📞

Cập nhật 7h ngày 2/9: Gần 860.000 người chết vì Covid-19 toàn cầu, số ca nhiễm gia tăng trở lại, Nhà Trắng chỉ trích phê phán của WHO về vaccine

08:24 | 02/09/2020
TGVN. Theo thống kê của Worldometers, tính đến sáng ngày 2/9 (giờ Việt Nam), 213 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận 25.883.969 ca nhiễm và 859.927 ca tử vong do Covid-19, tăng lần lượt 269.071 và 5.891 ca sau 24 giờ, trong khi 18.168.951 người đã bình phục.

Mỹ vẫn là vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận 6.255.092 ca nhiễm và 188.837 người chết, tăng lần lượt 46.217 và 1.160 ca so với một ngày trước đó. Nhiều trường đại học tại nước này bắt đầu ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 tăng cao, chỉ vài ngày sau khi học kỳ mùa thu khai giảng.

Nhà Trắng ngày 1/9 đã chỉ trích những quan ngại mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nêu ra sau khi một quan chức y tế Mỹ cho rằng, vaccine ngừa Covid-19 có thể được thông qua mà không cần hoàn thành những cuộc thử nghiệm.

Tuyên bố của người phát ngôn Nhà Trắng Judd Deere nhấn mạnh: “Mỹ sẽ tiếp tục hợp tác với các đối tác quốc tế của chúng tôi để đảm bảo rằng chúng ta đánh bại virus này, nhưng chúng tôi sẽ không bị các tổ chức đa phương chịu ảnh hưởng của WHO và Trung Quốc tham nhũng thúc ép… Tổng thống sẽ không tiếc chi phí để đảm bảo rằng, bất cứ loại vaccine mới nào nằm trong tiêu chuẩn vàng Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) của chúng tôi về tính an toàn và hiệu quả đều được kiểm tra một cách kỹ lưỡng và cứu được nhiều sinh mạng.

Trước đó, ngày 30/8, người đứng đầu FDA Stephen Hahn, tuyên bố chuẩn bị cấp phép sử dụng khẩn cấp cho vaccine Covid-19 trước khi kết thúc thử nghiệm giai đoạn ba trên hàng nghìn người.

* Tại vùng dịch lớn thứ hai thế giới - Brazil, số ca tử vong tăng lên 122.596 sau khi ghi nhận thêm 1.081 trường hợp. Ca nhiễm tại nước này tăng 40.030 trong 24 giờ qua, lên 3.950.931.

Ngày 1/9, Viện Địa lý và Thống kê Brazil (IBGE) cho biết, tăng trưởng kinh tế của nước này trong quý II/2020 đã giảm ở mức kỷ lục 9,7%. Do sụt giảm trong hai quý liên tiếp, nền kinh tế lớn thứ hai Mỹ Latinh này đã chính thức rơi vào suy thoái. Tuy nhiên, bất chấp nhiều ý kiến chỉ trích về cách ứng phó Covid-19, Tổng thống Jair Bolsonaro vẫn bất ngờ nhận được sự ủng hộ cao kỷ lục kể từ đầu nhiệm kỳ. Ông Bolsonaro luôn xem nhẹ Covid-19, luôn hối thúc nhanh chóng mở cửa lại nền kinh tế, bất chấp lời khuyên giãn cách phòng Covid-19 từ giới khoa học.

Thống đốc Joao Doria của bang Sao Paulo - nơi đang thử nghiệm vaccine tiềm năng của Trung Quốc cho biết, bang này sẽ tiêm chủng cho người dân ngay cả khi Chính phủ liên bang từ chối giúp đỡ.

* Ấn Độ vùng dịch lớn thứ ba thế giới, ghi nhận số ca tử vong tăng lên 66.460 sau khi ghi nhận thêm 1.025 trường hợp. Ca nhiễm tại nước này tăng 78.169 trong 24 giờ qua, lên 3.766.108.

Các số liệu vừa được cơ quan Thống kê Quốc gia Ấn Độ công bố cho thấy, kinh tế nước này trong giai đoạn từ tháng 4 - 6 đã giảm 23,9% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức giảm tồi tệ nhất kể từ khi Ấn Độ bắt đầu báo cáo số liệu hàng quý, từ năm 1996.

Theo Bloomberg, từ chỗ đang là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, Ấn Độ đang hướng tới năm suy giảm đầu tiên, sau hơn 4 thập kỷ. Nguyên nhân của sự sụt giảm này là do đại dịch Covid-19 và các biện pháp phong tỏa toàn quốc kéo dài đã khiến nhu cầu tiêu dùng và đầu tư cá nhân giảm mạnh.

* Nga là vùng dịch lớn thứ tư thế giới, báo cáo thêm 123 ca tử vong, nâng tổng số người chết lên 17.299. Số ca nhiễm tăng thêm 4.729, lên 1.000.048. Tình hình dịch bệnh tại Nga dường như đã được kiểm soát khi các số liệu có xu hướng giảm dần. Việc tiêm chủng hàng loạt vaccine Sputnik V cho nhóm dân số có nguy cơ nhiễm Covid-19 cao sẽ bắt đầu vào tháng 11-12.

Ngày 31/8, Nga bắt đầu dỡ bỏ hạn chế phòng chống dịch Covid-19 ở phần lớn các khu vực của đất nước khi hàng triệu học sinh nước này bước vào năm học mới giữa đại dịch. Website thông tin về chống Covid-19 của chính phủ tuần này cho hay học sinh sẽ không bị bắt buộc đeo khẩu trang trong lớp học, nhà ăn hoặc giờ nghỉ trưa, song sẽ được kiểm tra thân nhiệt khi tới trường.

* Nam Phi - vùng dịch lớn thứ năm thế giới và là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch tại châu Phi, ghi nhận 628.259 ca nhiễm và 14.263 ca tử vong, tăng lần lượt 1.218 và 114 ca.

* Tại châu Âu, Tây Ban Nha, vùng dịch lớn nhất khu vực, ghi nhận ca nhiễm tăng trở lại sau một quãng thời gian kiềm chế được dịch. Nước này báo cáo 470.973 ca nhiễm và 29.152 ca tử vong, tăng lần lượt 8.115 và 58 ca. Pháp ghi nhận 4.982 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 286.007. Số người chết là 30.661, tăng thêm 26 ca. Ca nhiễm ở Pháp cũng tăng trở lại nhưng chủ yếu tập trung ở người trẻ, có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng, nên không tạo ra áp lực mới với hệ thống bệnh viện.

Ngày 1/9, hàng chục triệu học sinh châu Âu đã tựu trường sau kỳ nghỉ Hè bất chấp số ca mắc Covid-19 tại lục địa này đang gia tăng trở lại trong vài tuần qua sau một thời gian dịch tạm thời được khống chế. Tại Nga, Ukraine, Bỉ, Pháp, Anh..., giáo viên và học sinh trên 11 tuổi tựu trường phải đeo khẩu trang bắt buộc. Trong khi một số học sinh cho rằng việc đeo khẩu trang không ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt của mình, lại có nhiều giáo viên phàn nàn rằng biện pháp này khiến họ khó giao tiếp với học sinh. Mặc dù vậy, giới chức giáo dục đang vấp phải làn sóng chỉ trích từ cha mẹ học sinh cho rằng các biện pháp giãn cách xã hội và bảo vệ khác không đủ để ngăn chặn làn sóng dịch Covid-19 thứ hai xảy ra.

* Tại châu Á, Hàn Quốc ngày 1/9 đã ghi nhận thêm 235 ca mắc mới, trong đó có 222 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc Covid-19 ở nước này lên 20.182 ca. Trong khi đó, số bệnh nhân Covid-19 trong tình trạng nguy kịch đã lên tới 104 người, tăng hơn 11 lần so với 2 tuần trước đây. Mặc dù số ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 ở Hàn Quốc duy trì ở mức dưới 300 ca/ngày trong ngày thứ 3 liên tiếp, song cơ quan y tế vẫn cảnh giác trước sự gia tăng các ca không rõ đường lây nhiễm và ngày càng có nhiều bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch.

Trung Quốc - nơi dịch Covid-19 khởi phát, ngày 1/9, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) thông báo Trung Quốc đại lục đã ghi nhận thêm 10 ca nhiễm nhập cảnh và không có ca lây nhiễm trong cộng đồng cũng như ca tử vong trong ngày 31/8. Như vậy, tính đến hết ngày 31/8, Trung Quốc đại lục có tổng cộng 85.058 ca mắc Covid-19, trong đó có 4.634 ca tử vong và 80.208 bệnh nhân đã khỏi bệnh.

* Tại Đông Nam Á, Bộ Y tế Indonesia đã xác nhận thêm 2.775 ca Covid-19, nâng tổng số trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 lên 177.571 người, trong đó có 7.505 bệnh nhân tử vong. Tổng thống Joko Widodo ngày 1/9 khẳng định, tình hình đại dịch Covid-19 tại nước này vẫn “nằm trong tầm kiểm soát” so với một số quốc gia khác trên thế giới.

Theo Tổng thống Jokowi, cuộc chiến có kiểm soát của Indonesia đối với đại dịch Covid-19 được phản ánh qua tỷ lệ bệnh nhân hồi phục và tỷ lệ các ca vẫn còn dương tính trên cả nước. Trong tháng 8 vừa qua, tỷ lệ bệnh nhân Covid-19 hồi phục ở Indonesia đạt 72,1%, cao hơn mức trung bình toàn cầu là 69%, trong khi tỷ lệ các ca vẫn còn dương tính là 23,69%, thấp hơn mức trung bình toàn cầu là 27%. Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong của Indonesia lại lên tới 4,2%, cao hơn mức trung bình toàn cầu là 3,63%.

Tổng thống Joko Widodo tuyên bố sẽ cần một năm để hoàn tất chương trình tiêm chủng vaccine Covid-19 đại trà hoàn toàn do chính phủ tài trợ. Chương trình này sẽ được triển khai tại các trung tâm y tế và bệnh viện công lập trên cả nước. Phát biểu tại một phiên họp nội các, Tổng thống Widodo cho biết liên danh các công ty trong nước được giao nhiệm vụ phát triển loại vaccine tiềm năng ngừa Covid-19 hiện ở trong quá trình sản xuất “hạt giống vaccine”. Tổng thống cho hay, quá trình trên đã hoàn tất được 30-40%, đồng thời bày tỏ hy vọng, các thử nghiệm lâm sàng có thể được khởi động vào đầu năm 2021, trước khi bắt đầu sản xuất thương mại vào giữa năm tới.

Ngoài việc tự phát triển vaccine, Indonesia cũng đã đặt mua 290 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 trong chuyến công du mới đây của Ngoại trưởng Retno Marsudi và Bộ trưởng Doanh nghiệp Nhà nước Erick Thohir tới Trung Quốc và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Số vaccine này sẽ được bàn giao cho Indonesia trước cuối năm sau.

Tại Malaysia, nhà chức trách cho biết, những người có giấy phép cư trú dài hạn đến từ Ấn Độ, Indonesia và Philippines sẽ không được phép nhập cảnh Malaysia kể từ ngày 7/9. Nguyên nhân là do tình hình dịch bệnh tại 3 nước trên diễn biến rất phức tạp trong thời gian gần đây.

Tại Việt Nam, Bản tin 6h ngày 2/9 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cho biết, không ghi nhận ca mắc mới. Như vậy, đã sang ngày thứ 4 Việt Nam không có ca mắc mới Covid-19 trong cộng đồng. Đến thời điểm này, Việt Nam đã chữa khỏi cho 735 bệnh nhân Covid-19/1.044 ca mắc, số ca tử vong là 34 ca. Báo cáo của Tiểu ban Điều trị cho biết, hiện có 8 trường hợp có tiên lượng nặng và nguy kịch, chiếm (3,1%) trong tổng số bệnh nhân đang điều trị.

Chính phủ kêu gọi người dân cài đặt ứng dụng Bluezone-Truy vết tiếp xúc. Cách cài đặt ứng dụng Bluezone như sau:

Bước 1: Để nhận được các cảnh báo từ Bluezone, việc đầu tiên cần làm là tải về và cài đặt ứng dụng này. Truy cập App Store (iOS) hoặc Google Play Store (Android) và tìm phần mềm tên Bluezone, sau đó nhấn tải về và cài đặt vào thiết bị.

Bước 2: Sau khi cài đặt, người dùng cần cấp quyền cho ứng dụng truy cập.

Bước 3: Về cơ bản, chỉ cần làm đến đây là các bạn đã có thể nhận được cảnh báo từ Bluezone.

Sau khi được cấp quyền, ứng dụng sẽ tự bật kết nối Bluetooth để ghi nhận lại việc tiếp xúc với những người dùng khác cùng trong cộng đồng Bluezone.

Trong trường hợp một người dùng trong cộng đồng Bluezone dương tính với Covid-19, thông tin của họ sẽ được cập nhật lên hệ thống. Lúc này, ứng dụng trên máy người dùng sẽ tải về các thông tin đó và so sánh với lịch sử tiếp xúc của bạn. Nếu đã từng tiếp xúc với người bệnh đủ lâu (trên 15 phút) và đủ gần (dưới 2 mét), ứng dụng sẽ gửi thông tin cảnh báo nguy cơ mắc Covid tới điện thoại của bạn.

Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người!

(theo Reuters, AFP)