Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất với số người nhiễm Covid-19 đã vượt 29 triệu ca, trong đó có 520.785 ca tử vong. Tiếp theo là Ấn Độ với 11.063.038 ca nhiễm, 156.861 ca tử vong. Brazil đứng thứ ba với 10.3930.886 ca nhiễm, trong đó có 251.661 ca không qua khỏi.
Trong 24 giờ qua, thế giới đã có thêm 444.466 ca mắc mới, trong đó Mỹ là nước ghi nhận số ca mắc nhiều nhất với 77.377 ca, tiếp theo là Brazil với 67.878 ca. Pháp đứng thứ ba khi ghi nhận thêm 25.403 ca lây nhiễm mới và đứng thứ tư là Italy với 19.886 ca.
Tính theo khu vực, châu Âu tiếp tục vượt Bắc Mỹ trở thành khu vực có số ca mắc Covid-19 và tử vong cao nhất thế giới, với lần lượt hơn 33,7 triệu ca và 805.086 ca.
Bắc Mỹ ghi nhận hơn 33,3 triệu ca nhiễm, trong đó có 752.499 ca tử vong. Châu Á đứng thứ ba với xấp xỉ 24,8 triệu ca nhiễm, trong đó có 395.764 ca tử vong.
* Tại châu Âu, ngày 25/2, Giám đốc phụ trách khu vực châu Âu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Hans Kluge lưu ý, trong khi các ca bệnh ở khu vực này đã giảm trong tháng qua, số người nhiễm bệnh vẫn cao gấp 10 lần so với hồi tháng 5 năm ngoái.
Ông Hans Kluge cảnh báo “Covid-19 tiếp tục lây lan với tốc độ rất cao trên khắp châu Âu, với hai biến thể đáng lo ngại, tiếp tục thay thế các biến thể khác, gia tăng phạm vi tiếp cận của chúng”.
Giám đốc WHO khu vực châu Âu cũng bày tỏ lo ngại về một số tác động kéo dài của virus có thể tồn tại trong cơ thể người bệnh, được gọi là Covid kéo dài, bao gồm mệt mỏi, sương mù não, rối loạn tim và thần kinh.
Pháp và Đức đã nhất trí về quy định người lao động di chuyển qua biên giới giữa hai nước phải có kết quả xét nghiệm virus SARS-CoV-2, qua đó vừa tránh việc đóng cửa hoàn toàn biên giới vừa kiểm soát dịch bệnh.
Trong khi đó, tại Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) trực tuyến, các nhà lãnh đạo EU đã cảnh báo rằng, các hạn chế chặt chẽ trong đi lại vẫn phải duy trì trong bối cảnh khối này đang nỗ lực để đưa chương trình tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 vào đúng quỹ đạo.
Khi mối đe dọa về các biến thể virus mới lây lan nhanh, các lãnh đạo EU nói rằng, sẽ mất vài tháng chứ không phải vài tuần, để đảm bảo đủ nguồn cung vaccine, chính vì vậy, phải duy trì các biện pháp hạn chế chặt chẽ trong khối, cùng lúc tăng cường những nỗ lực để thúc đẩy việc cung cấp vaccine.
Người đứng đầu Hội đồng châu Âu Charles Michel cảnh báo vài tuần tới tình hình sẽ tiếp tục khó khăn trong việc triển khai tiêm chủng. Tuy nhiên ông lạc quan đánh giá EU sở hữu các phương tiện, nguồn lực và có khả năng thành công trong vài tháng tới.
* Liên quan vaccine Covid-19, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho hay, chính quyền của ông sẽ lên kế hoạch triển khai chiến dịch tuyên truyền cho người dân Mỹ về các loại vaccine ngừa Covid-19 để đề phòng trường hợp nguồn cung có thể vượt quá nhu cầu do tâm lý do dự đối với vaccine trong thời gian tới.
Ông Biden nhấn mạnh, chính phủ sẽ tập hợp các lãnh đạo của mọi lĩnh vực trong xã hội để tuyên truyền và khuyến khích mọi người dân Mỹ tiêm vaccine.
Tổng thống Mỹ cũng bày tỏ vui mừng khi chương trình tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 tại nước này đã hoàn thành 50% mục tiêu chỉ trong khoảng 1/3 thời gian đã đề ra. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Mỹ kêu gọi người dân duy trì đeo khẩu trang, cảnh giác trước nguy cơ dịch bệnh lây lan.
Nhà lãnh đạo Mỹ cho biết đến cuối tháng 7 tới, nước này sẽ có đủ vaccine tiêm chủng cho toàn bộ người lớn tuổi tại Mỹ.
Tại Hàn Quốc, sáng 26/2, nước này đã bắt đầu chiến dịch tiêm vaccine ngừa Covid-19, sử dụng vaccine của AstraZenecan nhượng quyền cho công ty SK Bioscience của Hàn Quốc sản xuất.
Theo kế hoạch, trong đợt đầu tiêm chủng, Hàn Quốc sẽ tiêm vaccine cho 289.480 người, trong đó ngày đầu tiên có ít nhất 5.266 người được tiêm. Nhóm này gồm các bệnh nhân nội trú dưới 65 tuổi và nhân viên các cơ sở y tế, điều dưỡng và viện dưỡng lão.
Vaccine của AstraZeneca cần tiêm 2 mũi cách nhau khoảng 8 tuần. Loại vaccine này được cho là thuận tiện hơn cho công tác tiêm chủng đại trà vì chỉ cần đảm bảo môi trường bảo quản nhiệt độ từ 2-8 độ C.
Các cơ quan y tế Hàn Quốc cũng cho biết, chính phủ sẽ bồi thường thỏa đáng cho người tiêm nếu gặp các tác dụng phụ nghiêm trọng, đài thọ chi phí nằm viện và các loại chi phí điều trị khác nếu người tiêm phải nhập viện sau khi tiêm.
Chính phủ Hàn Quốc tuyên bố đạt mục tiêu tiêm chủng cho 70% dân số vào tháng 9 và đạt miễn dịch cộng đồng vào tháng 11 tới.
Trong khi đó, Bahrain vừa trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cấp phép sử dụng khẩn cấp cho vaccine ngừa Covid-19 do hãng Johnson & Johnson (J&J) sản xuất.
Quyết định trên được đưa ra chỉ 1 ngày sau khi các cơ quan chức năng của Mỹ kết luận rằng, vaccine 1 liều J&J của Johnson & Johnson đủ khả năng chống Covid-19.
Bahrian dự kiến sẽ tiêm loại vaccine J&J cho những nhóm người có nguy cơ rủi ro cao, trong đó có người cao tuổi và người mắc các bệnh mãn tính. Hiện chưa rõ khi nào vaccine J&J sẽ được vận chuyển tới Bahrain.
Trong khi đó, quốc gia Trung Đông này đã tiêm phòng cho gần 2 triệu người bằng các loại vaccine của Sinopharm (Trung Quốc), Pfizer/BioNtech, AstraZeneca và Nga (Sputnik V).
Ngoài Mỹ, vaccine J&J hiện cũng đang được các cơ quan chức năng châu Âu và WHO cân nhắc cấp phép. Hãng Johnson & Johnson đặt mục tiêu sản xuất 1 tỷ liều vaccine trước cuối năm 2021.
Tại Isreal, một nghiên cứu mới của trường Đại học Tel Aviv cho thấy, chiến dịch tiêm vaccine kịp thời tại nước này đã giúp cứu được nhiều mạng sống của người cao tuổi, do đợt tiêm chủng đã được thực hiện đúng lúc chủng SARS-CoV-2 biến thể tại Anh bắt đầu tấn công mạnh mẽ vào Israel.
Theo nghiên cứu, chủng virus mới mặc dù đã lây lan rất mạnh trong tháng 1 ở nhóm người dưới 60 tuổi, nhưng lại tăng khá chậm ở nhóm trên 60, nhóm đã được ưu tiên tiêm phòng trước đó.
Giáo sư Dan Yamin, chủ nhiệm Phòng thí nghiệm Bệnh dịch của Đại học Tel Aviv cho rằng, chiến dịch tiêm vaccine đã thành công được thực hiện đối với nhóm người cao tuổi vào đúng thời điểm virus biến thể mới chuẩn bị tấn công họ.