Hiện, toàn cầu còn hơn 18,2 triệu người mắc Covid-19 đang phải điều trị.
* Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trên thế giới với 14.108.490 ca mắc Covid-19, trong đó có 276.976 ca tử vong - chiếm hơn 18% tổng số ca tử vong trên toàn cầu.
Bang New York có số ca không qua khỏi do Covid-19 cao nhất ở Mỹ, tiếp đến là Texas. Các chuyên gia cảnh báo số ca tử vong ở Mỹ sẽ tăng vọt trong tháng 12 khi chứng kiến làn sóng lây nhiễm mới trong những tuần tới đây sau kỳ nghỉ dịp lễ Tạ ơn.
Mặc dù vậy, ngày 1/12, người phát ngôn liên bang cho biết, Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ sẽ đưa ra khuyến nghị rút ngắn thời gian tự cách ly đối với những người tiếp xúc với nguồn lây nhiễm Covid-19 từ 14 ngày xuống còn 10 hoặc 7 ngày khi có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2.
* Xếp sau Mỹ là Ấn Độ với 9.499.710 ca mắc, trong đó có 138.159 ca tử vong, Brazil với 173.862 ca tử vong trong tổng số 6.388.526 ca mắc, Nga có 2.322.056 ca mắc, trong đó có 40.464 ca tử vong, Pháp với 53.506 ca tử vong trong tổng số 2.230.571 ca mắc.
Tuy nhiên, một tin vui với Pháp trong ngày 1/12 là số ca nhập viện do Covid-19 đã lần đầu tiên giảm xuống dưới mức 28.000 ca kể từ đầu tháng 11. Hiện nước này đang từng bước dỡ bỏ lệnh phong tỏa toàn quốc đợt hai áp đặt từ ngày 30/10 vừa qua.
Trong khi đó, tại Anh, tình hình dịch Covid-19 vẫn đang nóng lên khi ngày 1/12 ghi nhận thêm 13.430 trường hợp nhiễm bệnh, nâng tổng số người mắc lên 1.643.086 ca; số ca tử vong cũng tăng 603 ca lên 59.051 ca.
Tại Thụy Điển, tình hình cũng không khả quan hơn. Ngày 1/12, Cơ quan Y tế công cộng Thụy Điển khuyến cáo các bậc phụ huynh cho trẻ mẫu giáo và tiểu học nghỉ học ở nhà nếu có một thành viên trong gia đình có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Hiện nước này có hơn 260.000 ca mắc, trong đó có 6.700 ca tử vong.
* Tại khu vực châu Á, trong ngày 2/12, số bệnh nhân nguy kịch và số ca tử vong vì dịch Covid-19 ở Nhật Bản đều tăng mạnh trong bối cảnh dịch bệnh đang tiếp tục lan rộng ở nhiều thành phố lớn.
Các số liệu thống kê của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) cho thấy, trong ngày 1/12, ghi nhận thêm 41 người tử vong vì dịch Covid-19, cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở nước này vào giữa tháng 1. Số lượng bệnh nhân Covid-19 trong tình trạng nguy kịch đã tăng cao kỷ lục lên 493 người.
Theo Bộ trưởng MHLW Norihisa Tamura, đây là một dấu hiệu khác cho thấy tình hình đang ngày càng trở nên nghiêm trọng và đối mặt nguy cơ khủng hoảng.
Trong bối cảnh đó, Bộ trưởng Tamura đã kêu gọi chính quyền các địa phương đảm bảo đủ giường bệnh để chữa trị cho các bệnh nhân mắc Covid-19.
Hiện dịch bệnh vẫn tiếp tục lan rộng ở các thành phố lớn tại Nhật Bản. Ngày 1/12, ghi nhận 1.934 ca nhiễm mới, trong đó có 372 ca ở thủ đô Tokyo và 318 ca ở tỉnh Osaka.
Tại Hàn Quốc, ngày 2/12, Thủ tướng Chung Sye-kyun cho biết, số lượng người phải cách ly tại nhà do dịch Covid-19 đã tăng lên mức cao nhất (hơn 70.000 người) đồng thời yêu cầu người dân hợp tác với chính phủ thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh.
Ông Chung nhấn mạnh, cuối tuần tới sẽ là thời điểm quan trọng quyết định số ca bệnh mới tiếp tục tăng hay giảm, yêu cầu dân chúng thực hiện tốt hơn các quy định giãn cách xã hội, giải thích làn sóng lây nhiễm mới rất khó kiểm soát chỉ bằng các biện pháp của chính phủ, vì sự lây lan dịch đã xảy ra gần như trên toàn Hàn Quốc.
Số ca mắc Covid-19 mới ở Hàn Quốc đã tăng trở lại mức hơn 500 ca ngày 2/12, trong đó có 493 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Giới chức nước này đã nhiều lần cảnh báo khả năng gia tăng các ca nhiễm mới trong mùa Đông năm nay. Quốc gia châu Á có thể có thêm 700-1.000 ca Covid-19 mới mỗi ngày trong 1- 2 tuần tới nếu tốc độ lây nhiễm hiện tại không bị ngăn chặn.
Tại Palestine, phong trào Hamas ở Dải Gaza xác nhận, thủ lĩnh phong trào này Yahya Sinwar đã nhiễm Covid-19.
Tình hình dịch Covid-19 tại Palestine thời gian gần đây diễn biến phức tạp, với số ca nhiễm mới tăng mạnh lên khoảng 2.000 người/ngày. Đến nay, Palestine đã có 101.386 trường hợp lây nhiễm, với 838 người tử vong; số người đã bình phục là 78.333.
* Liên quan vaccine ngừa Covid-19, ngày 1/12, Bộ Giao thông Mỹ thông báo, các cơ quan hữu quan đang phối hợp với các công ty tư nhân dự kiến vận chuyển vacicne từ các cơ sở sản xuất đến trung tâm phân phối và địa điểm tiêm chủng.
Bộ Giao thông cho biết thêm, đã vạch ra “những yêu cầu an toàn phù hợp đối với mọi mối nguy tiềm ẩn liên quan đến vận chuyển vaccine, trong đó có những tiêu chuẩn về hệ thống làm lạnh”.
Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, nước này sẽ sẵn sàng triển khai chiến dịch tiêm chủng đại trà vaccine ngừa Covid-19 từ tháng 4-6 năm tới sau giai đoạn đầu tiêm cho một số nhóm người.
Cùng ngày 1/12, Công ty dược phẩm Mỹ và Đức Pfizer/BioNTech thông báo đã nộp đơn cho Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) xin cấp phép có điều kiện đối với vaccine phòng Covid-19, do hai công ty này bào chế.
EMA cho biết sẽ tổ chức một cuộc họp đặc biệt muộn nhất vào ngày 29/12 tới để xem xét đề nghị khẩn của BioNTech/Pfizer.
Tại Việt Nam, đến nay ghi nhận tổng cộng 1.3151 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 1.195 bệnh nhân được chữa khỏi. Kể từ ngày 30/11 đến nay, ghi nhận 1 ca lây nhiễm từ khu cách ly và 2 trường hợp F1 của bệnh nhân này. |