Mỹ đã ghi nhận 27.021 ca mắc Covid-19 và 344 ca tử vong, trở thành tâm dịch thứ tư trên thế giới. (Nguồn: abcnews.go.com) |
Tại Italy, nước này ghi nhận thêm 793 ca tử vong vì Covid-19, nâng tổng số người chết vì dịch viêm phổi cấp tại đây lên 4.825. Đây cũng là ngày Italy ghi nhận nhiều ca tử vong vì Covid-19 nhất kể từ khi dịch bùng phát 1 tháng qua.
Với 6.557 ca mắc Covid-19, nâng số người nhiễm bệnh tại nước này lên 53.578, Italy là tâm dịch thứ hai trên thế giới. Lombardy tiếp tục là vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở Italy với 3.095 ca tử vong, hơn 25.500 ca mắc bệnh.
Số ca tử vong và mắc Covid-19 ở Italy tiếp tục tăng mạnh bất chấp các biện pháp ứng phó của Chính phủ bao gồm lệnh phong tỏa toàn quốc.
Tại Tây Ban Nha, số ca tử vong do dịch Covid-19 đã lên tới 1.720 người, tăng mạnh so với con số 1.326 ca của một ngày trước đó.
Số ca bệnh nhân mắc Covid-19 cùng ngày là 28.572, tăng so với con số 24.926 của ngày 21/3 và trở thành tâm dịch thứ ba trên thế giới.
Tại Mỹ đã ghi nhận 27.021 ca mắc Covid-19 và 344 người đã thiệt mạng vì dịch bệnh và trở thành tâm dịch thứ tư.
Toàn bộ 50 bang của Mỹ đều ghi nhận trường hợp mắc Covid-19. Tuy nhiên, số ca tử vong tại Mỹ thấp hơn nhiều so với Trung Quốc, Italy hay Tây Ban Nha.
Tại Đức, ghi nhận thêm 2.516 ca nhiễm Covid-19, tăng 12% so với ngày hôm trước, nâng tổng số ca nhiễm lên 22.364, biến Đức thành vùng dịch lớn thứ ba châu Âu, sau Italy và Tây Ban Nha. Thêm 16 người tử vong vì Covid-19, khiến tổng số người chết vì dịch ở Đức lên 84.
Số liệu mới được công bố trong bối cảnh chính phủ Đức đang xem xét phong tỏa toàn quốc để ngăn Covid-19 tiếp tục lây lan. Tuần trước, hai bang của Đức là Bavaria và Saarland đã áp đặt các hạn chế trên toàn bang để ngăn dịch bệnh.
Tại Bỉ có thêm 586 ca nhiễm virus corona chủng mới (SARS-Cov-2), 8 người tử vong nâng tổng số 3.401 trường hợp nhiễm bệnh và 75 người tử vong trên cả nước.
Trong bối cảnh đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã điện đàm với lãnh đạo Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Serbia, đề nghị giúp đỡ họ giữa lúc nhiều nước châu Âu thiếu nguồn lực đối phó Covid-19.
"Nếu Đức có nhu cầu, Trung Quốc sẵn sàng hỗ trợ trong khả năng của chúng tôi", Tân hoa xã dẫn lời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói với Thủ tướng Đức Angela Merkel trong cuộc điện đàm hôm 21/3. Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, ông Tập đề cập nỗ lực toàn cầu chống đại dịch.
Chủ tịch Tập Cận Bình còn có cuộc điện đàm bất ngờ với Vua Felipe của Tây Ban Nha, nhằm nhắc lại cam kết hỗ trợ từ Trung Quốc, đồng thời sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm xử lý Covid-19 cũng như điều trị bệnh nhân.
Như vậy, đến thời điểm này đã có 188 quốc gia và vùng lãnh thổ bên ngoài Trung Quốc với 230.649 người mắc, 9.934 người tử vong.
Tại Việt Nam, Bộ Y tế chiều 22/3 cho biết, 5 ca mắc Covid-19 mới được xác nhận, trong đó có 2 ca là giáo viên ngoại ngữ, đi cùng chuyến bay từ Malaysia về Việt Nam, cùng lên bar nơi bệnh nhân 91 từng tới.
Như vậy, Việt Nam đã có 99 trường hợp mắc Covid-19. Trong đó: 16 người mắc Covid-19 (tính từ ngày 23/1 đến ngày 13/2) đã được chữa khỏi bệnh hoàn toàn (giai đoạn 1). 1 bệnh nhân (BN18) mắc Covid-19 (tính từ ngày 6/3 đến 20/3) được chữa khỏi (giai đoạn 2).
*Theo thông báo mới nhất ngày 22/3 của Iran, nước này đã ghi nhận thêm 129 ca tử vong mới do dịch Covid-19, nâng tổng số trường hợp tử vong lên tới 1.685 người, đứng thứ 3 trên thế giới sau Italy và Trung Quốc.
Người phát ngôn Bộ Y tế Iran Kianouche Jahanpour cho biết trong 24 giờ qua đã có thêm 1.028 người xét nghiệm dương tính và nâng tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại nước này lên 21.638 người.
* Chính phủ Romania đã xác nhận trường hợp tử vong đầu tiên ở nước này do SARS-CoV-2, là một người đàn ông 67 tuổi đã phải chống chọi với căn bệnh ung thư giai đoạn cuối. Ngày 18/3, bệnh nhân này được xác nhận nhiễm virus SARS-CoV-2 và được điều trị tại một bệnh viện ở thành phố Craiova, miền Nam Romania.
Trước đó, tối 21/3, Chính phủ Romania đã ban bố lệnh giới nghiêm và yêu cầu người dân ở trong nhà nhiều nhất có thể vào ban ngày. Đây là biện pháp mới nhất của Romania nhằm ngăn chặn đà lây lan của virus SARS-CoV-2.
Romania hiện ghi nhận tổng cộng 367 ca mắc Covid-19. Quốc gia Đông Âu này đã ban bố tình trạng khẩn cấp vào ngày 16/3.
* Chuyên gia y tế Philippines khuyến cáo thận trọng khi dùng thuốc chống sốt rét để điều trị bệnh Covid-19. Thuốc chống sốt rét Plaquenil (trong đó có hoạt chất hydroxychloroquine) kết hợp với Azithromycin trong điều trị bệnh Covid-19, trừ khi có chỉ dẫn và theo dõi của bác sĩ.
Theo Tiến sĩ Edsel Salvana, Giám đốc Viện Sinh học Phân tử và Công nghệ Sinh học tại Viện Y tế Quốc gia thuộc Đại học Philippines ở Manila, cả hai loại thuốc trên có thể làm nhịp tim tăng bất thường, dẫn tới rối loạn nhịp tim và đột tử, đặc biệt đối với trường hợp các bệnh nhân đang sử dụng các loại thuốc khác để điều trị bệnh tim.
Hôm 18/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết Cơ quan quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) đồng ý cho sử dụng thuốc trị sốt rét điều trị cho bệnh nhân Covid-19 trong trường hợp bệnh nặng tại Mỹ. Trước đó, tại Trung Quốc cũng đã có nghiên cứu tương tự và cũng đã có thử nghiệm trong điều trị cho bệnh nhân nặng.
Giới chuyên gia cho rằng các tác dụng phụ có thể gặp của thuốc trên là ói mửa, buồn nôn, đau bụng, nổi mẩn đỏ trên da, xuất huyết dưới da, ảnh hưởng đến mắt và thị lực, người có bệnh thận, tiểu đường và mắt phải thật cẩn thận khi uống và phải theo dõi kỹ với bác sĩ khi dùng. Ngoài ra, việc sử dụng điều trị thuốc nào cho bệnh gì đều phải tuân theo chỉ định của bác sĩ.