Số ca tử vong do virus corona tinh đến sáng sớm ngày 10/2 đã lên tới 904 ngườ. (Ảnh minh họa. Nguồn: CTV NEws) |
Thông tin được Ủy ban y tế tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) đưa ra trong thông báo hàng ngày vào sáng 10/2. Thông báo cũng xác nhận có 2.618 ca nhiễm mới, đưa tổng số trường hợp nhiễm virus nCoV trên khắp Trung Quốc lên trên 39.800 người. Còn tổng số ca lây nhiễm trên toàn thế giới là 40.134 trường hợp.
Ngoài lục địa Trung Quốc, 2 ca tử vong khác do virus nCoV đã được xác nhận tại Philippines và đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc). Số ca tử vong do nCoV hiện đã vượt qua số người thiệt mạng do dịch SARS hồi năm 2002-2003.
Trước đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đánh giá các ca nhiễm bệnh ở Trung Quốc được thông báo hàng ngày hiện đã “ổn định” song cảnh báo còn quá sớm để cho rằng dịch bệnh đã đạt đỉnh điểm. Hiện 1 nhóm chuyên gia quốc tế của WHO đã lên đường tới Trung Quốc trong ngày 9/2 để nghiên cứu về dịch bệnh.
Trong ngày 9/2, Chính phủ Anh cũng xác nhận ca nhiễm nCoV thứ 4, trong khi Tây Ban Nha ghi nhận ca nhiễm thứ 2 tại nước này.
Theo thông báo, các chuyên gia của Anh đang nỗ lực để lần theo những lần tiếp xúc của ca nhiễm thứ 4. Còn tại Tây Ban Nha, giới chức nước này cũng đang xác định xem ai đã có tiếp xúc với một người đàn ông quốc tịch Anh, được phát hiện nhiễm virus nCoV tại Mallorca.
Các nguồn tin cho biết, tất cả những ca nhiễm mới tại Anh và Tây Ban Nha có điểm chung là đều từng tới Pháp du lịch. Tới nay, Pháp thông báo đã phát hiện tổng cộng 11 ca nhiễm nCoV, trong đó có 5 công dân quốc tịch Anh tới du lịch ở thị trấn Contamines-Montjoie.
Hiện các cơ quan chức năng Pháp đã thực hiện nhiều biện pháp kiểm tra với khoảng 100 người có tiếp xúc với nhóm người Anh này để trấn an quan ngại của dư luận.
Việt Nam đến nay ghi nhận có 14 ca nhiễm nCoV, trong đó 3 trường hợp đã điều trị khỏi và được xuất viện. Trong 14 bệnh nhân, một người Trung Quốc và một người Mỹ gốc Việt đang điều trị bệnh nCoV ở TP. Hồ Chí Minh hiện có tình trạng sức khỏe tiến triển tốt. Những người có tiếp xúc với bệnh nhân cũng đều đã trải qua 14 ngày cách ly và hiện đều trong tình trạng khoẻ mạnh, không có các triệu chứng về hô hấp.
Chiều 9/2, tại BV bệnh Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã điện đàm với bệnh nhân người Mỹ gốc Việt và tin rằng sức khoẻ của bệnh nhân này sẽ sớm ổn định.
Cùng ngày, Business Insider đưa tin, ông Choi Hyo-jick, một kỹ sư y sinh và là giáo sư tại Đại học Alberta ở Canada nói rằng, nhóm của ông đã tạo ra một loại khẩu trang phủ muối hòa tan có thể tiêu diệt mầm bệnh, hơn là chỉ ngăn chặn chúng.
Theo ông Choi, virus và các mầm bệnh khác di chuyển hoặc qua không khí - trong các giọt như nước bọt hoặc đờm do ho, hắt hơi, nói hoặc thở; hoặc trên bề mặt - có thể lưu lại trên bề mặt của khẩu trang. Người sử dụng liên tục chạm vào khẩu trang để điều chỉnh, di chuyển chúng để gãi mặt và thường xuyên tháo ra, đeo lại. Những hành động đó có thể khiến vi trùng trên bề mặt của khẩu trang xâm nhập cơ thể.
"Thách thức kỹ thuật lớn nhất của khẩu trang phẫu thuật hiện nay và khẩu trang N95 là chúng không thể tiêu diệt virus tồn tại trên bề mặt của chúng, điều này làm tăng nguy cơ lây truyền qua tiếp xúc", ông Choi cho hay.
Với khẩu trang phủ muối hòa tan mà nhóm của ông Choi nghiên cứu ra, khi khẩu trang tiếp xúc một giọt mang theo virus, virus bắt đầu hấp thụ muối. Khi chất lỏng bay hơi, chỉ còn lại virus và muối kết tinh. Theo ông Choi, cấu trúc phân tử của muối là tinh thể với các góc sắc và cứng có thể đâm vào virus, khiến chúng không thể tồn tại.
"Trong các thử nghiệm ở phòng thí nghiệm, virus sẽ bị vô hiệu hóa trong 5 phút và bị diệt sau 30 phút", ông Choi chia sẻ.
Nhóm của ông Choi đã thử nghiệm khẩu trang phủ muối trong phòng thí nghiệm vài năm qua và phát hiện rằng, chúng có thể vô hiệu hóa 3 chủng của virus cúm. Những phát hiện ban đầu này được công bố trong tạp chí Báo cáo Khoa học năm 2017. Nhóm cho rằng công nghệ vô hiệu hóa mầm mệnh có thể cải thiện đáng kể các nỗ lực phòng chống bệnh truyền nhiễm và hy vọng sẽ đưa ra thị trường loại khẩu trang này trong vòng 18 tháng tới.