📞

Cập nhật Covid-19 ngày 30/12: Số ca nhiễm kỷ lục ở Anh lúc 'dầu sôi lửa bỏng'; Biến thể mới không làm bệnh nặng hơn; Ông Biden khuyên ông Trump

Thế Việt 11:24 | 30/12/2020
TGVN. Theo trang thống kê Worldometers, thế giới hiện ghi nhận 82.322.170 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 1.796.292 trường hợp tử vong và 58.331.445 bệnh nhân bình phục.

* Tại châu Âu, theo số liệu chính thức được công bố ngày 29/12, Anh có thêm 53.135 ca mắc bệnh Covid-19 trong 24 giờ qua. Đây là lần đầu tiên nước này ghi nhận số ca mắc mới trong một ngày trên 50.000 ca kể từ khi dịch bệnh bùng phát.

Theo đó, tổng số ca mắc tại Anh đã tăng lên 2.382.865 ca, trong đó có 71.567 ca tử vong, tăng thêm 414 trường hợp.

Giám đốc điều hành Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) Simon Stevens cảnh báo, trong làn sóng dịch bệnh thứ hai hoành hành ở châu Âu, nước Anh "đã trở lại mắt bão” khi số bệnh nhân Covid-19 đang được điều trị tại các bệnh viện nước này vượt cả mốc đỉnh dịch hồi tháng 4.

Theo NHS, có 20.426 bệnh nhân Covid-19 đang được điều trị tại các bệnh viện trên cả nước ngày 28/12, cao hơn so với mốc đỉnh 18.974 người được ghi nhận ngày 12/4 trong làn sóng dịch bệnh đầu tiên.

Trong đó, số bệnh nhân được điều trị tại các bệnh viện ở London tăng gần 1.000 người kể từ lễ Giáng sinh, tức là tăng 25% trong 5 ngày, từ 3.966 người hôm 24/12 lên 4.957 người ngày 28/12.

Nhóm Cố vấn Khoa học cho chính phủ Anh về các tình trạng khẩn cấp khuyến cáo nhà chức trách cần áp đặt các biện pháp hạn chế ở mức cao nhất - cấp độ 4 - để phòng dịch tiếp tục lây lan.

Trong khi đó, tại Đan Mạch, Thủ tướng Mette Frederiksen thông báo quyết định gia hạn biện pháp giãn cách xã hội trên toàn quốc đến ngày 17/1/2021 trong bối cảnh tình hình dịch bệnh đang diễn biến nghiêm trọng hơn so với hồi mùa Xuân.

Trong tháng 12, số ca mắc mới ở Đan Mạch đã tăng hơn gấp đôi so với tháng trước. Ngày 29/12, quốc gia châu Âu công bố thêm 2.621 ca mắc và 22 ca tử vong trong 24 giờ qua, trong khi số ca mắc phải nhập viện tăng thêm 28 ca lên 900 - mức cao chưa từng thấy.

Như vậy, đến nay, đất nước 5,8 triệu dân này ghi nhận tổng cộng 158.447 ca mắc và 1.226 ca không qua khỏi.

Tại Đức, theo thống kê của các cơ quan y tế, trong 24 giờ qua, ghi nhận số ca tử vong cao nhất từ đầu dịch, với trên 1.000 trường hợp.

Trong ngày cũng ghi nhận có thêm 17.000 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm cho đến nay lên gần 1.680.600 ca, với 31.676 ca tử vong. Hiện cả nước Đức còn khoảng 360.300 người nhiễm bệnh.

* Tại khu vực châu Á, ngày 30/12, cơ quan Y tế Quốc gia (NHC) của Trung Quốc cho biết, Trung Quốc đại lục ghi nhận 24 ca nhiễm Covid-19 mới trong ngày 29/12, giảm so với 27 ca của một ngày trước đó.

Tổng số ca mắc Covid-19 được xác nhận ở Trung Quốc đại lục hiện là 87.027 người, trong khi số người tử vọng vẫn không đổi ở mức 4.634 người.

* Liên quan biến thể mới của SARS-CoV-2, cơ quan Y tế công của Anh vừa công bố nghiên cứu cho thấy, biến thể VUI-202012/01 được phát hiện tại nước này dường như không gây ra bệnh nặng hơn các biến thể khác.

Kết quả sơ bộ từ nghiên cứu các mẫu tương tự nhau cho thấy, không có sự khác biệt về mặt thống kê liên quan tỷ lệ nhập viện và tỷ lệ tử vong trong 28 ngày giữa các trường hợp có biến thể với các trường hợp lây nhiễm tự nhiên.

Nghiên cứu cũng chỉ ra không có sự khác biệt đáng kể về khả năng tái nhiễm với biến thể mới của virus SARS-CoV-2 so với các biến thể khác.

Trong khi đó, giới chức y tế bang Colorado (Mỹ) đã xác nhận ca đầu tiên tại Mỹ nhiễm biến thể VUI-202012/01.

Chile cũng cho biết, nước này đã phát hiện trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể mới của virus được phát hiện tại Anh.

* Liên quan vaccine ngừa Covid-19, ngày 29/12, Phó Tổng thống đắc cử Mỹ Kamala Harris đã được tiêm chủng vaccine của hãng dược Moderna tại bệnh viện công United Medical Center (UMC) ở thủ đô Washington D.C, một tuần sau khi Tổng thống đắc cử Joe Biden được tiêm.

Cùng ngày, ông Biden đã kêu gọi nhà lãnh đạo Mỹ đương nhiệm Donald Trump tiêm vaccine ngừa Covid-19.

Sputnik dẫn lời ông Biden cho hay: "Khi các bác sĩ của ông Trump khuyến nghị điều đó thì Tổng thống Trump nên tiêm vaccine để tạo cho mọi người mức độ tin tưởng đúng như vậy".

Ông Biden cũng bày tỏ hy vọng rằng đương kim Tổng thống sẽ lên tiếng "một cách rõ ràng và dứt khoát", kêu gọi tất cả người dân Mỹ sử dụng vaccine khi sản phẩm này có sẵn.

Argentina đã khởi động chiến dịch tiêm đại trà vaccine Sputnik V của Nga, trở thành quốc gia đầu tiên ở châu Mỹ sử dụng vaccine này để ngừa Covid-19. Argentina cũng là nước thứ 4 ở Nam Mỹ tiến hành tiêm chủng đại trà, sau Mexico, Costa Rica và Chile.

Tại châu Âu, ngày 29/12, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết, Liên minh châu Âu (EU) đã quyết định mua thêm 100 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 của Pfizer/BioNTech.

Như vậy, 27 quốc gia EU sẽ nhận được 300 triệu liều vaccine đã được đánh giá là an toàn và hiệu quả.

Bộ trưởng Y tế liên bang Đức Jens Spahn cùng ngày cho biết, nước này có thể có đủ vaccine phòng Covid-19 để tiêm chủng cho người dân vào mùa Hè tới nếu một trong 3 loại vaccine của Johnson & Johnson, AstraZeneca hay CureVac được EU cấp phép sử dụng.

Cuối tuần qua, Đức bắt đầu tiêm chủng vaccine của công ty BioNTech/Pfizer cho nhóm đối tượng ưu tiên số 1 là những người cao tuổi.

Tại Anh, Bộ Quốc phòng cho biết, 1.500 quân nhân sẽ tiến hành hội thảo trực tuyến và trả lời điện thoại của nhân viên trường học về việc lập các điểm xét nghiệm hàng loạt cho học sinh trong bối cảnh năm học mới sẽ bắt đầu vào tuần tới cũng như sẵn sàng cung cấp hỗ trợ trực tiếp nếu cần.

Tại Đông Nam Á, Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin cho biết, nước này sẽ có đủ vaccine ngừa Covid-19 cho 181,5 triệu người trong năm 2021, với mục tiêu đạt miễn dịch cộng đồng và phá vỡ chuỗi lây lan virus SARS-CoV-2 gây bệnh.

Hiện chính phủ Indonesia đã mua được 125 triệu liều vaccine của công ty dược phẩm sinh học Trung Quốc Sinovac Biotech, 130 triệu liều từ công ty công nghệ sinh học Novavax của Mỹ.

Bên cạnh đó, Indonesia đang đàm phán mua 100 triệu liều vaccine của hãng AstraZeneca (Anh - Thụy Điển) và 100 triệu liều của công ty Pfizer/BioNTech (Mỹ - Đức).

Trong khi đó, Indonesia cũng hợp tác để có khoảng 16 triệu - 100 triệu liều vaccine từ Cơ chế tiếp cận vaccine toàn cầu COVAX - chương trình do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khởi xướng.

(tổng hợp)