📞

Cập nhật Covid-19 ngày 10/5: Ấn Độ 'cheo leo' đỉnh dịch, châu Âu có dấu hiệu tích cực, Hàn Quốc tung thuốc điều trị bằng kháng thể

Thế Việt 11:42 | 10/05/2021
Theo trang thống kê Worldometers, đến nay, toàn cầu ghi nhận xấp xỉ 159 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó có hơn 3,3 triệu ca tử vong và hơn 136,51 triệu bệnh nhân bình phục.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất do Covid-19 vẫn là Mỹ với 595.812 ca tử vong trong tổng số hơn 33,4 triệu ca nhiễm.

Ấn Độ xếp thứ hai thế giới về số ca nhiễm với 22,6 triệu ca, song đứng thứ ba thế giới về số ca tử vong với 246.146 ca.

Với hơn 15,1 triệu ca nhiễm và 422.418 ca tử vong, Brazil xếp thứ ba thế giới về số ca mắc và thứ hai thế giới về số bệnh nhân không qua khỏi.

Tính theo tỷ lệ dân số, Hungary là quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 295 người tử vong. Tiếp đến là CH. Czech với 277 người và Bosnia-Herzegovina với 268 người/100.000 dân.

* Tại châu Á, Ấn Độ tiếp tục 'cheo leo' trên đỉnh dịch, với số ca nhiễm mỗi ngày vẫn duy trì ở mức hơn 350.000 ca, trong đó, số ca tử vong vẫn ở mức cao trên 3.500 ca.

Hàn Quốc ngày 10/5 thông báo có thêm 463 ca mắc, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 127.772 ca. Số ca tử vong tăng thêm 1 ca lên 1.875 ca. Ngoài ra, đã có thêm 421 bệnh nhân được xuất viện sau khi điều trị Covid-19, nâng tổng số người bình phục là 117.844 người.

Ngày 9/5, Malaysia ghi nhận thêm 3.733 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 và 26 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc bệnh lên thành 440.677 người, trong đó có 1.683 ca tử vong.

Tổng Giám đốc Bộ Y tế Malaysia Noor Hisham Abdullah cảnh báo, ngày càng nhiều người trẻ tuổi tại nước này mắc Covid-19 với các triệu chứng nghiêm trọng hơn, thậm chí phải điều trị tích cực (ICU), đặc biệt là xuất hiện nhiều ca bệnh do các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây ra.

Để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch, chính phủ Malaysia đã tái áp dụng Lệnh kiểm soát đi lại (MCO 3.0) tại nhiều khu vực từ ngày 6/5, cấm đi lại xuyên quận trên phạm vi toàn quốc từ ngày 10/5-6/6, cấm tổ chức các sự kiện, hoạt động xã hội, giáo dục, kinh tế có thể dẫn tới tụ tập đông người và các hoạt động chính thức và xã giao trực tiếp của chính quyền cũng như khối tư nhân.

Trong khi đó, chính phủ Hoàng gia Thái Lan vừa viện trợ cho Lào số tiền mặt và vật tư y tế trị giá 12,8 triệu Bath (trên 400.000 USD) nhằm hỗ trợ nỗ lực chống đại dịch Covid-19.

Khoản viện trợ đầu tiên trị giá 4,3 triệu Bath (trên 130.000 USD) đã được Đại sứ quán Thái Lan chuyển cho Lào vào cuối tuần qua gồm 2 triệu Bath tiền mặt và 180 giường bệnh, 2.370 bộ đồ bảo hộ cùng nhiều vật tư y tế khác.

Khoản viện trợ thứ hai trị giá 8,5 triệu Bath (trên 270.000 USD) gồm nhiều vật tư, thiết bị y tế, sẽ được bàn giao vào cuối tháng này.

Ngoài ra, Thái Lan cũng sẽ cung cấp tư vấn y tế cộng đồng trực tuyến nhằm giúp Lào tăng cường năng lực xét nghiệm, đồng thời thúc đẩy sự hợp tác giữa các nhân viên y tế giữa hai nước, đặc biệt là tại khu vực biên giới Thái-Lào nhằm ngăn chặn dịch lây lan.

Bên cạnh đó, Hội Hữu nghị Thái Lan-Lào, Hiệp hội doanh nhân Thái Lan tại Lào cũng đã hỗ trợ Lào thiết bị bao gồm, khẩu trang y tế… trị giá hơn 3 triệu Bath (khoảng 100 nghìn USD) thông qua Đại sứ quán Thái Lan.

Tại Israel, ngày 9/5, Bộ Tài chính nước này cho biết, chính phủ đã thông qua kế hoạch hỗ trợ ngành hàng không ứng phó với ảnh hưởng của đại dịch.

Theo các thỏa thuận giữa Bộ Tài chính và hai hãng hàng không lớn nhất của Israel, là El Al và Israir, các khoản trợ cho hai hãng hàng không này được cơ cấu như khoản tạm ứng tiền vé máy bay cho các nhân viên an ninh của chính phủ trong 20 năm.

Trong đó, El Al sẽ được hỗ trợ 685 triệu Shekel (210 triệu USD) và Israir là 52 triệu Shekel (16 triệu USD). Đổi lại, Bộ Tài chính cũng yêu cầu các cổ đông cần có trách nhiệm góp phần tăng cường sự ổn định tài chính của các công ty này.

* Tình hình dịch bệnh tiếp tục có dấu hiện cải thiện ở châu Âu khi một số quốc gia ghi nhận số ca mắc mới giảm.

Pháp ghi nhận thêm 9.128 ca mắc và 115 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc và không qua khỏi lên lần lượt 5.777.087 ca và 106.392 ca.

Trong 24 giờ qua, Đức ghi nhận 11.200 ca nhiễm mới, ít hơn khoảng 2.600 ca so với Chủ Nhật trước (tương đương mức giảm gần 19%), trong khi số ca tử vong trong ngày là 127 ca.

Hiện số người còn đang mắc Covid-19 ở Đức là 273.478 trường hợp. Tính từ đầu dịch tới nay đã có 3,52 triệu ca nhiễm và 84.790 ca tử vong.

Trong bối cảnh số ca nhiễm mới có chiều hướng giảm những ngày qua, Bộ trưởng Kinh tế liên bang Đức Peter Altmaier nhận định về khả năng sớm dỡ bỏ các hạn chế ở nhiều khu vực quận/huyện/thành phố trong vài ngày hoặc vài tuần tới, trong đó có việc cho phép các nhà hàng phục vụ khách ngoài trời.

Trong khi đó, Anh ghi nhận thêm 1.770 ca mắc và 2 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc và không qua khỏi vì Covid-19 lên lần lượt 4.434.860 ca và 127.605 ca.

Tối 9/5, Văn phòng Thủ tướng Anh thông báo, Thủ tướng Boris Johnson sẽ tổ chức họp báo vào chiều 10/5 để thông báo việc khởi động bước thứ 3 trong "lộ trình" thoát khủng hoảng của Anh từ ngày 17/5.

Theo đó, dự kiến Thủ tướng Johnson sẽ nhất trí các biện pháp này với đồng nghiệp và cố vấn trong sáng 10/5.

Những biện pháp hạn chế được nới lỏng gồm cho phép tụ họp 30 người ở ngoài trời cũng như dỡ bỏ quy định giãn cách xã hội giữa bạn bè và gia đình để được ôm nhau.

Các khách sạn cũng được phép phục vụ khách hàng đồ ăn uống trong nhà. Các rạp chiếu phim và một số địa điểm trong nhà lớn cũng được mở lại, sau khi chính phủ tiến hành nhiều sự kiện thí điểm để kiểm tra các biện pháp an toàn.

Tại Bỉ, sau 7 tháng tuân thủ các biện pháp giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19, kể từ ngày 8/5, các quán ăn và cà phê ở Bỉ đã được phép mở cửa trở lại đón khách nhưng đều phải phục vụ ngoài trời.

Giới chức Bỉ đang xem xét việc mở lại các lễ hội vào nửa sau mùa Hè. Quyền tiếp cận các cuộc tụ họp lớn, vốn bị cấm ở Bỉ do đại dịch Covid-19, sẽ phụ thuộc vào hoạt động xét nghiệm và tiêm chủng vaccine.

Ủy ban tham vấn của chính phủ Bỉ sẽ nhóm họp vào ngày 11/5 để xác định những điều kiện để xúc tiến mở cửa trở lại. Tính tới ngày 10/5, Bỉ đã ghi nhận hơn 1 triệu ca mắc Covid-19 và 24.511 trường hợp tử vong do dịch bệnh nguy hiểm này.

* Liên quan vaccine ngừa Covid-19, ngày 9/5, phát ngôn viên Bộ Y tế Slovakia cho biết, một phòng thí nghiệm của Hungary đã xác nhận, lô vaccine Sputnik V ngừa Covid-19 đầu tiên của Nga được gửi đến Slovakia đạt yêu cầu và chính phủ nước này sẽ thảo luận các bước tiếp theo với Nga.

Các cuộc thử nghiệm trên đã được tiến hành ở Hungary sau khi Nga yêu cầu thử nghiệm bổ sung trong một phòng thí nghiệm được Liên minh châu Âu (EU) chứng nhận.

Chính phủ Slovakia đang xem xét liệu có nên sử dụng vaccine của Nga tại quốc gia có 5,5 triệu dân bị ảnh hưởng nặng nề bởi đợt bùng phát Covid-19 hay không.

Hungary là nước thành viên EU duy nhất đã bắt đầu tiêm Sputnik V mà không cần chờ sự chấp thuận của Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA).

* Về thuốc điều trị Covid-19, ngày 10/5, tập đoàn dược phẩm khổng lồ Hàn Quốc Celltrion Inc. thông báo bắt đầu phân phối toàn cầu thuốc điều trị Covid-19 bằng kháng thể và điểm đến đầu tiên là Pakistan.

Celltrion Healthcare - công ty phụ trách hoạt động kinh doanh của Celltrion ở nước ngoài, cho biết, đã ký hợp đồng với một công ty nhà nước của Pakistan để xuất khẩu 100.000 viên Rekirona, đủ dùng cho 30.000 bệnh nhân.

Một quan chức của Celltrion cũng cho biết, công ty đang tiến hành đàm phán với các nước châu Âu, Nam Mỹ và Ấn Độ để xuất khẩu loại thuốc này.

Trước đó, vào tháng 2, Rekirona đã được Cơ quan An toàn dược phẩm và thực phẩm Hàn Quốc (MFDS) cấp phép sử dụng có điều kiện, trở thành loại thuốc điều trị Covid-19 đầu tiên được sản xuất ở Hàn Quốc.

Rekirona là loại thuốc điều trị Covid-19 bằng kháng thể được sản xuất bằng cách chọn gene kháng thể trung hòa trong máu của bệnh nhân mắc Covid-19 trong thời kỳ dưỡng bệnh và đưa gene đã chọn vào tế bào chủ được nuôi cấy để sản xuất kháng thể trên quy mô lớn.

Phương pháp điều trị này đã được Hàn Quốc áp dụng cho các bệnh nhân Covid-19 thuộc nhóm có nguy cơ cao, gồm những người từ 60 tuổi trở lên hoặc có bệnh nền như tim mạch, tiểu đường, huyết áp cao hoặc các bệnh mãn tính ảnh hưởng đến hô hấp.

Dịch bệnh Covid-19 trên thế giới đang diễn biến rất phức tạp, số lượng người mắc bệnh và người chết tiếp tục gia tăng. Đã phát hiện các trường hợp mắc bệnh nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Bộ Y tế kêu gọi mỗi người dân:

1. Hạn chế đến nơi công cộng, tụ tập đông người không cần thiết.

2. Không được chủ quan, lơ là. Luôn đề cao cảnh giác phòng chống dịch, khi phát hiện các trường hợp nghi ngờ nhập cảnh trái phép cần lập tức thông báo ngay cho chính quyền địa phương để tổ chức cách ly, xử lý kịp thời.

3. Thực hiện tốt Khuyến cáo 5K: KHẨU TRANG - KHỬ KHUẨN - KHOẢNG CÁCH - KHÔNG TỤ TẬP - KHAI BÁO Y TẾ để phòng, chống dịch Covid-19.

4. Liên hệ với đường dây nóng Bộ Y tế: 1900.9095 để được tư vấn khi cần thiết.

Vì lợi ích của đất nước, cộng đồng và của chính mình, mỗi người dân Việt Nam hãy đồng lòng quyết tâm giữ vững thành quả đã đạt được trong phòng, chống dịch Covid-19!