📞

Cập nhật 7h ngày 12/6: 'Xô đổ' mọi kỷ lục, Ấn Độ vào top 4 nước có số ca Covid-19 cao nhất, toàn cầu có hơn 135.000 ca nhiễm mới

Thế Việt 07:01 | 12/06/2020
TGVN. Tính đến 6h ngày 12/6, thế giới ghi nhận 7.582.351 người nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 do virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây ra, trong đó có 423.0723 ca tử vong và 3.832.972 bệnh nhân bình phục. 
Ấn Độ trở thành quốc gia có số ca nhiễm cao thứ 4 thế giới sau Mỹ, Brazil và Nga. (Nguồn: Reuters)

Đây là ngày thứ 2 liên tiếp, toàn cầu ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày cao kỷ lục hơn 135.000 ca nhiễm, với số nhiễm mới cao nhất được ghi nhận ở Brazil (30.465) và Mỹ (22.604). Cho đến nay, hai quốc gia có số người nhiễm bệnh cao nhất thế giới này ghi nhận lần lượt 805.649 và 2.089.005 người mắc Covid-19. Số tử vong ở 2 quốc gia này lần lượt là 41.058 ca và 116.025 ca.

Nga xếp thứ 3 với 502.436 ca nhiễm Covid-19 và 6.532 người tử vong. Ấn Độ tiếp tục thiết lập kỷ lục mới, xô đổ mọi kỷ lục trước đó khi "ghi danh" vào top 4 quốc gia có số ca nhiễm Covid-19 cao nhất thế giới, với 298.283 người mắc bệnh và 8.501 trường hợp tử vong.

* Trong bối cảnh nguy cơ bùng phát đợt dịch Covid-19 thứ 2, ngày 11/6, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin cho biết, Mỹ sẽ không đóng cửa nền kinh tế để ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19, ngay cả khi dịch bệnh này đang bùng phát mạnh tại một số bang.

* Tại châu Âu, liên quan đến làn sóng dịch mới, các quan chức và chuyên gia Liên minh châu Âu (EU) cho rằng, châu Âu có thể phải đối mặt với sự gia tăng các ca mắc Covid-19 trong những tuần tới do các cuộc biểu tình hàng loạt diễn ra tại châu lục này trong những ngày qua.

Những ngày gần đây, hàng vạn người biểu tình đã tụ tập tại các thành phố lớn ở châu Âu để phản đối nạn phân biệt chủng tộc sau khi xảy ra vụ công dân Mỹ da màu George Floyd tử vong khi bị cảnh sát bắt giữ.

Phát biểu tại một hội nghị, Chủ tịch Hiệp hội Hồi sức tích cực châu Âu (ESICM) Jozef Kesecioglu nêu rõ: "Nếu bạn khuyến cáo mọi người giữ khoảng cách 1,5 mét với nhau, và mọi người vẫn đứng cạnh nhau, ôm lấy nhau thì tôi cảm thấy không mấy tốt đẹp về điều đó".

Khi được hỏi liệu số ca mắc Covid-19 có khả năng gia tăng trong 2 tuần tới hay không, ông Kesecioglu trả lời: "Rất có khả năng, song hy vọng là tôi sai".

Phần lớn các nước thành viên EU đã qua đỉnh dịch Covid-19 và đang dần mở cửa trở lại doanh nghiệp và biên giới, khi mà số ca nhiễm giảm dần trong những tuần qua. Trước khi diễn ra các cuộc biểu tình gần đây, các nhà khoa học đã dự đoán sẽ có một đợt dịch thứ 2 sau mùa Hè.

Tuy nhiên, các cuộc biểu tình hàng loạt có thể tác động tới xu hướng tích cực này. Khi được hỏi về khả năng đợt dịch thứ 2 sẽ tới sớm hơn do các cuộc biểu tình, ông Martin Seychell, một quan chức của Ủy ban châu Âu cho biết: "Liên quan tới các ca nhiễm bệnh về hô hấp, những sự kiện đông người có thể là một con đường lây nhiễm nguy cơ cao".

Theo ông, virus SARS-CoV-2 vẫn đang tiếp tục lây lan, mặc dù ở tỷ lệ thấp hơn một vài tuần trước đó. Khả năng xảy ra đợt dịch thứ 2 và quy mô của nó phụ thuộc vào việc duy trì hiệu quả các biện pháp giãn cách xã hội và nhiều nhân tố khác.

* Tại quốc gia thành viên Italy, Bộ Y tế khẳng định, SARS-CoV-2 vẫn đang lây lan và các trường hợp mắc bệnh không biểu hiện triệu chứng đang gia tăng, do đó, thận trọng vẫn là nguyên tắc cơ bản khi chưa có vaccine phòng bệnh.

Bộ trưởng Y tế Roberto Speranza cho biết, số ca mắc Covid-19 hồi phục gia tăng, đường cong dịch tễ đang đi xuống, nhiều vùng với chỉ số bằng 0, số ca tử vong giảm, và chỉ số RT (chỉ số lây nhiễm sau khi áp dụng các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh lây lan) tại Italy hiện ở dưới 1. Bộ trưởng Speranza cho rằng, đây là những dấu hiệu tích cực, nhưng chỉ là một phần của thực tế dịch bệnh hiện nay, do đó không thể ngừng cảnh giác.

Tuy nhiên, ông Speranza khẳng định dịch bệnh chưa kết thúc, vẫn còn các ổ dịch lây nhiễm, các trường hợp không biểu hiện triệu chứng chiếm tỷ lệ cao và virus vẫn tiếp tục lưu hành. Do đó, các biện pháp nghiêm ngặt cần triển khai ngay lập tức khi cần thiết.

Bộ trưởng Speranza khuyến cáo người dân duy trì khoảng cách an toàn, sử dụng khẩu trang, vệ sinh cá nhân, tránh tụ tập, ở nhà và thông báo ngay cho bác sĩ khi có các triệu chứng đầu tiên của bệnh, cho rằng sự thận trọng vẫn là nguyên tắc cơ bản khi chưa có vaccine phòng bệnh.

Theo Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy, tổng số ca mắc Covid-19 là 236.142 trường hợp, trong đó có 34.167 ca tử vong và 171.338 bệnh nhân đã hồi phục.

* Ngày 11/6, Bộ Y tế Ukraine công bố số liệu cho biết, số ca nhiễm Covid-19 mới trong ngày tại nước này là 689 ca, mức cao nhất tính theo ngày kể từ khi Ukraine ghi nhận ca mắc đầu tiên.

Bộ trưởng Y tế Maksym Stepanov thừa nhận chưa bao giờ nước này ghi nhận số ca nhiễm cao như vậy, kể cả thời điểm khó khăn nhất là tháng 4 vừa qua, khi tình hình dịch bệnh hết sức nghiêm trọng.

Với số ca nhiễm mới trên, đến nay, Ukraine đã xác nhận tổng cộng 29.070 bệnh nhân Covid-19, trong đó 854 ca tử vong và 13.141 ca phục hồi.

* Ngày 11/6, Bộ Y tế Ai Cập thông báo ghi nhận thêm 1.442 ca nhiễm SARS-CoV-2), nâng tổng số ca nhiễm bệnh lên 39.726 người.

Ngoài ra, trong vòng 24 giờ qua đã có thêm 35 trường hợp tử vong do Covid-19, nâng tổng số ca tử vong do căn bệnh này lên 1.377 người. Bên cạnh đó cũng có thêm 402 bệnh nhân mắc Covid-19 khỏi bệnh, nâng tổng số trường hợp khỏi bệnh lên 10.691 người.

Trước đó, người đứng đầu Ủy ban Khoa học Thể chất thuộc Bộ Y tế Ai Cập, Tiến sĩ Hosam Hosny nhận định, số ca mắc Covid-19 ở Ai Cập sẽ tiếp tục tăng trong tháng này cho đến khi đạt ngưỡng 2.000 – 2.500 ca/ngày.

Trả lời phỏng vấn qua điện thoại với kênh truyền hình Sada Al-Balad, ông Hosny nêu rõ: “Chúng tôi cho rằng trong tuần đầu tiên của tháng 7, số ca nhiễm sẽ ổn định và sau đó sẽ bắt đầu giảm". Trước đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng số ca mắc Covid-19 ở Ai Cập vẫn chưa đạt đỉnh.

* Ngày 11/6, Nga đã giới thiệu loại thuốc Avifavir, đã được cấp phép để điều trị cho các bệnh nhân Covid-19.

Trong thông cáo báo chí, Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) cho biết, lô thuốc Avifavir kháng SARS-CoV-2 đầu tiên đã được cung cấp cho một số bệnh viện và phòng khám trên khắp nước Nga. RDIF đã cung cấp kinh phí cho các cuộc thử nghiệm thuốc và có 50% cổ phần trong nhà sản xuất dược phẩm ChemRar.

Trước đó, Bộ Y tế Nga đã cấp phép đưa vào sử dụng Avifavir, theo đó một quy trình điều chế đặc biệt, với thời gian ngắn hơn và với số người thử nghiệm cũng ít hơn so với nhiều nước khác, diễn ra song song với các thử nghiệm lâm sàng. Tuần trước, Giám đốc RDIF Kirill Dmitriev cho biết hãng dược phẩm ChemRar đang lên kế hoạch sản xuất một lượng thuốc đủ để có thể điều trị khoảng 60.000 người/tháng.

Hiện vẫn chưa có loại vaccine nào phòng chống Covid-19 trong khi các thử nghiệm trên người đối với một số loại thuốc kháng virus hiện có vẫn chưa cho kết quả khả quan. Theo ông Dmitriev, hiện đã có 10 quốc gia đặt hàng thuốc Avifavir.

* Liên quan vaccine ngừa Covid-19, ngày 11/6, Thống đốc bang Sao Paulo của Brazil Joao Doria thông báo, Viện Butantan của địa phương này sẽ liên kết với một phòng thí nghiệm của Trung Quốc để sản xuất vaccine và hiện đang trong giai đoạn thử nghiệm cuối cùng.

Phát biểu trong một cuộc họp báo, ông Doria cho biết, Viện Butantan đã ký một thỏa thuận công nghệ với tập đoàn dược phẩm Sinovac Biotec để sản xuất loại vaccine đang rất được mong đợi này, đồng thời khẳng định đây là một ngày lịch sử đối với Sao Paulo và Brazil, cũng như nền khoa học thế giới.

Theo các kết quả nghiên cứu, vaccine ngừa Covid-19 sẽ có thể ra mắt vào nửa đầu năm 2021. Dự kiến, tập đoàn của Trung Quốc sẽ cung cấp cho Viện Butantan các liều vaccine để thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 với những người tình nguyện tại Brazil từ tháng 7 tới đây. Hiện đã có 9.000 tình nguyện viên sẵn sàng tham gia giai đoạn này.

Tại Việt Nam, đã 57 ngày không ghi nhận ca lây nhiễm Covid-19 mới trong cộng đồng. Số ca bệnh hiện tại là 332, trong đó, 321 người đã được công bố khỏi bệnh, 11 bệnh nhân còn lại đang được điều trị tại các cơ sở y tế trên cả nước, trong đó, 5 bệnh nhân đã có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 từ 1 lần trở lên.
(tổng hợp)