13 quốc gia có số ca nhiễm Covid-19 từ 200.000 trở lên tính đến 6h ngày 2/7. (Nguồn: Worldometers) |
Cụ thể, trong 24 giờ qua, toàn cầu ghi nhận thêm 192.447 người nhiễm bệnh, mức tăng cao thứ 2 kể từ khi dịch bệnh bùng phát, sau mức tăng ngày 26/6 với 195.472 ca. Tổng số ca nhiễm Covid-19 toàn cầu cho đến nay là 10.789.643 trường hợp, trong đó có 519.947 ca tử vong và 5.928.941 người bình phục.
* Tình hình dịch bệnh tại Mỹ, quốc gia chịu tác động nặng nề nhất, vẫn diễn biến khó lường khi ghi nhận tới 2.776.448 ca nhiễm và 130.767 trường hợp tử vong. Đáng chú ý, ngày 1/7 là ngày ghi nhận số ca nhiễm cao kỷ lục kể từ khi dịch bệnh bùng phát với 48.595 trường hợp.
Dịch lây lan nhanh đã buộc nhiều thống đốc bang, đặc biệt ở các bang miền Tây và Nam, phải tạm hoãn kế hoạch mở cửa trở lại. Tiến sĩ Anthony Fauci, cố vấn dịch bệnh truyền nhiễm của Nhà Trắng nhận định, Mỹ vẫn chưa thể kiểm soát được dịch Covid-19 và cảnh báo số ca nhiễm có thể lên tới 100.000 ca mỗi ngày, hơn gấp đôi mức 40.000 ca/ngày hiện nay, nếu không thực hiện nghiêm ngặt quy định giãn cách xã hội cũng như các biện pháp phòng dịch khác.
* Khu vực Nam Mỹ ghi nhận hơn 60.000 người nhiễm Covid-19 trong 24 giờ qua, trong đó, Brazil vẫn là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khu vực và đứng thứ 2 thế giới sau Mỹ, ghi nhận 44.884 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm bệnh lên 1.453.369, trong đó có 60.713 trường hợp tử vong.
Ngày 1/7, Chính phủ Brazil thông báo quyết định gia hạn 30 ngày lệnh cấm nhập cảnh với người nước ngoài, áp dụng đối với mọi hình thức nhập cảnh gồm đường bộ, hàng không và đường biển để tiếp tục duy trì các biện pháp đối phó với sự lây lan của dịch Covid-19 ở quốc gia Nam Mỹ.
Tuy nhiên, hạn chế đã loại trừ những người nước ngoài có thị thực tạm thời để thực hiện các hoạt động nghệ thuật, giáo dục, thể thao và kinh doanh, với thời hạn cụ thể.
Cũng trong ngày 1/7, Thống đốc bang Sao Paulo Joao Doria thông báo sẽ tiến hành thử nghiệm loại vaccine phòng Covid-19 do Trung Quốc sản xuất, mang tên Sinovac, tại 12 trung tâm nghiên cứu ở 6 bang trên lãnh thổ Brazil gồm Sao Paulo, Brasilia, Rio de Janeiro, Minas Gerais, Rio Grande do Sul và Parana, với tổng cộng 9.000 tình nguyện viên tham gia.
Theo Giám đốc Viện nghiên cứu Butantan, Sinovac được đánh giá là 1 trong những vaccine có tiềm năng cao trong phòng ngừa Covid-19. Trước mắt, loại vaccine này đang chờ được Cơ quan Kiểm soát Dịch tễ quốc gia Brazil (Anvisa) cấp phép để tiến hành thử nghiệm trên người.
* Dịch bệnh ở châu Âu có phần lắng dịu hơn, tạo điều kiện cho các quốc gia tiếp tục thực hiện những kế hoạch mở cửa trở lại.
Ngày 1/7, Liên minh châu Âu (EU) đã mở cửa các đường biên giới ngoài cho du khách đến từ 15 quốc gia trên thế giới, không bao gồm Mỹ, Nga hay Brazil do tình hình dịch bệnh tại các quốc gia này vẫn phức tạp.
Ba Lan đã công bố danh sách 8 quốc gia không thuộc EU mà nước này đã sẵn sàng nối lại đường bay sau khi đã đình chỉ toàn bộ dịch vụ hàng không dân dụng kể từ giữa tháng 3 vừa qua. Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha cũng chính thức mở cửa trở lại biên giới chung sau 3 tháng. Từ tuần trước, tất cả mọi hạn chế đi lại khác trong EU đã được dỡ bỏ.
Cùng ngày, Malta đã nối lại một phần hoạt động vận tải hàng không, cho phép du khách đến từ một số nước châu Âu như Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Italy nhập cảnh.
* Ở châu Phi và Trung Đông, các điểm nóng dịch bệnh trong khu vực vẫn ghi nhận số ca nhiễm và tử vong tiếp tục tăng.
Trong 24 giờ qua, Nam Phi ghi nhận số ca nhiễm tăng kỷ lục thêm 8.124 trường hợp, nâng tổng số ca nhiễm bệnh lên xấp xỉ 160.000 ca, ở mức 159.333, trong đó có 2.749 ca tử vong, tăng 92 trường hợp.
Cùng ngày, Ai Cập phát hiện thêm 1.503 ca nhiễm, nâng tổng số người mắc Covid-19 lên 69.814 ca, trong đó có 2.953 ca tử vong. Hiện trung bình mỗi ngày Ai Cập ghi nhận trên 1.000 ca mới.
Israel cũng phát hiện thêm 1.013 ca mới, nâng tổng số người mắc bệnh lên 26.252, trong đó có 322 ca tử vong. Đây là số ca nhiễm trong một ngày cao nhất ở Israel kể từ khi dịch bùng phát.
* Ở châu Á, trong 24 giờ qua, Ấn Độ ghi nhận số ca nhiễm bệnh kỷ lục 19.424, nâng tổng số người mắc bệnh lên 605.214 ca. Như vậy, Ấn Độ đã ghi nhận thêm khoảng 400.000 ca chỉ trong 1 tháng vừa qua.
Trung Quốc đại lục ghi nhận thêm 3 ca mới trong ngày 30/6, tất cả đều là lây nhiễm trong nước và đều ở thủ đô Bắc Kinh trong khi không có thêm ca tử vong nào. Như vậy, Trung Quốc đại lục ghi nhận tổng cộng 83.534 ca nhiễm, trong đó có 4.634 ca tử vong.
Tại Hàn Quốc, với 51 ca mới được phát hiện (gồm 15 ca nhập cảnh và 36 ca lây nhiễm trong cộng đồng), tổng số ca ở nước này tăng lên 12.850 ca. Đây là ngày thứ ba liên tiếp Hàn Quốc có số ca nhiễm mới tăng từ 40 ca/ngày.
* Trong 24 giờ qua, Nhật Bản ngày 1/7 ghi nhận thêm 130 ca nhiễm, mức cao nhất trong ngày kể từ hôm 8/5. Như vậy, tổng số ca mắc Covid-19 ở Nhật Bản hiện là 18.723.
Ở khu vực Đông Nam Á, ngày 1/7, các trường học trên khắp Thái Lan đã mở cửa đón học sinh trở lại sau nhiều tháng giảng dạy trực tuyến. Cho tới nay, Thái Lan đã trải qua 37 ngày không ghi nhận các ca nhiễm mới trong cộng đồng. Tất cả những ca mới được xác nhận đều là công dân trở về từ nước ngoài được cách ly. Tính đến ngày 1/7, Thái Lan có tổng cộng 3.173 ca nhiễm, trong đó có 58 ca tử vong.
Cùng ngày, Indonesia ghi nhận thêm 1.385 ca mới, nâng tổng số lên 57.770 ca, trong đó có 2.934 ca tử vong.
Tại Philippines, Bộ Y tế thông báo số ca nhiễm đã tăng thêm 999 trường hợp lên 38.511 ca. Trong khi đó, số ca tử vong đã tăng thêm 4 ca lên 1.270 ca. Tổng thống Rodrigo Duterte đã ra lệnh duy trì các biện pháp hạn chế một phần đối với thủ đô Manila thêm 2 tuần nhằm kiểm soát dịch bệnh lây lan trong khi nỗ lực giảm thiểu thiệt hại kinh tế.
| Tin thế giới ngày 1/7: 'Giọt nước tràn ly' khiến Triều Tiên nổi giận, Nga cấm Thổ Nhĩ Kỳ bán S-400 cho Mỹ, Hong Kong ngày đầu áp dụng luật an ninh TGVN. Căng thẳng Triều Tiên-Hàn Quốc, vấn đề Hong Kong, Mỹ-Iran và đề xuất Mỹ mua S-400 của Nga từ Thổ Nhĩ Kỳ là những ... |
| Dịch Covid-19: Số doanh nghiệp Mỹ nộp đơn xin phá sản tăng mạnh nhất trong 7 năm qua TGVN. Theo tờ Financial Times, số doanh nghiệp Mỹ nộp đơn xin bảo hộ phá sản đã tăng mạnh nhất kể từ năm 2013, giữa lúc ... |
| IMF ca ngợi mô hình chống dịch Covid-19 của Việt Nam TGVN. Mới đây, trang web của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã đăng bài viết ca ngợi thành công của Việt Nam trong cuộc ... |