Nhỏ Bình thường Lớn

Cập nhật Covid-19 ngày 15/7: Nhiều ca 'ẩn' chưa được phát hiện; Cuba ghi nhận kỷ lục buồn; Nhật Bản tăng tốc tiêm chủng trước thềm Olympic

Theo trang thống kê Worldometers, đến nay, toàn cầu ghi nhận gần 189,2 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó có hơn 4,07 triệu trường hợp tử vong và xấp xỉ 172,8 triệu bệnh nhân bình phục.
Nhật Bản để ngỏ việc tổ chức Olympic Tokyo không có khán giả
Nhật Bản đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine trước thềm Olympic Tokyo. (Nguồn: AFP)

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch Covid-19 vẫn là Mỹ với 623.810 ca tử vong trong tổng số 34.847.492 ca nhiễm. Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ công bố số liệu mới nhất cho thấy hơn 160 triệu người ở nước này đã được tiêm chủng đầy đủ.

Theo dữ liệu của CDC, hiện có 160.126.516 người được tiêm chủng đầy đủ, tương đương 48,2% tổng dân số Mỹ. Tốc độ tiêm chủng hiện nay trong mức tính trung bình 7 ngày là 316.906 người được tiêm đầy đủ/ngày. Cũng theo CDC, mỗi ngày có 548.045 liều vaccine ngừa Covid-19 được sử dụng.

Sau Mỹ là Ấn Độ với 30.986.803 ca bệnh và 412.019 ca tử vong; Brazil có 537.498 ca tử vong trong số 19.209.729 bệnh nhân.

* Tại châu Á

Tại Indonesia, Bộ trưởng Điều phối Các vấn đề Hàng hải và Đầu tư nước này Luhut Binsar Pandjaitan cho biết, Tổng thống Joko Widodo trong ngày 15/7 sẽ phát động chương trình gửi thuốc cho các bệnh nhân Covid-19 có triệu chứng nhẹ, phân thành 3 mức độ, cụ thể là người không có triệu chứng, người bị sốt kèm mất khứu giác, và người bị sốt kèm ho.

Đến nay, Indonesia ghi nhận tổng cộng 2.670.046 ca mắc, trong đó có 69.210 ca tử vong.

Trong một diễn biến liên quan, một cuộc khảo sát huyết thanh do các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Indonesia phối hợp với Sở Y tế Jakarta, Viện sinh học phân tử Eijkman và Cơ quan Giám sát Thực phẩm và Dược phẩm Indonesia (BPOM), tiến hành từ ngày 15-31/3 vừa qua, cho thấy 91,9% ca mắc Covid-19 tại thủ đô Jakarta chưa được phát hiện.

Theo kết quả của cuộc khảo sát, trong số các bệnh nhân Covid-19 chưa bị phát hiện, 57,4% không có triệu chứng và 34% có triệu chứng. Con số này cho thấy số lượng bệnh nhân không có triệu chứng (OTG) là khá cao và chưa được hệ thống phát hiện.

Ông Alexander Ginting, trưởng bộ phận quản lý y tế của Lực lượng đặc nhiệm xử lý Covid-19, cho rằng tỷ lệ xét nghiệm ở Jakarta vượt mức yêu cầu theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), song vẫn chưa phản ánh được thực tế dịch bệnh thể hiện qua cuộc khảo sát huyết thanh.

Ngày 14/7, tại hội nghị lần thứ 3 của các bộ trưởng Nhật Bản bàn về các giải pháp phòng chống dịch Covid-19, Thủ tướng Suga Yoshihide đã chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine và thực hiện triệt để các quy định để kiểm soát dịch bệnh, đặc biệt là tại thủ đô Tokyo.

Hội nghị này được tổ chức trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Nhật Bản diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt là tại thủ đô Tokyo, nơi sẽ diễn ra lễ khai mạc Olympic Tokyo tuần tới.

Đến nay, đã có trên 60 triệu mũi vaccine được tiêm cho người dân Nhật Bản, trong đó khoảng 80% người cao tuổi đã tiêm mũi thứ nhất và 50% trong số này đã hoàn thành việc tiêm mũi thứ hai.

Tại Israel, giới chức y tế đã bắt đầu triển khai chiến dịch tiêm mũi vaccine của Pfizer/BioNTech thứ ba cho các bệnh nhân có hệ miễn dịch yếu, trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 tại quốc gia Trung Đông này tăng trở lại trong những ngày gần đây do biến thể Delta. Đối tượng được tiêm bao gồm những người từng được ghép tim, phổi, thận hoặc có bệnh nền như ung thư, dễ bị nhiễm virus.

Trung tâm Y tế Sheba, bệnh viện lớn nhất tại Israel, đã trở thành nơi thực hiện tiêm vaccine của Pfizer/BioNTech mũi thứ ba đầu tiên trên thế giới.

Đến nay, Israel đã hoàn thành việc tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho gần 60% dân số. Tuy nhiên, hiện vẫn còn khoảng 300.000 thiếu niên trong độ tuổi 12-15 và 100.000 người trong độ tuổi 16-19 tuổi vẫn chưa được tiêm vaccine.

Biến thể Delta đang khiến số ca nhiễm Covid-19 mới tại Israel tăng mạnh sau một thời gian dài giảm xuống mức gần như đã được kiểm soát. Đặc biệt, trong 2 ngày qua số ca mắc mới tại nước này vẫn trên mức 550 ca. Hiện Israel ghi nhận 848.322 ca mắc với 6.441 ca không qua khỏi.

* Tại châu Mỹ

Ngày 14/7, Bộ Y tế Argentina thông báo nước này đã ghi nhận thêm 614 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số bệnh nhân không qua khỏi do Covid-19 lên 100.250 ca. Với con số này, Argentina trở thành quốc gia Mỹ Latinh thứ 5 ghi nhận số ca tử vong vượt ngưỡng 100.000 ca.

Cho tới nay, Argentina đã ghi nhận hơn 4,7 triệu ca mắc mặc dù tỷ lệ lây nhiễm mới đã có chiều hướng giảm do chương trình tiêm chủng được đẩy mạnh trong những tuần qua.

Cũng theo Bộ Y tế nước này, hơn 5.000 bệnh nhân Covid-19 đang được điều trị trong khu điều trị tích cực, chiếm 62% tổng số giường bệnh tại đây. Trong thời gian dịch đạt đỉnh vào tháng 4 vừa qua, hơn 80% giường bệnh trong khu điều trị tích cực đã được sử dụng.

Theo các nhà chức trách Argentina, hơn 20,6 triệu người dân, tương đương 60% người trưởng thành, đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine, trong số này 5,1 triệu người đã tiêm đủ liều.

Cùng ngày, Chile ghi nhận 1.227 ca mắc mới Covid-19 trong vòng 24 giờ qua, mức thấp nhất theo ngày trong vòng 7 tháng qua. Như vậy, số ca mắc mới ghi nhận được đã giảm 23% trong vòng 7 ngày qua và giảm 44% trong vòng 14 ngày. Tổng số ca mắc Covid-19 tại Chile là 1.592.130 ca, trong đó có 34.049 ca tử vong.

Việc số ca mắc mới và tỷ lệ lây nhiễm giảm trong nhiều tuần qua được xem là cơ sở để các nhà chức trách nới lỏng dần lệnh phong tỏa và cho phép hoạt động kinh doanh, học tập trở lại bình thường tùy theo tình hình dịch tễ tại từng khu vực.

Liên quan đến chương trình tiêm chủng, Bộ trưởng Y tế Chile Enrique Paris cho hay 75,57% trong tổng số 15.200.840 người trong diện tiêm chủng đã tiêm đủ liều. Với con số này, 80% dân số Chile đã tiêm vaccine phòng Covid-19, đủ để đạt miễn dịch cộng đồng. Theo ông Paris, trong tuần này Chile sẽ triển khai tiêm chủng cho nhóm thanh thiếu niên từ 15-17 tuổi.

Trong khi đó, tình hình dịch bệnh tại Cuba vẫn chưa cải thiện. Bộ Y tế nước này ngày 14/7 cho biết đã ghi nhận 51 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua, mức cao nhất theo ngày kể từ khi đại dịch bùng phát tại nước đây.

Cuba cũng ghi nhận thêm 6.080 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc lên 256.607 ca, trong đó có 1.659 ca tử vong.

Tỉnh miền Tây Mantanzas tiếp tục là tâm dịch với 1.913 ca mắc mới, tiếp đó là thủ đô La Habana với 658 ca và tỉnh miền Đông Santiago de Cuba với 502 ca. Theo người đứng đầu Cơ quan dịch tễ thuộc Bộ Y tế Cuba, ông Francisco Duran, những số liệu trên cho thấy tỷ lệ lây nhiễm cao và mức độ phức tạp của dịch bệnh trên khắp cả nước.

Ông Duran lưu ý tình trạng lây nhiễm Covid-19 ở trẻ em và thanh thiếu niên dưới 18 tuổi, do vậy mỗi người dân cần nâng cao ý thức tuân thủ quy định phòng dịch và giãn cách xã hội.

Theo thống kê, Cuba đã phân bổ hơn 7,6 triệu liều vaccine Soberana và Abdala do nước này sản xuất với 1,9 triệu người đã được tiêm đủ 3 mũi.

* Tại châu Âu

Tại Czech, Bộ Y tế cho biết ngày 13/7 nước này đã ghi nhận thêm 317 ca nhiễm virus SARS-CoV-2. Kể từ ngày 8/6, đây là lần đầu tiên mức tăng hằng ngày vượt quá 300 ca.

Hệ số lây nhiễm tăng trở lại lên con số cao nhất trong năm nay là 1,45. Tỷ lệ người bị nhiễm trên toàn quốc trong tuần qua ở mức 16/100.000 dân, cao hơn 200 ca so với cùng thời điểm tuần trước.

Từ khi bùng phát dịch vào tháng 3/2020, Czech ghi nhận tổng số 1.670.073 người nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó 1.637.367 người đã bình phục. Kể từ khi bắt đầu tiêm chủng vào tháng 12/2020, ngành y tế nước này đã tiêm 9.156.505 liều vaccine và gần 3,9 triệu người đã được tiêm đầy đủ 2 mũi.

Cơ quan quản lý dược phẩm của Liên minh châu Âu (EMA) kêu gọi các quốc gia đẩy mạnh chương trình tiêm chủng khi cho rằng việc tiêm đủ 2 liều vaccine của các hãng dược phẩm đã được cấp phép lưu hành là rất quan trọng để có thể bảo vệ tối đa trước biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao.

Nhận định Delta là "biến thể đáng quan ngại", EMA cho biết biến thể này đang lây lan nhanh chóng tại châu Âu và có nguy cơ gây tổn hại nghiêm trọng những nỗ lực kiểm soát dịch bệnh đã đạt được.

Do đó, EMA kêu gọi các quốc gia phải tăng tốc độ tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 để giảm nguy cơ xuất hiện thêm các biến thể mới.

Anh sẽ phải 'trả giá đắt' nếu dỡ bỏ hạn chế trong phòng dịch Covid-19

Anh sẽ phải 'trả giá đắt' nếu dỡ bỏ hạn chế trong phòng dịch Covid-19

Nhiều bác sĩ tại Anh đưa ra cảnh báo trước quyết định của Thủ tướng Boris Johnson về việc dỡ bỏ hầu hết hạn chế ...

Covid-19: Hà Nội thêm 7 ca dương tính SARS-CoV-2; Ninh Thuận có 5 bệnh nhân trong một gia đình

Covid-19: Hà Nội thêm 7 ca dương tính SARS-CoV-2; Ninh Thuận có 5 bệnh nhân trong một gia đình

Hà Nội vừa ghi nhận thêm 7 trường hợp mắc Covid-19, trong đó 6 ca liên quan đến KCN Thăng Long. Tỉnh Ninh Thuận thông ...

(tổng hợp)