Trong 24 giờ qua, toàn thế giới ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 mới cao kỷ lục 721.392 trường hợp, trong đó có 12.895 ca tử vong.
* Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 317.928 trường hợp tử vong trong tổng số 17.626.770 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 9.977.834 ca mắc bệnh, trong đó có 144.829 người không qua khỏi. Brazil đứng thứ 3 toàn cầu về số ca nhiễm bệnh với 7.111.527 trường hợp, trong đó số bệnh nhân tử vong là 184.876.
Hai nước có số ca nhiễm Covid-19 khoảng hơn 2 triệu trường hợp là Nga (2.762.668) và Pháp (2.427.316).
Ngoài ra, có 10 quốc gia ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 trên 1 triệu ca gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Anh, Bồ Đào Nha, Argentina, Colombia, Đức, Mexico và Ba Lan.
* Châu Âu đã trở thành khu vực đầu tiên trên thế giới ghi nhận số ca tử vong do Covid-19 vượt mốc 500.000 người. Theo số liệu thống kê, châu lục này đã ghi nhận tổng cộng 500.069 ca tử vong, trong tổng số hơn 23 triệu ca mắc bệnh.
Tiếp sau châu Âu, Mỹ Latinh và Caribbean đang là khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng thứ hai thế giới, với 477.404 ca tử vong, khu vực Bắc Mỹ với Mỹ và Canada hiện ghi nhận 321.287 ca tử vong do Covid-19, trong khi châu Á có 208.149 ca tử vong.
Đại dịch cũng cướp đi sinh mạng của 85.895 người tại Trung Đông, trong khi con số này ở châu Phi là 57.423 người.
Xét tỷ lệ dân số, Bỉ là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 158 người tử vong. Tiếp đến là Peru (với 112 người) và Italy (110 người).
* Tại châu Âu, sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19, nhiều quan chức thế giới cũng thông báo tự cách ly do đã có tiếp xúc với ông Macron trong thời gian gần đây, trong đó có Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Charles Michel, Thủ tướng Pháp Jean Castex, Chủ tịch Quốc hội Richard Ferrand, Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Costa, Thủ tướng Luxembourg Xavier Bettel và Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez.
Hiện chưa rõ nguồn lây nhiễm của Tổng thống Macron, tuy nhiên, Phủ Tổng thống Pháp ngày 17/12 cho biết, Tổng thống Macron "nhiều khả năng" đã nhiễm Covid-19 trong cuộc họp Hội đồng châu Âu mà ông tham dự hồi tuần trước.
Chính phủ Bulgaria đã gia hạn lệnh phong tỏa linh hoạt cho đến cuối tháng 1/2021 nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19, theo đó, các trường trung học, trung tâm mua sắm, nhà hàng, câu lạc bộ, quán cà phê và phòng tập gym sẽ vẫn phải đóng cửa, trong khi các trường mẫu giáo và trường tiểu học sẽ được mở cửa trở lại sau kỳ nghỉ lễ Năm Mới sắp tới.
Dịch Covid-19 tại Bulgaria đã lên đến đỉnh điểm vào mùa Thu và khiến hệ thống y tế của quốc gia vùng Balkan này rơi vào tình trạng căng thẳng. Dù các biện pháp hạn chế được áp đặt đã giúp giảm số ca nhiễm mới, nhưng quốc gia 7 triệu dân này vẫn là một trong những nước có tỷ lệ tử vong do Covid-19 cao nhất EU. Đến nay Bulgaria đã ghi nhận tổng cộng 188.288 ca nhiễm, trong đó 6.339 ca tử vong.
* Tại châu Mỹ, chỉ trong vòng một tuần đã ghi nhận tới 5 triệu ca mắc mới Covid-19. Theo số liệu của Tổ chức Y tế Liên Mỹ (PAHO), kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, các nước châu Mỹ đã ghi nhận khoảng 31 triệu ca mắc Covid-19, trong đó có khoảng 787.000 ca tử vong, chiếm gần 50% số ca nhiễm và tử vong trên toàn thế giới.
Số ca nhập viện ở Canada tăng đột biến, càng làm gia tăng lo ngại về tình trạng quá tải trong hệ thống y tế.
Trong khi đó, Brazil ghi nhận số ca mắc mới vọt tăng trở lại lên gần 70.000 ca mỗi ngày trong 2 ngày qua. Đây cũng là lần đầu tiên trong vòng 3 tháng qua Brazil ghi nhận hơn 1.000 người tử vong/ngày.
* Tại châu Á, Nhật Bản đã thiết lập kỷ lục mới với 3.061 ca nhiễm Covid-19 trong ngày 17/12, trong đó, thủ đô Tokyo của Nhật Bản đã ghi nhận thêm 822 ca nhiễm mới, đưa tổng số ca nhiễm tại thành phố này lên 49.491.
Đây là lần đầu tiên số ca nhiễm mới theo ngày ở Tokyo vượt ngưỡng 800 kể từ khi dịch bùng phát và cao hơn số ca nhiễm mới kỷ lục trước đó (678 ca) ghi nhận ngày 16/12.
Chính quyền Tokyo ngày 17/12 đã nâng cảnh báo y tế lên mức 4 - mức cao nhất trong thang cảnh báo 4 mức. Hiện thủ đô Tokyo đã sử dụng gần 70% số giường bệnh cho bệnh nhân Covid-19.
Đến nay, Nhật Bản có tổng cộng 187.103 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 2.739 bệnh nhân tử vong.
Tại Hàn Quốc, ngày 17/12 cũng là ngày thứ 2 liên tiếp số ca mắc mới trong tăng trên 1.000 ca, với các ổ lây nhiễm trên khắp cả nước tiếp tục gia tăng một cách báo động.
Theo Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), nước này ghi nhận số ca mắc mới trong ngày là 1.014 ca, giảm nhẹ so với con số kỷ lục 1.078 ca của ngày 16/12. Trong số các ca mắc mới có 993 ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Đến nay, tổng số ca mắc tại Hàn Quốc là 46.453 ca với 634 ca không qua khỏi.
* Liên quan vaccine ngừa Covid-19, ngày 17/12, Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ Alex Azar thông báo, có gần 6 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 của công ty Moderna đã sẵn sàng được phân phối trên toàn quốc ngay sau khi được Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép.
Cùng ngày, Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA thông báo đã đẩy sớm thời điểm đưa ra quyết định về việc cấp phép cho vaccine của Moderna từ ngày 12/1/2021 sang ngày 6/1/2021.
Tại Mexico, ngày 17/12, Thứ trưởng Y tế Mexico Hugo López-Gatell thông báo, tuần tới, nước này sẽ ký hợp đồng với hãng dược phẩm CanSino Biologics của Trung để mua từ 10 - 35 triệu liều vaccine ngừa Covid-19.
Thứ trưởng Hugo López-Gatell chưa cho biết lý do giảm số lượng liều vaccine mua của CanSino Biologics như công bố của Ngoại trưởng Marcelo Ebrard sẽ mua 35 triệu liều trước đó.
Ngoài ra, quan chức y tế này cũng thông báo, chính phủ Mexico sắp ký hợp đồng với American Janssen, một công ty con của Johnson & Johnson, để mua 22 triệu liều vaccine ngừa Covid-19.
Trước đó, Ủy ban Liên bang về Phòng chống các nguy cơ y tế của Mexico (Cofepris) đã cấp phép cho vaccine ngừa Covid-19 của hãng dược Pfizer Inc (Mỹ) cùng đối tác BioNTech SE (Đức) đồng phát triển. Dự kiến trong tuần tới, Mexico sẽ tiếp nhận 250.000 liều vaccine Pfizer/BioNTech trong tổng số 35 triệu liều theo hợp đồng.
Trong bối cảnh các nước đặt mùa lượng vaccine ngừa Covid-19 quá lớn. Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres đã kêu gọi các nước giàu hỗ trợ các nước nghèo mua vaccine.
Theo ông Guterres, tính đến cuối tháng 1/2021, Cơ chế tiếp cận vaccine phòng Covid-19 trên phạm vi toàn cầu (COVAX) do LHQ hậu thuẫn sẽ cần số tiền lên đến 5 tỷ USD để đảm bảo khả năng tiếp cận vaccine Covid-19 cho tất cả các quốc gia, nhưng đến nay đang đối mặt với khoản thiếu hụt lớn.
Ngoài ra, ông Guterres cũng nhận thấy một số nước đã đặt mua số lượng vaccine nhiều hơn gấp vài lần dân số nước đó. Vì thế, ông kêu gọi chính phủ các nước này tặng số vaccine chưa dùng đến cho chương trình COVAX.
Người đứng đầu tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh cũng lưu ý rằng lợi ích tốt nhất của thế giới là phải đảm bảo tiêm chủng vaccine rộng rãi, bởi nếu dịch bệnh không bị đẩy lùi, sẽ lại có những biến thể virus mới và những loại vaccine hiện nay có thể sẽ không còn.