📞

Cập nhật Covid-19 ngày 22/2: Toàn cầu xấp xỉ 112 triệu ca, Campuchia ghi nhận số ca mắc mới cao kỷ lục, cảnh báo làn sóng lây lan mới ở Italy

Thế Việt 12:07 | 22/02/2021
TGVN. Theo trang thống kê Worldometers, đến nay, toàn cầu ghi nhận hơn 111,69 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó có hơn 2,47 triệu ca tử vong và hơn 87,32 triệu bệnh nhân bình phục.

* Trong 24 giờ qua, thế giới có thêm 312.711 ca nhiễm Covid-19, trong đó riêng Mỹ là hơn 57.000 ca, cao nhất thế giới. Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nhất của dịch Covid-19 với tổng số ca dương tính với virus này đã lên tới 28,76 triệu ca, bao gồm 511.130 ca tử vong.

Chuyên gia hàng đầu của Mỹ về bệnh truyền nhiễm Authony Fauci cho rằng, người dân Mỹ sẽ cần đeo khẩu trang cho đến năm 2022 ngay cả khi nước này có thể trở lại trạng thái bình thường vào cuối năm 2021 này, trong bối cảnh số ca tử vong do Covid-19 tại Mỹ đã lên tới gần 500.000 người, cao nhất thế giới.

* Tại châu Á, đến nay ghi nhận xấp xỉ 24,5 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó có 391.662 bệnh nhân tử vong.

Ấn Độ hiện ghi nhận số ca nhiễm cao nhất khu vực, với hơn 11 triệu ca nhiễm, trong đó có 156.418 ca tử vong. Sau Ấn Độ là Iran và Indonesia với số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua lần lượt ở mức 7.931 ca và 7.300 cao.

Sáng 22/2, Bộ Y tế Campuchia thông báo, cơ quan này tiếp tục phát hiện 35 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19, trong đó có 31 trường hợp lây nhiễm trong "sự kiện cộng đồng 20/2" và 4 ca lây nhiễm từ nước ngoài nhập cảnh Campuchia.

Tính đến 7h ngày 22/2, Campuchia đã phát hiện 568 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 473 trường hợp được chữa khỏi và 95 trường hợp khác đang tiếp tục điều trị tại các bệnh viện.

Đây là đợt bùng phát lây nhiễm trong cộng đồng thứ 3 tại Campuchia. Thông tin báo chí Campuchia cho biết, đợt lây nhiễm bùng phát sáng 20/2 có liên quan tới một số trường hợp đang cách ly tại khách sạn Sokha nhưng cố tình trốn ra ngoài và lưu trú trong một loạt các chung cư tại thủ đô Phnom Penh.

* Tại châu Phi, số bệnh nhân Covid-19 đã lên đến 3,8 triệu người, trong đó Nam Phi là quốc gia chịu ảnh hưởng nhất với tổng số ca nhiễm là hơn 1,50 triệu ca.

* Tại châu Âu, đến nay ghi nhận hơn 33 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó có hơn 791 triệu ca tử vong.

Tại Đức, Bộ trưởng Y tế liên bang Jens Spahn lên tiếng phản đối việc đưa ra một lộ trình ràng buộc về thời gian nới lỏng các biện pháp phong tỏa hiện nay, cho rằng, Chính phủ Đức không thể đưa ra một cam kết hão huyền, dù đó là lộ trình 3 tháng hay 6 tháng.

Ông Spahn cho rằng, cần tiếp tục theo dõi sự lây lan của các biến thể mới khi việc dần mở cửa trở lại các trường học và nhà trẻ được thực hiện ở quy mô lớn hơn.

Theo thông báo của Viện dịch tễ Robert Koch (RKI), hệ số lây nhiễm ở Đức trong 7 ngày đã tăng trở lại và lên mức cao nhất kể từ ngày 11/1. Theo RKI, hệ số này trong ngày 21/2 ở mức 1,10, có nghĩa 100 người nhiễm bệnh sẽ lây nhiễm cho 110 người khác.

Sau khi giảm trong nhiều tuần qua xuống mức dưới 1, việc chỉ số này tăng lên báo hiệu nguy cơ biến thể của virus đang làm gia tăng tốc độ lây nhiễm bất chấp tình trạng phong tỏa hiện nay.

Giáo sư kinh tế Lars Feld, Chủ tịch Hội đồng Chuyên gia kinh tế của chính phủ Đức (GCEE), cảnh báo các nguy cơ đối với nền kinh tế Đức trong năm nay do đại dịch Covid-19, đồng thời bày tỏ quan điểm phản đối việc nhanh chóng nới lỏng các biện pháp phong tỏa hiện được áp dụng.

Tại Italy, ông Massimo Galli, chuyên gia hàng đầu về virus hiện đang công tác tại bệnh viện Sacco de Milan, cảnh báo, số ca nhiễm SARS-CoV-2 tại nước này đang trên đà tăng trở lại, trong đó phần lớn các ca nhiễm mới liên quan đến biến thể dễ lây lan tại Anh.

Ông Galli bày tỏ quan ngại về hiện tượng nhiều người Italy tại một số thành phố phớt lờ khuyến cáo của chính quyền về việc hạn chế đi ra ngoài để phòng chống dịch bệnh.

Ngày 21/2, nhà chức trách Italy đã khôi phục mức cảnh báo màu Cam về nguy cơ dịch bệnh đối với 3 khu vực áp dụng màu Vàng trước đó. Như vậy, đến nay có 9 trong tổng số 20 vùng tại Italy áp dụng mức cảnh báo màu Cam, số còn lại áp dụng mức màu Vàng - mức cảnh báo dịch bệnh vừa phải.

Tính đến ngày 22/2, Italy ghi nhận 95.718 ca tử vong do Covid-19 trong tổng số 2,9 triệu ca nhiễm tại nước này.

* Liên quan vaccine ngừa Covid-19, ngày 21/2, Cơ quan quản lý dược phẩm, lương thực và công nghệ y tế Argentina (ANMAT) đã cấp phép sử dụng khẩn cấp cho loại vaccine ngừa Covid-19 do tập đoàn dược phẩm Sinopharm của Trung Quốc sản xuất.

Tân Bộ trưởng Y tế Argentina Carla Vizzotti cho biết, có thể nước này sẽ nhận khoảng 1 triệu liều vaccine trên trong vòng 10 ngày tới, nhằm tiếp tục triển khai chương trình tiêm chủng toàn quốc hiện đang ở giai đoạn 1 với các đối tượng là đội ngũ nhân viên y tế làm việc ở tuyến đầu.

Đến nay, Argentina đã nhập được 1,22 triệu liều vaccine Spunik V của Nga và 580.000 liều vaccine của hãng AstraZeneca/Oxford sản xuất tại Ấn Độ với tên thương mại là Covishield.

Trong khi đó, Indonesia sẽ tiêm chủng cho 121.485 nhân viên nhà hàng và khách sạn trong nỗ lực nhằm phục hồi ngành du lịch, một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19.

Từ cuối năm ngoái, Indonesia đã đóng cửa đối với khách du lịch nước ngoài nhằm ngăn chặn đại dịch. Ngày 8/2 vừa qua, Chính phủ Indonesia đã quyết định tiếp tục kéo dài lệnh cấm này tới ngày 22/2 trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tiếp tục lây lan.

* Về thuốc điều trị Covid-19, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản đã cảnh báo người dân về những hậu quả của việc sử dụng các loại thuốc chữa bệnh chưa được cấp phép, trong bối cảnh ngày càng có nhiều người ở nước này sử dụng các loại thuốc chữa Covid-19 có nguồn gốc từ nước ngoài nhưng chưa được cấp phép lưu hành ở nước này.

Theo trang thống kê Worldometers, Nhật Bản đã ghi nhận tổng cộng hơn 424.000 ca nhiễm và hơn 7.400 ca tử vong do Covid-19.

(tổng hợp)