📞

Cập nhật Covid-19 ngày 29/6: Biến thể Delta đe dọa châu Á; Ấn Độ vượt Mỹ về tiêm chủng; Tổng thống Brazil bị kiện

Huyền Trâm 11:56 | 29/06/2021
Theo trang thống kê Worldometers, đến nay, toàn cầu ghi nhận xấp xỉ 182,2 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó có gần 3,95 triệu ca tử vong và hơn 166,7 triệu bệnh nhân bình phục.
Các nhân viên y tế tới tận nhà để tiêm vaccine ngừa Covid-19 Covishield cho những người lớn tuổi không thể đến trung tâm tiêm chủng của làng ở Sundarbans, Ấn Độ. (Nguồn: Getty)

* Tại Trung Đông

Israel ghi nhận số ca mắc Covid-19 đang điều trị tăng lên 1.425 ca, mức cao nhất kể từ ngày 1/5.

Trong vòng 24 giờ qua, Israel có thêm 296 ca mới, nâng tổng số ca mắc lên 841.184 ca, trong đó có 6.430 trường hợp tử vong và 833.329 bệnh nhân bình phục.

Tới nay, Israel đã tiêm phòng được gần 5,56 triệu người, tương đương 59,6% dân số.

Ngày 28/6, Israel bắt đầu áp dụng quy định mới phạt 5.000 Shekel (1.534 USD) với những người trở về từ các quốc gia bị đưa vào danh sách có nguy cơ dịch bệnh cao như Argentina, Brazil, Ấn Độ, Nam Phi, Mexico và Nga.

* Tại châu Âu

Ba Lan thông báo ngày đầu tiên không có ca tử vong do Covid-19 trong suốt 15 tháng qua. Số ca mắc mới trong ngày đang có xu hướng giảm, với khoảng 52 ca được thông báo trong ngày 29/6.

Hiện tổng số ca tử vong vì dịch bệnh tại Ba Lan là khoảng gần 75.000 ca.

Nước này đã tiêm phòng đủ 2 mũi cho 11,7 triệu người, tương ứng 30,68% dân số. Ba Lan dần mở cửa trở lại, nới lỏng biện pháp hạn chế vốn được áp dụng từ tháng 3.

Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ thông báo tạm dừng các chuyến bay và tất cả các chuyến bay thẳng từ Bangladesh, Brazil, Nam Phi, Ấn Độ, Nepal và Sri Lanka.

Những người đến từ các nơi khác nhưng từng ở các quốc gia trên trong 14 ngày qua sẽ cần phải có kết quả xét nghiệm PCR âm tính trong vòng 72 giờ trước khi nhập cảnh và phải cách ly trong 14 ngày.

Những hành khách đến từ Pakistan và Afghanistan hoặc đã ở đó trong 14 ngày qua sẽ cần phải cách ly 10 ngày kể từ khi nhập cảnh Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngoài ra, những người đến từ Anh, Iran, Ai Cập và Singapore sẽ phải có kết quả xét nghiệm PCR âm tính trong vòng 72 giờ trước khi nhập cảnh.

Phát biểu trong cuộc họp trực tuyến ngày 28/6, Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh, biến thể Delta vẫn đang lan rộng, cần phải sử dụng các biện pháp khác thay vì áp dụng quy định đóng cửa biên giới.

Hiện nhiều chính trị gia tại các bang của Đức đang kêu gọi chính phủ liên bang thực hiện các quy định chặt chẽ hơn đối với người nhập cảnh. Tuy nhiên, Thủ tướng Merkel và Bộ trưởng Nội vụ Horst Seehofer đã bác bỏ những yêu cầu này.

Bộ trưởng Seehofer cho rằng "hiện không có lý do gì để tăng cường kiểm soát biên giới", các biện pháp đang được thực hiện tốt với mục tiêu là ngăn chặn sự lan rộng của virus.

Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) và văn phòng khu vực châu Âu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã phát triển một công cụ để đánh giá hiệu quả của các biện pháp truy vết tiếp xúc.

Công cụ này được mô tả như một khung chỉ số, sẽ cung cấp cho các nước phương pháp tiếp cận tiêu chuẩn để đánh giá việc sử dụng các giải pháp truy vết kỹ thuật số.

Ngày 29/6, tại Matera, Italy, Ngoại trưởng các nước thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) họp và thảo luận về các cách thức nhằm đảm bảo sự phân bổ công bằng thuốc và vaccine ngừa Covid-19 cho các nước đang phát triển.

* Tại châu Mỹ

Cuba ghi nhận thêm 2.589 ca mắc mới và 12 ca tử vong trong một ngày qua, nâng tổng số ca mắc và tử vong lên lần lượt là 184.943 ca và 1.253 ca. Như vậy, đây là ngày thứ 4 liên tiếp số ca mắc mới trên ngưỡng 2.000.

Trong đó, tỉnh Matanzas, tâm dịch mới của quốc đảo Caribbean, có số ca mắc mới trong ngày cao nhất cả nước, với 508 ca.

Thủ đô Havana, từng là tâm dịch của Cuba trong nhiều tháng, đang chứng kiến số ca mắc mới giảm dần sau khi Bộ Y tế tập trung đẩy nhanh tốc độ tiêm phòng khẩn cấp, sử dụng vaccine Abdala.

Giới chức hy vọng tiêm cho toàn bộ 2,2 triệu dân Havana trước cuối tháng 7 tới. Tới nay, Cuba đã tiêm được 5,59 triệu liều vaccine Abdala và Soberana-02, với hơn 2,68 triệu người dân đã nhận được ít nhất 1 mũi vaccine.

Ngày 28/6, cơ quan y tế và các nhà khoa học Cuba bắt đầu mở rộng một cuộc thử nghiệm lâm sàng vaccine ngừa Covid-19 Soberana-02 và Soberana Plus đến lứa tuổi trẻ em và thanh thiếu niên. Đây là 2 trong 5 loại vaccine do Cuba đang nghiên cứu sản xuất.

Cùng ngày, cơ quan y tế Venezuela khởi động chương trình tiêm chủng đại trà tại thủ đô Caracas, sử dụng vaccine Abdala của Cuba.

Đại diện nhà sản xuất vaccine BioCubaFarma, ông Pedro Almendares cho biết, những liều vaccine đầu tiên đến Venezuela là "sự hiện thực hóa quyết định của nhân dân Cuba phối hợp với nhân dân các nước láng giềng trong cuộc chiến chống dịch".

Gần đây, Cuba đã ký hợp đồng với Bộ Y tế Venezuela nhằm cung cấp 12 triệu liều vaccine, sẽ được giao dần đến trước tháng 10 tới.

Trong khi đó, 3 Thượng nghị sỹ Brazil đã đệ đơn kiện Tổng thống Jair Bolsonaro lên Tòa án Tối cao, cáo buộc ông không chỉ đạo tiến hành điều tra vụ tình nghi tham ô lớn trong việc mua vaccine ngừa Covid-19.

Thượng nghị sĩ đối lập Randolfe Rodrigues nhấn mạnh, ông đệ đơn khiếu nại hình sự lên Tòa án Tối cao cáo buộc Tổng thống Bolsonaro không có hành động sau khi nắm được thông tin về tham ô tại Bộ Y tế nước này.

Tuần trước, một ủy ban của Thượng viện Brazil điều tra về cách thức ứng phó của chính phủ đối với đại dịch Covid-19 đã phát hiện Tổng thống Bolsonaro biết rõ về vụ tham nhũng liên quan thỏa thuận mua vaccine Covaxin do Ấn Độ sản xuất trị giá 300 triệu USD nhưng không có hành động can thiệp.

Ngày 28/6, Nhà Trắng thông báo Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ đến bang Michigan ngày 4/7 nhằm đánh dấu sự tiến triển của chiến dịch đối phó với Covid-19. Đây được coi như một phần chuỗi các hoạt động đánh dấu “nước Mỹ trở lại” của chính quyền Tổng thống Biden.

Ông Biden đặt mục tiêu tiêm chủng ít nhất một liều vaccine cho 70% người Mỹ từ 18 tuổi trở lên, chậm nhất vào ngày 4/7.

Hồi tuần trước, Nhà Trắng thừa nhận Mỹ khó có thể đạt được mục tiêu này, tuy nhiên các quan chức đang nỗ lực đánh dấu bước tiến trong cuộc chiến chống Covid-19.

* Tại châu Á

Cơ quan Giám sát Thực phẩm và Dược phẩm Indonesia (BPOM) cho phép thử nghiệm lâm sàng thuốc Ivermectin trong điều trị bệnh nhân Covid-19.

Tuy nhiên, người đứng đầu BPOM kêu gọi người dân không tự mua Ivermectin để điều trị mà không tham khảo ý kiến chuyên gia, đồng thời cảnh báo loại thuốc này cần phải được sử dụng tuyệt đối đúng cách.

BPOM bật đèn xanh cho các thử nghiệm lâm sàng Ivermectin sau khi cân nhắc một số yếu tố, trong đó có tốc độ lây lan dịch, công bố toàn cầu về việc sử dụng loại thuốc này và hướng dẫn của WHO về việc điều trị cho bệnh nhân Covid-19.

Cùng ngày, Tổng thống Indonesia Joko Widodo khẳng định quốc gia này sẽ sớm triển khai tiêm vacccine của hãng Sinovac (Trung Quốc) cho trẻ em từ 12-17 tuổi.

Giới chức y tế Hàn Quốc ngày 29/6 cho biết những người đến từ Ấn Độ, Indonesia, Pakistan và Philippines và 17 quốc gia khác sẽ không được miễn cách ly 14 ngày kể cả khi họ đã được tiêm vaccine Covid-19 đầy đủ, trong bối cảnh lo ngại gia tăng về sự lây lan của biến thể Delta.

Trước đó, Hàn Quốc thông báo kế hoạch cho phép những người được tiêm vaccine đầy đủ nhập cảnh vào Hàn Quốc mà không phải trải qua thời gian tự cách ly. Chính sách mới sẽ có hiệu lực từ tháng 7 tới.

Trước sự bùng phát trở lại của dịch Covid-19 và sự lây lan rộng virus biến thể Delta trong cộng đồng ở Anh, đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) liên tiếp phát hiện nhiều trường hợp đến từ Anh mang biến thể L452R.

Chính quyền Hong Kong quyết định cấm tất cả các chuyến bay chở khách từ Anh bắt đầu từ sáng sớm 1/7 tới, đồng thời xếp Anh vào khu vực có nguy cơ rất cao, hạn chế hành khách từng dừng ở Anh trong hơn hai giờ kể từ khi lên máy bay đến Hong Kong.

Cục Khoa học y tế của Thái Lan cho biết khoảng 30% số bệnh nhân Covid-19 ở thủ đô Bangkok sẽ được xét nghiệm để xác định xem họ có nhiễm biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 hay không, vì biến thể xuất hiện đầu tiên ở Ấn Độ này được dự đoán sẽ trở thành biến thể chủ yếu ở Bangkok trong vòng vài tháng tới.

Cục Khoa học y tế nhấn mạnh Bangkok là ổ dịch lớn nhất của biến thể Delta, với 331 ca mắc mới được ghi nhận tuần trước, nâng số bệnh nhân nhiễm biến thể này lên 822.

Hãng tin PTI dẫn nguồn tin Bộ Y tế Ấn Độ cho biết nước này đã vượt qua Mỹ về tổng số liều vaccine Covid-19 được tiêm cho người dân.

Kể từ khi khởi động chiến dịch tiêm chủng Covid-19 ngày 16/1, Ấn Độ đã tiêm hơn 323,6 triệu liều, trong khi Mỹ bắt đầu sớm hơn 1 tháng và đến nay đã tiêm hơn 323 triệu liều.

Tính đến sáng 28/6, tổng cộng đã có 323.663.297 liều vaccine được tiêm cho người dân. Chỉ tính riêng trong 24 giờ qua, Ấn Độ đã tiêm 1.721.268 liều vaccine ngừa Covid-19.

Chính phủ Ấn Độ kêu gọi càng nhiều người dân đi tiêm vaccine ngừa Covid-19 càng tốt. Chiến dịch tiêm chủng được thực hiện ở tất cả các bang, các khu phố và thậm chí đến từng nhà với hy vọng hoàn thành tiêm chủng cho 75% dân số trước tháng 12 tới.

Dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, Bộ Y tế kêu gọi mỗi người dân:

1. Hạn chế đến nơi công cộng, tụ tập đông người không cần thiết.

2. Không được chủ quan, lơ là. Luôn đề cao cảnh giác phòng chống dịch, khi phát hiện các trường hợp nghi ngờ nhập cảnh trái phép cần lập tức thông báo ngay cho chính quyền địa phương để tổ chức cách ly, xử lý kịp thời.

3. Thực hiện tốt Khuyến cáo 5K: KHẨU TRANG - KHỬ KHUẨN - KHOẢNG CÁCH - KHÔNG TỤ TẬP - KHAI BÁO Y TẾ để phòng, chống dịch Covid-19.

4. Liên hệ với đường dây nóng Bộ Y tế: 1900.9095 để được tư vấn khi cần thiết.

Vì lợi ích của đất nước, cộng đồng và của chính mình, mỗi người dân Việt Nam hãy đồng lòng quyết tâm giữ vững thành quả đã đạt được trong phòng, chống dịch Covid-19!

(tổng hợp)