Cập nhật Covid-19 ngày 30/3: Mỹ Latinh 'báo động'; Châu Âu sẵn sàng phê chuẩn hộ chiếu vaccine; EU chia rẽ vì vaccine Sputnik V của Nga |
Mỹ vẫn là nước có số ca nhiễm Covid-19 mới cao nhất với 56.540 ca, tiếp sau là Ấn Độ 56.119 ca, Brazil 42.666 ca, Thổ Nhĩ Kỳ 32.404 ca.
* Theo Cơ quan Kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Mỹ, 95% trong tổng số 11.000 ca dương tính với các biến thể mới của SARS-CoV-2 được xác định nhiễm biến thể B.1.1.7 tại Anh.
Các chuyên gia cảnh báo nguy cơ số ca nhiễm mới tăng vọt tại Mỹ trong bối cảnh đã ghi nhận tổng cộng 5 biến thể mới của SARS-CoV-2 lây lan trong nước, bao gồm biến thể tại Anh, Nam Phi, Brazil và 2 biến thể lần đầu tiên được phát hiện tại bang California.
Hiện CDC Mỹ đang theo dõi sát sao biến thể mới này, đồng thời khuyến cáo người dân cần tiếp tục đeo khẩu trang và đảm bảo giãn cách xã hội.
Mặc dù số ca nhiễm mới Covid-19, số ca tử vong và nhập viện nhìn chung đã giảm trong nhiều tuần qua, nhưng Mỹ đang lại bắt đầu chứng kiến xu hướng số ca nhiễm mới tăng trở lại tại 27 bang. Theo CDC Mỹ, số ca nhiễm mới trung bình trong 7 ngày qua tại nước này là 61.000 ca/ngày, tăng 10% so với tuần trước đó.
Theo nghiên cứu công bố ngày 29/3, các vaccine ngừa Covid-19 của Pfizer/BioNTech và Moderna hiệu quả tới 90% trong việc phòng ngừa nguy cơ nhiễm virus SARS-CoV-2. Cả hai vaccine này đều được sản xuất dựa trên công nghệ mRNA (mang thông tin di truyền).
Ngày 29/3, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố Mỹ sẽ dẫn dắt và thúc đẩy nỗ lực tiêm vaccine ngừa Covid-19 trên toàn cầu sau khi đạt được tiến độ tiêm chủng nhanh chóng ở trong nước. Ông Blinken bày tỏ tin tưởng trong những tháng tới và theo thời gian, Mỹ sẽ đi đầu trong nỗ lực thúc đẩy khả năng tiếp cận vaccine trên toàn cầu.
* Tại khu vực Nam Mỹ, sự lây lan chóng mặt của biến thể mới của Covid-19 được phát hiện ở bang Manaos thuộc vùng Amazona của Brazil không chỉ khiến cho hệ thống bệnh viện của nước này quá tải, số ca nhiễm mới và tử vong tăng cao kỷ lục, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới nhiều nước láng giềng.
Trong bối cảnh đó, Bolivia và Argentina đã buộc phải đưa ra những biện pháp đối phó mới, trong khi Chile và Paraguay đã áp đặt trở lại lệnh phong tỏa bắt buộc.
Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh diễn biến nhanh chóng, Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) cảnh báo khu vực Mỹ Latinh đang ở thời điểm hết sức nghiêm trọng khi biến thể của Covid-19 phát hiện tại Brazil đang lây lan rộng ra nhiều nước láng giềng và có thể khiến cho hệ thống bệnh viện tại nhiều nước sụp đổ.
PAHO kêu gọi chính phủ các nước cần phải đưa ra những biện pháp phòng chống dịch một cách nghiêm ngặt hơn, cũng như đẩy nhanh các chương trình tiêm vaccine để có thể kiểm soát tình hình một cách hiệu quả hơn.
* Tại châu Âu, dịch bệnh tiếp tục lây lan. Trong 24 giờ qua, Ba Lan là quốc gia ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất, 16.965 ca, tiếp sau là Italy (12.916 ca), Đức (10.055 ca), Pháp (9.094), Ukraine (8.346 ca).
Trước tình hình này, ngày 29/3, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cảnh báo dịch bệnh Covid-19 có nguy cơ gây ra một loạt cuộc khủng hoảng dây chuyền như nợ công, giáo dục, bất bình đẳng giữa các nước và ngay trong các nước.
Ngày 29/3, Chủ tịch Ủy ban Tự do dân sự, tư pháp và nội vụ, Nghị sĩ Juan Fernando Lopez Aguilar đã xác nhận Nghị viện châu Âu (EP) dự kiến sẽ phê chuẩn hộ chiếu vaccine trong phiên họp toàn thể diễn ra từ ngày 7-10/6 tới. Nghị sĩ Aguilar cũng là người phụ trách hồ sơ về hộ chiếu sức khoẻ của EP.
Trong khi đó, vaccine Sputnik V của Nga tiếp tục chia rẽ các nước châu Âu thành hai phe. Trong khi một nhóm các quốc gia, trong đó có Đức, sẵn sàng mua Sputnik V, một số nước khác, dẫn đầu là Pháp và Ba Lan, đang phản đối loại vaccine này vì lý do chính trị.
Thủ tướng Đức Angela Merkel gần đây cho biết EU nên sử dụng bất kỳ loại vaccine nào đã được Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) phê duyệt. Berlin cũng ám chỉ rằng họ có thể đơn phương đặt hàng trước Sputnik V nếu các nước thành viên khác không quan tâm đến việc thiết lập một cách tiếp cận trên toàn EU.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Drian đã cáo buộc Moscow sử dụng vaccine như một công cụ để thực hiện chính sách đối ngoại.
Phát biểu trong cuộc phỏng vấn với đài phát thanh France Info, ông Le Drian nói: "Về mặt quản lý, vaccine Sputnik V là một phương tiện tuyên truyền và ngoại giao tích cực hơn là một phương tiện đoàn kết và viện trợ y tế".
* Tại châu Phi, tổng số ca nhiễm SARS-CoV-2 tại đã lên tới 4,22 triệu ca, sau khi ghi nhận thêm 9.683 ca trong 24 giờ qua. Ethiopia hiện đang là điểm nóng của dịch bệnh tại châu lục này, với số ca nhiễm mới là 1.982, cao nhất châu lục trong 24 giờ qua.
Với thỏa thuận vừa đạt được với hãng dược phẩm Mỹ Johnson & Johnson, theo đó, Liên minh châu Phi sẽ được tiếp nhận 400 triệu liều vaccine của hãng trong quý III/2021, cùng với số vaccine được tiếp nhận trong COVAX - chương trình phân phối vaccine cho những nước có thu nhập thấp và trung bình, châu Phi sẽ đạt được mục tiêu tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 cho ít nhất 750 triệu người, tương ứng 60% dân số của châu lục.
* Ngày 29/3, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (TTK LHQ) Antonio Guterres đã lên tiếng kêu gọi thế giới triển khai các biện pháp khẩn cấp và quyết liệt nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng nợ do dịch Covid-19 gây ra.
Theo TTK Guterres, thế giới cần hành động khẩn cấp để hỗ trợ chính phủ các nước thu nhập thấp và trung bình có thể tiếp cận nguồn tiền mặt và giảm bớt gánh nặng nợ cho các nước này.
Ông lưu ý các nước giàu hơn đã dành khoảng 16.000 tỷ USD cho các biện pháp hỗ trợ khẩn cấp kinh tế và y tế, qua đó tạo điều kiện để các nền kinh tế này phục hồi. Ngược lại, các nước đang phát triển không thể đầu tư nhiều để thúc đẩy phục hồi và tăng cường năng lực chống chịu do tài chính hạn hẹp.