Tổng thống Brazil Bolsonaro xác nhận nhiễm Covid-19. (Nguồn: AFP) |
Sau 3 ngày ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày giảm nhẹ ở mức dưới 195.000, ngày 7/7, toàn cầu lại ghi nhận số người mắc bệnh Covid-19 tăng cao trở lại, với 203.357 trường hợp trong 24 giờ qua.
Ngày 7/7, phát biểu trong cuộc họp báo trực tuyến, Tổng Giám đốc Tổ chức y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus nhận định: “Đại dịch vẫn có diễn biến nhanh và rõ ràng chúng ta vẫn chưa đạt tới đỉnh dịch”.
Trong khi đó, Giáo sư Benedetta Allegranzi thuộc WHO thừa nhận, “có bằng chứng mới xuất hiện” về việc SARS-CoV-2 lây truyền qua không khí. Nhận định này được đưa ra sau khi một nhóm các nhà khoa học quốc tế kết luận rằng virus có thể lây lan ở khoảng cách xa hơn 2m
Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19 với 3.093.772 ca nhiễm và 133.858 ca tử vong.
Trong 24 giờ qua, số ca mắc mới ở Mỹ được ghi nhận là 52.130, đây là ngày thứ 14 liên tiếp Mỹ ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày ở mức trên 40.000. Số ca mắc mới gia tăng mạnh tại 39 bang của Mỹ những ngày qua, trong đó 16 bang ghi nhận những ngày cao điểm nhất kể từ khi bùng dịch, đã dẫn tới tình trạng quá tải tại các bệnh viện.
Bất chấp tình hình dịch Covid-19 xấu đi, các quan chức Nhà Trắng cho biết, nền kinh tế Mỹ, vốn đang lao đao do tác động của lệnh phong tỏa toàn quốc áp đặt vào tháng 3 và tháng 4 vừa qua, sẽ không đóng cửa trở lại.
Brazil ghi nhận số ca nhiễm bệnh và tử vong cao thứ 2 thế giới với 48.584 trường hợp nhiễm mới được ghi nhận trong 24 giờ qua, nâng tổng số người mắc Covid-19 lên 1.674.655, trong đó có 66.868 trường hợp tử vong.
Ngày 7/7, Tổng thống Jair Bolsonaro xác nhận dương tính với SARS-CoV-2 sau khi ông có những triệu chứng mắc bệnh như sốt cao và tiến hành xét nghiệm lần thứ 4.
Trước đó, Tổng thống Bolsonaro đã nhiều lần hạ thấp nguy cơ do dịch Covid-19, đồng thời hối thúc chính quyền các địa phương nới lỏng lệnh phong tỏa mà ông cho là đang ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế Brazil.
Tại Brazil, nhiều nhà hàng, quán bar và thẩm mỹ viện tại trung tâm kinh tế Sao Paulo đã mở cửa trở lại vào ngày 6/7 sau hơn 100 ngày đóng cửa do dịch Covid-19. Trong giai đoạn mới về nới lỏng biện pháp phòng dịch này, các cơ sở kinh doanh có thể mở cửa tối đa 6 giờ/ngày, nhưng không được phép hoạt động quá 40% công suất và phải tuân thủ các biện pháp vệ sinh và giãn cách xã hội.
Tại châu Âu, thống kê của AFP cho thấy, hơn 200.000 người đã tử vong do Covid-19 tại khu vực này. Anh và Italy là hai quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất trong khu vực với số ca tử vong lần lượt ở mức 44.236 ca và 34.869 ca, trong khi tổng số ca nhiễm tại lục địa này đã lên tới 2.751.606 ca.
Tại châu Á, tình hình dịch diễn biến phức tạp với 50.144 ca nhiễm mới được phát hiệnghi nhnaj trong 24 giờ qua và là khu vực có nhiều điểm nóng Covid-19 nhất thế giới.
Ủy ban Y tế quốc gia (NHC) Trung Quốc thông báo nước này có thêm 8 ca mắc mới Covid-19 trong ngày 7/7. Tính đến nay, Trung Quốc có tổng cộng 83.565 ca nhiễm, trong đó có 4.634 ca tử vong và 78.528 bệnh nhân được chữa khỏi.
Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ 3 thế giới tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 mới ở mức trên 20.000, lên tới 23.135 trường hợp trong 24 giờ qua, nâng tổng số người mắc bệnh lên 743.481 với 20.653 ca tử vong, trong bối cảnh nước này xúc tiến nới lỏng các biện pháp phong tỏa phòng dịch để nối lại hoạt động kinh tế.
Thủ đô tài chính Mumbai của Ấn Độ đã mở 4 bệnh viện dã chiến do số ca tử vong ở khu vực này chiếm 1/4 trong tổng số 20.100 ca tử vong trên toàn quốc và các bệnh viện trong thành phố đang trong tình trạng quá tải.
Tại Iran, giới chức y tế thông báo đã có thêm 200 ca tử vong do Covid-19 trong 24 giờ qua. Đây là số ca tử vong trong ngày cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại quốc gia Trung Đông này vào tháng 2, nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 tại nước này hiện lên tới 11.931 ca.
Trong khi đó, số ca nhiễm mới ở Iran vẫn tăng mạnh, với 3.392 trường hợp được ghi nhận trong 24 giờ qua, nâng tổng số người mắc bệnh lên 217.108.
Tại Indonesia, số ca nhiễm mới Covid-19 trong ngày vẫn ở mức cao trên 1.000. Trong 24 giờ qua, Indonesia ghi nhận 1.268 ca mới, nâng tổng số người mắc bệnh lên 66.226, trong đó có 3.309 ca tử vong.
Tại Philippines, Chính phủ đã dỡ bỏ các hạn chế đi lại nước ngoài với người dân. Theo quy định mới, những người ra nước ngoài bằng thị thực du lịch cần nộp vé khứ hồi, có bảo hiểm y tế du lịch phù hợp để trang trải chi phí đặt vé lại và lưu trú, trong trường hợp họ bị mắc kẹt ở nước ngoài. Theo thống kê, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 1.540 ca mắc Covid-19, nâng tổng số người mắc bệnh lên 47.873, trong đó có 1.309 ca tử vong.
Một số quốc gia khác trong khu vực vẫn ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày ở mức khá cao như Bangladesh (3.027), Pakistan (2.691), Iraq (2.426), Isrel (1.473)....
Liên quan tình hình dịch Covid-19, một nghiên cứu mới của Tây Ban Nha mới được công bố trên tạp chí y khoa The Lancet cho thấy, không thể có miễn dịch cộng đồng đối với virus SARS-Cov-2. Các biện pháp giữ khoảng cách vật lý, vệ sinh và đeo khẩu trang vẫn là cách tốt nhất để kiểm soát dịch bệnh.
Các nhà khoa học Tây Ban Nha đã tiến hành nghiên cứu đối với 61.000 người để xác định những người có kháng thể chống lại bệnh Covid-19. Kết quả, chỉ có 5% trong số này có được miễn dịch chống virus SARS-Cov-2.
Chuyên gia dịch tễ học của Đại học Tự do Bỉ (ULB), Marius Gilbert khẳng định: “Ngay cả ở những khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất của đại dịch Covid-19, tỷ lệ người có kháng thể với virus SARS-Cov-2 rất thấp. Do vậy, chúng ta không thể có được miễn dịch cộng đồng chống lại SARS-Cov-2”.
Tuy nhiên, theo chuyên gia Marius Gilbert, có thông tin khác đáng chú ý được rút ra từ nghiên cứu này, đó là những khu vực chưa bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong đợt dịch lần 1 tại Tây Ban Nha, có tỷ lệ người có kháng thể chống Covid-19 thấp hơn nhiều, chỉ từ 1 tới 2%. Và những khu vực này có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nếu như đại dịch lại một lần nữa bùng phát tại Tây Ban Nha.
Nghiên cứu trên cũng cho thấy vẫn còn nhiều bí ẩn xung quanh loại virus mới này. Theo chuyên gia dịch tễ người Bỉ, Marius Gilbert, có lẽ cơ chế phòng vệ miễn dịch đối với bệnh Covid-19 không diễn ra qua việc sản xuất kháng thể. Và những kháng thể này không tồn tại lâu ở người sau khi cơ thể bị nhiễm bệnh.