Thế giới ghi nhận tổng cộng 211.502.648 ca mắc Covid-19, bức tường 'miễn dịch cộng đồng' sắp sụp đổi trước biến thể Delta? |
Hơn 189,255 triệu bệnh nhân Covid-19 đã hồi phục trong khi vẫn còn 17,820 triệu người đang điều trị.
Đứng đầu thế giới về tổng số ca mắc bệnh là Mỹ với hơn 38,398 triệu ca bệnh, trong đó có 644.281 ca tử vong. Tiếp đến là Ấn Độ với hơn 32,392 triệu ca bệnh, với 433.998 ca tử vong. Đứng thứ 3 thế giới là Brazil với hơn 20,528 triệu ca bệnh, trong đó có 573.658 ca tử vong.
* Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 20/8 đã đưa ra lời kêu gọi các chuyên gia tham gia vào nhóm mới đang được thành lập, một phần trong nỗ lực của tổ chức này nhằm điều tra nguồn gốc của đại dịch Covid-19.
Trong thông báo, cơ quan y tế của LHQ cho biết, nhóm khoa học mới sẽ cung cấp cho WHO với những phân tích độc lập về các công việc đã thực hiện được cho đến nay để xác định nguồn gốc của Covid-19, cũng như đưa ra lời khuyên cho các bước đi cần thiết tiếp theo.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng sẽ cung cấp hướng dẫn về những vấn đề quan trọng như sự nổi lên tiềm tàng của các loại virus khác có nguy cơ gây ra đại dịch như MERS hay Ebola.
* Trung Quốc mới đây cho biết dự kiến có thể sẽ đạt tỷ lệ bao phủ vaccine Covid-19 khoảng 80% dân số vào cuối năm nay, qua đó đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng.
Thông tin này đã được chuyên gia dịch tễ học hàng đầu Trung Quốc Chung Nam Sơn (Zhong Nanshan) cho biết trong bài phát biểu trực tuyến tại một hội nghị y tế ngày 20/8. Tại hội nghị, chuyên gia Chung Nam Sơn cho biết hiệu quả của các vaccine Trung Quốc vào khoảng 70%. Chỉ khi hơn 80% dân số Trung Quốc được tiêm vaccine, nước này mới có thể thiết lập khả năng miễn dịch cộng đồng một cách hiệu quả. Theo ông Chung Nam Sơn, tỷ lệ tiêm chủng của Trung Quốc cuối cùng có thể đạt hơn 80% dân số trong năm nay.
Chuyên gia Chung Nam Sơn lưu ý, nghiên cứu tập trung vào đợt bùng phát dịch Covid-19 ở thành phố Quảng Châu (thủ phủ tỉnh Quảng Đông, miền Nam Trung Quốc) vào tháng 5 cho thấy, tỷ lệ bảo vệ người tiêm chủng của các vaccine bất hoạt Trung Quốc trước biến thể Delta là gần 60% và 70% đối với các triệu chứng trung bình và 100% đối với các trường hợp nghiêm trọng.
Chuyên gia Chung Nam Sơn cho biết, dữ liệu mới nhất cũng chỉ ra rằng, các mức độ kháng thể tăng hơn 10 lần sau khi tiêm mũi vaccine thứ ba khoảng 6 tháng sau thời điểm tiêm mũi thứ hai của các vaccine bất hoạt do Trung Quốc phát triển.
Trong khi đó, ngày 21/8, chính quyền thành phố Thượng Hải (Shanghai), Trung Quốc, đã cách ly hàng trăm người để ngăn chặn một đợt bùng phát Covid-19 mới sau khi phát hiện các ca mắc là các nhân viên bốc dỡ hàng ở sân bay.
Theo đó, khoảng 120 người có tiếp xúc gần (F1) với 5 nhân viên mắc Covid-19 làm việc tại sân bay quốc tế Phố Đông (Pudong) đã được đưa đi cách ly, cùng với hàng trăm người khác có tiếp xúc với nhóm F1.
Tính đến ngày 20/8, Trung Quốc đại lục ghi nhận tổng cộng 94.599 ca mắc mới, trong đó có 4,636 ca tử vong.
* Tại Nhật Bản, các quan chức đứng đầu tỉnh, thành đã hối thúc chính phủ nước này xem xét áp đặt lệnh phong tỏa để ngăn chặn hoàn toàn sự lây lan của biến thể Delta.
Lời kêu gọi của Hiệp hội Thống đốc quốc gia Nhật Bản được đưa ra trong bối cảnh tình trạng khẩn cấp vì dịch COVID-19 tại 7 tỉnh gồm Ibaraki, Tochigi, Gunma, Shizuoka, Kyoto, Hyogo và Fukuoka có hiệu lực từ ngày 20/8. Như vậy, tình trạng khẩn cấp lần thứ 4 sẽ bao phủ 13 tỉnh, thành. Kể từ giữa tháng 7 đến nay, dịch COVID-19 đã bùng phát mạnh ở Nhật Bản. Ngày 20/8, Nhật Bản ghi nhận thêm 25.876 ca mắc mới, cao nhất từ trước đến nay, trong đó có 5.405 ca ở Tokyo. Hiện nước này cũng đang phải đối mặt với những thách thức như chăm sóc bệnh nhân Covid-19 hồi phục tại nhà và đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng.
* Ở khu vực Đông Nam Á, số ca mắc Covid-19 theo ngày tại Brunei tiếp tục tăng ở mức cao nhất kể từ đầu dịch, với 197 ca trong ngày 20/8, đưa tổng số lên 1.333 ca.
Đây là ngày thứ 3 liên tiếp quốc gia Đông Nam Á này ghi nhận số ca mắc mới tăng cao kỷ lục. Theo Bộ Y tế Brunei, tất cả số ca mới đều là lây nhiễm trong cộng đồng, trong đó đáng chú ý có 74 ca chưa xác định được nguồn lây. Brunei là một trong những quốc gia trên thế giới đã tránh được những làn sóng lây nhiễm nghiêm trọng. Trước khi phát hiện 7 ca lây nhiễm trong cộng đồng vào ngày 7/8 vừa qua, Brunei trải qua 457 ngày không ghi nhận thêm ca nhiễm trong cộng đồng (kể từ tháng 5/2020).
Sau những diễn biến mới nhất, Chính phủ Brunei đã lập tức khôi phục các biện pháp nghiêm ngặt nhằm hạn chế di chuyển của người dân, cũng như cấm hầu hết các cuộc tụ tập nơi công cộng. Trường học, đền thờ Hồi giáo và hầu hết các doanh nghiệp không thiết yếu đã được lệnh đóng cửa. Brunei cũng duy trì áp đặt các quy tắc phòng dịch nghiêm ngặt đối với những trường hợp nhập cảnh. Đến nay nước này chỉ ghi nhận 3 ca tử vong kể từ khi đại dịch bắt đầu.
* Giới chức Thái Lan cho biết đã xuất hiện các dấu hiệu cho thấy, số ca mắc mới Covid-19 ở nước này đang chững lại, mặc dù vẫn còn cảnh báo rằng cả nước có thể ghi nhận thêm tới 400.000 ca mắc mới.
Theo Trợ lý phát ngôn viên Trung tâm Xử lý Tình hình Covid-19 (CCSA) Apisamai Srirangson, các chỉ số về tình hình bùng phát dịch bệnh có dấu hiệu tích cực, với đường cong dịch tễ của số lượng các ca nhiễm mới không còn theo chiều thẳng đứng nữa.
Bà Apisamai cho biết, tỷ lệ lây nhiễm ở vùng đô thị Bangkok mở rộng là 41% trong khi tỷ lệ này ở các tỉnh là 59% và xu hướng này dự kiến sẽ tiếp tục. Tuy nhiên, bà cảnh báo công chúng nên cảnh giác vì những người đã được tiêm chủng đầy đủ vẫn có thể bị nhiễm bệnh.
Theo bà Apisamai, chương trình cách ly tại nhà và cộng đồng cũng đã giải phóng giường bệnh cho các bệnh nhân Covid-19 có các triệu chứng nghiêm trọng hơn và giảm thời gian chờ đợi cho các bệnh nhân nặng trong tuần qua.
Thái Lan ngày 21/8 ghi nhận thêm 20.571 ca nhiễm mới cùng 261 trường hợp tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm từ trước tới nay lên 1.030.281 ca, trong đó có 9.087 người không qua khỏi.
* Ngày 20/8, Tổng thống Indonesia Joko Widodo (Jokowi) cho biết nước này sẽ tiếp nhận 370 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 vào cuối năm nay.
Trong một bài đăng trên Instagram cá nhân, Tổng thống Jokowi khẳng định: “Theo cam kết của một số bên, đến cuối năm nước này sẽ tiếp nhận khoảng 370 triệu liều vaccine”. Ông Jokowi cho hay hiện chính phủ Indonesia vẫn đang cố gắng để nâng kho dự trữ vaccine ngừa Covid-19 lên mức 430 triệu liều. Trước đó, Indonesia đã công bố mục tiêu cung cấp vaccine cho khoảng 200 triệu người, với mỗi người hai liều.
Ông Jokowi cũng thông báo, trong ngày 19 và 20/8, Indonesia đã tiếp nhận thêm nhiều lô vaccine, trong đó có 450.000 liều vaccine AstraZeneca do Hà Lan viện trợ và lần đầu tiên nhận được hơn 1,5 triệu liều đặt mua từ Pfizer.
* Tại châu Mỹ, truyền thông nước này ngày 20/8 cho biết Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) sẽ sớm phê duyệt đầy đủ đối với vaccine ngừa Covid-19 của hãng dược phẩm Pfizer. Theo nguồn tin trên, các nhà quản lý FDA ban đầu đặt mục tiêu hoàn thành quy trình phê duyệt đầy đủ vaccine của Pfizer vào ngày 20/8, nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết được "một lượng lớn thủ tục giấy tờ và đàm phán với công ty". Vì thế, FDA lùi thời hạn phê duyệt chính thức tới ngày 6/9.
Vaccine phòng Covid-19 của Pfizer đã được cấp phép sử dụng khẩn cấp từ tháng 11/2020 và tới nay đã được tiêm cho hơn 203 triệu người ở Mỹ. Ngoài vaccine của Pfizer thì còn có 2 loại vaccine khác của Moderna và Johnson&Johnson cũng đã được cấp phép sử dụng khẩn cấp, nhưng chưa có loại nào trong số này được FDA phê duyệt đầy đủ.
Giới chuyên gia hy vọng việc vaccine của Pfizer được cấp phép đầy đủ sẽ giúp thúc đẩy chiến dịch tiêm chủng tại Mỹ, khi nhiều người cảm thấy yên tâm hơn về an toàn cũng như hiệu quả của vaccine.
* Tại Cuba, ngày 20/8, Trung tâm Quản lý Thuốc, Máy móc và Thiết bị Y tế Cuba (CECMED) đã cấp phép sử dụng khẩn cấp 2 loại vaccine phòng Covid-19 phát triển trong nước là Soberana 02 và Soberana Plus do viện Vaccine Finlay (IFV) bào chế.
Hai loại vaccine chứng minh đạt hiệu quả 91,2% trong các thử nghiệm lâm sàng. IFV cho biết hai vaccine Soberana 02 và Soberana Plus đã được cấp phép sử dụng khẩn cấp sau khi CECMED kết thúc quá trình đánh giá nghiêm ngặt hồ sơ được trình lên và tiến hành kiểm tra quy trình sản xuất. Cơ quan kiểm định y tế của Cuba xác nhận hai loại vaccine trên đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn quốc tế về nghiên cứu lâm sàng, thử nghiệm lâm sàng và những minh chứng về hiệu quả đạt được. Hiện tại, hai vaccine Soberana 02 và Soberana Plus của IFV cũng đang được đưa vào thử nghiệm lâm sàng cho trẻ em từ 3 - 18 tuổi tại Cuba, trong đó có 350 tình nguyện viên đến từ thủ đô La Habana.
Như vậy, cùng với Abdala - vaccine nội đầu tiên được CECMED cấp phép sử dụng khẩn cấp vào ngày 9/7, Soberana 02 và Soberana Plus đã trở thành những vaccine Covid-19 đầu tiên được phát triển ở Cuba và Mỹ Latinh.
Ngoài ra, đảo quốc Caribe này vẫn đang tiếp tục tiến hành thử nghiệm lâm sàng 2 loại vaccine ngừa Covid-19 khác là Soberana 01 và Mambisa (sử dụng qua đường mũi).