📞

Cập nhật 19h ngày 13/4: Ca Covid-19 trẻ tuổi và không rõ nguồn lây tại Nhật tăng, Tây Ban Nha nới phong tỏa, Trung Quốc thử nghiệm vaccine thứ 2

19:25 | 13/04/2020
TGVN. Trong một động thái phản ánh tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 do virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây ra đang diễn biến theo chiều hướng tích cực, ngày 13/4, Chính phủ Tây Ban Nha đã nới lỏng một số biện pháp hạn chế sau 2 tuần áp dụng trên toàn quốc.    
Bác sĩ điều trị cho bệnh nhân Covid-19 tại Barcelona, Tây Ban Nha. (Nguồn: Bloomberg)

Các hoạt động “không thiết yếu” như văn phòng, xây dựng, công nghiệp đã được phép hoạt động trở lại.

Việc nới lỏng các biện pháp hạn chế được thực hiện theo Sắc lệnh ngày 29/3 của chính quyền Thủ tướng Pedro Sánchez.

Cùng với đó, Tây Ban Nha tiếp tục áp dụng các biện pháp hạn chế sự lây lan của dịch bệnh Covid-19 như thực hiện giãn cách xã hội, yêu cầu người dân tuân thủ việc sử dụng chất khử trùng và đeo khẩu trang… Các lực lượng chức năng tiếp tục tiến hành kiểm tra việc tuân thủ các quy định trên đường phố, phát miễn phí 10 triệu khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng cho những người không thể đi làm bằng phương tiện cá nhân, phổ biến các chỉ dẫn đảm bảo vệ sinh và an toàn sức khỏe ở nơi công cộng, tiếp tục duy trì việc đóng cửa đối với trường học, rạp chiếu phim, nhà hát, nhà hàng và quán bar.

Theo thông báo ngày 13/4 của Bộ Y tế Tây Ban Nha, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 517 ca tử vong, nâng tổng số ca không qua khỏi tại đây lên 17.489 ca. Tổng số ca mắc tăng từ 166.019 lên 169.496 ca. Vào thời kỳ đỉnh điểm, số bệnh nhân Covid-19 tại Tây Ban Nha lên tới gần 1.000 người trong vòng một ngày.

* Ngày 13/4, Viện Robert Koch - cơ quan kiểm soát dịch bệnh của Đức - cho biết đã ghi nhận thêm 2.537 ca mắc Covid-19, nâng tổng số ca bệnh tại đây lên 123.016 ca trong 24 giờ qua. Tổng số ca tử vong tại Đức tăng thêm 126 ca lên 2.799. Trong khi đó, tổng cộng có 64.300 bệnh nhân đã bình phục và xuất viện, tăng 4.000 người so với một ngày trước.

* Ngày 13/4, truyền thông Nhật Bản đưa tin, thủ đô Tokyo ghi nhận thêm 91 ca. Như vậy, số ca nhiễm mới ngày 13/4 đã giảm so với con số 166 ca nhiễm mới một ngày trước đó và đây cũng là lần đầu tiên số ca nhiễm mới trong ngày giảm xuống mức dưới 100 trong vòng 1 tuần qua. Hiện tổng số ca mắc Covid-19 tại Tokyo là 2.159 ca. Đặc biệt, số ca nhiễm ở nhóm trẻ tuổi và không rõ nguồn lây gia tăng.

Cũng trong ngày 13/4, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết, Chính phủ nước này hiện chưa nhận thấy lý do gì để mở rộng lệnh tình trạng khẩn cấp đang được áp dụng tại Tokyo và 6 thành phố khác trên cả nước.

Từ ngày 14/3, chính quyền các tỉnh Fukuoka và Osaka, hai trong số 7 tỉnh thành áp dụng lệnh tình trạng khẩn cấp, yêu cầu một số doanh nghiệp như các hộp đêm, các rạp chiếu phim và nhà trọ, đóng cửa trong vòng gần 1 tháng để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Quyết định đóng cửa các doanh nghiệp kể trên được đưa ra khi chính quyền 2 tỉnh này nhận thấy sau một tuần áp dụng các biện pháp khẩn cấp, số ca mắc mới vẫn gia tăng. Các siêu thị, cửa hàng tiện ích và những cửa hàng bán nhu yếu phảm sẽ vẫn hoạt động. Trước đó, thủ đô Tokyo và các tỉnh lân cận đã áp dụng biện pháp này.

* Theo tờ Pengpai (Bành Phái) xuất bản tại Thượng Hải, chính quyền Trung Quốc đã phê duyệt giai đoạn thứ nhất và thứ hai của chu trình thử nghiệm lâm sàng vaccine bất hoạt ngừa SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19.

Được biết, đây là vaccine thứ hai do các chuyên gia Trung Quốc bào chế nhằm ngừa SARS-CoV-2 và đã được phép tiến hành thử nghiệm lâm sàng. Hồ sơ xin phép của Viện Sinh phẩm Vũ Hán thuộc Tập đoàn dược phẩm Sinopharm của Trung Quốc đã được phê duyệt sơ bộ để tiến hành giai đoạn thứ nhất và thứ hai của chu trình thử nghiệm lâm sàng.

Vaccine chống SARS-CoV-2 đầu tiên được phê duyệt thử nghiệm là thành quả nghiên cứu của nhóm chuyên gia thuộc Học viện Khoa học Quân y do Viện sĩ Trần Vi đứng đầu. Bà Trần Vi là Thiếu tướng quân y, được mệnh danh là chuyên gia đầu ngành về phòng thủ vũ khí sinh hóa của Trung Quốc. Nhóm của bà Trần Vi đã đến Vũ Hán hôm 26/1 và bắt đầu bào chế loại vaccine có thể hữu dụng trong cuộc chiến chống Covid-19.

Từ giữa tháng 3 vừa qua, Trung Quốc bắt đầu phát triển chu trình thử nghiệm lâm sàng loại vaccine ngừa SARS-CoV-2 đầu tiên với 108 tình nguyện viên chia thành 3 nhóm. Nhóm đầu tiên được tiêm loại vaccine liều thấp, nhóm thứ hai được tiêm liều trung bình, nhóm thứ ba được tiêm liều cao. Thử nghiệm lâm sàng dự kiến diễn ra từ ngày 16/3-31/12 năm nay.

Nhân viên y tế tại tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc (ở giữa), khóc khi ôm các đồng nghiệp vừa trở về từ thành phố Vũ Hán, ngày 8/4, sau khi thành phố này dỡ bỏ lệnh phong tỏa. (Nguồn: AFP)

* Cũng trong ngày 13/4, theo số liệu mới cập nhật của Bộ Y tế Indonesia, nước này ghi nhận thêm 316 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và 26 ca tử vong do Covid-19, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong vì dịch bệnh ở đây lên lần lượt là 4.557 ca và 399 ca.

* Trong khi đó, Bộ Y tế Philippines thông báo thêm 18 ca tử vong và 284 ca nhiễm virus gây bệnh chết người này. Như vậy, tới nay, Philippines ghi nhận tổng cộng 315 ca tử vong và 4.932 ca mắc bệnh Covid-19, trong khi số ca hồi phục là 242.

* Quốc gia khác trong khu vực là Malaysia cũng phát hiện thêm 134 ca nhiễm virus và 1 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong vì dịch bệnh tại nước này lên lần lượt là 4.817 ca và 77 ca. Như vậy, Philippines đã chính thức vượt Malaysia và trở thành quốc gia có số bệnh nhân Covid-19 cao nhất Đông Nam Á.

* Ngày 13/4, Afghanistan cũng thông báo thêm 59 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc bệnh Covid-19 lên 655 ca. Theo Bộ Y tế Afghanistan, tổng số ca tử vong vì dịch bệnh tại quốc gia Nam Á là 21 ca và 38 ca đã được điều trị khỏi bệnh.

* Trong khi đó, Bangladesh ghi nhận số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua cao nhất từ trước tới nay - 182 ca, nâng tổng số bệnh nhân Covid-19 lên 803 người và số người tử vong là 39.

* Cùng ngày 13/4, một quan chức y tế Iran thông báo, số ca tử vong vì nhiễm virus SARS-CoV-2 đã tăng thêm 111 ca, lên tổng số 4.585 ca.

Chia sẻ trên tài khoản Twitter, ông Alireza Vahabzadeh, một cố vấn của Bộ trưởng Y tế Iran, cho biết, với 1.617 ca nhiễm mới được ghi nhận trong vòng 24 giờ qua, tổng số ca nhiễm virus tại nước này tăng lên 73.303 người.

Điểm sáng ở quốc gia Hồi giáo là bệnh nhân được điều trị khỏi cũng đã lên 45.983 người.

Tính đến 19h30 ngày 13/4, thế giới ghi nhận 1.866.654 người mắc Covid-19; 115.269 người tử vong, 434.054 ca hồi phục. Mỹ là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất với 560.433 người mắc; 22.115 ca tử vong; tiếp theo là các nước Tây Ban Nha, Italy và Đức.

(tổng hợp)