Người dân đi qua một thiết bị phun thuốc khử trùng ở lối vào một khu dân cư ở Thiên Tân, Trung Quốc. (Nguồn: Reuters) |
Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc hôm nay thông báo, nước này ghi nhận thêm 108 ca tử vong do dịch viêm phổi cấp, đưa tổng số người chết lên 1.017 ở Trung Quốc đại lục và 1.019 trên toàn cầu.
Đây là lần đầu tiên số người chết trong một ngày đạt đến ba chữ số kể từ khi dịch bệnh do chủng mới virus corona (2019-nCoV) khởi phát ở Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc, miền trung Trung Quốc và bùng phát hồi tháng 12/2019. Số người chết đã tăng gấp nghìn lần chỉ một tháng sau khi ghi nhận trường hợp tử vong đầu tiên, dù tỷ lệ tử vong vẫn còn ở mức tương đối thấp, 2,4%. Số người nhiễm sau hai tháng dịch bùng phát tăng lên hơn 40.000.
Ngày 11/2, trong lời kêu gọi chia sẻ các mẫu virus và đẩy nhanh hoạt động nghiên cứu thuốc và vaccine để chữa bệnh viêm phổi do 2019-nCoV gây ra, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh, đợt dịch bệnh này đã "gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với phần còn lại của thế giới".
Phát biểu khai mạc hội nghị kéo dài hai ngày tại thành phố Geneva (Thụy Sỹ), với sự tham dự của hơn 400 nhà nghiên cứu và nhà chức trách y tế, trong đó các đại diện của Trung Quốc đại lục tham dự trực tuyến, ông Ghebreyesus nói: "Với 99% ca nhiễm được phát hiện ở Trung Quốc, thì ngoài việc là vấn đề vô cùng khẩn cấp đối với Trung Quốc, dịch bệnh này còn là mối đe dọa nghiêm trọng đối với phần còn lại của thế giới".
Về mức độ nguy hiểm của dịch bệnh, sau đánh giá của người đứng đầu WHO, rằng bệnh nhân nhiễm nCoV dù chưa từng đến Trung Quốc có thể là "phần nổi của tảng băng chìm", Giáo sư Gabriel Leung thuộc khoa Y tế công cộng, Đại học Hong Kong cho rằng, câu hỏi quan trọng nhất là tìm ra kích thước và hình dạng của tảng băng trôi đó.
Phần lớn các chuyên gia nghĩ rằng, nếu dịch bệnh không được ngăn chặn, mỗi người bị nhiễm sẽ tiếp tục truyền virus cho khoảng 2,5 người khác, dẫn đến "tỷ lệ tấn công" vào khoảng 60-80%. "60% dân số thế giới là một con số cực kỳ lớn. Ngay cả khi tỷ lệ tử vong dưới 1%, nhưng một khi các trường hợp nhẹ hơn được tính đến, thì số người chết vẫn sẽ rất lớn”, GS. Leung cho biết.
Theo GS. Leung, vấn đề chính là quy mô của dịch bệnh đang gia tăng trên toàn thế giới và ưu tiên thứ hai là tìm hiểu xem liệu các biện pháp quyết liệt của Trung Quốc có ngăn chặn hiệu quả sự lây lan. Nếu thực sự hiệu quả, các nước khác nên nghĩ đến việc làm theo.
* Trong thời gian này, các nhà khoa học thuộc Đại học Hoàng gia London (Anh) đã bắt đầu tiến hành thử nghiệm trên động vật một loại vaccine phòng 2019-nCoV, với kỳ vọng có thể sớm tìm ra biện pháp hiệu quả và an toàn để ngăn chặn sự lây lan của virus này.
Phát biểu với báo giới ngày 11/2, nhà khoa học Paul McKay cho biết: "Chúng tôi đã tạo ra một loại vaccine chống virus corona chủng mới từ những con vi khuẩn và sau đó đã tiêm loại vaccine này vào chuột. Chúng tôi hy vọng trong vài tuần tới sẽ có thể xác định tác động của vaccine này đối với những con chuột thí nghiệm, cụ thể là trong máu của chúng và phản ứng kháng thể của chúng với virus corona chủng mới".
* Cũng trong nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh, nhà cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin Neusoft của Trung Quốc đã phát triển một số loại robot mới hỗ trợ nỗ lực kiểm soát dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do 2019-nCoV gây ra, trong đó một số mẫu robot có thể đo thân nhiệt của những người đi ngang qua và phát hiện người không đeo khẩu trang y tế.
Sự phát triển công nghệ của Trung Quốc đã thúc đẩy làn sóng sáng tạo công nghệ nhằm hỗ trợ cuộc chiến chống dịch bệnh tại quốc gia này, trong đó có các sản phẩm giúp nâng cấp bộ dụng cụ thử nghiệm nCoV nhanh và thiết bị kiểm tra thân nhiệt mới. Những robot kiểm tra thân nhiệt có thể thay thế con người làm nhiệm vụ tại các ngân hàng, trường học, công ty và các nhà vệ sinh công cộng. Ưu điểm của việc sử dụng robot tại những nơi này là có thể nhanh chóng định vị trong đám đông những người bị sốt hay không đeo khẩu trang y tế.
Ngoài ra, một số loại robot khác có thể hỗ trợ việc chăm sóc y tế, khử trùng, giao hàng và thu thập thông tin cần thiết. Các robot này đã được đưa vào sử dụng tại một số bệnh viện ở Thượng Hải và trong tương lai sẽ được triển khai rộng ra các thành phố khác.
* Trước diễn biến dịch bệnh tại Trung Quốc, thủ đô Seoul của Hàn Quốc thông báo viện trợ cho Trung Quốc 600 triệu Won (khoảng 507.000 USD) nhằm giúp đỡ Trung Quốc chống lại dịch bệnh. Đây là những vật tư y tế không gặp vấn đề về cung và cầu tại Seoul hiện nay. Số hàng viện trợ này sẽ được chuyển đến 8 thành phố có quan hệ hợp tác với Seoul, bao gồm Bắc Kinh và 4 thành phố khác thuộc vùng Đông Bắc Trung Quốc vào ngày 12/2.
Trong khi đó, tờ Nikkei của Nhật Bản cho biết, mỗi nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ Tự do của Nhật Bản (LDP) sẽ quyên góp 5.000 Yen (45,5 USD) cho Trung Quốc nhằm góp sức vào công tác đối phó dịch bệnh này. Tổng số tiền Nhật Bản hỗ trợ phía Trung Quốc trong dịp này sẽ vào khoảng 1,985 triệu Yen (khoảng 18.000 USD).
Virus corona - Chưa có thuốc đặc trị, chống đến cùng hay học cách sống chung TGVN. Những đặc tính có phần vượt trội của virus corona chủng mới (2019-nCoV) đang khiến khả năng loại trừ hoàn toàn virus nguy hiểm ... |
Khẩu trang tăng giá 20 lần, WHO lo ngại tình trạng thiếu thiết bị bảo vệ trong cuộc chiến với virus corona TGVN. Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 7/2 đã cảnh báo thế giới đang đối mặt với ... |
Trung Quốc điều robot khử trùng đến các bệnh viện tại Vũ Hán TGVN. Ngày 7/2, hơn 30 robot khử trùng do doanh nghiệp TMiRob ở Thượng Hải thiết kế và sản xuất đã được triển khai đến các ... |