Theo trang Worldometers, tính đến nay, toàn cầu ghi nhận 39.170.483 người mắc Covid-19, trong đó có 1.102.926 ca tử vong và 29.378.708 bệnh nhân bình phục. Hơn 30,48 triệu bệnh nhân Covid-19 đã phục hồi trong khi còn gần 8,62 triệu ca vẫn đang được điều trị.
Mỹ là quốc gia chịu tác động mạnh nhất với hơn 8,21 triệu ca bệnh, trong đó có 222.717 ca tử vong. Đáng chú ý, sau thời gian số ca mắc mới trong ngày giảm xuống mức khoảng 30.000 ca thì những ngày gần đây, con số này đã tăng gấp đôi.
Sau Mỹ là Ấn Độ với hơn 7,36 triệu ca mắc, trong đó có 112.144 ca tử vong. Hiện mỗi ngày nước này ghi nhận khoảng 60.000 ca mắc mới, giảm đáng kể so với mức khoảng 90.000 ca/ngày từng được ghi nhận cách đây khoảng 1 tháng.
Brazil đứng thứ 3 thế giới với hơn 5,17 triệu ca mắc, trong đó có 152.513 ca tử vong.
* Dịch bệnh hiện đang diễn biến phức tạp tại châu Âu. Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC), có 17/31 (hơn 50%) quốc gia châu Âu mà tổ chức này theo dõi đang ở mức cảnh báo đỏ về dịch bệnh. Đến nay, châu lục này ghi nhận 6.582.900 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 235.665 trường hợp tử vong.
Chính phủ Pháp thông báo sẽ triển khai 12.000 nhân viên cảnh sát nhằm tăng cường thực thi lệnh giới nghiêm ở nhiều thành phố lớn, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 17/10. Trong 24 giờ qua, Pháp ghi nhận hơn 30.621 ca mắc mới. Đây là lần đầu tiên số ca mắc mới vượt ngưỡng 30.000 ca/ngày kể từ khi dịch bệnh xuất hiện tại quốc gia này.
Cùng ngày, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cam kết hỗ trợ thêm 1 tỉ Euro (1,17 tỉ USD) cho các doanh nghiệp hoạt động khó khăn do tác động của lệnh giới nghiêm này.
Theo Worldometers, tính đến thời điểm hiện tại, hiện Pháp ghi nhận hơn 809.000 ca mắc bệnh trong đó có 33.125 ca tử vong.
Cùng ngày, Hiệp hội các bệnh viện ở Hà Lan LNAZ cho biết, sẽ yêu cầu các bệnh viện ở Đức tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 của nước này sau khi số bệnh nhân phải nhập viện tăng gấp đôi trong tuần qua lên tới 1.526 người.
Hà Lan hiện đang áp đặt lệnh phong tỏa một phần sau khi trở thành một trong những "điểm nóng" dịch bệnh ở châu Âu do số ca nhiễm mới hầu như mỗi ngày đều tăng lên mức cao nhất kể từ giữa tháng 9 và tăng gấp đôi trong vòng 3 tuần qua.
Chính phủ Hà Lan đã đóng cửa toàn bộ các quán bar, nhà hàng trong ít nhất 4 tuần, bắt đầu từ tối 14/10, hạn chế số quy mô các cuộc tụ tập và yêu cầu người dân phải đeo khẩu trang trong các không gian công cộng trong nhà.
Đến nay, Hà Lan ghi nhận 203.954 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 6.692 ca tử vong.
Tại Italy, số ca nhiễm Covid-19 đang tiếp tục tăng nhanh trong những ngày qua và hiện ở mức hơn 8.800 ca/ngày.
Ngày 15/10, Bộ Y tế Italy cho biết, trong vòng 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận tới 8.804 ca nhiễm mới cùng với 83 ca tử vong. Đây là mức tăng về số ca nhiễm mới hằng ngày cao nhất từ trước đến nay và cao hơn nhiều so với con số kỷ lục cũ 7.332 ca ghi nhận một ngày trước đó.
Vùng Lombardy, tâm dịch trong làn sóng dịch bệnh đầu tiên, ghi nhận hơn 2.000 ca nhiễm mới. Hiện có nhiều ý kiến lo ngại nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến theo chiều hướng phức tạp, hệ thống y tế của Italy sẽ không đủ khả năng để đối phó.
Italy hiện vẫn đang duy trì tình trạng khẩn cấp quốc gia, theo đó cho phép chính quyền từ trung ương tới địa phương có nhiều thẩm quyền hơn trong xử lý đại dịch. Tình trạng khẩn cấp này sẽ được kéo dài cho đến cuối tháng 1/2021.
Đến nay, Italy ghi nhận 381.602 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 36.372 bệnh nhân không qua khỏi.
Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã thông báo rời khỏi Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) diễn ra tại Brussels, chưa đầy một giờ sau khi hội nghị khai mạc, do bà đã tiếp xúc với người có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19.
Trước diễn biến đáng quan ngại của đại dịch Covid-19 ở châu Âu, các quốc gia thành viên EU đã thống nhất một số tiêu chí chung trong việc kiểm soát đi lại và du lịch nội khối nhằm hạn chế đà lây lan của dịch bệnh và thông qua đề xuất thiết lập “bản đồ cảnh báo” cũng như các quy định chung về đi lại giữa các quốc gia thành viên.
Mỗi tuần, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Âu sẽ công bố một bản đồ thông báo về tình hình dịch bệnh trên toàn liên minh, với các mức cảnh báo nguy cơ cho từng vùng và quốc gia bằng các màu xanh, cam và đỏ. Những người tới từ vùng cam và đỏ sẽ phải thực hiện cách ly hoặc xét nghiệm kiểm tra virus SARS-CoV-2, trong khi những người di chuyển từ vùng xanh sẽ không phải thực các thủ tục này.
* Tại châu Phi, Giám đốc phụ trách khu vực của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Matshidiso Moeti cảnh báo, châu lục này đang đối mặt với "thời điểm then chốt" trong cuộc chiến chống lại dịch Covid-19 khi các ca bệnh và tử vong gia tăng sau khi các biện pháp phong tỏa và hạn chế đi lại được nới lỏng.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Phi (CDC châu Phi), trong tháng qua, hàng tuần đã có sự gia tăng trung bình khoảng 7% số ca mắc Covid-19 và 8% số ca tử vong trên khắp lục địa này.
Giám đốc CDC châu Phi John Nkengasong cho biết, nhiều quốc gia đã áp đặt lệnh phong tỏa và hạn chế đi lại trong thời gian dài, vốn là các biện pháp mà họ sẽ khó áp dụng lại để đối phó với sự tái bùng phát của dịch Covid-19.
Bà Moeti cho rằng, so với thời kỳ đầu của đại dịch, các nước châu Phi "hiện đang ở vị thế tốt hơn nhiều để đối phó với những thách thức mới mà Covid-19 đang gây ra cho chúng ta", khi viện dẫn sự gia tăng đáng kể về các cơ sở xét nghiệm và máy thở. Nhưng bà cũng bày tỏ lo ngại về tình trạng gia tăng các ca mắc Covid-19 ở châu Âu có thể ảnh hưởng tới châu Phi.