📞

Cập nhật 7h ngày 4/9: Số ca nhiễm mới Covid-19 ở Ấn Độ tăng 'bất chấp', Mỹ nói gì về mục tiêu có vaccine vào tháng 11?

Thế Việt 06:56 | 04/09/2020
TGVN. Theo trang thống kê Worldometers, tính đến 6h ngày 4/9, toàn thế giới ghi nhận 26.446.246 người mắc Covid-19, trong đó có 872.243 bệnh nhân tử vong và 18.634.268 ca bình phục.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch Covid-19 vẫn là Mỹ với 190.959 trường hợp tử vong trong tổng số 6.331.877 ca nhiễm. Tiếp đó là Brazil với 124.729 ca tử vong trong số 4.046.150 bệnh nhân và Ấn Độ đứng thứ 3 với 68.659 ca tử vong trên 3.933.124 ca bệnh.

Nguy hiểm hơn, số ca nhiễm Covid-19 mới của Ấn Độ vẫn lập kỷ lục qua từng ngày, với ngày 3/9 ghi nhận hơn 84.100 ca nhiễm, con số cao nhất kể từ khi dịch xuất hiện, phá kỷ lục 1 ngày trước đó của chính quốc gia này ở mức hơn 82.800 ca.

* Xét theo khu vực, Mỹ Latinh và Caribbean bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, với 282.980 ca tử vong trong tổng số 7.514.827 ca nhiễm; tiếp đó là châu Âu 208.957 ca tử vong trên 3.682.961 ca mắc bệnh. Châu Á có 147.334 ca tử vong trên 7.409.280 ca mắc Covid-19; châu Phi hơn 30.600 ca tử vong và số ca tử vong do Covid-19 tại châu Đại dương là 707 người.

* Xét trên tỷ lệ dân số, Peru là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, khi cứ 100.000 người dân có 89 người không qua khỏi đại dịch này; tiếp đó là Bỉ (với tỷ lệ 85 người), Tây Ban Nha (62 người), Anh (61 người) và Chile (59 người).

* Một số quốc gia châu Âu đang ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 mới tăng trở lại. Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Âu (ECDC) Andrea Ammon khuyến cáo chính phủ các nước không nên rút ngắn thời gian cách ly 14 ngày phòng ngừa lây lan Covid-19 do có 3-4% số trường hợp phát hiện nhiễm bệnh sau 2 tuần.

Khuyến cáo trên được đưa ra trong bối cảnh Đức thông báo với giới chức EU rằng nước này có kế hoạch rút ngắn thời gian cách ly, sau khi Hà Lan và Na Uy có các động thái tương tự.

Bà Ammon cho biết, số liệu trong tuần này cho thấy, trên toàn châu Âu ghi nhận tỷ lệ lây nhiễm 46 ca/100.000 người, hầu như trở lại số ca nhiễm hồi tháng 3 - tháng bắt đầu giai đoạn đỉnh dịch tại châu lục này.

Theo số liệu của ECDC, số ca nhiễm trong tháng 3 tại châu Âu đã bắt đầu tăng mạnh lên khoảng 40 ca/100.000 người vào cuối tháng 3 và tiếp tục tăng tới khoảng 70 ca/100.000 người vào cuối tháng 4. Số ca nhiễm tăng hiện nay một phần do các nước tăng xét nghiệm virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19.

Bà Ammon cũng cho biết, các bệnh nhân trẻ tuổi chiếm phần lớn số ca nhiễm mới hiện nay, trong khi bệnh tình trở nặng ở những bệnh nhân cao tuổi - đối tượng chịu tác động mạnh nhất của dịch bệnh hồi tháng 3 và tháng 4 vừa qua.

Tại Czech, trong 24 giờ qua, nước này có thêm 679 ca bệnh - mức cao nhất kể từ khi bùng dịch hồi tháng 3. Hiện Czech xác nhận tổng cộng 25.773 ca mắc Covid-19. Chỉ trong 5 ngày kể từ ngày 26/8, Czech ghi nhận số ca mắc mới cao hơn bất kỳ ngày nào trong làn sóng dịch đầu tiên.

Ngày 3/9, Anh thông báo đã ghi nhận thêm 1.735 ca mắc mới, tăng từ mức 1.508 một ngày trước đó và là mức cao nhất kể từ ngày 4/6. Nước này cũng ghi nhận 13 ca tử vong mới do Covid-19.

Đan Mạch trong 24 giờ qua cũng ghi nhận số ca mắc Covid-19 theo ngày cao nhất kể từ hồi tháng 4 với 179 ca. Đây là một trong số những quốc gia châu Âu đầu tiên nới lỏng các biện pháp hạn chế xã hội sau khi khống chế thành công dịch bệnh. Tuy nhiên, số các ca nhiễm mới gia tăng nhanh sau đó đã làm chậm tiến trình mở cửa trở lại.

Tương tự, Áo cũng ghi nhận thêm 403 ca bệnh mới trong 24 giờ qua - mức cao nhất kể từ ngày 3/4 vừa qua. Có tới 50% số các ca nhiễm mới của Áo là ở thủ đô Vienna. Hiện nước này đã có 28.372 bệnh nhân Covid-19, trong đó 735 người đã không qua khỏi.

* Liên quan vấn đề vaccine Covid-19, một quan chức thuộc Ủy ban châu Âu (EC) cho biết, Liên minh châu Âu (EU) hy vọng sẽ nhận được lô hàng 30 triệu liều vaccine phòng Covid-19 vào cuối năm nay trong khuôn khổ thỏa thuận đạt được với hãng dược phẩm của Anh AstraZeneca.

Với 1 liều cho mỗi người, lô hàng đầu tiên có thể cung cấp vaccine cho 6-7% dân số EU. Lô hàng đầu tiên này sẽ được phân phối theo tỷ lệ giữa các nước thành viên cho tới khi khối này tiếp nhận toàn bộ 300 triệu liều theo thỏa thuận.

Hợp đồng ký kết giữa tập đoàn AstraZeneca và EC cho phép EU được đảm bảo ít nhất 300 triệu liều vaccine trị giá 336 triệu Euro (397,8 triệu USD) cho tất cả các quốc gia thành viên, cũng như tài trợ cho các quốc gia có thu nhập trung bình và thấp ở châu Âu.

Trong khi đó, tại Mỹ, Bộ trưởng Y tế Alex Azar khẳng định, mục tiêu có được vaccine tiềm năng ngừa Covid-19 vào tháng 11 không liên quan gì tới cuộc bầu cử Mỹ 2020 bởi đây là thời hạn mà các quan chức y tế công đưa ra.

Ông Azar cho biết, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) đã gửi các tài liệu cho các quan chức y tế công để chuẩn bị cho tất cả các tình huống bất ngờ, đồng thời khẳng định: "Ai tham gia vào quá trình này cũng sẽ đảm bảo rằng một sản phẩm đưa vào cơ thể họ là an toàn và hiệu quả".

Trước đó, theo các tài liệu do CDC công bố, cơ quan này đã yêu cầu các quan chức y tế công của các bang chuẩn bị phân phối vaccine cho những nhóm có nguy cơ cao nhất vào cuối tháng 10 hoặc tháng 11. Đây là thời điểm có tầm quan trọng về mặt chính trị khi cuộc bầu cử tổng thống diễn ra vào ngày 3/11.

CDC đang chuẩn bị để có sẵn một hoặc hai loại vaccine ngừa Covid-19 với số lượng hạn chế vào cuối tháng 10.

Liên quan áp lực về việc cấp phép vaccine Covid-19, Nữ phát ngôn viên Nhà Trắng Kayleigh McEnany tuyên bố, không hề có bất kỳ sức ép chính trị nào đối với Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) để cơ quan này nhanh chóng cấp phép cho một loại vaccine phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19.

Tại Việt Nam, tính đến thời điểm này, đã 36h không ghi nhận ca nhiễm Covid-19 mới. Hiện có 1.046 người mắc Covid-19, trong đó có 691 ca lây nhiễm trong nước, số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay là 551.

Việt Nam đã điều trị khỏi cho 755 bệnh nhân trong khi có 35 trường hợp tử vong. Trong khi đó, có 99 ca bệnh đã có kết quả xét nghiệm âm tính từ 1-3 lần trở lên.

Chính phủ kêu gọi người dân cài đặt ứng dụng Bluezone-Truy vết tiếp xúc. Cách cài đặt ứng dụng Bluezone như sau:

Bước 1: Để nhận được các cảnh báo từ Bluezone, việc đầu tiên cần làm là tải về và cài đặt ứng dụng này. Truy cập App Store (iOS) hoặc Google Play Store (Android) và tìm phần mềm tên Bluezone, sau đó nhấn tải về và cài đặt vào thiết bị.

Bước 2: Sau khi cài đặt, người dùng cần cấp quyền cho ứng dụng truy cập.

Bước 3: Về cơ bản, chỉ cần làm đến đây là các bạn đã có thể nhận được cảnh báo từ Bluezone.

Sau khi được cấp quyền, ứng dụng sẽ tự bật kết nối Bluetooth để ghi nhận lại việc tiếp xúc với những người dùng khác cùng trong cộng đồng Bluezone.

Trong trường hợp một người dùng trong cộng đồng Bluezone dương tính với Covid-19, thông tin của họ sẽ được cập nhật lên hệ thống. Lúc này, ứng dụng trên máy người dùng sẽ tải về các thông tin đó và so sánh với lịch sử tiếp xúc của bạn. Nếu đã từng tiếp xúc với người bệnh đủ lâu (trên 15 phút) và đủ gần (dưới 2 mét), ứng dụng sẽ gửi thông tin cảnh báo nguy cơ mắc Covid tới điện thoại của bạn.

Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người!

(tổng hợp)