Cập nhật Covid-19 ngày 13/5: Malaysia ghi nhận nhiều kỷ lục buồn; Các nước hạn chế đi lại với Ấn Độ vì chủng mới; châu Âu nhiều tin vui. |
* Tại châu Á
Dịch tiếp tục lan rộng đáng báo động tại Ấn Độ. Cho đến nay, nước này đã ghi nhận 23.702.832 ca mắcCovid-19 - cao thứ hai trên thế giới sau Mỹ (33.585.943 ca), trong khi 258.351 ca không qua khỏi.
Trước diễn biến như vậy, ngày 12/5, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định từ chối nhập cảnh đối với người nước ngoài từng cư trú tại Ấn Độ, Pakistan và Nepal trong vòng 14 ngày. Tất cả các trường hợp đặc biệt đều phải được xem xét và quyết định tùy theo hoàn cảnh. Quy định này bắt đầu có hiệu lực từ 0h00 ngày 14/5 và chỉ áp dụng đối với người nước ngoài.
Mặt khác, Chính phủ Nhật Bản kêu gọi các công dân nước mình đang ở Ấn Độ xem xét việc tạm trở về nước.
Các biện pháp trên được đưa ra trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 trong ngày tại Nhật Bản tăng mạnh với 7.075 ca mắc mới và 106 ca tử vong. Số ca nghiêm trọng đang được điều trị bằng máy thở hoặc trong phòng chăm sóc đặc biệt tiếp tục tăng với 1.189 ca, gây áp lực cho hệ thống y tế một số địa phương. Thủ đô Tokyo vẫn ghi nhận số ca mắc mới ở mức cao với 969 ca, trong đó 86 bệnh nhân nặng và 8 ca tử vong.
* Ngày 13/5, Bộ trưởng Y tế Australia Greg Hunt xác nhận nước này đã hoàn tất hợp đồng mua 25 triệu liều vaccine của hãng dược Moderna (Mỹ).
Nếu được Cơ quan quản lý Sản phẩm trị liệu (TGA) của Australia phê duyệt, Moderna sẽ là vaccine thứ ba, cùng với vaccine AstraZeneca và Pfizer/BioNTech, được phép sử dụng ở Australia. Vaccine Moderna hiện đã được Anh, Canada, Liên minh châu Âu, Mỹ và Singapore cấp phép sử dụng.
Chính phủ Australia ngày 12/5 thông báo sẽ viện trợ 15,2 triệu AUD (gần 12 triệu USD) để Lào mua 1 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 cung cấp cho người dân. Gói hỗ trợ này cũng bao gồm việc đào tạo các chuyên gia y tế về quản lý an toàn vaccine và tiếp cận một số cơ quan quản lý y tế hàng đầu của Australia. Trước đó, Australia cung cấp cho Lào gói viện trợ phát triển trị giá 4,8 triệu AUD để ứng phó với dịch Covid-19.
Nhằm ngăn chặn đà lây lan của dịch Covid-19, Malaysia đã tái áp đặt Lệnh Hạn chế di chuyển (MCO) trong 3 tuần, kể từ ngày 12/5. Trong ngày này, nhiều kỷ lục buồn liên quan đến Covid-19 đã được xác nhận, không chỉ là số người chết, số người phải điều trị tích cực, mà còn cả số người dương tính với virus SARS-CoV-2.
Trong ngày 12/5, số ca tử vong do Covid-19 ở Malaysia lên tới 39 người, cao nhất từ trước đến nay, tăng 50% so với kỷ lục được xác lập hôm 9/5 với 26 ca. Trong khi đó, số ca nhiễm và nghi mắc Covid-19 phải đưa vào phòng điều trị tích cực (ICU) đã lên tới 641 người, mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở nước này, trong đó có 244 người phải dùng máy trợ thở. Số ca phải điều trị tích cực tăng 46% so với hai tuần trước.
Ngày 12/5, Bộ Y tế Indonesia cho biết chương trình tiêm chủng quốc gia ngừa Covid-19 của nước này mới chỉ đạt 5% mục tiêu đề ra với tổng cộng 8,8 triệu người được tiêm đầy đủ 2 mũi. Con số này đạt được sau đúng 4 tháng triển khai tiêm vaccine và còn cách rất xa mục tiêu cung cấp vaccine cho 181,5 triệu người vào cuối năm nay nhằm đạt miễn dịch cộng đồng.
Bộ Y tế Indonesia cam kết đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng với 1 triệu liều/ngày sau kỳ nghỉ lễ xả chay Eid al-Fitr của người Hồi giáo (kết thúc vào ngày 12/5) do nguồn cung vaccine đảm bảo.
Thái Lan ngày 13/5 đã ghi nhận 4.887 ca nhiễm mới Covid-19, trong đó có 1.052 ca trong cộng đồng và 2.835 ca lây nhiễm trong các nhà tù. Đây là số ca nhiễm Covid-19 trong ngày cao kỷ lục tại Thái Lan trong bối cảnh quốc gia Đông Nam Á này đang phải đối phó với làn sóng dịch thứ 3.
* Tại châu Mỹ
Sau khi Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cho phép sử dụng khẩn cấp vaccine ngừa Covid-19 của Pfizer/BioNTech cho trẻ em từ 12-15 tuổi, Tổng thống Joe Biden đã kêu gọi các bậc phụ huynh đưa con em đi tiêm phòng.
Tổng thống Biden cho biết chương trình tiêm vaccine cho lứa tuổi 12-15 sẽ được triển khai từ ngày 13/5 và có thể được thực hiện tại các phòng khám nhi khoa và bác sĩ gia đình. Bên cạnh đó, các sự kiện có sự tham gia của những người nổi tiếng và người có ảnh hưởng trên mạng xã hội sẽ được tổ chức để khuyến khích thanh thiếu niên đi tiêm phòng trong những tuần tới.
Ngày 12/5, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ báo cáo 28 ca đông máu trong tổng số 8,7 triệu người đã được tiêm vaccine ngừa Covid-19 của Johnson&Johnson (J&J).
Trước đó, FDA và CDC đã quyết định tạm ngừng sử dụng vaccine J&J do vaccine này bị cho là đã gây ra một số trường hợp đông máu với người sử dụng. Kết quả khảo sát mới đây do Quỹ Kaiser tiến hành cho thấy chưa tới 50% số người Mỹ được hỏi tin vào độ an toàn của vaccine J&J.
Cùng ngày, đại diện thương mại Mỹ Katherine cho biết mục tiêu của bà trong các cuộc thảo luận tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về vaccine ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 là loại bỏ sở hữu trí tuệ để vấn đề này không trở thành trở ngại trong việc tăng cường sản xuất vaccine.
Trong khi đó, từ ngày 14/5 tới, Chính phủ Brazil bắt đầu triển khai tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho các vận động viên chuẩn bị tham dự Olympic và Paralympic Tokyo, các sự kiện dự kiến diễn ra từ ngày 21/7-5/9 tại Nhật Bản. Đoàn Brazil tham dự Olympic và Paralympic Tokyo dự kiến gồm 1.800 vận động viên và nhân viên hỗ trợ.
Trước đó một ngày, Bộ Y tế Brazil thông báo chính phủ nước này đã ký thỏa thuận mua thêm 100 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 với hãng dược phẩm Pfizer.
Brazil hiện đang chứng kiến làn sóng mới của dịch Covid-19 với trung bình hơn 2.000 ca tử vong mỗi ngày trong những tuần gần đây. Tính đến nay, quốc gia Mỹ Latinh này đã ghi nhận hơn 15,3 triệu ca mắc Covid-19, trong đó có khoảng 425.000 ca tử vong.
* Tại châu Âu
Trong khi đó, tình hình tại Đức đang có dấu hiệu tích cực trong những ngày qua khi xu hướng lây nhiễm mới tiếp tục giảm và chiến dịch tiêm chủng được mở rộng. Nhiều địa phương tại nước này đã lên kế hoạch nới lỏng phong tỏa trong những ngày tới.
Số liệu của Viện Robert Koch (RKI) ngày 12/5 cho biết trong 7 ngày qua, tỷ lệ lây nhiễm mới đã giảm xuống còn 107,8 ca/100.000 dân, trong khi tuần trước tỷ lệ này là 132,8. Hiện tại nhiều địa phương ở Đức, tỷ lệ các ca mắc mới trong vòng 7 ngày đã xuống dưới ngưỡng 100.
Tại Berlin, chính quyền thành phố dự kiến nới lỏng phong tỏa từ ngày 19/5, theo đó, lệnh giới nghiêm từ 22h hôm trước đến 5h hôm sau sẽ được dỡ bỏ, các quán ăn ngoài trời có thể sẽ sớm được mở cửa trở lại.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang từng bước nới lỏng hạn chế phòng dịch sau dịp lễ Eid al-Fitr trong bối cảnh số ca mắc và tử vong theo ngày giảm.
Phát biểu ngày 12/5, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết nước này đã kiểm soát được đại dịch Covid-19 và sẽ dỡ bỏ các hạn chế nhằm đưa cuộc sống bình thường trở lại. Lệnh phong tỏa toàn diện ở Thổ Nhĩ Kỳ có hiệu lực từ ngày 29/4 đến ngày 17/5 tới.
Cùng ngày, Thủ tướng Italy Mario Draghi tuyên bố Mỹ và Anh cần dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu các loại vaccine Covid-19.
Nhà lãnh đạo Italy cho hay tình hình hiện nay vô cùng phức tạp và cần thực hiện những biện pháp đơn giản hơn để đảm bảo mở rộng phân phối vaccine hơn nữa cho các nước nghèo, trước khi nhất trí việc bỏ bằng sáng chế.
Cùng ngày, người phụ trách chiến lược vaccine của Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) cho biết các loại vaccine ngừa Covid-19 được phê chuẩn tại châu Âu có thể kháng lại biến thể virus SARS-CoV-2 từ Ấn Độ.
Hiện EMA đang thu thập thêm bằng chứng từ Ấn Độ - quốc gia đang sử dụng vaccine AstraZeneca trong chương trình tiêm chủng. 4 loại vaccine được cấp phép sử dụng tại EU hiện nay là của Pfizer/BioNTech và Moderna - vốn sử dụng công nghệ mRNA, cũng như vaccine của AstraZeneca và J&J, sử dụng công nghệ "vector virus".
Trong khi đó, Thủ tướng Na Uy Erna Solberg thông báo nước này sẽ không tiếp tục sử dụng vaccine phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 do hãng dược AstraZeneca sản xuất, trong khi quyết định về việc liệu có bắt đầu sử dụng vaccine của hãng J&J để tiêm chủng hay không vẫn đang được xem xét.
Ngày 12/5, Ủy ban châu Âu (EC) đã hối thúc các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) hợp tác trong việc hạn chế đi lại từ Ấn Độ để giới hạn nguy cơ lây lan chủng mới của virus SARS-CoV-2 tại châu lục này.
* Tại châu Phi
Tunisia dự định nới lỏng các biện pháp hạn chế từ ngày 17/5 tới. Phát biểu họp báo, người phát ngôn Chính phủ Tunisia cho biết các biện pháp hạn chế sẽ được kéo dài đến ngày 16/6 và sau đó lệnh giới nghiêm ban đêm sẽ được nới lỏng từ 22h hôm trước đến 5h hôm sau, thay vì từ 19h đến 5h như hiện nay, áp dụng từ ngày 17/5 đến ngày 6/6.
Quan chức trên cũng thông báo về việc nối lại các lớp học ở các trường học, đại học và các học viện kể từ ngày 19/5, tuy nhiên các quy định về y tế vẫn phải có hiệu lực và được áp dụng nghiêm ngặt tại các đền thờ Hồi giáo và nơi thờ tự.
Chính phủ Tunisia cũng đã xác nhận việc duy trì áp dụng các thủ tục kiểm dịch bắt buộc đối với người nước ngoài, bên cạnh việc áp dụng tất cả các biện pháp kiểm dịch ở các khu vực có nguy cơ lây lan và nhiễm bệnh rất cao cũng như có nguy cơ cao xuất hiện các chủng đột biến của virus SARS-CoV-2.