📞

Cập nhật Covid-19 ngày 18/2: Mỹ đầu tư 200 triệu USD để phát hiện các biến thể mới; Hiệu quả của vaccine Pfizer/BioNTech tại Israel lên đến 95%

Hạ Vy 11:31 | 18/02/2021
TGVN. Theo trang thống kê Worldometers, đến nay, toàn cầu ghi nhận hơn 110,4 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó có hơn 2,44 triệu trường hợp tử vong và hơn 85,3 triệu bệnh nhân bình phục.
Cập nhật Covid-19 ngày 18/2: Israel thông báo hiệu quả của vaccine Pfizer/BioNTech lên đến 95%, Mỹ đầu tư 200 triệu USD để phát hiện các biến thể mới của virus.

Trong 24 giờ qua, Mỹ đã ghi nhận thêm 67.132 ca mắc mới và 2.069 ca tử vong, tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất do dịch Covid-19 với tổng số ca lây nhiễm là 28.448.651 ca, trong số này 502.067 người tử vong. Đứng thứ hai là Ấn Độ với 156.038 ca tử vong trong số 10.949.546 ca mắc. Nước này cũng ghi nhận thêm 12.440 ca mắc mới và 89 ca tử vong trong 24 giờ qua. Cũng trong khoảng thời gian này, Brazil đã có thêm 57.295 ca mắc mới và 1.195 ca tử vong, tiếp tục đứng thứ 3 thế giới với tổng cộng 9.979.276 ca mắc và 248.178 ca tử vong. Như vậy, số ca mắc tại Brazil đã gần chạm ngưỡng 10 triệu người.

* Ngày 17/2, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết sẽ đầu tư gần 200 triệu USD nhằm tăng cường giải trình tự gene, xác định các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19.

Theo một thông báo, khoản đầu tư trên sẽ giúp Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ tăng cường năng lực giải trình tự gene của các mẫu bệnh phẩm lên gấp 3 lần từ khoảng 7.000 lên xấp xỉ 25.000 mẫu/tuần.

Giám đốc CDC Mỹ Rochelle Walensky cho biết tính đến ngày 16/2, Mỹ đã phát hiện 1.277 ca nhiễm biến thể lần đầu được phát hiện tại Anh. Trong đó, đã có ca đầu tiên nhiễm đột biến thường xuất hiện trong các biến thể có nguồn gốc ở Nam Phi, Brazil và được cho là khiến virus có khả năng chống lại các kháng thể do cơ thể người tạo ra.

Theo một nghiên cứu được CDC Mỹ công bố cùng ngày 17/2, mô hình hóa dữ liệu cho thấy biến thể tại Anh có nguy cơ phổ biến tại nước này vào tháng 3 tới. Ngoài ra, Mỹ đã ghi nhận 19 ca nhiễm biến thể được phát hiện lần đầu tại Nam Phi và 3 ca nhiễm biến thể có nguồn gốc từ Brazil.

Ngoài ra, chính quyền Mỹ cũng sẽ dành 650 triệu USD để tăng cường xét nghiệm tại các trường học và những khu vực khó khăn như nơi ở của người vô gia cư, đồng thời chi 815 triệu USD để tăng cường năng lực sản xuất các thiết bị xét nghiệm. Mỹ là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất trên thế giới do dịch Covid-19 với hơn 28 triệu ca mắc và hơn 500.000 ca tử vong.

* Tình hình dịch bệnh tại châu Âu vẫn phức tạp khi châu lục này ghi nhận thêm tổng cộng 141.950 ca mới và 4.180 ca tử vong, nâng tổng số lên 32.594.453 cả, trong đó 778.426 ca tử vong. Các nước như Nga, Anh, Pháp, Tây Ban Nha và Italy đều ghi nhận số trường hợp lây nhiễm mới vượt ngưỡng 10.000 ca/ngày. Riêng Pháp là 25.018 ca mắc mới trong 24 giờ qua.

Trước tình hình đó, ngày 17/2, Liên minh châu Âu thông báo đã mua thêm 300 triệu liều vaccine của hãng dược phẩm Moderna (Mỹ) nhằm thực hiện hóa mục tiêu tiêm chủng cho 70% người trường thành tại khối này đến giữa tháng 9 tới.

Lãnh đạo 4 nước Nhóm Visegrad (V4 gồm CH Czech, Slovakia, Ba Lan và Hungary) đã thông qua tuyên bố nhấn mạnh tốc độ phục hồi kinh tế của các nước Trung Âu phụ thuộc vào tiến độ tiêm vaccine ngừa Covid-19, đồng thời kêu gọi EU hối thúc các công ty dược phẩm hoàn thành cam kết liên quan đến việc chuyển giao vaccine ngừa Covid-19.

Tuyên bố này được đưa ra tại một cuộc họp báo sau khi kết thúc Hội nghị thượng đỉnh giữa thủ tướng các nước V4 ngày 17/2 do Ba Lan tổ chức. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Hội nghị thượng đỉnh V4 lần này đã tập trung thảo luận về hợp tác khu vực cũng như các biện pháp nhằm tăng cường vai trò của EU trong việc thúc đẩy tiến trình tiêm vaccine ngừa Covid-19 trên tinh thần đoàn kết để đảm bảo việc sản xuất vaccine ở EU nhằm đưa cuộc sống của người dân trở lại bình thường.

* Cùng ngày, Ấn Độ tuyên bố sẽ cung cấp vaccine ngừa Covid-19 cho tất cả nhân viên thuộc lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, tức là gần 95.000 binh sĩ thuộc 12 phái bộ trên thế giới.

Phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về đại dịch Covid-19 và các khu vực xung đột, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar nói: "Chúng tôi xin dành tặng món quà gồm 200.000 liều vaccine tới cho các binh sĩ gìn giữ hòa bình LHQ đang công tác trong những hoàn cảnh khó khăn".

Hồi đầu tháng 2, giới chức Ấn Độ cho biết nước này đang nghiên cứu phát triển thêm 7 loại vaccine ngừa Covid-19, bên cạnh vaccine Covishield của AstraZeneca (Anh) và Covaxin của nước này. Trong số 7 vaccine nói trên có 3 loại đang trong giai đoạn thử nghiệm và 2 loại đang trong giai đoạn tiền lâm sàng.

* Trước tình hình này, việc triển khai tiêm vaccine phòng ngừa Covid-19 sớm và nhanh chóng là điều rất quan trọng. Phát biểu tại một phiên họp đặc biệt về vaccine của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, Tổng thư ký Liên hợp quốc (TTK LHQ) Antonio Guterres đã kêu gọi thế giới có một kế hoạch tiêm chủng toàn cầu, đồng thời tiếng cảnh báo sự bất bình đẳng trong nỗ lực ban đầu sẽ đặt ra rủi ro đối với kinh tế và y tế thế giới.

TTK LHQ cho biết tới nay 10 quốc gia đang sở hữu 3/4 số liều vaccine ngừa Covid-19 trong khi 130 quốc gia và vùng lãnh thổ khác chưa triển khai tiêm chủng vaccine loại này. Theo thống kê của hãng AFP, ít nhất 196,49 triệu liều vaccine đã được tiêm cho người dân tại 102 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.

* Trong thông báo ngày 17/2, Maccabi, một trong bốn tập đoàn y tế lớn nhất của Isarel, cho biết hiệu quả phòng chống dịch Covid-19 của vaccine Pfizer/BioNTech lên đến 95%, bằng đúng tỷ lệ thử nghiệm trước khi loại vaccine này được đưa ra thị trường.

Theo thông báo, các nhân viên y tế đã tiêm phòng vaccine Pfizer cho 602.000 người dân Israel, trong đó chỉ có 608 người bị nhiễm bệnh, tương đương 1/1.000. Trong số này có 21 bệnh nhân phải nhập viện, 11 bệnh nhân có các triệu chứng nhẹ, 3 người có triệu chứng vừa và chỉ có 7 bệnh nhân bị nặng; không có ai tử vong.

Thông báo trên của Maccabi, nếu chính xác, sẽ khẳng định tính hiệu quả của vaccine Pfizer/BioNTech trong thực tế. Đây sẽ là một bước tiến quan trọng, bởi các nhóm người được tiêm phòng tại Isarel có tính đa dạng và đại diện lớn hơn rất nhiều. Xét về mặt dữ liệu thu thập, chỉ tính riêng về số lượng, số người được tiêm phòng tại Israel hiện đã lớn hơn số người tham gia thử nghiệm của Pfizer gần 100 lần.

Sau 2 tháng đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng, tính đến ngày 17/2, Israel đã tiêm phòng cho hơn 4 triệu người, chiếm 45% dân số - tỷ lệ cao nhất thế giới - trong đó có 2,7 triệu người đã tiêm xong cả 2 mũi.

(tổng hợp)