Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 443.769 ca tử vong trong tổng số hơn 26,3 triệu ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 154.047 ca tử vong trong số 10.720.971 ca bệnh. Brazil đứng thứ 3 với 221.676 ca tử vong trong số 9.060.786 bệnh nhân.
Xét tỷ lệ dân số, Bỉ là quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 181 người tử vong. Tiếp đến là Slovenia với 165 người và Anh 150 người/100.000 dân.
Xét theo khu vực, châu Âu đang là tâm dịch của thế giới với hơn 32,7 triệu người mắc Covid-19, trong đó có hơn 719.700 ca tử vong. Tiếp đến là các nước Mỹ Latinh và Caribbean, với hơn 584.000 ca tử vong trong hơn 18,4 triệu ca nhiễm.
Bắc Mỹ có hơn 448.700 ca tử vong trong hơn 26,3 triệu ca nhiễm. Châu Á ghi nhận hơn 238.100 ca tử vong trong hơn 15 triệu ca nhiễm. Trung Đông có hơn 96.300 ca tử vong, châu Phi có hơn 87.900 ca tử vong, trong khi số người không qua khỏi ở châu Đại dương là 945 người.
* Tại châu Âu, ngày 28/1, Liên minh châu Âu (EU) đã quyết định tái áp đặt quy định cấm nhập cảnh đối với người đến từ Nhật Bản do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại nước này, trừ trường hợp đặc biệt cần thiết.
Trên thực tế, tại châu Âu, việc có hạn chế đi lại hay không do các nước quyết định trên cơ sở kiến nghị của cơ quan kiểm soát biên giới. Tuy nhiên, do lo ngại sự lây lan Covid-19 biến thể nên các nước EU đều thống nhất tăng cường hạn chế đi lại trong và ngoài khu vực. Do đó, theo quyết định này, khả năng cao là Nhật Bản sẽ nằm trong diện hạn chế nhập cảnh EU một cách nghiêm ngặt.
Với việc tái áp đặt quy định hạn chế đi lại đối với người đến từ Nhật Bản, hiện EU chỉ cho phép người đến từ 6 quốc gia có thể nhập cảnh gồm Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Australia, New Zealand và Rwanda.
Một nhóm các nhà khoa học tư vấn cho Chính phủ Bỉ cho biết, biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 lần đầu được phát hiện tại Anh có thể chiếm đa số các ca mắc bệnh tại Bỉ vào cuối tháng 2.
Báo cáo cho biết, biến thể này sẽ gây ra đa số các ca bệnh Covid-19 trong một khoảng thời gian rất ngắn, dự kiến sẽ lên tới 90% tổng số ca nhiễm mới được ghi nhận vào cuối tháng 2.
Một trong những nhà virus học đứng đầu nhóm nghiên cứu cho rằng, làn sóng lây nhiễm thứ 3 đã bắt đầu ở Brussels - "trái tim của châu Âu", nơi có trụ sở EU và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), nhưng vẫn còn thời gian để có thể tránh một đợt phong tỏa mới.
Bỉ hiện không bị phong tỏa nghiêm ngặt, nhưng các quán bar, quán cà phê và nhà hàng vẫn đóng cửa, trong khi làm việc tại nhà là bắt buộc và Chính phủ đã ban hành lệnh giới nghiêm vào ban đêm. Người dân bị cấm đi du lịch ra nước ngoài cho đến ngày 1/3 để hạn chế sự lây lan của các biến thể có khả năng lây lan nhanh.
* Tại châu Mỹ, các quan chức bang South Carolina (Mỹ) xác nhận đã xuất hiện 2 trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể của virus SARS-CoV-2 phát hiện ở Nam Phi. Cả 2 trường hợp này đều là người trưởng thành, không đi du lịch và không có mối liên hệ nào với nhau. Cả hai cũng đã được cho làm xét nghiệm PCR hồi đầu tháng và bệnh tình đang tiến triển tốt.
Chính phủ Peru quyết định gia hạn việc tạm ngừng các chuyến bay từ châu Âu tới nước này cũng như những chuyến bay từ những địa điểm khác có thời gian bay dài hơn 8 tiếng đồng hồ đến ngày 14/2.
Ngoài ra, kể từ ngày 1-14/2, các chuyến bay đến từ Brazil cũng sẽ bị tạm dừng do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp cũng như việc phát hiện các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 tại nước này.
Bên cạnh đó, Chính phủ Peru cũng đã ban hành lệnh cấm nhập cảnh đối với những du khách đã từng có mặt ở Vương quốc Anh sau khi biến thể mới của virus SARS-CoV-2 xuất hiện tại đây.
Hiện Chính phủ Peru vẫn duy trì quy định du khách đến nước này phải xuất trình kết quả xét nghiệm âm tính đối với Covid-19. Ngoài ra, hành khách nhập cảnh phải trải qua thời gian tự cách ly bắt buộc đủ 14 ngày.
Peru là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong khu vực Nam Mỹ bởi đại dịch Covid-19, với hơn 1,13 triệu ca nhiễm bệnh, trong đó có gần 40.300 ca tử vong, tính đến thời điểm hiện tại.
* Tại châu Phi, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo biến thể mới của virus SARS-CoV-2 hiện đang lây lan tại châu Phi có thể khiến làn sóng dịch thứ 2 tại đây kéo dài, kéo theo nguy cơ làm tê liệt hệ thống y tế vốn đã mong manh tại châu lục 1,3 tỷ dân này.
Giám đốc WHO phụ trách khu vực châu Phi Matshidiso Moeti nêu rõ, với khả năng lây lan nhanh hơn cùng độc lực cao hơn virus gốc, biến thể mới sẽ gây rất nhiều khó khăn trong việc ứng phó và đẩy lùi làn sóng dịch thứ hai hiện vẫn đang hoành hành tại châu Phi.
Theo số liệu mới nhất, biến thể 501 Y.V2 hiện đã được phát hiện tại ít nhất 4 quốc gia trong khu vực bao gồm Botswana, Ghana, Kenya và Zambia.
Bên cạnh đó, biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ Anh cũng đã xuất hiện ở Gambia và Nigeria, hai quốc gia vốn đã chịu ảnh hưởng nặng nề từ những tác động tiêu cực của dịch Covid-19 trong năm vừa qua.
* Liên quan tình hình tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19, ngày 28/1, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro cho biết nước này đã bắt đầu nhập về vaccine ngừa Covid-19 và sẽ sớm cho triển khai chương trình tiêm chủng đại trà trên toàn quốc.
Trong khi đó, Morocco cũng ra tuyên bố cho biết, Nhà vua Mohammed VI đã được tiêm chủng vaccine, chính thức khởi động chiến dịch tiêm chủng trên toàn quốc ở quốc gia Bắc Phi này.
Tại Việt Nam, trong ngày 27-29/1 đã bắt đầu ghi nhận những ca lây nhiễm mới trong cộng đồng sau gần 2 tháng không có ca cộng đồng mới. Chỉ trong 3 ngày đã ghi nhận 93 ca nhiễm, gồm Hải Dương (77 ca) và Quảng Ninh (13), Hà Nội (1), Hải Phòng (1) và Bắc Ninh (1). Ngay sau khi ghi nhận các ca lây nhiễm cộng đồng đầu tiên, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các tỉnh, thành phố và lực lượng chức năng ráo riết thực hiện các biện pháp khoanh vùng, dập dịch cũng như kích hoạt các biện pháp phòng chống dịch ở mức cao. Bộ Y tế tiếp tục kêu gọi người dân luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, trách nhiệm, hết sức bình tĩnh, chủ động, tích cực trong công tác phòng chống dịch Covid-19 cũng như thực hiện “Thông điệp 5K: Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tụ tập – Khai báo y tế” |