Số liệu thống kê về đại dịch Covid-19 cập nhật từ trang Worldometers tính đến 7h ngày 30/5. |
Như vậy, thế giới hiện ghi nhận 6.026.091 người mắc Covid-19, trong đó có 366,415 ca tử vong và 2.655.953 người bình phục.
Mỹ vẫn là quốc gia ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất với 1.793.263 người mắc bệnh, trong đó có 104.539 ca tử vong. Brazil hiện là quốc gia có số ca nhiễm cao thứ 2 thế giới với 468.338 ca, trong khi với 27.944 ca tử vong, Brazil đã vượt Tây Ban Nha và là nước có số người tử vong do dịch bệnh cao thứ 5 thế giới, sau Mỹ, Anh, Italy và Pháp.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 29/5 tuyên bố chấm dứt quan hệ của Mỹ với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) do tổ chức này không nỗ lực đủ để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 khi dịch bệnh mới bùng phát.
Phát biểu với phóng viên tại Vườn Hồng ở Nhà Trắng, Tổng thống Trump nêu rõ: "Vì họ không thể đưa ra những cải tổ cần thiết và được yêu cầu, ngày hôm nay, chúng tôi sẽ chấm dứt quan hệ với WHO".
Ông chủ Nhà Trắng cho biết Mỹ sẽ chuyển các khoản tài trợ đó cho các nhu cầu y tế công cộng cấp bách trên toàn cầu khác xứng đáng hơn.
Tổng thống Trump nói rằng, các quan chức Trung Quốc đã phớt lờ nghĩa vụ báo cáo với WHO về Covid-19 và gây áp lực cho cơ quan này "đánh lừa thế giới". "Trung Quốc có toàn quyền kiểm soát với WHO mặc dù chỉ đóng góp 40 triệu USD, trong khi Mỹ chi 450 triệu USD một năm". "Thế giới cần những câu trả lời của Trung Quốc về virus. Chúng ta cần sự minh bạch", ông Trump phát biểu.
Hiện chưa rõ khi nào quyết định của Trump có hiệu lực. Nghị quyết năm 1948 của quốc hội Mỹ về tư cách thành viên WHO viết rằng Mỹ "có quyền rút khỏi tổ chức nếu thông báo trước một năm". Mỹ là thành viên duy nhất có thể rút khỏi WHO một cách hợp pháp - đặc quyền mà Washington đã yêu cầu khi gia nhập tổ chức.
* Trong khi đó, các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm gần như chắc chắn Covid-19 sẽ đạt đỉnh lần hai, song chưa rõ đợt bùng phát tương lai nghiêm trọng đến mức nào.
Trong cuộc họp tại Thụy Sỹ hôm 25/5, WHO vẽ ra một viễn cảnh ảm đạm trong những tháng tới. Tiến sĩ Mike Ryan, Giám đốc chương trình y tế khẩn cấp WHO, cảnh báo về đỉnh dịch Covid-19 thứ hai, tồi tệ hơn nhiều so với lần đầu. Ông cho rằng nó không xảy đến một cách từ từ. Trong khi công dân toàn cầu vẫn cố gắng sống qua đại dịch, số ca nhiễm mới sẽ đột ngột tăng vọt, khiến hệ thống y tế quá tải. Như vậy, trường hợp tử vong thậm chí lớn hơn đợt bùng phát đầu tiên.
Hai kịch bản có thể xảy ra. Nếu dịch tái bùng phát mà không đạt đỉnh, virus sẽ lây lan dần dần, tác động đến từng khu vực trên thế giới vào thời điểm khác nhau. Trường hợp còn lại, đỉnh dịch đột ngột ập đến, rất nhiều người sẽ nhiễm Covid-19 cùng một lúc vào đúng đợt cúm mùa, tạo sức ép khổng lồ lên hệ thống y tế. Khi hai loại bệnh đường hô hấp lây lan cùng một lúc, tỷ lệ nhiễm virus nhìn chung sẽ cao hơn. Và khi bệnh viện và nhân viên y tế chịu cảnh quá tải, tỷ lệ tử vong chắc chắn tăng cao. Vì thế, trong thời gian qua, các nước nỗ lực "làm phẳng đường cong" Covid-19. Số ca nhiễm càng ổn định, việc chữa bệnh càng trở nên dễ dàng.
Đỉnh dịch thứ hai được coi là vô cùng nguy hiểm, không chỉ với người mắc Covid-19. Kể từ tháng 2, các bệnh nhân ung thư, tiểu đường đã phải trì hoãn lịch điều trị của mình, khiến sức khỏe bị đe dọa nghiêm trọng. Cơ sở y tế bị quá tải, phòng hồi sức tích cực không còn chỗ cho các ca cấp cứu. Nhiều người phải qua đời một cách không cần thiết.
* Khi tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến rất phức tạp, ngày 29/5, Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) cho biết các chuyên gia chăm sóc y tế sẽ phải theo dõi chặt chẽ bệnh nhân mắc Covid-19 đang dùng thuốc sốt rét hydroxychloroquine vì những tác dụng phụ nghiêm trọng và nhấn mạnh vai trò cần thiết của dữ liệu lâm sàng chuyên sâu, cả về mặt lợi ích cũng như rủi ro.
Một số quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) trong tuần này đã tạm dừng sử dụng loại thuốc trên, vốn được Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố là một phương pháp điều trị hiệu quả bệnh Covid-19.
Pháp, Italy và Bỉ đã làm theo quyết định của WHO đưa ra ngày 25/5 về việc tạm dừng việc thử nghiệm thuốc trên diện rộng cho người mắc Covid-19. Việc theo dõi một số nghiên cứu không chính thức đã chỉ ra rằng loại thuốc này có liên quan đến nguy cơ tử vong và gây vấn đề nhịp tim đối với bệnh nhân Covid-19. Tuy nhiên, cộng đồng y tế đang chờ đợi kết quả từ các thử nghiệm khoa học "tiêu chuẩn vàng".
EMA cho biết, điều quan trọng là các thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên, được thiết kế phù hợp có thể được hoàn tất, cùng với những điều chỉnh cần thiết, sẽ đem lại những bằng chứng hữu ích cả về lợi ích cũng như rủi ro của các loại thuốc trong điều trị Covid-19.
EMA nhắc lại lập trường cho rằng, trong khi các phân tích sâu hơn đang được tiến hành, Chloroquine và Hydroxychloroquine chỉ nên được sử dụng đối với bệnh nhân Covid-19 trong thử nghiệm lâm sàng hoặc các chương trình sử dụng khẩn cấp quốc gia được giám sát chặt chẽ.
Loại thuốc ra đời từ hàng thập kỷ nay đã được phê duyệt cho điều trị các bệnh viêm khớp dạng thấp và lupus ban đỏ.
* Theo số liệu của Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy công bố, trong ngày 29/5, nước này ghi nhận thêm 516 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 232.248 trường hợp. Trong khi đó, số ca tử vong đã tăng lên 33.229 trường hợp (tăng 87 ca). Có 2.240 ca hồi phục trong ngày, nâng tổng số ca hồi phục lên 152.844 ca. Số ca phải điều trị tích cực tiếp tục giảm xuống mức 475 ca (giảm 14 ca). Tổng số ca phải nhập viện tại Italy hiện còn 7.094 ca trong tổng số ca bệnh hiện tại 46.175 người. * Trong một diễn biến khác, theo hãng thông tấn ANSA của Italy ngày 29/6, chính phủ Hy Lạp đã công bố danh sách sách 29 quốc gia mà khách du lịch sẽ có thể đến thăm nước này từ ngày 15/6 khi các sân bay mở cửa trở lại cho các chuyến bay quốc tế. 29 quốc gia này bao gồm: Albania, Australia, Áo, Bắc Macedonia, Bulgaria, Đức, Đan Mạch, Thụy Sĩ, Estonia, Nhật Bản, Israel, Trung Quốc, Croatia, Síp, Latvia, Lebanon, Litva, Malta, New Zealand, Na Uy, Hàn Quốc Nam, Hungary, Romania, Serbia, Slovakia, Slovenia, Cộng hòa Czech và Phần Lan. Theo thông báo của chính phủ Hy Lạp, danh sách trên được tổng hợp sau khi kiểm tra dữ liệu dịch tễ học của mỗi quốc gia, và xem xét các thông báo của Cơ quan an toàn hàng không Liên minh châu Âu (Easa) và các khuyến nghị của Ủy ban quốc gia về các bệnh truyền nhiễm. Du khách từ 29 quốc gia này sẽ chỉ được tới Hy Lạp khi khởi hành ở những địa điểm nhất định được chính phủ lên danh sách, và sẽ phải trải qua các thử nghiệm ngẫu nhiên khi họ đến sân bay Hy Lạp. Đối với tất cả các quốc gia không nằm trong danh sách này, bao gồm cả Italy, lệnh cấm du lịch đến Hy Lạp vẫn có hiệu lực. Tuy nhiên, danh sách các quôc gia được phép du lịch tới Hy Lạp sẽ được mở rộng và cập nhật vào ngày 1/7. * Còn tại Ai Cập, Bộ Y tế thông báo nước này đã ghi nhận thêm 1.289 trường hợp nhiễm Covid-19. Đây là con số cao nhất được ghi nhận trong một ngày kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát ở Ai Cập cho đến nay. Hiện tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở Ai Cập là 22.082 người. Ngoài ra, theo Bộ Y tế Ai Cập, tính đến nay tổng số bệnh nhân tử vong do COVID-19 hiện đã lên đến 879 người, sau ghi nhận thêm 34 trường hợp tử vong trong ngày 29/5. Bên cạnh đó, cũng có thêm 152 bệnh nhân mắc Covid-19 đã bình phục hoàn toàn và được ra viện, qua đó nâng tổng số người khỏi bệnh lên 5.511. Ai Cập đang có kế hoạch hướng tới từng bước mở cửa trở lại một số cơ sở, loại hình dịch vụ từ tuần tới, trong đó có các câu lạc bộ thể thao và các trung tâm dành cho giới trẻ. Theo Thủ tướng Moustafa Madbouly, quốc gia Bắc Phi cũng có thể dần mở cửa trở lại các cơ sở tôn giáo sau khi áp dụng các biện pháp đề phòng lây nhiễm virus SARS-CoV-2. Ngoài ra, bắt đầu từ ngày 30/5, lệnh giới nghiêm vào ban đêm sẽ tiếp tục được áp dụng thêm 2 tuần nữa, song khung thời gian được điều chỉnh và áp dụng từ 20h tối hôm trước đến sáng hôm sau.