Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất do Covid-19 vẫn là Mỹ với 466.988 ca tử vong trong tổng số gần 27,3 triệu ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 154.862 ca tử vong trong số 10.803.533 ca bệnh. Brazil đứng thứ 3 với 228.883 ca tử vong trong số 9.397.769 bệnh nhân.
Xét tỷ lệ dân số, Bỉ là quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 183 người tử vong. Tiếp đến là Slovenia với 171 người và Anh 161 người/100.000 dân.
Xét theo khu vực, châu Âu đang là tâm dịch của thế giới với hơn 33,9 triệu người mắc Covid-19, trong đó có hơn 757.100 ca tử vong. Tiếp đến là các nước Mỹ Latinh và Caribbean, với hơn 606.000 ca tử vong trong hơn 19,1 triệu ca nhiễm.
Bắc Mỹ có hơn 471.100 ca tử vong trong hơn 27,3 triệu ca nhiễm. Châu Á ghi nhận hơn 242.500 ca tử vong trong hơn 15,3 triệu ca nhiễm. Trung Đông có hơn 98.400 ca tử vong, châu Phi có hơn 93.000 ca tử vong, trong khi số người không qua khỏi ở châu Đại dương là 945 người.
* Tại khu vực châu Á, số liệu thống kê của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) cho thấy, tổng số ca mắc Coivd-19 nước này đã vượt ngưỡng 400.000 người. Có thể thấy, tốc độ lây lan của dịch Covid-19 ở Nhật Bản ngày càng tăng.
Sau khi bùng phát vào giữa tháng 1/2020, tổng số ca mắc Covid-19 ở nước này chỉ tăng lên ngưỡng 100.000 vào ngày 29/10, nhưng đã vượt ngưỡng 200.000 vào ngày 21/12, 300.000 ngày 13/1 và 400.000 ngày 4/2.
Trong bối cảnh chưa có dấu hiệu dịch bệnh sẽ sớm lắng dịu, chính phủ Nhật Bản đang tích cực chuẩn bị để triển khai chương trình tiêm vaccine phòng Covid-19 trên toàn quốc.
Thủ tướng Suga Yoshihide cho biết, chính quyền trung ương sẽ chi trả toàn bộ phí tổn cho các chính quyền địa phương để đảm bảo rằng tất cả người dân đều được tiêm vaccine miễn phí.
Trong khi đó, nước láng giềng của Nhật Bản là Hàn Quốc cũng đang đối mặt với dịch Covid-19 hoành hành nghiêm trọng, với số người nhiễm virus SARS-CoV-2 đã vượt quá 80.000 ca.
Phát biểu tại cuộc họp liên ngành ngày 5/2, Thủ tướng Hàn Quốc Chung Sye-kyun đã yêu cầu người dân duy trì cảnh giác cao độ trước dịch Covid-19, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống virus SARS-CoV-2 cho đến khi Hàn Quốc thành công trong việc hình thành miễn dịch cộng đồng trên cơ sở chương trình tiêm chủng diện rộng sắp được triển khai.
* Ở châu Âu, Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran thông báo ghi nhận 4 ca nhiễm biến thể mới với tốc độ lây lan nhanh của virus SARS-CoV-2, vốn được phát hiện lần đầu tại Brazil.
Bộ trưởng Veran cho biết, Pháp đang trong "cuộc chạy đua với thời gian" nhằm chống lại các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được phát hiện tại Anh, Nam Phi và Brazil.
Theo Chính phủ Pháp, các ca nhiễm biến thể mới hiện đã chiếm 14% tổng số ca mắc mới tại nước này.
Thủ tướng Pháp Jean Castex tuyên bố, nước này sẽ nhận được những liều vaccine phòng Covid-19 đầu tiên của hãng dược AstraZeneca vào cuối tuần này, một bước đi giúp đẩy nhanh tiến độ phân phối vaccine, vốn trì trệ do sự thiếu hụt từ các nhà cung cấp.
Tại Anh, chính phủ đã yêu cầu các mạng xã hội lớn gỡ bỏ những thông tin bóp méo sự thật liên quan đại dịch Coivd-19 do quan ngại đó có thể là nguyên do dẫn đến một số sắc tộc thiểu số tại Anh từ chối tiêm vaccine phòng bệnh này.
Cơ quan theo dõi những thông tin sai lệnh về Covid-19 của Anh cho biết, họ đang theo dõi chặt chẽ các thông tin liên quan đến Covid-19 trên các trang mạng xã hội như Twitter hay Facebook.
* Tại châu Phi, Chính phủ Morocco đã quyết định gia hạn tình trạng khẩn cấp y tế thêm một tháng, đến ngày 10/3 tới, để ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19, vốn đanh hoành hành mạnh mẽ tại quốc gia Bắc Phi này.
Trước đó, Morocco đã triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng chống Covid-19 trên quy mô toàn quốc đợt đầu tiên vào ngày 29/1, cho hơn 300.000 người là những nhân viên tuyến đầu, các quan chức và người cao tuổi.
Mục tiêu của quốc gia châu Phi này là sẽ tiêm chủng miễn phí và dần dần cho khoảng 25 triệu người từ 17 tuổi trở lên, trên tổng số 35 triệu dân của nước này.
* Liên quan vaccine ngừa Covid-19, ngày 4/2, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cảnh báo thiếu thông tin về các loại vaccine phòng Covid-19 của Trung Quốc, cho rằng nếu những loại vaccine này không hiệu quả thì thậm chí có thể kích thích các biến thể của virus SARS-CoV-2 phát triển.
Trong khi đó, Tổng thống Zimbabwe Emmerson Mnangagwa cho biết, nước này sẽ nhận được 200.000 liều vaccine Sinopharm của Trung Quốc, sau khi Trung Quốc và Nga cam kết cung cấp vaccine ngừa Coivd-19 cho quốc gia này.
Giám đốc khu vực châu Phi của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, gần 90 triệu liều vaccine Covid-19 được đàm phán thông qua chương trình COVAX sẽ được chuyển đến châu lục này trong tháng 2/2021.
Việc triển khai vaccine đến châu Phi là bước tiến đầu tiên để đảm bảo châu lục này được tiếp cận vaccine một cách công bằng.
Tại Nga, quyền Phó Tổng giám đốc phụ trách phương pháp luận khoa học và hợp tác quốc tế Tatiana Nepomnyashchikh cho biết, Trung tâm "Vector" ở Novosibirsk đã hoàn tất các thử nghiệm lâm sàng đối với vaccine EpiVacCorona ở những người cao tuổi và không có tác dụng phụ nào mạnh.
Ngày 4/2, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết, chiến dịch tiêm chủng vaccine ở nước này đã giúp giảm gần một nửa tỷ lệ mắc Covid-19 ở những người trên 60 tuổi và những ca bệnh nghiêm trọng ở độ tuổi này cũng giảm hơn 1/4 trong 2 tuần qua.
Tại Việt Nam, kể từ ngày 27/1 đến nay, đây là lần đầu tiên sau 12h liên tục, Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới Covid-19. Hiện, Việt Nam có tổng cộng 1.068 ca mắc Covid-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay là 375 trường hợp. Bộ Y tế tiếp tục kêu gọi người dân luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, trách nhiệm, hết sức bình tĩnh, chủ động, tích cực trong công tác phòng chống dịch Covid-19 cũng như thực hiện “Thông điệp 5K: Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế”. |
Cập nhật thông tin về Covid-19 trên thế giới và Việt Nam tại đây