📞

Cập nhật Covid-19 ngày 27/5: Thái Lan nhận kỷ lục 'buồn'; AstraZeneca bị kiện; Mỹ-Trung tranh cãi về nguồn gốc virus SARS-CoV-2

Minh Nhật 11:17 | 27/05/2021
Theo trang thống kê Worldometers, đến nay, toàn cầu ghi nhận xấp xỉ 169 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó có hơn 3,5 triệu trường hợp tử vong và xấp xỉ 150,7 triệu bệnh nhân bình phục.
Cập nhật Covid-19 ngày 27/5: Thái Lan nhận kỷ lục 'buồn'; AstraZeneca bị kiện; Mỹ-Trung tranh cãi về nguồn gốc virus SARS-CoV-2

* Quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19 trên thế giới vẫn là Mỹ, song những ngày qua, nhờ chương trình tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 được đẩy nhanh, số ca nhiễm mới tại nước này đã giảm đáng kể. Trong vòng 24 giờ qua, Mỹ chỉ ghi nhận 21.689 ca mắc mới và 574 ca tử vong, giảm hơn nhiều so với giai đoạn cao điểm hàng trăm nghìn người nhiễm và gần 5.000 ca tử vong tính theo ngày.

Đứng thứ hai là Ấn Độ, quốc gia Nam Á đang là tâm dịch, với số ca mắc mới và tử vong mỗi ngày đều cao nhất thế giới. Trong vòng 24 giờ qua, số ca mắc mới và tử vong lần lượt ghi nhận là 211.553 ca và 3.842 ca. Với biến thể mới có tốc độ lây lan cực nhanh xuất hiện ở nước này, số ca mắc được dự báo sẽ vẫn cao trong những ngày tới. Hiện biến thể mang tên B.1.617 đã được ghi nhận tại 53 vùng lãnh thổ trên thế giới.

Đứng thứ ba thế giới về số ca nhiễm (16.275.440 ca) và đứng thứ hai về số ca tử vong (454.623 ca), Brazil đã ghi nhận 79.459 ca mắc mới và 2.399 ca tử vong trong 24 giờ qua.

* Tại châu Mỹ với tổng số 39.594.758 ca mắc và 887.974 ca tử vong. Sau Mỹ, hiện Mexico và Canada là những nước ghi nhận số ca nhiễm mới vẫn cao với lần lượt từng nước là 2.483 và 2.590 ca trong 24 giờ qua.

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 26/5 cho biết cộng đồng tình báo Mỹ bị chia rẽ về nguốn gốc của virus SARS-CoV-2 gây ra dịch Covid-19, bao gồm nghi vấn chủng virus này có xuất phát từ tiếp xúc giữa con người với động vật phơi nhiễm hay rò rỉ từ phòng thí nghiệm.

Trong một tuyên bố, Tổng thống Biden nhấn mạnh ông đã yêu cầu mở thêm cuộc điều tra về nguồn gốc của đại dịch Covid-19. Ông Biden cũng lưu ý rằng tình báo Mỹ đang xem xét 2 kịch bản khác nhau và họ vẫn chưa chắc chắn về kết luận của mình.

Ông Biden nêu rõ: “Tôi đã đề nghị cộng đồng tình báo tăng cường nỗ lực để thu thập và phân tích thông tin, có thể đưa chúng tôi tiến gần hơn một kết luận cuối cùng đáng tin cậy nhất, và gửi báo cáo cho tôi trong 90 ngày nữa”.

Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) lên tiếng cảnh báo về mức độ gia tăng "đáng lo ngại" của các ca nhiễm mới và tử vong do Covid-19 trong những tuần gần đây ở Mỹ Latinh, đồng thời khuyến cáo các quốc gia trong khu vực cần tiếp tục tuân thủ quyết liệt các biện pháp chống dịch. Giám đốc PAHO Carissa Etienne cho biết trong tuần vừa qua, Mỹ Latinh đã ghi nhận thêm khoảng 1,2 ca mới, trong đó có hơn 31.000 ca tử vong. Bà nhận định những số liệu này cho thấy các ca bệnh và tử vong do Covid-19 tại Mỹ Latinh tiếp tục duy trì ở mức cao đáng báo động.

Theo quan chức PAHO, bất chấp tình trạng lây lan của dịch bệnh, người dân và chính quyền tại nhiều quốc gia Mỹ Latinh không còn tuân thủ chặt chẽ các biện pháp y tế công cộng chống dịch Covid-19.

Hội đồng Nghiên cứu khoa học và kỹ thuật quốc gia Argentina (Conicet) và các chuyên gia thuộc Viện nghiên cứu Leloir ngày 26/5 đã ký kết một thỏa thuận với tập đoàn công nghệ sinh học Vaxinz để phát triển một ứng viên vaccine ngừa Covid-19 thế hệ thứ hai.

Theo thông báo của Conicet, công trình nghiên cứu này được khởi động từ tháng 4/2020 nhằm tìm kiếm một loại thuốc, dựa trên vector adenovirus, có thể đạt được khả năng miễn dịch chỉ với một liều duy nhất. Kết quả nghiên cứu tiền lâm sàng cho thấy phản ứng miễn dịch “mạnh mẽ” chống lại virus SARS-CoV-2 ở 100% số động vật được tiêm và được duy trì trong ít nhất 5 tháng.

* Tại châu Á

Ngày 26/5, Hàn Quốc đã cam kết phát huy vai trò lớn hơn trong việc giải quyết tình trạng thiếu hụt vaccine ngừa Covid-19 trên toàn cầu.

Phát biểu tại một cuộc họp trực tuyến của Nhóm Ottawa (gồm Liên minh châu Âu, Hàn Quốc và 11 nước khác), Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Yoo Myung-hee cho biết, Hàn Quốc sẽ đóng vai trò lớn hơn trong việc giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn cung vaccine bằng cách trở thành một trung tâm sản xuất toàn cầu.

Hàn Quốc đã nhất trí đẩy mạnh hợp tác với Mỹ để tăng cường năng lực ứng phó chung chống các bệnh truyền nhiễm, cũng như củng cố mối quan hệ Đối tác vaccine toàn cầu. Cũng theo Bộ trưởng Yoo Myung-hee, thế giới cần hợp lực để đảm bảo sự ổn định cho việc cung cấp các nguyên liệu bào chế vaccine.

Ngày 27/5, cơ quan y tế Thái Lan ghi nhận số ca tử vong vì Covid-19 theo ngày ở mức cao nhất từ đầu dịch với 47 người không qua khỏi trong 24 giờ qua. Trước đó một ngày, Thái Lan cũng ghi nhận mức cao mới ở thời điểm đó là 41 ca tử vong.

Bên cạnh đó, Thái Lan có thêm 3.323 ca nhiễm mới, trong đó 1.219 ca ở các nhà tù. Thái Lan đã có hơn 3 triệu người được chủng ngừa Covid-19, trong đó có khoảng 2 triệu người tiêm mũi đầu tiên và khoảng 1 triệu người tiêm mũi thứ hai.

Cùng ngày 27/5, Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ cho rằng việc chính trị hóa nguồn gốc của Covid-19 sẽ gây trở ngại cho việc điều tra về dịch bệnh này.

Trên trang web chính thức, người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ nhấn mạnh Bắc Kinh ủng hộ "một nghiên cứu toàn diện về tất cả những trường hợp sớm mắc Covid-19 trên thế giới và điều tra kỹ lưỡng vào một số căn cứ bí mật cùng các phòng thí nghiệm sinh học trên toàn thế giới".

* Tại châu Âu

Ngày 26/5, Liên minh châu Âu (EU) cảnh báo AstraZeneca sẽ phải bồi thường thiệt hại lên tới hàng tỷ Euro nếu công ty này không tăng lượng cung vaccine ngừa Covid-19 vào tháng tới.

Trong thông báo, luật sư của EU - ông Rafael Jafferali nói rằng Ủy ban châu Âu (EC) muốn AstraZeneca phải trả mức phạt 10 Euro/liều/ngày nếu hãng này không cung cấp cho khối số lượng 20 triệu liều vaccine bổ sung vào cuối tháng 6.

Yêu cầu bồi thường trên là một phần trong vụ kiện của EC nhằm buộc AstraZeneca phải cung cấp 90 triệu liều vaccine trong quý 2 năm nay, thay vì 70 triệu liều theo kế hoạch hiện tại. Động thái này là bước mới trong bất đồng giữa EU và AstraZeneca về sự thiếu hụt nguồn cung theo hợp đồng cung cấp 300 triệu liều vaccine giữa hai bên.

* Tại châu Phi

Cùng ngày, Cơ quan quản lý nhà tù Morocco (DGAPR) cho biết nước này đã tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho gần 4.000 tù nhân trong khuôn khổ chiến dịch tiêm chủng cho tù nhân được khởi động từ tháng 3 đến nay.

Tới nay, khoảng 8 triệu người Morocco đã được tiêm mũi vaccine đầu tiên ngừa Covid-19 và gần 5 triệu người đã được tiêm đủ 2 liều. Hiện chiến dịch tiêm phòng trong nhà tù chỉ được áp dụng cho những tù nhân trên 45 tuổi hoặc mắc các bệnh mãn tính.

Tình hình dịch Covid-19 ở Morocco đang có chiều hướng cải thiện, song Morocco vẫn đứng thứ 2 trong top 10 quốc gia châu Phi có số ca mắc cao nhất ở châu Phi với 517.808 ca mắc và 9.131 ca tử vong. Gần đây, Morocco đã nới lỏng các biện pháp hạn chế chống dịch, thời gian giới nghiêm vào ban đêm, trong khi tình trạng y tế khẩn cấp sẽ được kéo dài đến ngày 10/6.

Dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, Bộ Y tế kêu gọi mỗi người dân:

1. Hạn chế đến nơi công cộng, tụ tập đông người không cần thiết.

2. Không được chủ quan, lơ là. Luôn đề cao cảnh giác phòng chống dịch, khi phát hiện các trường hợp nghi ngờ nhập cảnh trái phép cần lập tức thông báo ngay cho chính quyền địa phương để tổ chức cách ly, xử lý kịp thời.

3. Thực hiện tốt Khuyến cáo 5K: KHẨU TRANG - KHỬ KHUẨN - KHOẢNG CÁCH - KHÔNG TỤ TẬP - KHAI BÁO Y TẾ để phòng, chống dịch Covid-19.

4. Liên hệ với đường dây nóng Bộ Y tế: 1900.9095 để được tư vấn khi cần thiết.

Vì lợi ích của đất nước, cộng đồng và của chính mình, mỗi người dân Việt Nam hãy đồng lòng quyết tâm giữ vững thành quả đã đạt được trong phòng, chống dịch Covid-19!

(tổng hợp)