Tính đến 9h sáng 19/12, trên thế giới có tổng cộng hơn 75,9 triệu ca mắc bệnh Covid-19 và 1,68 triệu ca tử vong. |
* Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch Covid-19 trên thế giới, với 17.885.380 ca mắc và 320.828 ca tử vong. Sau Mỹ là Ấn Độ với 10.004.825 ca mắc Covid-19 và 145.171 ca tử vong, tiếp đến là Brazil với 7.163.912 ca mắc và 185.687 ca tử vong, Nga với 2.791.220 ca mắc và 49.762 ca tử vong, Pháp với 2.442.990 ca mắc và 60.229 ca tử vong.
Thành phố New York - nơi từng là tâm dịch - tiếp tục ghi nhận tỷ lệ xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 gia tăng, trong trung bình 7 ngày đã tăng lên 6,16% so với mức 6% chỉ một ngày trước đó. Thị trưởng Bill de Blasio cho biết, trong 24 giờ qua, thành phố ghi nhận thêm 2.805 ca mắc Covid-19. Trước những con số mà ông cho rằng quá cao này, ông kêu gọi người dân New York hành động để thay đổi.
Sáng 19/12 (giờ Việt Nam), Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA) đã chính thức cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine ngừa Covid-19 của hãng dược phẩm Moderna. Với quyết định này, khoảng 6 triệu vaccine của hãng này sẽ được chuyển đến các địa phương của Mỹ để tiêm chủng cho người dân.
Thông báo quyết định, Giám đốc FDA, ông Stephen Hahn khẳng định: "Với hai loại vaccine ngừa Covid-19 hiện có (cùng với vaccine của Pfizer/BioNTech), FDA đã thực hiện một bước quan trọng khác trong cuộc chiến chống lại đại dịch toàn cầu này". Trước đó một tuần, Mỹ cũng đã phê chuẩn việc lưu hành vaccine ngừa Covid-19 do hãng dược phẩm Pfizer của Mỹ và BioNTech của Đức bào chế.
Theo các tài liệu công bố ngày 15/12, FDA đánh giá vaccine tiêm 2 liều của Moderna phòng ngừa Covid-19 rất hiệu quả. Cơ quan này cũng không đưa ra bất kỳ quan ngại nào về vấn đề an toàn trong việc sử dụng vaccine này đối với người trên 18 tuổi.
* Ấn Độ là vùng dịch lớn thứ hai thế giới, báo cáo thêm 26.991 ca nhiễm và 342 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và chết vì Covid-19 lên lần lượt 10.004.825 và 145.171. Nhiều bệnh viện tại New Delhi rơi vào tình trạng quá tải. Giới chức thủ đô đã tăng gấp 4 lần tiền phạt với người không đeo khẩu trang, lên 2.000 rupee (27 USD).
Chính phủ Ấn Độ hôm thứ 18/12 cho biết họ có thể sớm bắt đầu tiêm chủng tự nguyện chống Covid-19 khi họ đang xem xét cấp phép sử dụng khẩn cấp ba vaccine, bao gồm vaccine từ AstraZeneca, Pfizer và công ty Ấn Độ Bharat Biotech. Chính phủ cho biết có thể mất hơn một năm để tiêm hai liều vaccine, cách nhau 28 ngày, cho hầu hết 1,35 tỷ người Ấn Độ.
* Brazil - vùng dịch lớn thứ ba thế giới, ghi nhận thêm 774 người chết vì Covid-19, nâng tổng số ca tử vong lên 185.650. Số người nhiễm Covid-19 ở nước này tăng 51.451 trong 24 giờ qua, lên 7.162.978.
Chính phủ Brazil hôm 12/12 công bố kế hoạch tiêm vaccine Covid-19 với mục tiêu ban đầu là tiêm chủng cho 51 triệu người (khoảng 1/4 dân số) trong nửa đầu năm 2021. Tuy nhiên, Cơ quan Quản lý y tế Anvisa của nước này hôm 14/12 đánh giá các tiêu chuẩn phê duyệt sử dụng khẩn cấp CoronaVac (vaccine Covid-19 của Trung Quốc) đang được thử nghiệm diện rộng ở Sao Paulo, không minh bạch.
Giữa lúc đất nước chịu ảnh hưởng nặng nề vì đại dịch, CoronaVac lại trở thành chủ đề tranh cãi chính trị ở Brazil. Tổng thống Jair Bolsonaro gieo nghi ngờ vào loại vaccine này, mô tả đây là công cụ của Thống đốc Sao Paulo Joao Doria, người được cho là đối thủ tiềm năng của ông trong cuộc bầu cử tới, cũng như chính quyền Trung Quốc. Đáp lại, Bắc Kinh cho biết nhiều nước đã đồng ý tham gia chương trình thử nghiệm vaccine trên diện rộng của họ, chứng minh "tính an toàn và hiệu quả của vaccine Trung Quốc".
* Tại châu Âu, tình hình dịch bệnh vẫn đang nóng lên từng ngày, dự báo mang đến một Giáng sinh buồn.
Nga là vùng dịch lớn thứ tư thế giới, ghi nhận thêm 28.552 ca nhiễm Covid-19 và 611 người chết trong vòng 24 giờ, nâng tổng số lên lần lượt 2.791.220 và 49.762 .
Nga đang chiến đấu với sóng lây nhiễm thứ hai khi giới chức St Petersburg cho biết họ sắp hết giường dành cho bệnh nhân. Tuy nhiên, Điện Kremlin cho biết, giới chức không có kế hoạch tái áp đặt phong tỏa toàn quốc mà chọn phương án hạn chế theo từng khu vực. Từ đầu tháng 12, những người thuộc nhóm nguy cơ cao, bao gồm nhân viên y tế và giáo viên, bắt đầu được tiêm vaccine Sputnik V.
Theo thông báo lần thứ tư của Nga hôm 14/12, kết quả thử nghiệm trên quy mô hơn 22.714 người của vaccine Sputnik V cho thấy hiệu quả đạt 91,4%. Trung tâm Gamaleya, nơi phát triển Sputnik V, sẽ công bố kết quả trên tuần san y khoa được bình duyệt quốc tế. Một báo cáo cũng sẽ được thực hiện để đăng ký khẩn cấp Sputnik V ở các quốc gia khác.
Pháp trở thành vùng dịch lớn thứ năm thế giới và lớn nhất EU, ghi nhận thêm 15.674 ca nhiễm và 374 ca tử vong, nâng ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 2.442.990 và 60.229.
Điện Elysee hôm 17/12 thông báo Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, 42 tuổi, dương tính với Covid-19. Một nguồn tin thân cận nói rằng, ông Macron "có thể đã bị lây nhiễm trong hội nghị thượng đỉnh của EU ở Brussels" tuần trước. Việc Tổng thống Macron nhiễm Covid-19 khiến hàng loạt lãnh đạo, quan chức như Thủ tướng Pháp, Thủ tướng Tây Ban Nha, Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Thủ tướng Bồ Đào Nha phải cách ly.
Tại Italy, cho đến nay, tổng số ca mắc Covid-19 đã lên đến hơn 1,9 triệu ca, trong đó hơn 67.800 ca tử vong.
Ngày 18/12, Thủ tướng Giuseppe Conte công bố các biện pháp siết chặt hơn nữa hoạt động đi lại dịp nghỉ lễ Giáng sinh và Năm mới. Theo sắc lệnh mới, từ ngày 24/12 đến 6/1/2021, Italy sẽ đặt trong tình trạng là “vùng đỏ” vào các ngày lễ và ngày liền kề trước đó. Người dân chỉ được phép ra khỏi nhà vì lý do công việc, vấn đề cấp thiết và sức khỏe; và chỉ được tiếp đón tối đa 2 người không sống chung cùng và trẻ em dưới 14 tuổi. Các quán bar, nhà hàng đóng cửa; các siêu thị, cửa hàng tạp hóa, nhu yếu phẩm, hiệu thuốc, cửa hàng cắt tóc vẫn tiếp tục hoạt động.
Quốc gia láng giềng của Italy là Thụy Sỹ cũng đang thắt chặt các quy định phòng dịch, theo đó yêu cầu tất cả các nhà hàng, trung tâm thể thao và giải trí đóng cửa trong một tháng, kể từ ngày 22/12. Chính phủ Thụy Sỹ khuyến cáo người dân ở nhà để kiềm chế tỷ lệ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 đang gia tăng. Số ca mắc Covid-19 ở Thụy Sĩ và nước láng giềng Liechtenstein đã vượt ngưỡng 400.000 ca, trong khi số ca tử vong đã lên hơn 6.000 người, khiến chính phủ quốc gia Trung Âu này buộc phải từ bỏ “đường lối trung dung” để tránh phải áp đặt phong tỏa lần hai làm tê liệt các hoạt động kinh doanh.
Còn tại Thụy Điển, chính phủ nước này đã công bố các biện pháp chống dịch mạnh mẽ nhất từ trước tới này để đẩy lùi làn sóng lây nhiễm thứ hai, theo đó yêu cầu người dân đeo khẩu trang khi tham gia phương tiện giao thông công cộng và đóng cửa các địa điểm không cần thiết.
Thủ tướng Stefan Lofven cho biết các địa điểm không thiết yếu, bao gồm phòng tập, bể bơi hay thư viện, sẽ đóng tới ngày 24/1/2021. Theo số liệu của giới chức y tế Thụy Điển, trong ngày 18/12, nước này ghi nhận thêm hơn 9.600 ca mắc Covid-19, tăng mạnh so với mức 8.800 ca ghi nhận trước đó một ngày. Số ca tử vong cũng tăng thêm 100 ca, nâng tổng số ca tử vong tại quốc gia Bắc Âu này lên tổng cộng 7.993 ca.
* Ở khu vực Nam Mỹ, Argentina đã quyết định kéo dài thời gian áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội đến ngày 31/1/2021. Tổng thống Alberto Fernandez kêu gọi người dân nghiêm túc thực hiện các quy định phòng dịch, đặc biệt trong dịp lễ Giáng sinh và Năm mới. Tính đến thời điểm hiện tại, Argentina có 1,52 triệu ca mắc Covid-19 và 41.500 ca tử vong.
* Iran - một trong những vùng dịch lớn nhất Trung Đông, báo cáo 53.273 người chết, tăng 178, trong tổng số 1.145.651 ca nhiễm, tăng 7.121. Bộ Y tế nước này hồi đầu tháng cho biết tình trạng lây nhiễm đang chậm lại, nhưng họ lại đối mặt thử thách mới liên quan đến vaccine.
Tổng thống Hassan Rouhani hôm 9/12 cho biết Iran vẫn chưa thể mua vaccine Covid-19 do các ngân hàng không sẵn sàng xử lý giao dịch, bởi lo ngại vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ, bất chấp việc vaccine cùng những mặt hàng nhân đạo khác được cho là sẽ nhận được quyền miễn trừ. "Chúng tôi muốn mua vaccine. Ngân sách đã sẵn sàng, nhưng không có ngân hàng nào chịu xử lý giao dịch", Rouhani nói với các quan chức.
* Tại châu Á, Hàn Quốc đang đương đầu làn sóng Covid-19 thứ ba khi ca nhiễm mới hàng ngày tăng mạnh. Nước này báo cáo thêm 1.062 ca nhiễm, nâng tổng số ca nhiễm trên toàn quốc lên 47.515, trong đó 645 trường hợp tử vong, tăng 11 ca so với một ngày trước.
Indonesia là vùng dịch lớn nhất Đông Nam Á, với 650.197 ca nhiễm, tăng 6.689, trong đó 19.514 người chết, tăng 124. Tổng thống Joko Widodo thông báo ông sẽ là người đầu tiên tiêm vaccine Covid-19 ở Indonesia và toàn bộ người dân sẽ được tiêm chủng miễn phí.
* WHO cho biết nhóm điều tra nguồn gốc Covid-19 sẽ đến Vũ Hán và không bị quan chức Trung Quốc giám sát.
Chuyên gia Michael Ryan, phụ trách mảng phản ứng khẩn cấp của WHO, cho biết nhóm chuyên gia điều tra nguồn gốc Covid-19 sẽ đến Trung Quốc vào tuần đầu tiên của tháng 1/2021. "Chắc chắn họ sẽ đến Vũ Hán. Đó là mục đích của phái đoàn" ông nói. "Mục đích của phái đoán là đến điểm ban đầu các ca nhiễm trên người được phát hiện và chúng tôi hoàn toàn mong đợi sẽ làm được điều đó".
Khi phóng viên đặt câu hỏi liệu nhóm chuyên gia có làm việc "dưới sự giám sát của Trung Quốc" khi ở đó hay không, Ryan trả lời: "Đây là một nhóm gồm các chuyên gia quốc tế nổi tiếng, sẽ làm việc với các đồng nghiệp Trung Quốc của chúng tôi. Họ sẽ không bị quan chức Trung Quốc giám sát".
| Thế giới hậu Covid-19: Nợ nần, bất bình đẳng và phi toàn cầu hóa? TGVN. Theo tờ Financial Times (Anh), có 5 nhân tố đã xuất hiện trước Covid-19, sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến thế giới, bao gồm ... |
| Cập nhật Covid-19 ngày 18/12: Báo động toàn cầu! Số ca nhiễm mới cao chưa từng có; Nhật Bản lập kỷ lục; Mexico giảm lượng vaccine mua của Trung Quốc TGVN. Theo trang thống kê Worldometers, đến nay, toàn cầu ghi nhận 75.277.659 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 1.668.258 trường hợp tử vong và ... |
| Kinh tế thế giới nổi bật tuần qua (11-17/12): Giá Bitcoin phá mọi đỉnh cao lịch sử, Mỹ vẫn 'chăm' nhập hàng Trung Quốc, Tiếp tục đàm phán Brexit TGVN. 'Cơn khát' Bitcoin của giới đầu tư đẩy giá đồng tiền điện tử này lần đầu tiên vượt ngưỡng 20.000 USD; Mỹ vẫn tăng ... |