Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo, số ca mắc Covid-19 đang tăng nhanh trên toàn thế giới, với số ca nhiễm mới ghi nhận trong một tuần qua lên mức cao kỷ lục - gần 2 triệu ca, trong khi số trường hợp tử vong mới đang có xu hướng giảm dần.
Theo thống kê của WHO, trong tuần lễ kết thúc vào ngày 20/9, thế giới có thêm 1.998.897 ca nhiễm mới - tăng 6% so với tuần trước đó và là số ca nhiễm mới trong tuần cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát.
WHO cho biết, gần như tất cả các khu vực trên thế giới đã ghi nhận số ca nhiễm mới tăng lên trong tuần trước, mặc dù số ca tử vong có dấu hiệu đi xuống (giảm 10%). Châu Âu và châu Mỹ lần lượt có số ca nhiễm mới tăng ở mức 11% và 10%. Duy nhất có châu Phi ít chịu tác động của đại dịch, khi có số ca nhiễm mới giảm 12% so với tuần trước đó.
* Xét theo khu vực, cho đến nay, Bắc Mỹ là khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, với 300.440 ca tử vong trong tổng số 8.457.635 ca nhiễm; tiếp đó là Nam Mỹ với 240.292 ca tử vong trên 7.613.632 ca mắc bệnh.
Châu Âu ghi nhận 217.440 ca tử vong trên tổng số 4.536.100 ca nhiễm, châu Á có 180.559 ca tử vong trong số 9.682.956 ca mắc Covid-19; châu Phi có hơn 34.378 ca tử vong và số ca tử vong do Covid-19 tại châu Đại dương là 890 người.
* Xét theo quốc gia, Mỹ vẫn là nước chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch Covid-19 với 205.393 trường hợp tử vong, trong tổng số 7.095.623 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 90.021 ca tử vong trên 5.640.496 ca bệnh. Brazil đứng thứ ba với 138.159 ca tử vong trong số 4.595.335 bệnh nhân.
* Xét trên tỷ lệ dân số, Peru là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, khi cứ 100.000 người dân có 95 người không qua khỏi đại dịch này. Tiếp đến là Bỉ (với tỷ lệ 86 người) và Tây Ban Nha (66 người).
* Tại châu Á, tâm dịch Ấn Độ ghi nhận thêm 80.391 ca nhiễm mới, trong đó có 1.056 trường hợp tử vong, tiếp tục là quốc gia có số ca nhiễm và tử vong mới trong ngày cao nhất thế giới.
Trong khi đó, các nước thuộc khu vực Đông Bắc Á là Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản ghi nhận các diễn biến tích cực.
Sáng 22/9, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc thông báo Trung Quốc đại lục có thêm 6 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, giảm 50% so với ngày trước đó và tất cả các ca nhiễm mới đều là trường hợp nhập cảnh. Đến nay, Trung Quốc đại lục ghi nhận tổng cộng 85.297 ca nhiễm, trong đó có 4.634 ca tử vong.
Hàn Quốc ghi nhận 61 ca nhiễm mới, trong đó có 51 ca lây nhiễm cộng đồng trong ngày 22/9, là ngày thứ 3 liên tiếp có số ca nhiễm mới dưới 100 và là ngày có số ca nhiễm mới thấp nhất từ 13/8. Tính đến nay, Hàn Quốc đã ghi nhận tổng cộng 23.106 ca mắc Covid-19, trong đó có 388 ca tử vong.
Trước diễn biến khó lường của dịch bệnh, Hàn Quốc vẫn duy trì biện pháp giãn cách xã hội mức II tới ngày 27/9, trong bối cảnh nước này đang khẩn trương triển khai các biện pháp tăng cường phòng dịch do lo ngại nguy cơ lây nhiễm gia tăng vào dịp lễ Trung Thu sắp tới.
Nhật Bản cũng ghi nhận số ca nhiễm mới thấp nhất trong gần 2 tháng rưỡi qua - 298 trường hợp. Đến nay Nhật Bản ghi nhận tổng cộng 79.438 ca mắc Covid-19, bao gồm 1.508 ca tử vong.
Tại Đông Nam Á, Philippines đã ghi nhận ngày có mức tăng số bệnh nhân Covid-19 thấp nhất trong hai tuần qua với 1.635 ca nhiễm mới, đưa tổng số người mắc bệnh tại nước này lên 291.789 trường hợp. Trong khi đó, số ca tử vong do Covid-19 cũng tăng thêm 50 người, nâng tổng số lên 5.049 ca.
Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp tại Indonesia, khi nước này ghi nhận thêm 160 ca tử vong, mức tăng theo ngày cao nhất từ trước đến nay, nâng tổng số người thiệt mạng lên 9.837 ca. Đây là nước có số ca tử vong do dịch Covid-19 cao nhất tại châu Á, sau Ấn Độ. Bên cạnh đó, Indonesia cũng ghi nhận thêm 4.071 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca bệnh lên 252.923 ca.
Ngày 22/9, Hiệp hội Y tá Indonesia (PPNI) cho biết, 2.979 thành viên của tổ chức này đã mắc Covid-19, trong đó có ít nhất 85 người tử vong, tuy nhiên, con số trên thực tế có thể còn cao hơn rất nhiều, do số liệu trên chỉ được ghi nhận ở 4 tỉnh và thành phố gồm Jakarta, Đông Java, Nam Sulawesi và Bali.
Tại Trung Đông, Bộ Y tế Israel đã ban bố tình trạng khẩn cấp đối với tất cả các bệnh viện nước này sau khi số ca mắc Covid-19 tăng cao bất thường gây ra tình trạng quá tải cho các cơ sở y tế. Tổng Vụ trưởng Y tế Israel Hezi Levi dự báo trong 10 ngày tới, có thể có thêm từ 200 đến 300 bệnh nhân Covid-19 ở thể nặng, bao gồm cả những trường hợp phải lọc máu.
Động thái trên được đưa ra sau khi Israel vượt Mỹ về tỷ lệ số ca nhiễm tính trên đầu người. Hiện Israel ghi nhận cứ 1 triệu người thì trung bình có 20.562 ca nhiễm, trong khi tỷ lệ này tại Mỹ là 20.475 ca/1 triệu người.
Giới chuyên gia nhận định, Israel đang chứng kiến sự gia tăng ca nhiễm và tỷ lệ những người có kết quả xét nghiệm dương tính vào khoảng 11%, cao hơn so với các nước còn lại của thế giới. Số ca tử vong tính trên đầu người tại Israel cũng cao hơn mức trung bình toàn cầu. Trung bình số ca tử vong ở các nước khác là 124/1 triệu người trong khi Israel là 137/1 triệu người.
Đến nay, Israel ghi nhận 193.374 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 1.285 ca tử vong.
* Tại châu Mỹ, trong 24 giờ qua, Bộ Y tế Mexico ghi nhận thêm 2.917 ca mới, nâng tổng số lên 700.580 ca với 73.697 ca không qua khỏi. Thứ trưởng bộ trên, ông Hugo Lopez-Gatell thừa nhận số ca mắc thực tế tại Mexico cao hơn đáng kể so với số liệu thống kê chính thức.
Tuy nhiên, ông cho rằng dịch bệnh tại quốc gia Mỹ Latinh này đã có nhiều dấu hiệu chậm lại. Số ca tử vong và số ca mắc mới giảm trong 8 tuần liên tiếp.
* Tại châu Âu, Tây Ban Nha và Pháp vẫn là hai quốc gi trong tình trạng báo động về dịch Covid-19 với hơn 10.000 ca mới mỗi ngày ở mỗi nước, trong khi tại Anh, số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua lần đâu tiên đã tiến sát mốc 5.000 kể từ ngày 7/5.
* Tại châu Đại Dương, ngày 22/9, New Zealand thông báo không có ca nhiễm mới nào khi nước này bước vào ngày đầu tiên nới lỏng các biện pháp hạn chế, trừ Auckland - thành phố lớn nhất New Zealand.
Trong khi đó, bang Victoria, điểm nóng dịch bệnh tại Australia, thông báo số ca nhiễm mới tại bang này đã tăng hơn gấp đôi, trong khi các bang khác cho biết các biện pháp hạn chế ở khu vực biên giới sẽ được nới lỏng khi số ca nhiễm mới giảm.
* Các nhà phát triển vaccine trên toàn cầu đang nỗ lực rút ngắn thời gian thông thường có thể kéo dài tới vài năm xuống vài tháng để tìm ra loại vaccine giúp ngăn ngừa căn bệnh đã cướp đi sinh mạng của gần 1 triệu người và làm đảo lộn mọi hoạt động sinh hoạt cũng như sản xuất trên toàn thế giới.
Nga dự kiến sẽ đăng ký thêm một loại vaccine phòng bệnh Covid-19 tiềm năng thứ hai trước ngày 15/10. Loại vaccine mới được Viện Nghiên cứu sinh vật truyền bệnh Siberia phát triển và đã hoàn thành các thử nghiệm trên người giai đoạn đầu vào tuần trước.
* Ngày 22/9, trong đoạn trích bài phát biểu của Tổng thống Mỹ Donald Trump gửi Đại hội Đồng Liên hợp quốc, ông chủ Nhà Trắng nhấn mạnh việc Liên hợp quốc phải bắt Trung Quốc chịu trách nhiệm về các hành động của nước này liên quan dịch Covid-19.
Tổng thống Trump nói: "Chính phủ Trung Quốc và Tổ chức Y tế Thế giới - hiện bị Trung Quốc gần như kiểm soát - đã không tuyên bố được rằng không có bằng chứng về sự lây nhiễm từ người sang người... Sau đó, họ tuyên bố một cách sai lầm rằng, những người không có triệu chứng sẽ làm lây nhiễm bệnh này... Liên hợp quốc phải buộc Trung Quốc chịu trách nhiệm về những hành động của họ".
| Tin thế giới 22/9: Bất ngờ khi cảnh sát Mỹ là gián điệp Trung Quốc; Iran lại hứng trừng phạt của Mỹ; Ấn Độ thử máy bay mới ở biên giới với Trung Quốc TGVN. Các diễn biến mới nhất trong ngày về căng thẳng Mỹ-Trung Quốc, Ấn Độ-Trung Quốc, bầu cử Mỹ 2020, Biển Đông... là một số ... |
| Phân tách Mỹ-Trung trong bối cảnh Covid-19: Suy thoái toàn cầu là mối đe dọa lớn nhất TGVN. Các báo cáo gần đây cho thấy, Trung Quốc sẽ không còn đóng góp vào sự phục hồi trên toàn thế giới như sau ... |
| Cập nhật 7h ngày 22/9: Covid-19 'âm thầm' chờ bùng phát ở Mỹ, Anh nguy cấp, WHO đàm phán vaccine với Trung Quốc TGVN. Tính đến 6h ngày 22/9, theo trang thống kê Worldometers, toàn cầu ghi nhận 31.455.908 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 968.286 ca tử ... |