại, coi đây là một biện pháp để chống dịch.

Bên cạnh các đại diện trong lĩnh vực công đến từ các nền kinh tế APEC, hội nghị cũng sẽ có sự tham dự của các chủ doanh nghiệp trong lĩnh vực tư nhân thông qua Hội đồng cố vấn kinh doanh APEC (ABAC).