📞

Cập nhật 7h ngày 22/9: Covid-19 'âm thầm' chờ bùng phát ở Mỹ, Anh nguy cấp, WHO đàm phán vaccine với Trung Quốc

Thế Việt 07:06 | 22/09/2020
TGVN. Tính đến 6h ngày 22/9, theo trang thống kê Worldometers, toàn cầu ghi nhận 31.455.908 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 968.286 ca tử vong và 23.069.026 bệnh nhân bình phục.

* Khu vực Bắc Mỹ ghi nhận 8.395.626 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 299.163 ca tử vong và 5.254.106 bệnh nhân bình phục.

Mỹ hiện là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khu vực cũng như trên thế giới với 7.042.835 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 204.418 ca tử vong và 4.295.281 bệnh nhân bình phục.

Thời gian gần đây, mặc dù số ca mắc mới giảm khoảng 50% so với mức đỉnh điểm hồi tháng 7, song Mỹ vẫn ghi nhận trung bình gần 40.000 ca mắc mới/ngày, cao nhất trong các nước phát triển trong khi số ca tử vong trung bình mỗi ngày là 800 ca.

Dịch bệnh được cho là đang "âm ỉ" trên khắp nước Mỹ chứ không còn chỉ tập trung tại một hay hai "tâm chấn", làm dấy lên lo ngại khi thời tiết chuyển lạnh, số ca nhiễm có thể tăng mạnh hơn trong những tháng mùa Thu và mùa Đông sắp tới.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ cũng cảnh báo người dân Mỹ đang chuẩn bị đối mặt với "mùa Thu tồi tệ nhất, từ góc độ sức khỏe cộng đồng", viện dẫn mối lo ngại kịch bản "nguy cơ kép" - đó là sự gia tăng số ca mắc Covid-19 và cúm mùa khiến các bệnh viện quá tải.

Tại Canada, dịch Covid-19 những ngày gần đây đã bùng phát mạnh trở lại ở hai tỉnh bang đông dân nhất là Ontario và Quebec, buộc Giám đốc Y tế công cộng của Quebec, Horacio Arruda, phải tuyên bố Quebec đã bước vào làn sóng lây nhiễm thứ hai và thắt chặt các quy định nhằm ứng phó làn sóng lây nhiễm này.

Canada đang chứng kiến các ổ dịch bùng phát trên toàn quốc, từ trường học đến công sở. Theo thống kê, trong tuần qua, số ca nhiễm mới tại nước này lên đến 6.394, tăng 33% so với tuần trước đó.

Đến nay, Canada đã ghi nhận 145.052 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó có 9.224 ca tử vong. Trong tuần qua, trung bình mỗi ngày Canada đã xét nghiệm Covid-19 cho 47.111 người, với tỷ lệ dương tính là 1,4%.

* Khu vực Nam Mỹ ghi nhận 7.552.438 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 238.579 ca tử vong và 6.336.225 bệnh nhân bình phục.

Bazil là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khu vực và thứ 3 trên thế giới, với 137.272 trường hợp tử vong trong tổng số 4.558.068 ca nhiễm bệnh.

Colombia, vùng dịch lớn thứ 2 khu vực với 770.435 ca nhiễm, trong đó có 24.397 ca tử vong đã bắt đầu nối lại từng bước các chuyến bay quốc tế sau 6 tháng bị dừng hoạt động nhằm ngăn chặn sự xâm nhập từ bên ngoài của dịch Covid-19.

Cùng với sân bay quốc tế El Dorado ở thủ đô Bogota, một số sân bay khác cũng được mở cửa đón các chuyến bay quốc tế là cảng hàng không Alfonso Bonilla Aragon ở thành phố Cali, Jose Maria Cordova ở thành phố Medellin và Rafael Nuñez ở thành phố Cartagena.

Những chuyến bay đầu tiên từ các thành phố trên sẽ được thực hiện tới Fort Lauderdale ở bang Florida của Mỹ do hãng hàng không Spirit của quốc gia Bắc Mỹ này thực hiện.

Dự kiến, ngoài Mỹ sẽ có thêm một số nước khác được triển khai các chuyến bay thương mại tới Colombia, bao gồm Ecuador, Mexico, Bolivia, Brazil, Cộng hòa Dominicana và Guatemala.

* Tại châu Á, số ca nhiễm covid-19 hiện nay đã lên tới 9.572.709 trường hợp, trong đó có 178.842 ca tử vong và 7.891.801 bệnh nhân bình phục.

Ấn Độ - quốc gia chịu thiệt hại nặng nề nhất châu lục và thứ 2 toàn cầu với 5.560.105 ca nhiễm bệnh, trong đó có 88.965 ca tử vong, với số ca nhiễm bệnh mới trung bình mỗi ngày là hơn 80.000 trường hợp - đã thông báo mở cửa trở lại ngôi đền Taj Mahal tại thành phố Agra nhằm thu hút khách du lịch bất chấp dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp.

Tại Đông Nam Á, mặc dù số ca mắc Covid-19 cao nhất khu vực, với 290.190 trường hợp, trong đó có 4.999 ca tử vong và số ca nhiễm mới trong ngày vẫn duy trì ở mức cao trên 3.400 trường hợp, Philippines vẫn quyết định nới lỏng lệnh cấm xuất cảnh đối với các y tá cũng như nhân viên y tế khác nhằm tạo điều kiện cho nhiều người tìm được công việc ở nước ngoài hơn

Trong khi đó, Indonesia thông báo thêm 4.176 ca mắc, mức cao nhất được ghi nhận trong một ngày. Tính tới nay, tổng số ca mắc Covid-19 tại Indonesia đã lên tới 248.852 ca. Ngoài ra, nước này cũng ghi nhận thêm 124 ca tử vong, nâng tổng số bệnh nhân không qua khỏi do dịch Covid-19 lên 9.677 người, cao nhất tại Đông Nam Á.

Dịch bệnh hiện vẫn diễn biến phức tạp tại Trung Đông. Bộ Y tế Iraq thông báo cấm người nước ngoài nhập cảnh nước này trong bối cảnh số ca nhiễm gia tăng tại nước này cũng như các nước láng giềng. Iraq mới ghi nhận thêm 3.821 ca mắc mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc Covid-19 lên 322.856 trường hợp. Số ca tử vong cũng tăng thêm 70 ca lên 8.625.

Tại Iran, Bộ Y tế xác nhận thêm 3.341 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 425.481, trong đó có thêm 177 ca tử vong, nâng tổng số người không qua khỏi do Covid-19 lên 24.478.

* Khu vực châu Âu đến nay ghi nhận 4.483.610 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 216.667 ca tử vong và 2.392.670 bệnh nhân bình phục.

Khoảng 1 triệu người dân trong và xung quanh thủ đô Madrid của Tây Ban Nha bắt đầu thực hiện lệnh phong tỏa một phần để kiềm chế số ca mắc mới. Các biện pháp hạn chế tại Madrid sẽ kéo dài 2 tuần, tác động chủ yếu tới những người dân sinh sống ở các khu dân cư đông đúc và thu nhập thấp.

Đến nay, Tây Ban Nha đã ghi nhận tổng cộng hơn 671.000 ca mắc Covid-19, nhiều nhất ở Tây Âu, trong đó 30.663 bệnh nhân đã tử vong.

Giới chuyên gia cảnh báo, Vương quốc Anh đang ở “thời điểm nguy cấp” trong cuộc chiến với dịch bệnh, có thể chứng kiến tỷ lệ tử vong do căn bệnh này gia tăng theo cấp số nhân trong những tuần tới nếu không hành động khẩn cấp nhằm ngăn chặn đà lây lan nhanh trong làn sóng thứ 2 của đại dịch.

Với 41.788 ca tử vong, Anh hiện là nước có số người tử vong do Covid-19 cao nhất tại châu Âu và đứng thứ 5 trên thế giới. Tuy nhiên, hiện số ca nhiễm mới ở nước này đang tăng với tốc độ ít nhất 6.000 người/ngày, cứ sau 8 ngày, số bệnh nhân nhập viện lại tăng gấp đôi, và hệ thống xét nghiệm đang quá tải.

Các chuyên gia cảnh báo, khoảng thời gian 6 tháng tới sẽ rất khó khăn vì SARS-CoV-2 sẽ hoạt động mạnh hơn trong thời tiết lạnh, trong khi đó các nghiên cứu hiện tại cho thấy mới chỉ có khoảng 8% dân số Anh đã có kháng thể với virus.

Tại Đức, chính quyền thành phố München thuộc bang Bayern ở miền Nam đã quyết định thắt chặt việc thực hiện các quy định về giãn cách xã hội, trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 đang có dấu hiệu bùng phát trở lại, kể từ ngày 24/9 tới.

Các ca nhiễm mới ở thành phố này trong tuần qua đã tăng lên mức 55,9 ca/100.000 dân, cao hơn mức tiêu chí để phân loại một khu vực có nguy cơ cao mà Đức đưa ra là 50 ca nhiễm mới/100.000 dân trong 7 ngày.

Chính quyền bang Bayern cũng sẽ triển khai binh sĩ tới hỗ trợ các nhân viên y tế thành phố này nhằm kiểm soát và khống chế sự lây lan của dịch bệnh nguy hiểm này.

Hiện tình trạng lây nhiễm Covid-19 trên toàn nước Đức cũng đang gia tăng tới mức chưa từng thấy kể từ tháng 4 vừa qua, song tỷ lệ này vẫn còn thấp so với mức tăng đột biến được ghi nhận ở các quốc gia châu Âu khác như Pháp và Tây Ban Nha. Đến nay, Đức ghi nhận 275.548 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 9.481 bệnh nhân tử vong.

* Khu vực châu Đại Dương ghi nhận 30.573 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 887 trường hợp tử vong.

New Zealand sẽ dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp hạn chế trên cả nước, trừ Auckland -thành phố đông dân nhất nước này. Theo đó, mức cảnh báo tại thành phố Auckland sẽ hạ xuống cấp 2 từ ngày 24/9 tới. Tính đến nay, tổng số người mắc Covid-19 tại New Zealand là 1.815 người.

* Liên quan vaccine ngừa Covid-19, ngày 21/9, nhà khoa học hàng đầu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Soumya Swaminathan cho biết, WHO đã tham gia đối thoại có tính xây dựng với Trung Quốc về vaccine phòng Covid-19 trong vài tháng qua và các cuộc đàm phán hiện vẫn đang diễn ra.

Bà Swaminathan cho hay: "Chúng tôi đã thảo luận với Trung Quốc trong vài tháng qua vì như các bạn đã biết, họ cũng có một chương trình phát triển vaccine rất tích cực và một số loại vaccine tiềm năng của họ đang ở trong giai đoạn thử nghiệm nâng cao. Vì vậy, đây là cũng là mối quan tâm đối với chúng tôi nên chúng tôi đang theo dõi rất chặt chẽ".

Theo chuyên gia WHO, Trung Quôc luôn khẳng định cam kết một sự tiếp cận toàn cầu nếu những vaccine tiềm năng của nước này thực sự được chứng minh là thành công trong các cuộc thử nghiệm lâm sàng hiện nay.

(tổng hợp)