📞

Cập nhật Covid-19 ngày 18/11: Toàn cầu ghi nhận 'ngày chết chóc'; WHO cảnh báo 'đùa với lửa'; Quốc gia châu Âu đầu tiên vượt 2 triệu ca mắc

Thế Việt 11:27 | 18/11/2020
TGVN. Theo trang thống kê Worldometers, đến nay, toàn cầu ghi nhận 55.940.130 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 1.343.153 ca tử vong và 38.960.376 bệnh nhân bình phục.

Trong ngày 17/11, toàn cầu ghi nhận số ca tử vong do Covid-19 cao kỷ lục với 10.502 trường hợp trên tổng số 546.662 ca nhiễm. Đây là lần thứ 2 toàn cầu ghi nhận số người thiệt mạng vượt mốc 10.000, sau lần đầu tiên hôm 11/11 (10.166 ca).

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 254.255 ca tử vong trên tổng số 11.695.711 ca mắc. Tiếp đó là Ấn Độ với 131.031 ca tử vong trong số 8.912.704 ca bệnh. Brazil đứng thứ 3 với 166.743 ca tử vong trong số 5.911.758 bệnh nhân.

Xét trên tỷ lệ dân số, Bỉ là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, theo đó, cứ 100.000 người dân thì có 124 người không qua khỏi. Tiếp đến là Peru với tỷ lệ 107 người, Tây Ban Nha - 88 người và Brazil - 79 người.

Xét theo khu vực, châu Âu đang là tâm dịch của thế giới với gần 14,43 triệu người mắc Covid-19, trong đó có hơn 332.100 ca tử vong. Tiếp đến là các nước Mỹ Latinh và Caribbean với hơn 425.300 ca tử vong trong hơn 12,1 triệu ca nhiễm.

Trong khi đó, Bắc Mỹ có hơn 258.200 ca tử vong trong hơn 11,5 triệu ca nhiễm. Châu Á ghi nhận hơn 183.000 ca tử vong trong hơn 11,5 triệu ca nhiễm.

Trong bối cảnh số ca nhiễm và tử vong tăng nhanh trong những ngày qua tại nhiều nước, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) bày tỏ cực kỳ quan ngại.

Phát biểu với báo giới, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói: "Ngay tại thời điểm này, chúng tôi cực kỳ lo ngại về sự gia tăng số ca mắc Covid-19 tại một số nước. Đặc biệt tại Mỹ và châu Âu, nơi các nhân viên và hệ thống y tế đều đang bị dồn vào tình trạng quá tải nghiêm trọng".

Ông cảnh báo các nước này đang "đùa với lửa" khi không thể kiểm soát virus SARS-CoV-2 gây bệnh lây lan. Theo số liệu thống kê của WHO, Mỹ và các nước châu Âu chiếm tới hơn 70% số ca mắc Covid-19 và hơn 77% số ca tử vong trên toàn thế giới. Nhiều nước vẫn tiếp tục ghi nhận số ca mắc mới hằng ngày phá kỷ lục.

* Tại châu Âu, Pháp trở thành quốc gia đầu tiên vượt ngưỡng 2 triệu ca mắc Covid-19, cho dù đợt phong tỏa toàn quốc lần hai từ ngày 30/10 đã khiến số ca nhiễm mới giảm mạnh.

Trên thế giới, Pháp đứng thứ 4 về số ca nhiễm được ghi nhận, với 2.036.755 trường hợp, sau Mỹ, Ấn Độ và Brazil. Với số người thiệt mạng lên tới 46.273, Pháp đứng thứ 7 về số ca tử vong do Covid-19.

Bộ trưởng Y tế Pháp cho biết, nước này đang tìm cách kiểm soát virus SARS-CoV-2, nhưng chưa sẵn sàng để nới lỏng lệnh phong tỏa hiện nay. Chính phủ của Tổng thống Emmanuel Macron đã đặt mục tiêu chấm dứt phong tỏa vào ngày 1/12, song thời điểm này có thể được gia hạn nếu các chỉ số không giảm đủ.

Trong khi đó, tại Đức, Thủ tướng Angela Merkel và chính quyền các bang nhất trí sẽ không siết chặt các biện pháp bắt buộc chống dịch tại thời điểm tỷ lệ nhiễm Covid-19 đang có chiều hướng chậm lại.

Theo truyền thông trong nước, Thủ tướng Merkel và thủ hiến các bang chỉ kêu gọi người dân giảm tiếp xúc xã hội xuống mức tối thiểu khi cả nước đang thực thi lệnh phong tỏa một phần kéo dài hết tháng 11.

* Tại châu Mỹ, Thống đốc bang Ohio của Mỹ Mike DeWine thông báo, bang này sẽ bắt đầu áp đặt lệnh giới nghiêm từ 22h-5h nhằm hạn chế sự gia tăng của các ca nhiễm bệnh.

Trong ngày 17/11, bang Ohio ghi nhận thêm 7.079 ca mắc Covid-19, nâng tổng số người mắc bệnh lên 312.443 người, trong đó có 5.772 ca tử vong.

Theo ông DeWine, lệnh giới nghiêm trên sẽ được áp đặt trong 3 tuần, nhằm làm giảm hoạt động tiếp xúc của người dân từ 20-25%.

Ngày 17/11, Tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện dị ứng và các bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ, kêu gọi có cách tiếp cận thống nhất đối với tất cả các bang của Mỹ trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19 trong bối cảnh quốc gia này hiện đang đối mặt với nguy cơ của làn sóng dịch thứ 3 được dự đoán có thể gây hậu quả còn tàn khốc hơn các làn sóng dịch trước đó.

Trong khi đó, chính quyền bang Sao Paulo của Brazil đã quyết định kéo dài thời gian giãn cách xã hội đến ngày 16/12 nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19, trong bối cảnh số ca nhập viện của bang này đã tăng 18%.

* Tại châu Á, Bộ trưởng Tái thiết Kinh tế Nhật Bản Yasutoshi Nishimura nhận định, nước này đang phải đối mặt với một làn sóng lây nhiễm mới dịch Covid-19 và có nhiều khả năng lần bùng phát này nghiêm trọng hơn so với làn sóng thứ hai đã xảy ra trong mùa Hè.

Theo hãng tin Jjji Press, phát biểu với các báo giới sau cuộc họp ở Thượng viện, Bộ trưởng Nishimura cho biết, ông đã yêu cầu tất cả các địa phương tiến hành xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase (PCR) để phát hiện Covid-19 ở tất cả các bệnh viện và nhà dưỡng lão tại những điểm nóng có nhiều người nhiễm bệnh.

Cùng ngày, giới chức y tế Nhật Bản đã xác nhận thêm 1.190 ca nhiễm mới Covid-19 trên toàn quốc, trong đó có 14 ca tử vong, nâng tổng số người không qua khỏi lên 1.903.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp ở thủ đô Tokyo, chính quyền thành phố đang cân nhắc khả năng nâng mức cảnh báo về dịch bệnh lên mức cao nhất. Theo nhật báo Nikkei, quyết định cuối cùng về vấn đề này sẽ được đưa ra tại cuộc họp của các chuyên gia y tế dự kiến vào ngày 19/11.

Trong khi đó, tại Hàn Quốc, số ca nhiễm mới Covid-19 đã vượt con số 300 ca/ngày, mức cao nhất kể từ cuối tháng 8, khiến cơ quan y tế sở tại phải đưa ra cảnh báo về một đợt tái bùng phát mới trên diện rộng.

Ngày 18/11, Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) ghi nhận thêm 313 ca mắc mới Covid-19, trong đó 245 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca nhiễm trong nước lên 29.311 ca. Đây là lần đầu tiên kể từ ngày 29/8, số ca nhiễm mới tại nước này vượt mức 300 ca/ngày và là ngày thứ 4 liên tiếp số ca nhiễm mới tăng trên 200 ca/ngày.

Theo KCDA, số lượng ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tăng đột biến bắt nguồn từ các ổ lây nhiễm tập thể xuất hiện rải rác trên toàn quốc, trong đó phải kể đến cơ sở luyện tập thể thao, phòng tắm hơi và một nhà máy ở thủ đô Seoul; một cơ sở điều trị dành cho người khuyết tật ở thành phố Cherwon (tỉnh Gangwon) và một trường đại học ở thành phố Gwangju, nơi ghi nhận tới 26 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 trong một ngày.

Nhằm ngăn chặn dịch Covid-19 tái phát, KCDA đã quyết định nâng mức giãn cách xã hội ở khu vực thủ đô Seoul, vùng phụ cận và thành phố Gwangju lên một bậc - từ cấp độ 1 lên cấp độ 1,5 - chính thức có hiệu lực từ ngày 19/11. Riêng khu vực thành phố Incheon vẫn duy trì mức giãn cách ở cấp độ 1 cho đến ngày 23/11.

* Tại châu Phi, Tiến sĩ Djamel Fourar, người phát ngôn của Ủy ban Khoa học Algieria về dịch bệnh Covid-19 cho biết, nước này ghi nhận thêm 1.002 trường hợp mắc mới, trong đó có 18 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua. Đây là số ca nhiễm mới cao nhất tại quốc gia Bắc Phi kể từ ngày đầu bùng phát dịch vào ngày 25/2.

Tính đến thời điểm hiện tại, Algeria đã ghi nhận tổng cộng 68.591 trường hợp mắc Covid-19 và 2.183 ca tử vong. Bên cạnh đó, số bệnh nhân được chữa khỏi tăng lên 45.699 và 39 bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch hiện đang được chăm sóc đặc biệt.

Tình hình dịch tễ học hiện nay yêu cầu mọi người dân phải cảnh giác và tôn trọng các quy tắc vệ sinh và giãn cách vật lý, đặc biệt là phải tôn trọng lệnh giới nghiêm và đeo khẩu trang.

(tổng hợp)