Nguy cơ hội chứng hiếm gặp liên quan đến Covid-19 đe dọa trẻ em. (Nguồn: Courrier International) |
Mỹ vẫn là quốc gia có số ca nhiễm và tử vong cao nhất thế giới, với số ca tăng thêm trong 24 giờ qua lần lượt là 24.679 và 1.499, tính đến nay, Mỹ đã ghi nhận 1.482.272 người mắc Covid-19, trong đó có 88.411 ca tử vong. Bên cạnh đó, số người bình phục ở Mỹ đã tăng lên 322.288.
Ngày 15/5, Tổng thống Donald Trump tuyên bố, Chính phủ Mỹ sẽ đầu tư vào tất cả các mẫu vaccine hàng đầu chống SARS-CoV-2, đồng thời cho biết, danh sách các mẫu vaccine đã được hạ xuống còn 14 loại có triển vọng và Washington có kế hoạch tiếp tục thu hẹp danh sách này.
Ông chủ Nhà Trắng đã bày tỏ hy vọng sẽ có vaccine trước cuối năm nay. Ông Trump cũng cho hay, chính quyền Mỹ sẽ huy động lực lượng để vaccine được phân phối ngay khi tìm ra được vaccine phòng Covid-19.
* Ngày 15/5, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố đang nghiên cứu khả năng có mối liên quan giữa dịch Covid-19 với Hội chứng viêm đa hệ ở trẻ em (PIMS), có triệu chứng giống với sốc do trúng độc và bệnh Kawasaki (viêm mạch máu hệ thống cấp tính), bao gồm sốt, phát ban, sưng hạch và viêm cơ tim trong một số ca nặng, đã khiến cho nhiều trẻ em ốm và tử vong tại châu Âu và Mỹ.
Phát biểu tại cuộc họp báo trực tuyến, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, "các báo cáo ban đầu đưa ra giả thuyết rằng hội chứng này có thể liên quan tới Covid-19". Ông kêu gọi các y bác sĩ trên khắp thế giới cảnh giác và trợ giúp "nhằm hiểu rõ hơn hội chứng này ở trẻ em".
Ngày 15/5, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC) đặt tại Thụy Điển cảnh báo, hội chứng đã ảnh hưởng tới 230 trẻ em ở châu Âu, trong đó có 2 em đã tử vong (1 ở Anh và 1 ở Pháp) tính tới thời điểm này trong năm.
Tới nay, dịch Covid-19 tác động xấu nhất tới người cao tuổi và những người mắc bệnh mãn tính, song, những báo cáo về hội chứng ở trẻ nhỏ đã làm dấy lên quan ngại rằng nó có thể ảnh hưởng không nhỏ tới những người trẻ so với đánh giá ban đầu.
* Tại Italy, Số liệu của Cơ quan Bảo vệ Dân sự cho thấy, trong ngày 15/5, ghi nhận thêm 789 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, nâng số ca mắc bệnh lên 223.885 trường hợp. Trong khi đó, 31.610 trường hợp đã tử vong, tăng 242 ca. Có thêm 4.917 ca hồi phục trong ngày, nâng tổng số ca khỏi bệnh lên 120.205 ca. Số ca phải điều trị tích cực tiếp tục giảm xuống mức 808 ca (giảm 47 ca).
Các quy định nới lỏng việc tự do đi lại giữa các vùng của người dân Italy đã được đệ trình lên Thủ tướng nước này, theo đó, người dân có thể được tự do đi lại trên toàn lãnh thổ Italy kể từ ngày 3/6.
Trước đó, kể từ ngày 18/5, các cửa hàng, trung tâm thương mại, quán bar, nhà hàng, cửa hiệu cắt tóc, làm đẹp được phép hoạt động trở lại. Tuy nhiên, các quy định phòng dịch vẫn phải được thực hiện, mặc dù có sự nới lỏng hơn. Riêng vùng Sardegna, các lĩnh vực trên đã được phép hoạt động trở lại kể từ ngày 15/5 theo quy định của Chính phủ khi chỉ số về tỷ lệ lây nhiễm dưới mức 0,5.
Trong khi đó, theo hãng Thông tấn ANSA, một cuộc khảo sát mới được công bố của trường đại học Milan cho thấy, 25% dân số Italy, tương đương 15 triệu người, đã có các triệu chứng của bệnh Covid-19 trong khoảng thời gian từ ngày 7/3-4/5 và 8 triệu người trong số đó có thể đã mắc bệnh.
Các chuyên gia của cuộc khảo sát cho rằng, các số liệu chính thức về số ca mắc Covid-19 tại Italy là không chính xác và phần lớn bị hạ thấp. Để ước tính số lượng các trường hợp có thể bị mắc bệnh, 1.000 người dân trong độ tuổi từ 18 đến 85 đã được phỏng vấn và trả lời các câu hỏi liên quan tới các triệu chứng của Covid-19 như sốt, nhức đầu, cảm lạnh, ho… Kết quả cho thấy, 13,9% có các triệu chứng của Covid-19. Riêng tại vùng Lombardy, tỷ lệ này lên đến 20,7%.
Theo số liệu chính thức của Italy, trong khoảng thời gian từ ngày 10/4 đến ngày 4/5, tỷ lệ những người có các triệu chứng tương tự như Covid-19 đã giảm xuống còn 8,3%, trong khi đó, thực tế là theo khảo sát, tỷ lệ này vẫn còn trên 10% . Các chuyên gia cho rằng, các triệu chứng thực sự là do Covid-19, bởi thời điểm cuối tháng 3, đầu tháng 4, những người nhiễm cúm mùa có tỷ lệ rất ít tại Italy.
* Tại Pháp, tính đến tối 15/5 (giờ địa phương), số ca tử vong do Covid-19 là 27.529 người (tăng 104 ca trong 24 giờ qua), bao gồm 17.342 ca trong bệnh viện và 10.187 ca tại viện dưỡng lão và các cơ sở y tế xã hội khác.
Hiện Pháp ghi nhận 179.506 người nhiễm Covid-19, trong đó, 19.861 bệnh nhân đang nằm viện (giảm 602 ca so với hôm trước) với 2.203 người phải chăm sóc đặc biệt (giảm 96 ca). Bên cạnh đó, 60.448 người đã khỏi bệnh và ra viện.
Trong một cuộc gặp sáng 15/5 với nhân viên Bệnh viện Pitié-Salpêtrière ở Paris, Tổng thống Emmanuel Macron thừa nhận "đã phạm sai lầm trong chiến lược" về bệnh viện. Đề cập kế hoạch cải cách y tế, được khởi động từ 2 năm trước, ông Macron hứa sẽ "chấm dứt" sự "bần cùng hóa" những nhân viên y tế.
Vào cuối tháng 3, ông đã hứa "một kế hoạch đầu tư và nâng cấp lớn" cho bệnh viện và công bố mức thưởng đặc biệt từ 500 đến 1.500 Euro. Các công đoàn và tổ chức bệnh viện đang lên kế hoạch cho một ngày tổng đình công vào giữa tháng 6.
Cùng ngày, Cơ quan thống kê quốc gia Pháp thông báo, ghi nhận tỷ lệ tử vong trong khoảng thời gian từ 1/3 đến ngày 4/5 cao hơn 22% so với cùng kỳ năm 2019. Chỉ số này hạ dần trong vài tuần nay, xác nhận sự "giảm nhiệt" của dịch Covid-19.
* Bộ Y tế Ai Cập thông báo phát hiện thêm 399 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm bệnh lên 11.228 người. Bên cạnh đó, số trường hợp tử vong do căn bệnh nguy hiểm này là 592 người, tăng 21 ca trong 24 giờ qua. Theo Bộ Y tế Ai Cập, đã có 173 bệnh nhân được xuất viện trong ngày, nâng tổng số ca khỏi bệnh lên 2.799 người.
Trước đó, Bộ Y tế Ai Cập đã công bố kế hoạch kéo dài trong 3 giai đoạn, nhằm từng bước đưa cuộc sống tại quốc gia Bắc Phi này trở lại bình thường. Kế hoạch nói trên hướng tới cân bằng giữa đưa cuộc sống trở lại bình thường, trong khi vẫn duy trì các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh.
Giai đoạn đầu của kế hoạch cần được áp dụng ngay lập tức và đòi hỏi thực thi những biện pháp nghiêm ngặt nhằm tránh nguy cơ bùng phát các ca mắc Covid-19. Giai đoạn này sẽ kết thúc khi tổng số ca mắc bệnh trên toàn quốc giảm trong 2 tuần liên tiếp.
Trong khi đó, giai đoạn thứ hai là áp dụng biện pháp phòng ngừa dịch bệnh ở mức trung bình, sẽ kéo dài trong 28 ngày. Cuối cùng, giai đoạn thứ ba sẽ bao gồm các biện pháp nới lỏng hơn, song được áp dụng liên tục cho đến khi có hướng dẫn tiếp theo hoặc đến khi WHO đánh giá rủi ro trên toàn cầu đã giảm xuống mức thấp.
Tính đến sáng 16/5, Việt Nam đã bước sang ngày thứ 30 không ghi nhận ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, có thêm 1 ca nhiễm trong 24 giờ qua, nhập cảnh được cách ly ngay, không có nguy cơ lây ra cộng đồng. Như vậy, số ca nhiễm Covid-19 hiện tại là 314, trong đó, 260 người đã được công bố khỏi bệnh, 54 bệnh nhân còn lại đang được điều trị tại các cơ sở y tế trên cả nước, trong đó, 41 ca có kết quả dương tính với SARS-CoV-2, 13 ca còn lại đã có kết quả âm tính từ 1 lần trở lên. |